Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
16:44 (GMT +7)

Một số tác phẩm của Trần Văn Chín 

“LẶN LỘI THÂN CÒ” Ở TẦNG HẦM CHỢ THÁI

Nhà thơ Tú Xương từng làm thơ trân trọng tặng người vợ tảo tần “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông...”. Còn họ, những người đàn bà cặm cụi mưu sinh nơi tầng hầm chợ Thái, không biết đã được ai viết tặng câu thơ nào chưa nhỉ?

Cũng như cụ bà Tú Xương xưa, họ hầu hết là phụ nữ. Những cô bác buôn bán nhỏ, những chị công nhân thất nghiệp, những em gái không thi đậu vào các trường chuyên nghiệp, hoặc có bằng cử nhân hẳn hoi nhưng không xin được việc làm... Cũng có khi là những cụ đã hết tuổi lao động nhưng không muốn sống phụ thuộc vào con cái. Rồi cả nhưng chị em từ nơi khác định cư về thành phố... Nói chung là rất nhiều hoàn cảnh, lí do khiến họ chọn lựa nơi tầng hầm chợ Thái để mưu sinh.

Từ khi chợ Thái xây dựng kiên cố, mỗi hộ đều đã cố gắng mua được quầy hàng cố định, chấm dứt cái cảnh sáng kéo xe cải tiến chuyển hàng ra, tối chuyển hàng về, phơi nắng, phơi mưa, phơi sương, phơi gió, buôn đầu chợ bán cuối chợ như dăm năm về trước...Vậy nhưng, những người buôn bán ở khu vực tầng hầm đâu đã hết vất vả, hàng chủ yếu là các loại nặng, cồng kềnh, hàng tươi sống tiêu thụ trong ngày nên chưa mấy người được “ăn trắng mặc trơn”...

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai

Các cụ xưa có câu: “Nằm đất với cô hàng hương còn hơn nằm giường với cô hàng mắm”. Hàng ngày, những người ở tầng trệt này phải chịu đủ các loại mùi ô hợp từ các quầy hàng mắm, hàng tôm, hàng cá, hàng gà, hàng thịt, hàng vàng hương, hoa quả.v.v... xông lên. Vào những ngày hè oi bức, bước chân vào cổng tầng hầm, người ta đã bắt gặp một luồng không khí ngột ngạt, có cảm giác như là đặc quánh, muốn ngột thở. Cô Hồng bị tràn dịch màng phổi, bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai cho rằng, một trong những nguyên nhân gây bệnh là do môi trường làm việc bị ô nhiễm nặng.

Một công chức có cô vợ bán ở quầy hàng gà tâm sự: “Vì miếng cơm manh áo mà phải làm thôi. Hôm nào vợ chồng cũng phải dậy từ sớm để thịt gà (trước đây không có máy nhổ lông, hai, ba giờ sáng đã phải dậy). Hôm nào còn hàng thì vợ chồng phải thi nhau gọi điện thoại cho các hàng ăn, hàng phở nhờ họ nhập cho với giá hòa hoặc lỗ một chút cũng được, hãn hữu lắm mới phải đưa vào tủ bảo ôn. Bữa cơm tối gia đình thường là 8 giờ 30 đến 9 giờ, không còn thời gian nghỉ ngơi chăm sóc con cái và thăm thú bạn bè. Đã vậy, những đợt cúm gia cầm H nọ, H kia, sợ đến phát khiếp, những ngày đó còn kéo theo không bán được hàng, không có thu nhập...”

Chị Ngô, kinh doanh hàng nông sản, lúc nào cũng bộ quần áo mầu cỏ úa. Nhiều người ra mua hàng cứ tưởng chị nghỉ hưu từ công an hay bộ đội. Chị lí giải: “Suốt ngày vầy đất, vầy cát như thế này, quần áo nào chịu được mà bảo ăn trắng mặc trơn!”. Nghe nói, có lẽ từ nguồn đất cát phân gio của các loại củ mà năm 2005, chị bị nhiễm vi trùng uốn ván suýt chết, đến nay di chứng vẫn còn, sức khỏe rất yếu, trở thành “con người thời tiết”, thường xuyên bị cảm gió, tụt huyết áp... nhưng vẫn phải đi chợ vì đã là cái nghiệp rồi, trẻ chưa qua, già chưa tới, chả nhẽ ngồi nhà nghỉ chơi à, không có thu nhập mà lại còn ốm thêm.

Những người buôn bán hàng hoa quả, hàng nông sản nhiều hôm phải nhập hàng về đêm, khi đó nhân công bốc vác nghỉ cả, đành phải cùng với lái xe chuyển cả tấn hàng vào kho. Anh Chính là cán bộ nhà nước, có vợ bán hàng ở chợ tâm sự: “Hơn 20 năm rồi tôi vừa làm xe ôm, vừa làm bốc vác cho bà ấy. Gần 60 tuổi mà có hôm hàng về đêm cũng phải ghé vai vác gần tấn hàng, chuyển xong mồm mũi tranh nhau thở. Có người thấy tôi vất vả quá cũng chân tình tham gia: “Cậu làm vậy trông mất cả tư thế”. Nhưng biết làm thế nào được, mình không giúp thì vợ phải làm chứ đổ cho ai?”. Nhìn sang mấy cô hàng hoa tươi, trông thì mơn mởn, tươi tắn như nụ như hoa cả đấy, nhưng cứ phải vào nghề mới biết. Nào là cắt hoa, phun thuốc, phun nước suốt ngày, tay chân cứ sần lên như là ghẻ cóc, khác hẳn với bộ mặt tươi rói. Đã vậy, những ngày lễ tết và các ngày kỷ niệm, các cô phải thức thâu đêm để kết hoa cho kịp bán ngày hôm sau. Mỗi dịp như thế, có tẩm bổ cũng không lại sức, cho nên có mấy người bán hàng hoa được khỏe mạnh?!

Chữ tín là vàng

- Chọn bán cho tớ mấy củ khoai lang!

Chị mua loại khoai nào? Khoai miền Bắc hay khoai miền Nam?

Có cả khoai lang miền Nam bán cơ à?

Vâng, khoai lang xuất khẩu, 18 nghìn một cân!

Khiếp, đắt hơn cả gạo. Tớ chả biết, cứ loại nào ngon ngon thì chọn cho tớ một cân!

Ôi, chị chưa thưởng thức khoai này thì nên ăn cho biết. Khoai miền Nam xuất khẩu ngon lắm “bở như đỗ, ngọt như đường, vàng thơm như bánh đậu xanh”. Còn khoai lang miền Bắc thì cũng có loại bở, loại ngọt, mới thu hoạch thì không ngon bằng nhưng càng để lâu càng ngọt mà không hay bị thối!

Anh thấy nó quảng cáo hay chưa? Chị Hòa bán văn phòng phẩm ở dãy cửa hàng bách hóa Thái Nguyên cười với tôi và nói thêm: “Hôm trước tôi mua của nó củ khoai tầu, hỏi có bở không, nó bảo bở vỡ nồi. Vỡ nồi thì ai còn dám mua nữa... nói thật với anh, nhà tôi muốn ăn khoai, mua khoai biếu và các thứ gừng, hành, nghệ, tỏi đều phải lấy ở đây, cô ấy mà nghỉ thì mình cũng nghỉ luôn chứ không dám sang hàng khác.”

