Một tác phẩm văn học hấp dẫn về Nho giáo Hàn Quốc
VNTN - Kể về cuộc sống của các nho sinh tại Trường Đại học Sung Kyun Kwan vào thời vua Chính Tổ, tiểu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan của nhà văn Jung Eun Gwol đã trở thành một tác phẩm tạo được tiếng vang không chỉ ở Hàn Quốc mà còn lan rộng khắp châu Á. Đặc biệt, qua tác phẩm, độc giả có thể phần nào tiếp cận Nho giáo Hàn Quốc.
Poster phim truyền hình dài hai mươi tập mang tên Vụ rắc rối tại Thành Quân Quán
Tiểu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan của nhà văn Jung Eun Gwol được xuất bản lần đầu tại Hàn Quốc vào năm 2009. Đến cuối năm 2010, tác phẩm này được chuyển thể thành phim truyền hình dài hai mươi tập mang tên Vụ rắc rối tại Thành Quân Quán. Tại Việt Nam, sau khi được cộng đồng các cư dân mạng chia sẻ trên những website cung cấp phim Hàn và tạo nên làn sóng yêu thích khá cuồng nhiệt, cuối cùng bộ phim cũng được trình chiếu một cách chính thức trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam với nhan đề Chuyện tình ở Sung Kyun Kwan vào đầu năm 2012. Có lẽ thấy được sức hút của bộ phim cổ trang này, một năm sau đó (2013), các đơn vị phát hành sách ở Việt Nam đã dịch và giới thiệu tác phẩm này với cái tên khá độc đáo nhằm tạo hiệu ứng chú ý ở độc giả: Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan.
Dù có dung lượng khá dày, với hai tập sách hơn 800 trang, nhưng Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan vẫn khiến người đọc mê đắm khôn nguôi bởi lối văn bay bổng, nhẹ nhàng, mượt mà và tinh tế. Điều đó phần nào cho thấy giá trị về nghệ thuật lẫn nội dung của tác phẩm này. Đề cao tình bạn chân thành bất chấp đảng phái chính trị thông qua hình tượng nhóm 4 người trong Thùy diện tứ nhân bang, cũng như dành nhiều chương đoạn để đặc tả về những mối quan hệ gia đình, triều chính phức tạp, tác phẩm Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan phần nào cho thấy những đặc điểm của Nho giáo Hàn Quốc trong thời kỳ trung đại.
Xiển dương những tinh thần tích cực
Qua câu chuyện về Thùy diện tứ nhân bang, tiểu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan đã xây dựng một không gian Hàn Quốc thời vua Chính Tổ hết sức sống động. Đây là triều đại mà Nho giáo vô cùng hưng thịnh. Xây dựng các nhân vật là các nho sinh đang ngày đêm dùi mài kiến thức để sau này ra sức phò vua giúp nước, nhà văn Jung Eun Gwol cũng dành nhiều tình tiết để các nhân vật trao đổi về những biểu hiện của tư tưởng Nho giáo trong đời sống, qua đó, làm nổi bật lên tâm thức của thời đại được chi phối bởi ý thức hệ Nho giáo.
Trong tiểu thuyết này, tinh thần yêu nước của các nho sinh được thể hiện suốt chiều dài tác phẩm. Khi được Hoàng thượng giao mật lệnh yêu cầu tìm kiếm Kim Đằng Chi Thư, nhóm Tứ nhân bang đã dành nhiều tâm sức để thực hiện. Song kỳ thực, từ trước đó, với tinh thần quan tâm chính sự, một lòng phó tá đức vua, và lo lắng cho đông đảo bách tính, tất cả Kim Yoon Hee, Lee Sun Jun, Gu Yong Ha và Mun Jae Sin đều luôn suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến Kim Đằng Chi Thư. Cuối cùng, Yoon Hee đã tìm thấy Kim Đằng Chi Thư.