Đó là đoạn đối thoại mà tôi vô tình được chứng kiến tại quầy hàng nông sản “Huệ Chín”. Tìm hiểu thêm, tôi được biết, vào đầu những năm 1990, chán cảnh cơ quan nay có việc, mai nghỉ chờ, chị Huệ xin thôi việc về đi chợ. Chị bảo: Mình xin nghỉ việc, âu cũng là trong lúc khó khăn, mình “giải phóng cho nhà nước” và nhà nước “giải phóng cho mình”. Con người ta kể cũng dễ thích nghi thời cuộc, khi chưa đi chợ thì “chỉ biết mua chứ không biết bán”, vậy mà giờ thì quen rồi! Trầm ngâm một lúc, chị kể tiếp:

Nhớ mãi ngày đầu quân vào chợ, hai vợ chồng cũng phải đắn đo suy nghĩ lắm, tiền của chưa biết được bao nhiêu, không giữ được mà nhiễm cái “thói chợ búa” thì rồi hỏng hết thế hệ mai sau. Bàn mãi, cuối cùng cũng thống nhất được quan điểm: Dù làm ở môi trường nào cũng phải giữ được cái nhân, cái đức. Ông xã của mình kể cho mình nghe câu chuyện: “Một ông lão vào quầy hàng thịt bảo: Cô bán cho tôi 10 lạng thịt! Cô bán hàng hỏi lại: Bác mua một cân à? Ông lão bảo: Không, tôi mua 10 lạng! Cô bán hàng giải thích: Mười lạng là một cân bác ạ! Bác già lẩm cẩm rồi. Ông lão nói lại: Cô cứ bán cho tôi mười lạng, vì hôm qua tôi mua của cô một cân về kiểm lại chỉ có chín lạng...”. Anh ấy luôn nhắc mình “Giá cả là thỏa thuận, số lượng và chất lượng hàng hóa là thước đo phẩm chất của người bán hàng. Kinh doanh buôn bán thì phải có lãi nhưng không vì lãi xuất mà lừa lọc, ép giá khi có thời cơ. Phải luôn nhớ rằng sự tồn tại và phát triển của bạn hàng là sự tồn tại và phát triển của chính mình. Trong buôn bán thì nên coi trọng số lượng chứ đừng coi trọng lãi suất; lãi suất thấp nhưng bán được nhiều thì thu nhập vẫn cao mà hàng hóa luôn mới, không bị khấu hao tự nhiên”. Mình đã tuân thủ lời khuyên đó, khi nhập hàng và bán hàng luôn thận trọng, nhất là hàng khoai thì bao giờ gia đình mình cũng phải ăn trước, ngon mới mua và khi bán, thông báo chất lượng và hương vị từng loại cho khách để khách lựa chọn. Đầu vụ và cuối vụ, nhiều loại củ quả không còn ngon bằng giữa vụ, mình phải giải thích cho khách và hướng dẫn cách chế biến để khách hài lòng. Thấy được tôn trọng nên khách hàng rất ưu ái, yêu cầu mình, nếu nghỉ dài ngày phải thông báo trước để họ có kế hoạch lấy hàng. Có lần, bị mắc bệnh hiểm nghèo, mình phải nghỉ điều trị gần một năm trời. Vậy mà, mình chỉ xuất hiện ở chợ một thời gian rất ngắn, hầu hết khách quen quay trở lại mua hàng cho.

Không chỉ có quầy “Huệ Chín” lấy chữ tín làm đầu mà nhiều người bán hàng trong chợ đã thực hiện như vậy. Âu cũng là quy luật của cơ chế thị trường, cạnh tranh đến từng chi tiết, trong đó có cả cạnh tranh lành mạnh, mà “cạnh tranh uy tín” mới thật sự là điều tuyệt vời.

Tôi rất khâm phục các bà, các chị ở trong một môi trường vô cùng phức tạp, nếu không giữ được bản lĩnh thì rất dễ bị đồng tiền làm nóa mắt, vì hám lợi mà buông tay, xa ngã. Nhiều lần bọn lang thang trộm cắp mang hàng không rõ nguồn gốc đến gạ bán, nhưng rẻ chị Huệ và nhiều chị cũng rứt khoát không mua mà cho cũng không lấy. Buôn bán cùng loại hàng, bên này mua bán được, bên kia không mua bán được cũng dễ phát sinh mâu thuẫn, gièm pha, nói xấu, tranh giành khách dẫn đến đánh cãi nhau là chuyện thường ngày...Vậy mà, hơn 20 năm buôn bán hàng ở chợ, nhiều chị vẫn giữ được nề nếp gia phong, nhẹ nhàng lịch sự, sống hòa đồng và nhường nhịn, đặc biệt không “nhiễm” thói quen dân dã, nói tục chửi bậy, chua ngoa đanh đá.

Biết chia sẻ để thêm niềm vui

Thực hiện bài ký này, tôi không có ý định nói xấu ai hoặc quảng cáo cho ai, chỉ đơn thuần là phản ánh đúng những vất vả nhọc nhằn và sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ nơi đây mà tôi nhất mực kính trọng.

Điều đầu tiên tôi cảm nhận, họ là những phụ nữ hết lòng vì chồng, vì con. Ai đã từng buôn bán ở chợ Thái đều nhớ cụ Đ, năm cụ hơn 80 tuổi mà vẫn phải “kiên trì bám trụ”, bán đủ các loại hàng lặt vặt để lấy tiền nuôi bản thân và hai đứa con hơn 40 tuổi, cậu con trai thì nghiện ma túy và cô con gái thì bị bệnh tâm thần. Cách đây hai năm, trong lúc đang bán hàng, cụ bị tai biến mạch máu não và mất ở tuổi 85, để lại hai người con giờ không biết sống chết ra sao. Không chỉ có cụ Đ mà còn nhiều người khác tuổi đã cao nhưng vì hoàn cảnh chồng con vô tích sự, tù tội, nghiện ngập mà phải dấn thân. Đã vậy, nhưng cũng có được yên với những người mà mình đang nuôi “báo cô” đâu. Trường hợp chị hàng chanh ớt mà tôi không tiện nêu tên, một mình chèo chống nuôi chồng và 3 đứa con ăn học, nhưng trưa nào chị cũng phải về sớm để nấu nướng hầu chồng. Phục vụ không đạt yêu cầu thì cho rằng: “Kiếm được đồng tiền nên coi thường chồng con”, liền bị chồng cho ăn chửi suốt đêm, thậm chí đánh đập hoặc theo ra chợ, chém nát không còn quả chanh ớt nào...

Cảm nhận thứ hai mà tôi thấy, từ khi dọn vào chợ mới, ở khu tầng hầm này đang định hình một “luồng gió mới”, thay vào những bon chen toan tính là một không khí đoàn kết và lương tựa lẫn nhau. Phong trào này tự phát chứ chưa có ai đứng ra tổ chức, được hình thành theo nhóm và khu vực để động viên thăm hỏi nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn; có những nhóm liên kết chặt chẽ, kết nghĩa chị em, mỗi khi vợ chồng con cái sinh nhật, cưới hỏi, vui buồn cùng chung gánh vác. Chị Hương tâm sự: “Tôi thường xuyên bị ốm đau và gia đình có mẹ già, hay có việc đột xuất, nếu không có chị em quầy kế bên giúp bán thì hàng hóa hỏng hết”. “Bán hộ thế liệu có yên tâm?” – tôi hỏi. “Yên tâm quá ấy chứ, việc nhận và bán hộ hàng diễn ra minh bạch, có sự chứng kiến của các hộ xung quanh. Giúp vậy, nhưng không ai nhận một đồng tiền công nào, có chăng ngày lễ tết, mình biếu chút hàng mà mình kinh doanh thì họ nhận...”.

Nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa rồi, tôi may mắn được thưởng thức một chương trình ca múa nhạc “cây nhà lá vườn” do chị em khu vực hàng vàng mã liên kết với một số hàng chè, hàng sắt, hàng nông sản... tổ chức. Buổi văn nghệ quần chúng diễn ra gần 3 tiếng đồng hồ tại một góc chợ, khu vực quầy hàng mã; chương trình có cả các tiết mục do “cánh mày dâu” và các cháu thiếu nhi tham gia. Tuy chất lượng nghệ thuật còn khiêm tốn nhưng phải nói là rất vui, thu hút hàng trăm lượt người đến dự, thể hiện không khí cởi mở, đoàn kết và nồng ấm tình người ở đây. Văn nghệ quần chúng có cái hay riêng, mộc mạc và dân dã, người tung kẻ hứng, nhiều “hoạt náo viên” còn hưng phấn nhảy cả lên sân khấu múa hát, ôm hôn các diễn viên. Sau buổi vui văn nghệ là bữa liên hoan “mặn” cho chị em khá tươm tất. Tìm hiểu thêm, tôi được biết khoảng gần hai năm trở lại đây, chị Thắm hàng dao và một số chị em chiều nào cũng tụ tập khiêu vũ, vừa giải khuây cho những lúc không bán được hàng, vừa rèn luyện sức khỏe. Trước ngày 8-3 một tháng, chị nhóm những người có năng khiếu văn nghệ lại, tổ chức chọn bài và luyện tập múa hát; chị Hà - hàng nông sản được phân công dẫn chương trình; anh Quý- chồng chị Hạnh - hàng mã, đảm nhiệm trang trí khánh tiết; anh Định – hàng chiếu, tài trợ tiền thuê tăng âm loa đài; 6 chị em Thắm + Hồi + Phương + Hoa + Hằng + Hà góp tiền thuê nhạc sỹ về đệm đàn.v.v..., những chị em khác tự giác đóng góp, tùy theo điều kiện của mỗi người, không có cũng chẳng sao, phương châm đặt ra là tiết kiệm, vui là chính.

Thâm nhập thực tế cuộc sống của chị em phụ nữ khu tầng hầm chợ Thái, tôi thấy tiếc cho mình “trí thấp, tài hèn”, nên không thể dựng lên một vở kịch, hoặc viết thành một cuốn tiểu thuyết với đầy đủ sắc mầu, cung bậc. Cho dù trong môi trường cạnh tranh quyết liệt và phức tạp, cũng có người thế này, người thế khác, nhưng điều lớn lao nhất mà tôi thấy được từ các chị là sự chịu thương chịu khó, yêu chồng, thương con...Và tôi chợt nghĩ, có lẽ ở một góc độ nào đó, những người phụ nữ này cũng đáng được coi là những anh hùng.

NHỮNG NGƯỜI THẮP SÁNG NIỀM TIN 

Trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân có rất nhiều bộ phận dù không trực tiếp, nhưng những đóng góp âm thầm của họ đã góp phần quyết định làm lên chiến thắng - họ là những cán bộ chiến sỹ phòng công tác chính trị tư tưởng của lực lượng công an nhân dân! 

Nghề cầm bút cũng lắm hiểm nguy

Vào tham quan phòng máy của Đội tuyên truyền, phòng Công tác chính trị (PX15) Công an tỉnh Thái Nguyên, điều làm tôi ngạc nhiên không phải vì phương tiện máy móc được trang bị khá hiện đại mà chính là chiếc áo giáp và hai chiếc máy bộ đàm để ngay ngắn ở đầu bàn. Như đoán được thắc mắc của tôi, trung úy Đào Danh Quốc mau miệng giải thích:

- Đây là công cụ hỗ trợ trang bị cho anh em đội tuyên truyền tham gia Đội công tác 252 đấy ạ!

- Khiếp, tuyên truyền thì làm gì mà phải mặc áo giáp?

Quốc cười phân bua:

- Thế này ạ, nhiệm vụ chính của anh em truyên truyền được giao là ghi hình ảnh làm chứng cứ phục vụ công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, do vậy bao giờ cũng được biên chế trong tốp trinh sát đi đầu, ghi ngay những khuôn hình đầu tiên trong các cuộc truy đuổi và khống chế đối tượng. Tốc độ xe chạy nhanh, có lúc 80 - 90 km/giờ, nhiều hôm truy đuổi tội phạm vào các đường thôn bản rất dễ bị ngã, vả lại tội phạm bây giờ hầu hết mang theo vũ khí, cho nên không trực tiếp “giáp lá cà” cũng phải mặc áo giáp chống đạn!

- Hoạt động của Đội 252 vào những thời điểm nào?

- Cũng chẳng cố định đâu, thường là khoảng từ 20 giờ hôm trước đến 02 giờ sáng của ngày hôm sau. Tùy thuộc vào diến biến tình hình an ninh trật tự mà Ban chỉ huy đội quyết định thời gian và tuyến đường tuần tra. Dự kiến ban đầu chỉ làm ở thành phố, nhưng thấy hiệu quả tốt nên Giám đốc quyết định triển khai xuống cả các huyện, thị.

Câu chuyện của Đào Danh Quốc nghe hấp dẫn quá khiến tôi không cầm lòng được, tôi cùng đại úy Nguyễn Thanh Hải xin tham gia “xung trận”. Đúng là có đi mới hiểu, dù trời giá rét thấu xương hay trời mưa tầm tã, tất tật đều phải đi bằng xe máy để bảo đảm bí mật và cơ động áp sát khống chế đối tượng phạm pháp. Nhiều hôm đi tuần gặp các vụ án phức tạp phải thức trắng đêm. Khi về, trinh sát và điều tra viên bàn giao vụ việc xong thì được đi ngủ, nhưng với anh em tuyên truyền thì mới hết “công đoạn một”; công việc tiếp theo còn phải viết tin bài, dựng hình và gửi ngay cho các cơ quan báo chí…, nên rất mất sức. Với phương châm “vừa đánh vừa đe”, những thông tin kịp thời và thường xuyên về hoạt động của Đội 252 đã giúp cho nhân dân nắm được, yên tâm hơn khi đêm hôm có việc phải ra khỏi nhà và ủng hộ khi thấy đội tuần tra qua địa bàn; đồng thời cũng có tác dụng răn đe bọn trộm cướp, càn quấy, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật vào ban đêm.