Tiếu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan
Những nghĩa cử thảo hiền của nữ chính Yoon Hee cho thấy một tinh thần hiếu đễ sâu đậm. Đây cũng là tinh thần của người dân Hàn. Coi trọng tình cảm gia đình, hiếu kính với mẹ cha, thương yêu anh em, nhân hậu với người thân, quý trọng tình bè bạn, hòa mục với quê hương là những chuẩn mực đạo đức, những hành vi ứng xử mà Nho giáo Hàn Quốc hướng đến. Trong các mối quan hệ cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, thân tộc thì mối quan hệ và trách nhiệm đối với đấng sinh thành là cao nhất.
Thẳng thắn chỉ ra những yếu tố tiêu cực
Đằng sau câu chuyện tình bi ai và gay cấn của đôi trai tài gái sắc Sun Jun và Yoon Hee, tiểu thuyết lịch sử Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan còn chuyển đến độc giả những tác động tiêu cực của Nho giáo đối với đời sống xã hội Hàn Quốc thời kỳ trung đại. Cản lực đối với tình yêu của hai nhân vật chính ở đây cũng chính là cản lực khiến xã hội trì trệ.
Hàn Quốc từ xưa đã được gọi là Đông phương lễ nghĩa chi quốc. Hệ thống lễ trị của Nho giáo cũng chính là sợi dây ràng buộc suy nghĩ cũng như hành động của con người. Con người trở nên cứng nhắc, chỉ chăm chăm một khuôn phép xưa cũ, lâu dần sinh ra tính bảo thủ. Những quy tắc trong Sung Kyun Kwan chính là biểu hiện sinh động cho những hạn chế này của Nho giáo ở Hàn Quốc thời đại phong kiến.
Nho giáo cổ xúy xây dựng một xã hội ổn định. Song, nếu xét về căn nguyên của vấn đề thì hầu hết những phép tắc - nhằm tạo ra sự trật tự ổn định ấy đều hướng đến việc duy trì cho đặc quyền đặc lợi của thiên tử, củng cố hệ thống quan quyền cai trị, từ đó gây ra tình trạng kéo dài sự phân biệt đẳng cấp. Chính vì luôn đứng ở tâm thế và lập trường của giai cấp thống trị nên Nho giáo chưa nhận thấy được vai trò của những người thuộc tầng lớp bị trị trong công cuộc cải tạo xã hội. Sự phân cấp thứ bậc, giai tầng xã hội ấy đã được thể hiện qua trường hợp của anh chàng Geo Yong Ha đào hoa.
Mặt khác, chế độ khoa cử lại mang tính hai mặt khi chính nó cũng dần trở thành rào cản để các tầng lớp thấp trong xã hội có thể thay đổi thân phận. Nhằm khẳng định tính lỗi thời của sự phân biệt giai cấp, nhà văn Jung Eun Gwol đã xây dựng nhân vật Sun Joon với hình tượng là một trí thức cấp tiến của thời đại với biệt danh Giai lang - hoàn hảo cả về gia thế, ngoại hình, nhân phẩm lẫn học thức.
Với thái độ nam tôn nữ ti, hạ thấp vai trò, khả năng và phẩm chất của phụ nữ, Nho giáo đã tạo ra một hiện thực bất bình đẳng giới vô cùng nghiêm trọng trong xã hội. Ở tư thế bị động, người phụ nữ thời phong kiến ở Hàn Quốc phải chú tâm hơn hết vào việc tề gia nội trợ để trở thành một người phụ nữ của gia đình, không được tham gia vào các hoạt động khác bên ngoài xã hội. Việc học hành, thi cử, làm quan đối với phụ nữ trở thành một thứ xa xỉ, một giấc mơ quá đỗi xa vời trong cuộc đời của họ. Rõ ràng, đây là quy định trái với quyền và nhu cầu của người phụ nữ!
Có thể nói, chỉ qua một tác phẩm văn học, nhà văn Jung Eun Gwol đã giúp bạn đọc có cái nhìn ban đầu để phần nào tiếp cận được tinh thần Nho giáo của Hàn Quốc. Đây cũng là một cách thú vị để bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu về nền văn hóa ẩn chứa nhiều độc đáo này.
Trần Xuân Tiến
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...