Thực tế cho thấy những người cầm bút trong lực lượng công an cũng lắm hiểm nguy, bởi họ không đơn thuần làm báo mà thật sự là những chiến sỹ xung kích trên trận tuyến phòng chống tội phạm. Những hình ảnh ghi lại không chỉ để tuyên truyền mà còn là “chứng cứ sống” phục vụ điều tra xét xử các vụ án. Họ được trưng tập tham gia nhiều chuyên án ma túy, hình sự ngay từ khâu trinh sát, phục kích đón lõng đến thực hiện phương án bắt khám xét kẻ phạm tội; trực tiếp đi điều tra nhiều vụ phạm pháp phản ánh trên báo chí. Có những trường hợp anh em chưa đi làm về đã có người thân của đối tượng tìm đến tận nhà, đề nghị không đưa tin trên báo chí, thậm chí có đối tượng sau khi ra tù gặp lại còn chửi và ném đá…

Hiện tại đội tuyên truyền biên chế bốn cán bộ, trong đó hai người trưng tập vào đội 252 suốt ba năm qua, hai người (có thời gian tới ba người) thay nhau đi học các lớp nghiệp vụ của ngành và các chương trình bồi dưỡng kiến thức báo chí, nhiều hôm ở đội chỉ còn một người trực… Trong khi đó, mỗi tuần phải làm 2 chương trình chuyên mục phát sóng trên đài tỉnh. Từ khi Truyền hình Công an Nhân dân lên sóng, chỉ đạo của ngành là tất cả các tin tức có liên quan đến an ninh trật tự và các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh phải được cập nhật. Ngoài ra phải đáp ứng các hoạt động công tác của Đảng ủy và Ban Giám đốc, các đơn vị chiến đấu; tham gia đầy đủ các kỳ Liên hoan truyền hình Công an nhân dân (CAND) và các cuộc thi tác phẩm báo chí ở địa phương.

Để hoàn thành khối lượng công việc kể trên, mỗi cá nhân đều phải suy nghĩ, đăng ký đề tài, số lượng tin, bài phóng sự từng quý, trên cơ sở đó chủ động thu thập thông tin, hình ảnh. Vào những dịp tổng kết hoặc có các sự kiện lớn, các kỳ liên hoan truyền hình, thi tác phẩm báo chí, tất cả cán bộ tuyên truyền đều phải gồng mình lên để “chạy” việc.

Công việc cuốn hút và chi phối khiến các anh ít có thời gian dành cho gia đình, đã có những sự so sánh, những câu phàn nàn của vợ con. Tôi nhớ mãi lời tâm sự của vợ một đồng chí Phó trưởng phòng phụ trách công tác tuyên truyền cách đây gần hai mươi năm: “Chị bảo với anh rồi, tốt nhất anh đến cơ quan mà ở chứ anh về cũng chẳng ích gì, đi vươn thở về tiếng thơ, con anh cả tuần không nhìn thấy mặt (ý chị nói là buổi sáng anh đi từ 5 giờ, khi Đài Tiếng nói Việt Nam hô thể dục và tối về vào tiết mục Tiếng thơ lúc 22 giờ), chỉ tổ cho tôi phải phần cơm, chờ cửa và giặt rũ quần áo!” Nghe vậy, anh ấy không những không buồn mà còn pha trò: “Trên đời này, cô nào vớ được anh chồng có chữ “sĩ” đều khổ, trong khi đó chồng em có tới hai chữ “sĩ” thì làm gì có sướng!”. Thấy chị trố mắt không hiểu, anh ấy giải thích: “Anh tham gia lực lượng vũ trang – ngay khi vào ngành đã có một chữ sĩ (là cán bộ chiến sĩ). Anh lại làm nghề viết báo, mà người làm báo không có chữ “sĩ” thì cũng chẳng có được những tác phẩm ra hồn. Do vậy, em đừng phàn nàn nhiều để anh khổ sở. Nghĩ mà vừa thương, vừa bực, đi như vậy nhưng có hôm đêm về lại còn cậy cục viết chứ đã được ngủ yên đâu!”.

Lòng yêu nghề cộng với cách làm việc khoa học, tự chủ và năng động sáng tạo, xác định trách nhiệm “văn là người”, dù một cái tin cũng phải cố gắng đạt các yêu cầu: nóng hổi, trung thực và hấp dẫn! Sự cố gắng ấy đã thể hiện trên các chương trình, nhiều năm chuyên mục Truyền hình An ninh Thái Nguyên được lãnh đạo Đài Phát thành – Truyền hình tỉnh khen thưởng. Sơ kết 3 năm phát sóng của Truyền hình Công an Nhân dân, với trên 200 tin, bài, phóng sự cộng tác hàng năm, Thái Nguyên được xếp thứ 7 trong tốp 10 tỉnh cộng tác tích cực nhất toàn quốc. Công an Thái Nguyên đã giành 8 Huy chương Bạc và hàng chục tác phẩm được tặng Bằng khen trong các kỳ tham gia Liên hoan truyền hình Công an Nhân dân, cùng hàng chục giải A, B, C trong các cuộc thi tác phẩm báo chí chất lượng cao do Đài phát thanh và truyền hình Thái Nguyên tổ chức; và các cuộc thi: An toàn giao thông, phòng chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em v.v… do tỉnh và các ngành tổ chức.

Vất vả hiểm nguy không quản ngại, trách móc của vợ con và người thân đành chấp nhận, mục tiêu phấn đấu là được trở thành những người làm báo thực thụ, được bạn xem truyền hình và độc giả biết đến, đó là phần thưởng cao quý nhất đối với họ, những người mang trên mình những hai chữ “sĩ”.

Những người thắp sáng niềm tin

- Anh ơi, vụ án buôn bán thuốc nổ này, em thấy đơn vị phát hiện đầu tiên có công lớn mà không thấy có người nào được đề nghị khen thưởng?

- Vậy à. Em cung cấp lại nội dung cụ thể cho anh!

- Em trực tiếp đi ghi hình tổ cảnh sát giao thông và đã đưa tin ban đầu, họ rất nhanh trí nên mới bắt được đối tượng đấy. Cụ thể, khi kiểm tra một chiếc xe khách, các chiến sỹ cảnh sát giao thông thấy có một túi hàng trên xe nhưng hỏi thì không ai nhận, mở túi hàng kiểm tra phát hiện thuốc nổ, anh em đã vận động quần chúng tổ giác tội phạm và xác minh ngay trên xe; sợ bị lộ, đối tượng giả vờ đi vệ sinh để tiêu hủy chứng cứ, nhưng các chiến sỹ đã áp sát, bắt giữ và lấy ra từ miệng hắn một mảnh giấy thống kê mua hàng đang nhai, nếu không nhanh chắc sẽ mất tang chứng!

- Anh sẽ chú ý khi thẩm định hồ sơ vụ này trên tinh thần ai có thành tích thật sự thì mới khen!

Đó là cuộc trao đổi thông tin giữa hai cán bộ phòng PX15 mà tôi vô tình nghe được tại nơi làm việc của đội Thi đua - Giáo dục - Tổng hợp. Khi thực hiện bài viết này, hỏi lại thượng tá Lê Thanh Thảo – Phó trưởng phòng thì được biết: “Nhờ sự phát hiện của cán bộ phòng mà việc khen thưởng sau đó đã được bình xét lại, Giám đốc Công an tỉnh đã tặng Giấy khen cho hai chiến sỹ cảnh sát giao thông (có công đầu phát hiện đầu tiên) và một điều tra viên có thành tích mở rộng vụ án!”.

Để khen thưởng được kịp thời, đúng đối tượng, đúng công trạng, kích thích được phong trào thi đua không hề đơn giản. Những năm qua, đặc biệt từ khi có Luật Thi đua khen thưởng đến nay, công tác thi đua của công an các cấp đã đi vào nề nếp và chất lượng hơn. Căn cứ các quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn và căn cứ vào tình hình thực tế, cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng đã nghiên cứu, bổ sung thường xuyên vào nội dung Quy chế làm việc của Hội đồng thi đua và Quy chế bình xét thi đua hàng năm, các trường hợp lập công xuất sắc đều được xét khen đột xuất ngay trong tuần; phong trào thi đua tổ chức theo khối cụm, chấm điểm và kiểm tra chéo, tự suy tôn; trước khi trình Hội đồng thi đua, cơ quan thường trực yêu cầu tất cả các bộ phận trong đơn vị như: Giáo dục, Tuyên truyền, Điều lệnh, Văn nghệ Thể thao cùng ngồi soát xét, những trường hợp vi phạm các nguyên tắc công tác và chế độ điều lệnh công an nhân dân đều bị hạ bậc hoặc cắt thi đua. Qua đó, từng bước đánh giá sát hơn kết quả công tác chuyên môn và phong trào thi đua từng đơn vị, việc khen thưởng ngày một công bằng hơn, tạo được động lực phấn đấu của các tập thể và mỗi cá nhân trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng.

Cùng với hoàn chỉnh hồ sơ tặng thưởng Huân, Huy chương niên hạn; Phòng tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong cấp đổi Huân, Huy chương tồn đọng hàng chục năm về trước, nhiều hồ sơ vướng mắc thủ tục phải xác minh, làm đi làm lại nhiều lần, thậm chí phải nhờ Ban thi đua tỉnh, Phòng thi đua Bộ Công an và Ban thi đua khen thưởng Trung ương xem xét, tháo gỡ những thủ tục rườm rà không cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho những người có công trong công tác bảo vệ an ninh trật tự.

Các nghi lễ trao thưởng cũng được chấn chỉnh thường xuyên, nề nếp, đúng quy định. Các cụ ta ngày xưa có câu: “Một miếng giữa đàng còn hơn một sàng xó bếp”, cách làm ăn cẩu thả, luộm thuộm, thủ trưởng dự hội nghị nhận cả đống bằng khen, giấy khen cho cán bộ, chiến sỹ về để trên bàn, ai có người ấy tự đến lấy; cá biệt có trường hợp nhìn thấy con cán bộ nghỉ chờ hưu đi ngang qua, gọi giật lại vừa cười, vừa nói: “Cháu về nói bố đến cơ quan khuân Huân chương về nhé”, ở một vài đơn vị đã chấm dứt.

Kết hợp chặt chẽ giữa công tác thi đua với các phong trào, các cuộc vận động lớn như: Phong trào CAND thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy; Cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng; CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… đã tạo nên hiệu ứng tốt không chỉ cán bộ đương nhiệm mà cả những người đã nghỉ hưu, thắp lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng trong mỗi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong tỉnh, góp phần tích cực vào  cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Ấm áp tình người

Cán bộ chiến sĩ phòng PX15 ban đầu là những người có phẩm chất và có một trong những năng khiếu viết, nói, văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao được lựa chọn từ cơ sở; về sau được bổ sung những người được đào tạo các chuyên ngành như báo chí, văn hóa nghệ thuật, sư phạm văn, thể dục thể thao. Từ khi lập phòng (1977) đến năm 1996, sau gần mười lần tách nhập với phòng Tổ chức cán bộ, phòng Công tác chính trị tư tưởng mới được khẳng định vai trò không thể thiếu trong lực lượng Công an Nhân dân. Tuy nhiên, từ khi lập phòng đến nay, chưa khi nào đơn vị có đủ biên chế và chưa có ai được học làm cán bộ chính trị. Việc nhiều, người ít và lại chưa từng qua trường lớp nào đào tạo, tôi cảm thấy họ ai cũng phải gồng mình lên trước áp lực công việc. Cái cảnh “vừa làm thầy, vừa làm thợ” vất vả trăm bề, anh em cơ quan đùa vui ghép cho 16 chữ: “phông, hoa, loa, đài; cắt, leo, treo, dán; cờ, đèn, kèn, trống; bưng, bê, kê, dọn”. Đặc biệt trong thời kỳ bao cấp, thời mà “nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài/ bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo”, thì đội ngũ sáng tác trong lực lượng công an càng vất vả hơn, đi công tác liên miên nên lương nợ chồng lương, chưa kể nhiều người không hiểu công việc sáng tác nên cũng có “điều ong tiếng ve”, nhiều anh em hết mình với công việc nhưng khi xem xét để cất nhắc đề bạt cũng rất khó khăn... Bởi vậy, khi còn đương chức, ông Trương Hùng Tiến – Phó trưởng phòng đã sáng tác một bài thơ ví von những cán bộ làm công tác chính trị như cây bàng mùa đông, sống trách nhiệm và không đòi hỏi:

Mùa đông trơ trụi lá cành.

Dành bao mưa gió về mình Bàng ơi.

Mà nay xuân khắp đất trời.

Bàng còn chưa nhận xanh tươi về mình.

Với một đơn vị phần đa cán bộ có “tài lẻ” thì việc quản lý không hề đơn giản, nếu không “tâm phục khẩu phục” họ cũng sẵn sàng “quậy tới bến”, sẵn sàng ra đi. Hiểu được điều đó, cấp ủy và lãnh đạo các thời kỳ đều rất quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng, chăm lo xây dựng đội ngũ, xây dựng chi bộ và đơn vị vững mạnh. Những năm gần đây, dù còn khó khăn nhưng ngày sinh nhật của cán bộ chiến sĩ đều được thủ trưởng đơn vị tặng hoa, tặng quà; ngày tết cấp ủy và lãnh đạo thay nhau đến từng gia đình thăm hỏi, chúc tết và tặng quà… Tuy những phần quà giá trị vật chất không lớn nhưng đã làm ấm lòng người, ai cũng coi đơn vị như ngôi nhà chung của mình và các thành viên coi nhau như anh em. Gắn bó, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, hỗ trợ trong công việc, thăm hỏi và chia sẻ, tận tình giúp đỡ nhau lúc gặp khó khăn … Điều đó đã tạo thành nếp sống của cán bộ chiến sỹ trong phòng từ trước đến nay.

Gần 40 năm, trải qua những thăng trầm của đất nước, cán bộ chiến sĩ đơn vị luôn phải phấn đấu bắt nhịp cái mới, truyền đạt kịp thời các chủ chương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ đảng viên, chiến sĩ. Những cái tên gắn liền với sự khởi đầu và trưởng thành của đơn vị như Trương Như Phách, Trương Hùng Tiến, Trần Lê Nhân, Nông Thị Thoa v.v…, không chỉ anh em trong ngành mà còn nhiều người biết đến.

Ngày nay, được tiếp thu những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước và thành quả của khoa học kỹ thuật, đội ngũ cán bộ làm Công tác chính trị càng thể hiện tầm cao trí tuệ và bản lĩnh chiến đấu. Cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bốn gia đình cán bộ vẫn còn đang phải ở nhà thuê; một số vợ con chưa có việc làm, buôn bán bữa được bữa mất; nhiều gia đình hoàn cảnh rất éo le…, nhưng không vì thế mà để công việc đình trệ. Những cố gắng của mỗi thành viên đã góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh toàn diện, nhiều năm đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” và dẫn đầu cụm thi đua, trong đó năm 2014 được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Trước thềm năm mới, đại tá Hoàng Việt Hùng – Bí thư chi bộ, trưởng phòng cho biết: Năm 2015, Phòng Công tác chính trị với vai trò là cơ quan thường trực, đồng thời là cụm trưởng thi đua khối xây dựng lực lượng, đang tập trung tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo và tổ chức thành công các hoạt động và phong trào thi đua chào mừng 70 năm thành lập Công an Nhân dân Việt Nam và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp: Phát động phong trào thi đua đặc biệt; triển khai một loạt chương trình tuyên truyền như phát hành đặc san, xây dựng phim tài liệu, mở mục hướng tới kỉ niệm 70 năm thành lập ngành và kết quả công tác bảo vệ đại hội Đảng; tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ thể thao và tuyển chọn những hạt nhân năng khiếu tham gia hội diễn nghệ thuật và hội thao toàn lực lượng…, nhằm tạo ra những khởi sắc trong công tác đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, tạo được dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh người chiến sỹ công an vì nhân dân phục vụ.

Cuộc sống vốn dĩ không hoàn hảo, những cán bộ phòng PX15 cũng vậy, trong một tập thể đông không thể nói tất cả và lúc nào cũng khuôn vàng thước ngọc. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình từ khi khởi nghiệp đến nay, giữa trang bị và những giá trị tinh thần mà họ mang lại mới thấy quý giá và đáng trân trọng. Họ thật xứng đáng là những cán bộ chính trị - những người thắp sáng niềm tin trong cuộc sống này!

QUẢN GIÁO

Cộc, cộc...cộc. Tiếng gõ cửa nhè nhẹ, rụt rè đứt quãng cho thấy khách là một cô gái hay một đàn em, cấp dưới xin vào. Tôi tự phán đoán bằng kinh nghiệm của mình trong lúc chú em ra mở cửa.

- A, Hùng à! Vào nhà đi!

- Em chào thầy.

Đi cùng với chú em tôi vào nhà là một người đàn ông đen đúa, tuổi chừng trên bốn mươi, từ cách ăn mặc cho đến cách đi đứng đều thể hiện là một nông dân chính hiệu, chưa kể anh ta còn mang theo hai con gà và một chùm vải. Chào nhau xong, tôi ý tứ đứng dậy ra về để chú em trò chuyện với khách nhưng cậu ta ngăn lại.

- Anh cứ ngồi đây. Giới thiệu với chú Hùng đây là ông anh con bác họ mình, lại là hàng xóm kề bên và cùng là đồng nghiệp. Còn giới thiệu với anh, chú em đây cũng có thời kỳ mắc sai lầm bị bắt vào trại. Phạm nhân đấy nhưng mộc mạc, chất phác và là người tốt.

Quan điểm thế nào không biết, phạm nhân ở tù ra mà còn kêu “tốt”. Trong đầu tôi thoáng phản ứng nhưng vẫn cố tỏ ra lịch sự.

- Em nghe nói Thầy mới nghỉ hưu chắc ở nhà nên tới thăm. Em hỏi mãi mới tìm được nhà, có chùm vải thiều nhà trồng và con gà nhà nuôi biếu Thầy. Trước đây, nhiều lúc nhớ cũng muốn đến thăm, nhưng vì giữ uy tín cho thầy nên em không dám!

Nghe vậy. Chú em tôi cười khà khà nói:

- Về đời thường rồi còn “thầy bà” gì. Từ nay cứ anh em cho dễ xưng hô. Nhà nông còn nhiều khó khăn, để tiền mà chăm các cháu ăn học chứ vẽ chuyện làm gì.

Chuyện xảy ra vào một ngày hè này cách đây gần hai mươi năm về trước. Hôm đó, trời nóng như đổ lửa, chiếc xe u oát chở phạm nhân ì ạch tiến vào cổng trại, tiếng máy rồ nấc lên một cái rồi tắt lịm. Từ các buồng giam, trên những ô cửa sổ, phạm nhân lố nhố theo dõi qua song sắt bàn tán. Hoàng cùng một số quản giáo ra tiếp nhận phạm nhân. Có tiếng cầu nhầu hỏi:

- Sao về muộn thế.

- Về thế là còn sớm! Hôm nay tòa xử bốn vụ, mười hai rưỡi mới tuyên bản án cuối cùng. Một cảnh sát bảo vệ lên tiếng.

- Hơn một giờ chiều rồi. Anh em về rửa chân tay mà còn cơm nước.

Tiếng khóa mở lách cách, tiếng cửa sắt kéo ken két, lạnh lùng. Phạm nhân xuống xe, ai nấy mặt hiện rõ sự mệt mỏi căng thẳng. Trong số phạm nhân đi tòa về hôm đó có Hùng, hai mắt xưng húp, đỏ hoe.

- Có việc gì thì phải bình tĩnh. Là cái thằng đàn ông, dám làm dám chịu, ai lại khóc như trẻ con thế. Quản giáo Hoàng lên tiếng.

- Cán bộ ơi! Đời con thế là hết.

- Thôi! Có gì nói sau, về cơm nước đã.

Nói ào thế để xóa tan không khí nặng nề, nhưng thái độ và những câu nói vừa rồi của phạm nhân Hùng là phải cảnh giác cao độ. Kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi phiên toà xét xử về, diễn biến tư tưởng của phạm nhân phức tạp không khác gì như khi mới bị bắt vào trại, tất cả diễn biến tâm lý phụ thuộc theo mức án mà tòa tuyên, nếu không theo dõi cẩn thận, không động viên tốt thì khó lường chuyện gì sẽ xảy ra.

Phạm nhân Hùng bị xử về tội giết người, mức án năm năm tù giam và bồi thường cho gia đình nạn nhân gần hai mươi triệu đồng, nếu căn cứ vào khung hình phạt thì không nặng, thậm chí có tình tiết giảm nhẹ mới được như vậy...

“Không nhận thức ra hay có điều gì uẩn khúc trong vụ án này”, câu hỏi Hoàng tự đặt ra cần có lời giả đáp. Anh trở lại phòng giam thấy Hùng không ăn cơm, ngồi phủ phục, vai áo rung rung.

Đưa tay vỗ nhẹ vào vai, Hoàng thân mật nói:

- Không ăn, không uống. Anh định thế nào đây?

- Cán bộ ơi, em đâu có giết người. Chuột nó phá lúa nhiều quá, không có cách nào ngăn được, em đành dùng điện để đánh bẫy, không may người ta vướng phải chết chứ em ...

- Biết rồi! Đó là quy định của pháp luật rồi, không thay đổi được. Nếu không quy định như vậy, các ông các bà cứ xử dụng điện lung tung, dùng điện để bẫy chuột, bẫy trộm...anh có biết bao nhiêu người lành đã bị chết vì cái bẫy đó không? Thôi! Do mình mà cả mạng sống của người ta bị mất, mức án như vậy thì còn điều gì phải thắc mắc.

- Tự nhiên lại phạm vào cái tội tày đình, 5 năm vào nằm đây, kiếm đâu ra tiền bồi thường nữa. Ở nông thôn chúng em, để có ngần ấy tiền thì bán cả nhà đi cũng không đủ!

- Chậc! Nói thế thì vô cùng. Anh thử đứng vào hoàn cảnh gia đình nạn nhân. Tự nhiên cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái mồ côi, họ cũng uất lắm chứ. Thôi, đã là luật thì không châm chước, không biết thì buộc phải biết! Nếu đúng là anh gây ra thì phải chấp nhận, còn không thì nói với tôi một câu, tôi sẽ giúp, lúc này còn kịp.

Hùng hai tay ôm đầu, cúi gằm, im lặng.

- Thống nhất như thế nhé, lúc nào cần gặp anh báo tin, tôi đợi anh đấy!

Chiều tối hôm đó. Hùng đã bình tĩnh lại, dậy ăn cơm nhưng hai mắt vẫn còn đỏ hoe. Đợi Hùng ăn xong, quản giáo Hoàng mới tới, gọi ra gặp riêng.

- Phải nghĩ thoáng ra đi. Cuộc đời còn dài, đã sai lầm rồi thì đừng tái diễn nữa. Một phút sai lầm là ảnh hưởng lâu dài tới gia đình, con cái về sau.

Im lặng.

- Tôi biết là anh có uẩn khúc gì đó khiến anh khó nói lắm. Nhưng không sao. Với trách nhiệm của mình, tôi khuyên anh, tùy anh suy nghĩ. À, mà đứa con lớn của anh năm nay lên lớp không?

- Dạ thưa! Cháu năm nay lên lớp hai. Sau câu trả lời, Hùng lại khóc rống lên.

- Cán bộ ơi! Tôi khổ quá. Khó nói quá. Bây giờ sự đã rồi biết tính sao đây?

Kinh nghiệm trong đấu tranh chống tội phạm mách bảo Hoàng là đối tượng sắp khai báo sự thật. Hoàng thủng thẳng:

- Tôi không biết cái khó của anh. Nhưng tất cả việc anh làm hôm nay anh phải nghĩ tới hậu quả cho các con anh.

- Vâng! Dạ thưa. Tôi biết. Thực ra, tôi không phải là người gây ra vụ chết người ấy.

Hoàng sửng sốt.

- Sao! Anh nói sao? Anh không gây ra mà tại sao anh lại nhận?

- Đúng là tôi đã nhận, nhưng khi đó tôi không nghĩ nó lại nghiêm trọng như thế.

- Không nghiêm trọng à? Mai kia con cái anh lớn lên cầm cái lí lịch đi xin việc liệu ai người ta dám nhận!

- Vâng! Em đã hiểu.

Câu chuyện cứ được kể tuồn tuột, mộc mạc, cuốn hút tôi.

...

Mấy năm đó, ở quê em tự nhiên lại rộ lên phong trào ăn thịt “tiểu hổ”, mèo bị giết gần như tuyệt chủng. Cũng vì vậy mà chuột được dịp sinh sôi nảy nở đông như kiến cỏ, hết rúc ở trong nhà, chúng lao ra đồng phá lúa. Bác thử tưởng tượng cả sào lúa mà chỉ qua một đêm chuột tấn công, đến đi mót lại cùng không còn nổi cân thóc. Vì sót của, bất lực trước sự tấn công của lũ chuột, nhiều nhà đã phải dùng điện để bẫy. Nguy hiểm thật nhưng hiệu quả trông thấy, chuột chết hàng rổ.

Ngụm hớp nước rồi anh ta kể tiếp.

- Ông chú em cũng làm vậy. Giăng bẫy rồi ngồi canh chừng, đề phòng người qua lại mắc phải, vậy mà vẫn gây ra chết người. Sợ quá, ông cắt điện, thu bẫy và vác người bị nạn ra sông thả trôi. Sáng hôm sau công an về điều tra, kêu gọi ai đánh bẫy chuột làm chết người thì ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng. Ông chú gọi em tới khẩn khoản nhờ em nhận hộ và bảo “việc đánh bẫy chuột làm chết người chỉ là không may thôi, chắc công an cũng chẳng bắt tù tội gì đâu. Mày thương chú, già rồi mà bị công an giữ thì mang tiếng với họ hàng, làng xóm. Nếu mày nhận giúp, những ngày bị công an giữ, vợ con ở nhà sẽ có chúng tao lo, rồi tao sẽ trả công, mua cho chiếc xe máy tầu mà dùng...”.

Thương chú. Hoàn cảnh nhà em khi đó lại khó khăn. Em ra “đầu thú”, nộp cái bẫy điện mà ông chú đưa cho và nhận hết tội về mình, khai rõ ngày giờ, địa điểm v.v...

Hôm ra toà em mới “chết đứng” khi nghe tòa tuyên án. May có thầy Hoàng là quản giáo động viên, an ủi, giúp em khai báo sự thật. Vụ án được xét xử lại và em chỉ bị kết tội cố tình “che dấu tội phạm”.

...

Cơm nước xong, Hùng xin phép ra về, còn tha thiết mời chúng tôi bớt chút thời gian về thăm gia đình để chiêu đãi món rau sạch, cá ao và gà chạy bộ. Tiễn Hùng ra cửa, Hoàng trở vào bên tôi:

- Anh ạ! Những người bị bắt vào trại cũng có dăm bảy loại. Dạng như Hùng đây, do thiếu hiểu biết mà mắc vào vòng lao lý...

Công việc khiến tôi thường xuyên có dịp qua lại trại giam, nơi giam giữ tội phạm. Tôi nhận thấy có tới trên chín mươi chín phần trăm trong số họ là những con người chỉ mang đau thương về cho đồng loại. Nhiều mánh khóe, lắm thủ đoạn tinh vi, lại có máu liều lĩnh, bất cần... Thấy tôi im lặng, Hoàng tiếp tục nói:

- Từ khi về trại nhận công tác tới lúc nghỉ hưu, em phụng sự chín đời Giám thị thì có tới bảy ông bị “phốt”, không bị kỷ luật thì cũng bị điều chuyển, thậm chí có ông chưa qua nổi một năm, tất cả đều không phải do phẩm chất kém. Gần chục anh cùng đi học lớp quản giáo với em, điểm mặt không có anh nào thoát, nhẹ nhất là hình thức “đình lương”, nặng nhất bị truy tố vì để phạm nhân trốn trại. Anh biết đấy, có hôm em chuẩn bị đi ngủ lại nhớ “mang máng” hình như có một lớp cửa phòng giam chưa khóa, thế là lại tức tốc đạp xe gần mười cây số tới trại để kiểm tra, cẩn thận là thế mà vẫn bị “bóc” một sao vì để một phạm nhân chết. Đến nay, về hưu rồi mà vẫn nghĩ mình bị kỷ luật oan. Cái cậu phạm bị chết vừa nhận từ trại khác về chiều hôm trước giao về đội em quản lý, hôm sau trích xuất cho đi lao động nhưng tới nơi nó không chịu làm, cứ ngồi thừ ra kêu nhức đầu, cậu đội trưởng (cũng là phạm) bảo không được nên cầm cái dép tông đập cho mấy cái, thế là tai hoạ ập đến. Khi khám nghiệm, không có vết bầm tím nào bên ngoài, chỉ khi lột lớp da đầu mới thấy có một vết máu loang đã tím đen, pháp y xác định phạm nhân bị đánh chết, nhưng vết máu đọng có lẽ phải cách vài ba ngày. Cậu đội trưởng bị tù 7 năm, em được chuyển xử lý hành chính, giáng một cấp.

Tôi vẫn im lặng để nghe nốt những điều tâm tâm sự từ trái tim Hoàng.

- Anh để ý thì sẽ thấy, trong những khách đến thăm em, một số từng vào trại, nhưng nay hầu hết đã trở thành người lương thiện, kể cả cái thằng làm em bị mất một sao. Em nghĩ, đấy mới là sản phẩm mà những người quản giáo mang lại cho đời, cuộc sống có thua thiệt nhưng cũng đáng tự hào, phải không anh?

Tôi thầm cảm ơn cuộc gặp gỡ vô tình này. Cũng từ buổi đó, cái tính cỗ hữu cực đoan nhìn nhận về những người phạm tội trong tôi cũng nhẹ đi, lấp vào khoảng đó là tình thương và trách nhiệm./.

 

QUÊ HƯƠNG

Phú Cốc quê tôi từng là một làng nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng ven sông cầu. Xa quê đã bốn mươi năm, nhưng hồn quê vẫn đi theo tôi suốt cả cuộc đời. Quên sao được tiếng hú, tiếng hò vang vọng suốt đêm thâu: “Hò ơ... ớ... hò..., cách sông ơi hỡi... mà... cách sông, muốn sang “bên ấy” mà không có đò”; “Hò ơ...ớ... hò..., tiếng ai như tiếng chuông vang, tiếng ai như tiếng cô nàng anh yêu”; “ước gì sông rộng một gang, bắc cầu rải yếm mời chàng sang chơi”...tiếng hò càng về khuya càng rõ, càng say, càng quyện chặt. Vì tiếng hò lanh lảnh ấy mà nhiều tràng trai quê tôi đã không ngần ngại dòng nước xiết trong mùa lũ, cái lạnh tê người những đêm đông, trút xiêm y, trầm mình vượt sông theo tiếng gọi. Cũng từ điệu hò ơ ấy mà nhiều chàng trai, cô gái “bên bồi, bên lở” nên duyên chồng vợ.

Quên sao được những cánh diều trao nghiêng trong gió, tiếng sáo ngân vang như bản hòa tấu giữa trời cao. Những âm thanh đủ loại: bì bì, bi bi, đu đu, đo đo, đô đô... réo rắt, vi vu đem đến cho ta cảm giác thanh bình giữa những ngày tầu bay Mỹ đánh phá ác liệt.

Nhớ những sớm tinh sương, cả nhà rộn rã nhặt tằm, kéo kén. Bên long tằm chín đỏ mọng, từng con tằm được thả vào chiếc né kết bằng những cọng rơm vàng cho tằm làm tổ. Bên bếp lửa hồng, rè rè tiếng suốt kéo tơ, những chiếc kén bồng bềnh trong nước trả ơn người những nén tơ vàng ươm và những con nhộng béo tròn thơm thơm ngầy ngậy.

Nhớ mùi sắn thơm bùi. Nhớ vị ngọt của củ khoai lang hầm đượm mật. Những trưa hè đánh bi, đánh đáo, chơi quay dưới tán tre xanh ở cái cổng nhà bà Lục. Nhiều hôm cả nhóm chúng tôi tụ tập, trốn bố mẹ ra cánh đồng đang bừa cấy, bắt những chú cá bị sục bùn lao lên vùng vẫy, những con cua đồng chạy trốn vào hang. Nhớ đêm trung thu trăng sáng như gương, góp cây mía, quả bòng để thành mâm cỗ. Những buổi tối mùa đông lạnh giá, bên bếp lửa hồng mẹ kể chuyện ngày xưa, câu ví câu hò và cả những khổ thơ, dạy chúng tôi biết làm người nhân nghĩa. Lấy bài thơ đàn chim non để răn dạy các con phải có hiếu, có tình: “Tổ chim non bị ta bắt được; thả trong lồng treo trước bình phong; khiến đôi chim lớn đau lòng; điên cuồng bay lượng quanh lồng mà kêu. Thương con quá cũng liều sống chết; tha mồi vào đến tít tận nơi; mớm con cẩn thận hẳn hoi; ngày ngày săn sóc không rời lũ con. Ta để vậy được non nửa tháng; đàn chim con khôn lớn cả rồi; bấy giờ đặt bẫy nhử mồi; bắt đôi chim lớn thả chơi trong lồng. Lũ chim con thả tung ra hết; chúng được tha nên rất mừng vui; xoè lông vỗ cánh vẫy đuôi; bay đi một mạch ra ngoài rừng xanh. Rồi từ đó các anh đi thẳng; để mẹ cha cay đắng một mình; cha mẹ thương con hết tình; quên ơn cha mẹ sao đành con ơi?”...

Tôi trưởng thành từ đó, thừa hưởng ở người cha đức tính hiền lành, người mẹ  cần cù đôn hậu. Có cả hồn quê hương trong trẻo, cồn cát phù sa bỏng rát dưới nắng hè. Và bóng hình người em gái thôn quê, da ngăm đen, mặt tròn, đôi môi đỏ mọng thơm thơm mùi dâu chín.

Gần sáu mươi năm phiêu bạt, tôi nhận ra cuộc đời con người là một vòng khép kín, dù ai đi đâu về đâu, chính khách thương gia hay người hành khất cũng không thể quên nơi mình “chôn nhau cắt rốn”, nơi sinh thành đầy ắp những kỷ niệm tuổi ấu thơ.

Đứng trên bờ đê, tôi căng ngực hít thở mùi hương đồng gió nội, được nghe lại tiếng sáo diều ngân vang, được hoà mình trong tình cảm gia đình, làng quê ấm cúng mà thấy hạnh phúc cứ trào dâng, chẳng muốn rời xa nữa..../.

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy