Thứ hai, ngày 07 tháng 07 năm 2025
17:33 (GMT +7)

Tác phẩm của Hồ Quỳnh Châu

 

NHỮNG NGƯỜI BẠN

 

  - Ối đau quá… đau quá!

  Tiếng hét thất thanh của cô Vở khiến họ hàng nhà đồ dùng học tập quay lại. Thì ra Bảo cùng mấy cậu học sinh sau khi tan học đã rủ nhau chơi thả thuyền bằng giấy trên bờ mương mà không chịu về nhà.

  Bút Máy, Thước kẻ, Tẩy, Bảng…  chưa kịp động viên Vở thì “bùm” một cái tất cả cùng chao đảo bởi cú ném cặp sách như trời giáng xuống vệ đường, khiến hộp bút văng ra tứ tung, vì sau khi xé vở gấp thuyền Bảo đã vội vàng không cài khoá cặp.

  Cậu Bút Mực nhảy lò cò xuýt xoa đi tìm cái nắp văng cách đó một đoạn khá xa.

Bé Tẩy run bần bật vì tý nữa thì lăn xuống vũng nước toàn bùn. Bảng đen mặt méo xệch khi thấy mình bị sứt một góc đau điếng, đã thế mình mẩy thì lem luốc toàn đất vàng nhầy nhụa bám vào. Bút Chì, Thước Kẻ cũng hoảng sợ vì cú va chạm này, đối với chúng chẳng khác nào những trận động đất mạnh nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

  Họ hàng nhà đồ dùng học tập uất ức lắm, chúng luôn than thân trách phận vì rơi vào tay cậu học trò cá biệt lười biếng nên mới ra cơ sự này.

 Cô vở thút thít:

 - Mọi người biết không? Hồi đầu năm tớ cũng trắng muốt xinh xắn như ai, những tưởng cuộc đời thật đẹp. Vậy mà giờ đây những dòng chữ nguệch ngoạc, bên cạnh toàn “gậy” với “ ngỗng” đè lên cơ thể tớ, nghĩ mà xấu hồ. Đã thế khi nãy cậu Bảo còn thẳng tay “xoạc” mấy tờ làm tớ đau xé lòng.

Cậu bút mực nhảy lò cò vài vòng tìm cái nắp rồi cũng nằm rên rỉ vì giọt mực bắn ra hoà vào bùn ướt thành một dòng nước mắt xanh lè loang lổ thật thương tâm.

  Bác Cặp vẻ nghiêm túc, rồi chậm rãi kể:

- Ngày ấy ta và các anh em cùng ra đời một ngày, tuy cấu tạo giống nhau nhưng mỗi người một màu sắc và trên cơ thể được trang trí những hình vẽ khác nhau. Ta cảm thấy thật may mắn khi trên mình có hình quyển vở, bên cạnh là điểm mười đỏ chói. Chính vì vậy khi bố mẹ cậu chủ đi siêu thị đưa mắt một lượt và chọn ta ngay, với mong mỏi con mình sẽ điểm cao như quyển vở trên chiếc cặp sách xinh xắn này.

Kể tới đây bác thở dài thườn thượt vì hình quyển vở trên người bác đã nhem nhuốc, biến dạng, bởi mỗi lần cậu Bảo tay bẩn đều bôi vào đó mà chẳng hề quan tâm đến tâm trạng của bác.

Từ nãy, mấy bạn Sách Giáo Khoa ngồi yên giờ mới bay bay tờ giấy ra hiệu cho mọi người mình có ý kiến. Cậu Tiếng Việt vốn nhiều chữ, bình thường rất nhã nhặn vậy mà hôm nay cũng không kiềm chế được, nói bằng một giọng bực bội:

- Em  rất tức cậu chủ này. Mọi người nhìn xem, mới vào năm học một thời gian ngắn mà chúng em đã nhàu nát và rách tươm, suốt ngày bị quăng quật sờn hết gáy. Đến cái bìa cậu ấy cũng xé khiến em lạnh lẽo vô cùng.

Mấy bạn Toán, Tiếng Anh cũng chìa vạt áo nhàu nhĩ của mình ra. Anh Thước Kẻ tính thẳng thắn, nóng nảy mặt hằm hằm chỉ vào một nửa thước ngắn hơn:

- Mọi người nhìn đi! Cậu chủ suốt ngày nghịch ngợm, trong một lần đánh nhau đã làm tôi gãy đôi thế này.

  Bé Tẩy không chớp mắt từ nãy đến giờ lắng nghe mọi người kể thì rùng mình nhớ lại những lần cậu chủ vẽ bậy ra bàn rồi nghiến răng dí bé vào cọ xát khiến bé đau rát, giờ mình mẩy bé méo mó tong  teo….

 Cuộc nói chuyện của họ hàng nhà đồ dùng học tập trên bờ mương mãi không dứt. Rồi chúng bàn nhau xem ai có kế gì hay để trừng trị cậu học trò này, không thể để cậu ngang nhiên hành hạ chúng được. Cuối cùng bác Cặp cũng nghĩ ra một cao kiến khiến cả đám gật gù đồng tỉnh ngay.  Chúng quyết định rời xa cậu chủ dốt nát và cẩu thả. Tất cả núp vào bụi cây ven đường chờ thời cơ.

  Cu Bảo vì mải chơi nên tối lúc nào không biết.Cho đến khi những chiếc thuyền bằng giấy mờ đi vì trời chập choạng tối,  cậu mới ba chân bốn cẳng chạy ra cầm cặp chạy mà không hề biết Bút, Thước, Bảng, Tẩy… và cả cô Vở đã nấp gần đó.

  Ăn cơm xong, ngồi vào bàn học, Bảo mới giật mình vì không có bút và đồ dùng học tập để làm bài. Bố thấy cậu cứ ngó ngoáy thì ngạc nhiên, rồi phát hiện ra cậu con trai đã đánh mất hết cả hộp bút lẫn sách sách vở… Sau một lát bị bố tra hỏi, cậu phải khai mình chơi bên bờ mương. Bố rất bực vì vừa đi công tác về đã nhận được cuộc điện thoại của cô giáo chủ nhiệm phê bình cậu con trai hay nghịch ngợm và lười học. Giờ ông con lại đánh mất hết cả đồ dùng học tập. Tuy rất buồn và giận nhưng ông cố kìm lại và đèo cậu ra bờ mương. May mà từ chập tối vẫn chưa ai nhặt và các bạn ấy cũng chưa kịp đi xa.

  Mấy quyển vở lem luốc, bút mực, thước kẻ và tẩy dính toàn bùn được Bảo nhặt lên đem về. Bố bắt Bảorửa sạch mọi thứ và ôn tồn phân tích về lỗi ham chơi và cẩu thả của cậu con trai. Bảo ngồi thừ mặt ra chiều suy nghĩ nung nấu lắm. Một lúc sau, cậu nói khẽ nhưng rất quyết tâm: “Từ hôm nay con hứa sẽ sửa chữa, không để bố phải buồn ạ!”

 Họ hàng nhà đồ dùng học tập thầm thì hội ý với nhau một hồi rồi đều đồng ý sẽ tha thứ cho Bảo để giúp cậu có cơ hội sửa sai.

Bác Cặp vui vẻ vì được tắm rửa sạch sẽ, cậu Bút mực nắn nót từng chữ chỉ cần sai một lỗi nhỏ là bé Tẩy đã chực ngay bên cạnh giúp đỡ. Chỉ vài tuần trôi qua cô Vở đã reo lên thích thú vì trên người cô đã có những điểm mười đầu tiên. Thước Kẻ, Bảng, Bút Chì tíu tít kể chuyện về cậu chủ của mình tiến bộ. Một điều lạ là Bảo như nghe thấy tất cả những tiếng trò chuyện ấy.

  Buổi tổng kết năm học, cô giáo đã khen Bảotrước toàn thể nhà trường.

 Trên đường về em vui lắm, vừa đi vừa khe khẽ hát “Tới lớp tới trường, nơi ấy có tình thương… Đến đoạn: Nào mực nào bút, nào phấn, nào bảng…” thì bỗng dưng tất cả đồ dùng học tập trong cặp cùng véo von hát thành một dàn đồng ca…

Nhưng này, những tiếng hát vẳng ra từ chiếc cặp chỉ có Bảo nghe thấy. Vì những người bạn thân yêu ấy chỉ hát riêng cho Bảo nghe thôi.

 

 

 

                                    LỄ HỘI HOA XUÂN

                                                                                                                                       Tiếng chiêng trống rộn ràng từ phía sân đình vọng lại. Thì ra là buổi lễ hội của họ hàng nhà Hoa.

   ​Từ khắp các nẻo đường gần xa, các chàng, nàng hoa lục tục kéo về dự Lễ hội Hoa Xuân được tổ chức mỗi năm một lần.

    ​Các chàng Hoa Dơn vươn ngồng oai phong xếp thành hàng thẳng tắp. Các cô Hoa Hồng vừa đi vừa đung đưa khoe những bộ áo đủ sắc màu rực rỡ. Mấy ả Thược Dược điệu đà không kém, cứ lúng liếng liếc mắt sang anh chàng Hoa Cau làm duyên.

 ​ Tầm Xuân, Đồng Tiền, Tuy Líp, Cát Tưởng… Chen chúc đám đông, ai cũng đòi đi trước, ai cũng hy vọng mình được quán quân trong năm nay.

   ​Xóm Đồi, anh Hoa Lau dẫn đầu đoàn vươn bông hoa trắng như người cầm cờ vẻ nghiêm trang, theo sau là Sim, Mua, Mẫu Đơn, Cơm Nguội…

 ​ Hoa  Dẻ, Hoa Ban, Phong Lan… từ xóm Rừng sâu cũng lặn lội tìm về.

 ​ Dưới xóm Đầm, Hoa Súng, Hoa Sen, Hoa Bèo Tây….  Hồ hởi góp mặt.

  ​Xóm Bờ ruộng, Hoa Rau Má, Hoa Xuyến Chi, Hoa Cỏ May… chẳng năm nào đi hội mà nay cũng thao thức suốt đêm đợi đến giờ.

   ​Đáng thương hơn cả là bà Hoa Chuối, khệ nệ cõng cả buồng quả lúc lỉu còn mỗi bông hoa dài ngoằng cũng cố đến, vừa đi vừa thở, vậy mà vẫn móm mém cười.

 ​Chị Hoa Quỳnh vén lá thở dài vì chẳng năm nào lễ hội tổ chức vào ban đêm, không lẽ mang nét mặt buồn cù rù tới hội. Kể ra thì cũng hơi thiệt cho các loài hoa nở về đêm.

  ​Các anh Hoa Gạo và chị Phượng Hồng, Bằng Lăng… mùa này không nở, nên được mời đến làm Ban Giám khảo.

  ​Mấy anh Lá Dứa, Lưỡi Hổ, Dây Mây đứng ở các góc sân làm bảo vệ vì mình mẩy toàn gai góc. Ban tổ chức đã phân công thật đúng người đúng việc. Công này phải kể đến bác Đa già sống lâu nên biết nhìn người.

  ​Sân đình mỗi lúc một đông. Chỉ có bác Mai Vàng và bác Đào Đỏ là đủng đỉnh chẳng cần chen lấn. Có lẽ hai bác đó tự tin mình là sứ giả của mùa xuân ít ai cạnh tranh được.

  ​Khi nàng tiên Mùa Xuân cưỡi đám mây trắng bồng bềnh như bông từ từ giáng xuống trần gian là lúc tiếng trống chiêng rộn lên ba hồi cùng với tiếng hò reo không dứt của muôn loài. Cho đến khi nàng ngồi xuống mọi người mới im lặng để ngắm dung nhan tuyệt mỹ của nàng.

  ​Nàng mặc chiếc váy hồng rực rỡ, trên đầu đội chiếc vương miện kết bằng nhiều loài hoa hái từ vườn Thượng uyển càng tôn thêm vẻ đài các kiêu sa.

  ​Lễ hội được mở màn bằng giọng nói trầm ấm của cụ Đa già. Cụ giơ tay vuốt chòm râu bằng rễ dài cả thế kỷ nay chưa cạo. Rồi cụ tuyên bố lý do và chương trình. Lễ hội sẽ được chia thành ba phần: chào hỏi, văn nghệ và hùng biện để chọn ra loài hoa nào là quán quân năm nay.

 ​Sau màn chào hỏi vui vẻ là phần văn nghệ.

 ​Mấy cô Hoa Bướm tung cánh trước tia nắng nhẹ nhàng làm duyên làm dáng không biết mỏi mệt.

  ​Chàng Bèo Tây thật vô ý, quên mình đang trên sân khấu hay sao mà nhún một cái để nước bắn tứ tung.

 ​ Nàng Hoa Vông hôm nay hình như ra cổng bước chân trái, đúng lúc biểu diễn thì cơn gió mạnh thổi qua, cánh hoa bay lả tả khiến mọi người cứ phải dụi mắt liên tục…

  ​Phần văn nghệ kết thúc, chuyển sang phần hùng biện. Phần mà mọi người mong chờ nhất.

  ​Để buổi lễ được trang trọng, năm nào bác Mai Vàng và bác Đào cũng được lên hùng biện đầu tiên, vì trông hai bác rất phong độ. Đã thế, lại hùng biện đôi mới độc đáo. Chắc là được chuẩn bị từ trước nên dù kẻ Nam người Bắc nhưng hai bác nói rất ăn ý, khiến tất cả mọi người vỗ tay râm ran.

  ​Bà Chuối già được Ban tổ chứ ưu tiên cử hai người dìu lên sân khấu, vì buồng Chuối khá nặng. Bà Chuối già cười, bảo mọi người thông cảm vì tuổi cao sức yếu. Rồi chậm rãi:

​- Họ nhà tôi có từ rừng sâu tới vùng biển, từ miền ngược đến miền xuôi, quả chuối chữa cho người máu bị thiếu ka li, ăn chuối chữa nhuận tràng.

​Phía dưới có tiếng cất lên: “Chắc có tuổi nên lẩm cẩm rồi… Đây là cuộc thi hoa không phải thi quả”.

​Có tiếng nhắc:

​- Tập trung nói về hoa đi cụ ơi!

​Lúc này bà Chuối mới giật mình kịp nói mỗi câu:

​- Ờ… Hoa của bà làm nộm rất ngon.

​Tiếng cười ran phía dưới.

​ Đến lượt Hoa Hồng, nàng xoay một vòng rồi bằng giọng điệu đà:

​- Ngoài vẻ đẹp kiêu sa, hương thơm quyến rũ thì tôi còn chữa được cả bệnh ho…

  ​Chưa nói hết câu, anh Hoa Đu Đủ đực bĩu môi:

​- Tưởng gì chứ bệnh ho thì hoa tớ đây mới hiệu nghiệm. Hoa của tớ còn chữa cả bệnh dạ dày, ung bướu nữa đấy.

 ​Cả đám xôn xao khiến cụ Đa phải lấy chiếc lá của mình làm kèn thổi một hồi dài ra hiệu trật tự.

 ​Cô Trinh Nữ bình thường thì tươi tỉnh, vậy mà gọi đến tên không dám lên, còn nhắm mắt lại, bỏ cả cuộc thi. Chả trách mà mọi người còn gọi nàng là Hoa Cỏ Thẹn.

  ​Lần lượt các loài Hoa Lan, Hoa Dơn, Hoa Huệ, Hoa Sim, Hoa Mua, Hoa Tầm Xuân….đều lần lượt phần thi của mình. Hoa thì khoe trong ngày Tết không thể thiếu được mình, hoa lại khoe trong các bữa tiệc, những buổi gặp mặt lúc nào cũng có mặt họ…

     ​Nàng tiên Mùa Xuân hình như thấy khó xử vì mỗi loài hoa đều có một vẻ đẹp và công dụng riêng, nên quay sang hỏi cụ Đa cho ý kiến.

  ​Cụ Đa già cầm loa đứng dậy thông báo:

​- Còn loài hoa nào chưa được lên hùng biện không?

​Tất cả đều đồng thanh:

​- Không ạ!

​Bỗng từ cuối sân, bé Hoa Cúc vàng rụt rè giơ cánh tay lên. Trong đám đông có tiếng xì xào:

​- Ôi! Hoa Cúc mà cũng đi thi, loài hoa toàn để làm vòng viếng người chết.

​Vài tiếng cười chế giễu:

​- Thôi, thế thì ra bãi tha ma mà thi, eo ơi!

  ​Những tiếng nhạo báng của đám đông mỗi lúc một to. Đến khi cụ Đa bực mình hất chòm râu ra sau lưng, lệnh cho mấy nhân viên bảo vệ Lưỡi Hổ, Dây Mây Dứa Dại ổn định trật tự. Mấy chàng đung đưa những tàu lá đầy gai chi chít quất vun vút váo không khí, khiến đám đông im bặt.

 ​ Nàng tiên Mùa Xuân ra hiệu cho bé Hoa Cúc Vàng trình bày phần hùng biện của mình.

  ​Bé lễ phép cúi chào mọi người rồi bắt đầu:

​- Chúng con là loài hoa cúc chân yếu tay mềm nhưng cũng giúp ích, làm vị thuốc cho đời. Khi họ hàng nhà cúc nở rộ, vàng như nắng là mùa trẻ em náo nức đến trường báo hiệu năm học mới. Loài hoa chúng con tuy không được bạn trẻ yêu thích nhưng có một ý nghĩa sâu xa trong cuộc đời này. Đó là lòng hiếu thảo, sự trường tồn, thủy chung của con người.

​Có tiếng nói cất lên:

​- Cái gì mà trường tồn, hiếu thảo?

​Nàng tiên Mùa Xuân chăm chú nhìn bé Hoa Cúc Vàng yêu cầu chứng minh lời nói của mình.

​Lúc này bé Hoa Cúc Vàng vẻ như đã bạo dạn hơn:

​- Thuở xưa, loài cúc chúng con mọc trong rừng sâu và mỗi bông hoa chỉ có năm cánh. Trong một gia đình nọ, có hai mẹ con nghèo yêu thương nhau hết lòng. Một hôm bà mẹ bị ốm nặng, Bụt đã hiện lên bảo người con vào rừng sâu hái một bông hoa cúc về đun nước cho mẹ uống. Bụt còn dặn thêm: “Số cánh hoa sẽ tương ứng với số năm người mẹ được sống”. Người con đi cả ngày, tìm được bông cúc vàng, nhưng chỉ có năm cánh. Người con có ý định xé nhỏ các cánh hoa để mẹ sống được lâu. Nhưng mỗi lần xé một cách hoa thì ngón tay của người con phải rỉ ra một giọt máu. Người con không hề ngần ngại, đã nén chịu đau đớn để xé những cánh hoa ra làm rất nhiều mảnh. Quả nhiên người mẹ uống xong bát nước hoa cúc liền khỏi bệnh và trường thọ.

​Hoa Cúc Vàng nhìn xuống khán giả:

​- Cho đến ngày hôm nay, số cánh của loài cúc nhà em không đếm được, có loài còn được gọi là cúc vạn thọ.

​Cụ Đa già vui vẻ gật đầu:

​- Truyện này ta có nghe, ta còn biết ở bên Trung Quốc, trên đồng tiền xu còn có biểu tượng hoa Cúc đấy,

 ​Đám đông lúc này mới có vẻ bái phục bé Hoa Cúc Vàng.

  ​Nàng tiên mùa Xuân hỏi thêm:

​- Ta công nhận loài cúc nhà ngươi tượng trưng cho sự hiếu thảo và trường tồn, nhưng khi nãy ngươi còn nói đến sự thủy chung mà ta chưa thấy ngươi giải thích?

​Bé Hoa Cúc Vàng lại say sưa:

​- Họ nhà cúc chúng con khi cắm vào lọ, từ lúc tươi cho đến khi tàn, những cánh hoa không bao giờ rời bông, lá không bao giờ rời cành ạ. Người xưa đã đúc kết về loài hoa cúc chúng con bằng câu: “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”, nghĩa là lá không rời cành, hoa không rơi vào đất. Đó là sự thủy chung, gắn kết, đến tận khi héo tàn vẫn không rời nhau ạ.

​ Nàng tiên Mùa Xuân từ hết ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, nàng thốt lên như một lời khen:

​- Lại có cả chuyện tuyệt vời đó nữa sao? Thật đáng khen!

  ​Sau ít phút hội ý với bác Đa cùng ban giám khảo, nàng tiên Mùa Xuân đã trao Giải Quán quân cho bé Hoa Cúc Vàng.

​Muôn loài hoa đều đồng thanh:

​- Cúc vàng thật tuyệt!

- Cúc vàng vô địch!...         

 

 

 

THẰNG DINH

 

Đầu năm học, cô giáo dẫn theo một bạn vào lớp rồi giới thiệu:

- Đây là bạn Dinh mới chuyển đến lớp ta, cô mong rằng cả lớp sẽ đoàn kết và giúp đỡ bạn. 

  Thoạt nhìn “ Nhân vật mới” Hạnh đã thấy chán ớn.

Người đâu mà trông gớm ghiếc. Mái tóc nhuộm từng vệt xanh đỏ ba bốn màu lẫn lộn, cái trán dô chễm chệ trên chiếc mũi tẹt dí, khiến khuôn mặt gẫy gập lại, cặp mắt ti hí của nó dướn lên đảo quanh lớp một vòng như muốn dọa đẫm mọi người.

- Bạn Dinh sẽ ngồi cùng bàn với Hạnh. Cả lớp thở phào khi nghe cô nói, còn Hạnh thì có cảm giác lạnh buốt sống lưng.

  Cô giáo vừa đi khỏi, Dinh nhảy tót lên bàn. Chân co chân duỗi vỗ ngực “uy hiếp”:

- Thằng này năm nay đúp là năm thứ ba. Năm đầu tao làm tướng, năm ngoái tao làm anh, còn năm nay tao làm bố chúng mày. Đứa nào khôn hồn thì tuân lệnh, đừng trách tao không báo trước.

   Chao ôi! Sao số mình lại nhọ vậy cơ chứ.

 Ngồi  ngay dưới quạt mà Hạnh toát mồ hôi hột, vì lúc nào cũng nghĩ nó sắp “tuyên chiến”với mình.  

  Ngồi xuống bàn, việc đầu tiên của nó là lấy chiếc com pa phập mạnh một cái xuống bàn và kéo một đường để chia “Biên giới”.  Nó “hào phóng” cho Hạnh kê vừa đủ quyển sách, còn chỗ nó rộng mênh mông. Đang nghí ngoáy viết thì xoạc một cái, nó xé ngay một góc trang vở của Hạnh, vì đã lấn một góc bàn của nó. Hạnh tức gần chết, nhưng chợt nghe câu nói lạnh tanh khiến Hạnh nổi da gà.

- khôn hồn thì đừng thưa cô.

  Hạnh ngồi im re, trong lòng ấm ức vô cùng. Từ đó Hạnh luôn gấp đôi quyển sách lại cho an toàn.

  Nhưng khó chịu hơn cả vẫn là cái thói hễ Dinh đi đến đâu, thấy cái gì các bạn đánh rơi đã không nhặt còn thẳng chân đá vèo một cái. Lũ con gái thì sợ nhất cái việc nó bắt sâu bỏ vào cổ áo. Khiến mọi người sợ hãi tránh xa vì chẳng ai muốn dây vào “tổ kiến lửa”.

Lớp đang yên bình thì rối loạn cả lên.

      Dạo ấy, Hạnh đến lớp như một cực hình, chỉ mong hết giờ để thoát cái bộ mặt “quái đản” kia. Nó luôn thu mình lại vì hễ sơ xuất một tý là bị Dinh cấu vào mông hoặc vụt vào tay. Chỗ nào lấn sang, nó trừng trị chỗ đó. Đang đâu thì mọc ra tên “Dinh bựa”khiến Hạnh  khổ trăm đường...

   Một lần, trong giờ ra chơi chả biết nó đi đứng thế nào mà vấp vào hòn đá ngã sóng xoài ra sân. Hạnh sướng quá miệng lẩm bẩm: “Cho đáng đời, chừa thói bắt nạt người khác”.

  Nhưng khi thấy Dinh ngồi mãi mà không đứng dậy, nên Hạnh rón rén lại gần. Thì ra móng chân cái của nó bị bong hẳn ra, máu chảy khá nhiều, Hạnh như quên hết mọi chuyện, vội lấy cái khăn mùi xoa của mình buộc vào vết thương cho Dinh

   Sáng hôm sau, Hạnh  đang nhìn ra cửa sổ thì giật bắn mình với tiếng phập của chiếc com pa. Nhưng khi quay lại thì ra nó chia lại bàn thành hai phần bằng nhau. Hạnh ngây người nhưng cũng chợt hiểu: “Chắc nó trả công mình”. Từ đó Dinh và Hạnh lại thỉnh thoảng nói chuyện với nhau. Rồi dần dần thân nhau hơn.

   Trong một lần nói chuyện, Dinh kể nó phải chăn trâu cắt cỏ nên rất ít thời gian học hành.

Hạnh tò mò:

- Cậu cũng biết cưỡi trâu à?

  Dinh cười hơ hớ:

- Đương nhiên rồi, đôi khi tớ nằm ngủ cả trên lưng trâu, sướng cực

 Hoá ra nó cười cũng không đến nỗi nào. Hạnh thích quá thì thầm:

- Này! Hôm nào cho tớ cưỡi một lần được không?

  Dinh cười vui vẻ:

- Ừ, tớ cho ngồi đằng sau, chỉ cần ôm chặt vào lưng tớ thì không sợ gì cả.

 Từ sau buổi hôm đó, Hạnh ước ao được cưỡi trâu một lần. Hạnh luôn hình dung mình sẽ ngồi như bà Trưng bà Triệu cưỡi voi ra trận. Con trâu sẽ bước đi ngạo nghễ oai phong, các bạn sẽ phải thán phục, sẽ không ai gán cho Hạnh cái tên “Công chúa” nữa.

  Mấy hôm sau, Dinh nói với Hạnh:

- Này cậu! Chiều nay rảnh vào nhà tớ chơi rồi cưỡi trâu nhé!

 Hạnh nhảy cẫng lên vui sướng:

  - Ô văn kê!

 Cả buổi trưa hôm đó Hạnh háo hức không ngủ. Đợi mãi cũng đến giờ hẹn.

   Hạnh chạy như bay, loáng cái đã đến bãi chăn trâu. Dình vẫn chưa ra, vài ba bạn đứng đó hỏi:

- Ê! Hôm nay có việc gì mà vào đây?

  Hạnh mạnh mồm:

- Dinh hẹn tớ vào đây và cho tớ cưỡi trâu.

   Chúng nó ngửa cổ lên trời cười sặc sụa:

- Cưỡi trâu?

 - Đương nhiên rồi, nhưng bạn ấy cho ngồi đằng sau thôi.

  Mấy đứa tỏ vẻ coi thường:

- Cậu nhìn như công chúa, còn lâu mới dám. Ngồi sau bám đít thì oai gì?

  Bị chọc đúng chỗ ngứa, nên Hạnh đỏ bừng mặt:

- Tớ cưỡi luôn, không cần đợi Dinh.

  Hai đứa đẩy mông Hạnh lên. Lúc này Hạnh bắt đầu thấy sợ nhưng cố tỏ ra can đảm. Vừa hô một tiếng "đi!"con trâu  bước được một bước, người nó nong nóng, lưng nó rung rung, Hạnh không có chỗ bám cố cắn răng lại. Còn chúng nó thì đồng thanh: “ Công chúa cưỡi trâu, công chúa cưỡi trâu.... Công... chúa....

 Hồn vía Hạnh bay lên mây, cô la lớn:

- Xuống thôi! Tớ sợ lắm.

- Hèn thế!

- Hèn cũng được, cho tớ xuống, tớ sợ lắm rồi,  Hạnh vừa khóc vừa kêu: “Họ... Họ”...

 Con trâu độc ác giả vờ bị điếc đã không họ còn bước nhanh như sắp lồng.

  Trong lúc hoảng hốt đến tột cùng, Dinh bỗng xuất hiện lao như tên bắn, bất chấp  hiểm nguy bám sát con trâu hung dữ đang chuẩn bị lồng. Nó dơ tay đón cho Hạnh lao xuống. Hạnh nhắm mắt lại lao vào người Dinh, tối tăm mặt mũi không biết gì, rồi ngất xỉu.

  Khi mở mắt, Hạnh đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Có cả bố, mẹ và chị gái.

Hạnh không dám nhìn ai vì biết mình có tội, chị Hạnh thấy vậy nên an ủi:

- Sao em nghịch dại thế, không sao là may rồi.”Đã yếu còn muốn ra gió”

Lần đầu tiên Hạnh đau mà không dám khóc,.

 Nó giật mình nhớ đến Dinh, nên hỏi chị:

- Dinh có sao không chị? Bạn ấy đâu rồi?

- Dinh vì cứu em mà bị thương rất nặng,

bị con trâu dẫm vào chân dập cả xương, đầu thì sưng tướng lên, bố vừa ở chỗ Dinh về.

  Hạnh cố tỏ ra không đau và năn nỉ đòi sang phòng bạn.

  Chao ôi! Dinh nằm im bất động, chân nó bị bó bột trắng toát từ đầu gối xuống. Nước mắt Hạnh trào ra.

Bà ngoại Dinh ngồi đó mếu máo:

 - Cháu là Hạnh phải không?

Hạnh không nói  mà chỉ gật đầu, mặt lấm lét.

Rồi bà kể:

 - Cháu nó thiếu thốn tình cảm, mẹ mất sớm, bố lấy vợ hai. Cảnh dì ghẻ con chồng khổ quá, khiến nó chán nản và sinh ra bướng bỉnh bất cần. Cách đây hơn một năm đã trốn sang ở với bà. Dạo này thấy nó vui vẻ bà cũng mừng.

  Rồi bà nói tiếp:

 Mấy lần nó bảo bà mua lọ thuốc tẩy, sáng nay bà mới nhớ. Ăn cơm xong thấy nó vò đi vò lại chiếc khăn, rồi đợi khô mới đi.

  Hạnh lặng người. Nếu nó kiên trì đợi bạn, nếu như nó biết đó là trò chơi nguy hiểm và không sĩ diện thì Dinh đâu bị như thế này.

Bỗng Dinh cựa quậy nắm chặt tay nó thì thầm:

- Tớ không sao, tớ hứa sẽ bảo vệ cậu mà.

   Lần đầu tiên Hạnh thấy Dinh khóc. Cô lấy chiếc khăn mùi xoa từ tay bà vẫn còn vết máu hôm trước chưa sạch hẳn lau nước mắt cho Dinh.

Giọng nghẹn lại:

- Dinh ơi! Tớ sẽ giữ mãi nó vì chiếc khăn của tớ đã thấm đẫm những giọt máu và nước mắt của  bạn.

  Dinh hơi ngượng, lúng túng rồi quay mặt vào tường:

- Không có gì! Chuyện nhỏ như con thỏ ý mà!

 

 

 

 

                                     NỖI OAN CỦA CUỘI

 

Suốt hơn một tuần nay cứ thỉnh thoảng Cuội lại vén mây ngó xuống trần gian xem hạ giới chuẩn bị tết Trung Thu đến đâu rồi. Hình như Chú cũng thấp thỏm và mong chờ ngày đó không kém gì các em thiếu nhi.

Sáng nay, như thường lệ, Cuội lại ngó xuống một làng chài ven sông, nơi có cu Tý và bé Na đang cười khúc khích và thích thú với chiếc đèn lồng vừa được bố mua. Bỗng câu chuyện của cu Tý và bé Na lọt vào tai Cuội. Chú chăm chú lắng nghe không bỏ sót từ nào.

Cu Tý ra dáng đàn anh dõng dạc:

- Em biết không? Anh chẳng thích chú Cuội một tí nào cả.

Bé Na ngây thơ hỏi:

- Sao anh lại không thích?

Cu Tí nói luôn mà không cần suy nghĩ:

- Vì Cuội hư lắm, Cuội toàn nói dối thôi.

Bé Na ngơ ngác:

- Em thấy mẹ kể chú Cuội rất tốt bụng cơ mà?

Cu Tý quả quyết, làm một lèo:

- Chính anh đọc truyện viết về Cuội. Cuội giết cả chú, thím nuôi mình. Chuyên lừa mọi người, đến cả vua mà Cuội cũng không tha. Chính vì vậy mới có câu: “Nói dối như Cuội”. Anh mà có phép là anh lên cung trăng dạy hắn một bài học để biết thế nào là lễ độ.

Bé Na một lần nghe mẹ kể về chú Cuội không giống như anh nói. Nhưng vì không nhớ chính xác nên sợ mình nhầm.Đã thế thấy anh Tý khẳng định đã đọc trong sách thì tin ngay. Vì bé chưa biết đọc như anh.

Na nhìn cu Tý:

-  Vậy à anh?

Cu Tý gật đầu lia lịa:

- Chính xác luôn.

Để chắc chắn cho Na tin, Tý còn nói cứng:

- Em đã bao giờ thấy anh nói dối chưa? Chỉ có Cuội mới là “Vua dối trá”. Anh ước gì trên cung trăng không có chú Cuội độc ác.

Bé Na gật đầu đồng tình:

- Vậy ước gì hai anh em mình được lên cung trăng để dạy Cuội, anh nhỉ?…

 Cuội ở trên này nghe câu chuyện của Na và Tý giật nẩy mình, mặt buồn rười rượi. Chúng đang nghĩ oan cho mình nhưng không có cách nào xuống đất để thanh minh. Bởi mỗi năm Cuội chỉ được xuống trần gian một lần, đúng vào dịp tết Trung Thu.

                                             *

Cuội đang ngồi thừ mặt nghĩ ngợi thì cô Gió đi qua. Thấy mặt Cuội buồn thiu, cô ngạc nhiên hỏi:

- Sao hôm nay nhìn mặt chú em khó ưa thế? Cuội thở dài thườn thượt rồi kể lại đầu đuôi câu chuyện cho cô Gió nghe.

Gió gật gù quay về phía Cuội an ủi:

- Chuyện đâu khắc có đó. Trên thế gian này thiếu gì người cùng tên. Một vài bé chưa biết nên lẫn lộn đấy thôi.

Thấy Cuội ngồi im, cô Gió lại nói tiếp:

- Bây giờ, ta đang bận công việc, chú cứ ở nhà nghỉ ngơi. Sắp được xuống trần gian rồi còn gì? Phải vui lên chứ.

 Vừa nói, cô Gió vừa giơ tay tạm biệt chú Cuội. Vút một cái, cô đã lướt tới trần gian. Không những thế, cô Gió còn hạ cánh ngay cạnh chỗ cu Tý và bé Na đang chơi. Hai anh em vẫn say sưa nói chuyện về chú Cuội xấu tính.

Cô Gió nhìn trước, nhìn sau phát hiện ra một hiệu sách cách đó không xa. Cô bèn lấy vạt áo che miệng thổi nhẹ vào một tờ báo Nhi Đồng trên giá sách bay về phía cu Tý. Cu Tý thấy tờ báo đẹp quá vội cầm lên xem. Nó lật ngay trang đầu, không ngờ bắt gặp truyện “Sự tích chú Cuội và ông trăng” có kèm cả tranh minh họa rất hấp dẫn. Cu Tý reo lên vui thích và nghĩ bụng đây sẽ là bằng cứ để chứng minh lời nói của cậu là đúng:

- Na ơi! Nhìn này.

 Bé Na cũng quay lại dán mắt vào tờ báo và ngồi im nghe anh đọc. Cu Tý vừa đọc được một đoạn thì giật mình và ngạc nhiên nghĩ sao chú Cuội này không giống như câu chuyện mà khi nãy cậu kể với bé Na? Chú Cuội trên cung trăng rất tốt bụng. Đã cứu sống bao nhiêu người. Chỉ do vợ chú lơ đãng một chút mà làm cây thần bay lên trời… Đâu phải cái “thằng Cuội” láu cá lừa lọc như lần trước cậu đọc trong một quyển truyện nào đó.

 Rồi Tý lẩm bẩm: “Thì ra hai Cuội khác nhau hoàn toàn.”

 Cu Tý rất ân hận, vì mình đã hiểu lầm nghĩ oan cho chú Cuội tốt bụng. Về chuyện này, nhất định Tý phải nói lại với em Na.

Cô Gió mỉm cười khi thấy cu Tý hiểu ra mọi chuyện. Cô lại nhẹ nhàng lấy vạt áo che miệng thổi nhẹ khiến tờ báo bay khỏi tay cu Tý rồi nằm lên giá sách như cũ.

Ông chủ hiệu sách vừa bán hàng vừa mải mê dán chiếc đèn ông sao to đùng cho tổ dân phố nên không hề biết cuộc “phiêu lưu” kỳ diệu của tờ báo Nhi Đồng.

Xong việc, cô Gió bay vút lên cung Trăng, nơi chú Cuội đang ngồi trầm tư nhớ nhung người vợ hiền và chú chó trung thành dưới trần gian ngày ấy.

Bằng một giọng vui vẻ cô Gió nói:

- Chú yên tâm, từ giờ cu Tý sẽ không ghét chú nữa đâu. Cuội xúc động cảm ơn Gió rối rít…

                                                  *

 Hôm nay đúng ngày rằm tháng tám. Khắp nơi từ phố xá đến làng quê chỗ nào cũng bày biện đẹp đẽ. Những chiếc đèn cá, đèn ông sao được đặt lên ô tô trang hoàng lộng lẫy.Những mâm ngũ quả đủ loại trái cây. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, kẹo và thức uống được bày la liệt chuẩn bị chờ trăng lên cho mọi người phá cỗ. Những sân khấu mi nicủa các tổ, các phường, các trường học đang chờ đón tiết mục văn nghệ đặc sắc của các cháu thiếu nhi…

Chú Cuội hồi hộp mong chờ đến tối. Và chú vô cùng sung sướng khi thấy cu Tý đăng ký tiết mục kể chuyện: “Sự tích chú Cuội và ông Trăng”. Còn bé Na thì điệu đà trong bộ váy trắng tinh và chiếc vương miện lấp lánh.

Tiếng trống tùng dinh hoà vào dòng người đi rước đèn nhộn nhịp. Những lời ca trong trẻo hát về chị Hằng Nga.

Và… Ơ kìa! Các cô bé, cậu bé đang nhắc đến “chú Cuội” qua một ca khúc vui tươi: “Đánh tiếng trống lên em hát khúc ca/ Dưới ánh trăng vàng trời xanh bao la/ Cất tiếng múa ca mừng trăng lên cao/ Vui sướng làm sao trống em rền trăng sáng/ Trăng Thu sáng em thấy chú Cuội già/ Ối a hà hà ngồi bên cây đa…Vui múa hát em nhắn lên trên trời/ Nếu chú yêu đời, mời xuống đây chơi”.

 Đang say trong điệu hát lời mời đó thì tiếp theo là những câu chuyện rôm rả về ngày tết đoàn viên. Đặc biệt hơn cả là giọng kể chuyện mạch lạc của cu Tý, khiến chú Cuội xúc động nghẹn ngào… Chú thích quá, liền hái một chiếc lá đa làm kèn thổi rõ to khiến tất cả mọi người đều ngước nhìn lên ông Trăng. Ông Trăng như gần lại và cứ sáng mãi, sáng mãi lung linh!…

 

 

 

NHỮNG ĐIỀU BÍ MẬT CỦA ÔNG TÔI

 

  Vừa mua được chiếc lồng chim tôi đã chạy như bay đem về để nhốt chú chim sâu mà tôi phải đổi mười viên bi cho thằng Tuyến:

- Ông ơi! Con có lồng rồi này.

 Nhưng khi vào đến sân tôi thấy ông Ngoại đứng ngoài vườn mặt mũi bơ phờ, mồ hôi nhễ nhại, tôi đoán ông đang bắt cào cào nên gọi với:

- Con có cả cào cào đây rồi, ông không phải bắt nữa đâu ạ.

Ông Ngoại lúng túng:

- Ông vô ý làm bay mất chim rồi.

Tôi gào lên:

 - Sao ông lại làm bay? Con đã bảo ông phải giữ cẩn thận cơ mà?

 Ông bước đến gần tôi giọng bối rối:

 - Ông xin lỗi! Vì ông hậu đậu quá, ông đuổi mà không vồ được, nó bay lên cao mất. Ngập ngừng một lát, ông tôi nói tiếp:

 - Hay… Lát ông sang nhà Tuyến bảo bạn cho con khác. Lúc nãy con bảo bạn ấy vẫn còn một đôi phải không?

 Nhưng tôi vẫn thất vọng và hờn dỗi:

- Con không còn bi để đổi đâu, chắc chắn bạn ấy sẽ không cho. Nó bảo chỉ còn một đôi để gây giống. Ông biết không? Con phải đổi mất mười viên bi ngũ sắc đẹp nhất đấy!

  Vừa nói tôi vừa giậm chân gào lên nức nở. Để có được chú chim sâu tôi phải năn nỉ cả buổi chiều thằng Tuyến mới đổi. Vậy mà nhờ ông cầm có một lúc đã làm xổng mất.

 Thấy tôi khóc, ông Ngoại lặng im không nói câu nào, còn tôi vùng vằng đi tắm, trong lòng rất giận ông.

  Ăn cơm xong, ông tôi sang nhà thằng Tuyến, chẳng biết ông nói gì với nó nhưng tôi thấy ông về tay không, mặt buồn bã bước đến bên tôi giọng nhẹ nhàng:

 - Cháu đừng buồn, nhất định ông sẽ kiếm cho cháu một con chim khác.

Tuy ông nói vậy nhưng tôi vẫn không vui, phần thì tiếc con chim, phần thì tiếc mười viên bi nên xị mặt ra không trả lời ông.

 Tối hôm đó, tuy nằm chung giường nhưng tôi quay mặt vào tường, ông Ngoại hỏi gì tôi cũng không trả lời, hai hàng nước mắt rơi lã chã, thỉnh thoảng tôi lại nấc lên. Lúc ấy ông Ngoại đặt tay lên người tôi nhưng tôi đã hất ra, cả hai ông cháu đều không ngủ.

Hình ảnh ông thằng Tuyến mặc bộ quần áo com lê trông rất hoành tráng hiện ra trước mắt tôi. Rồi cả chiếc diều to đùng ông nó làm khiến diều của tôi lúc nào cũng bay thấp hơn diều của thằng Tuyến.

Rồi ông nội thằng Hoàng cũng vậy, mỗi lần đi đâu có cả chục cái huân huy chương treo lủng lẳng trên ngực rõ là oai. Quần áo thì phẳng phiu, đôi giầy cũng bóng loáng. Có lần tôi còn thấy ông dạy nó tập võ nữa chứ, nhìn mà thèm. Chẳng như ông Ngoại tôi lúc nào cũng mặc bộ quần áo cũ kỹ, đi đứng thì chậm chạp, làm gì cũng vụng về. Thậm chí chơi gấp súng hay gấp thuyền lần nào cũng thua tôi, nghĩ mà chán.

  Từ sau hôm đó tôi lạnh nhạt với ông Ngoại, ông hỏi gì tôi cũng ậm ừ cho qua chuyện. Tôi không thích chơi cùng ông như ngày còn bé. Tôi bực bội vì ông nói kiếm cho tôi con chim khác mà mãi chẳng thấy đâu. Mỗi khi ông quan tâm và nhắc nhở tôi ăn uống hay học bài tôi cảm thấy rất phiền hà.

                                                     +++

 Một buổi chiều tôi đi học về thấy trong nhà có các cô chú hàng xóm rất đông, vừa bước đến hè mọi người đã thi nhau nói:

- Long về rồi đây này.

 - Nhanh lên con, vào với ông đi!

Một thoáng ngơ ngác nhưng đoán ra có chuyện chẳng lành, tôi bước nhanh vào nhà thì thấy mọi người ngồi quanh giường ông. Một bác đứng dậy nhường chỗ và ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Ông Ngoại cầm tay tôi nở nụ cười yếu ớt, tay còn lại run run chỉ ra cửa sổ, miệng mấp máy không nói thành lời. Tôi không hiểu ý nhưng cũng nhìn theo tay ông, hóa ra chiếc lồng chim treo ở đó. Đúng lúc ấy tôi thấy tay Ngoại lỏng dần, lỏng dần… rồi buông thõng.

 Ông tôi đã trút hơi thở cuối cùng.

 Chú Thêm cạnh nhà kể:

- Cách đây hơn chục ngày, ông Ngoại sang tận xóm bên đặt anh làm nghề bẫy chim để mua một con, vì dạo này ông rất yếu, sợ sai lời hứa với cháu. May mà anh ấy vừa mới mang sang, chắc ông rất mong cháu về…

Trời ơi! Vậy mà tôi không biết, tôi đã trách ông Ngoại sai hứa, rồi còn giận Ngoại nữa chứ. Thì ra lúc nào ông Ngoại cũng quan tâm đến tôi.

Tôi đã gào lên:

 - Ông ơi! Con chỉ cần ông thôi, con đã lớn rồi không cần chim nữa. Ông Ngoại mở mắt ra đi, ông đừng bỏ con, con yêu Ngoại nhiều lắm… Sao Ngoại không trả lời con thế này???

 Không biết ông có nghe thấy tôi gọi không mà một dòng nước tràn ra từ đôi mắt nhăn nheo.

 Đám tang ông Ngoại đông lắm. Tôi ngạc nhiên khi thấy bố đưa một chiếc hộp nhỏ đã cũ cho bác tổ trưởng dân phố, chiếc hộp mà có lần tôi đã nhìn thấy trong tủ quần áo của ông nhưng vì nhìn cũ kỹ nên tôi không quan tâm. Nhưng hôm nay khi bác vừa mở hộp tôi đã giật nẩy mình. Chao ôi! Một hộp toàn huân huy chương sáng loáng, nhiều hơn cả huân huy chương của ông thằng Hoàng.

Vậy mà từ trước đến giờ tôi luôn ước ao ông mình oai như vậy, bởi ông Ngoại tôi đi đâu có đeo bao giờ đâu. Có lần tôi khoe ông các bạn có nhiều huân huy chương, Ngoại chỉ gật đầu cười một cách hiền lành.

 Bác tổ trưởng dân phố treo những tấm huân huy chương vào một cái khung để trên bàn thờ ông.  Tôi đang chăm chú nhìn thì thấy một cụ già trạc tuổi ông Ngoại chống gậy run run đi vào. Ông tự giới thiệu là người bạn bị giam trong nhà tù đế quốc cùng Ngoại.

 Tôi được ông kể cho nghe thời gian ông ở cùng ông Ngoại trong nhà tù Côn Đảo:

- Ông cháu anh dũng lắm, mỗi lần bị tra tấn, ông cháu đều đẩy những người yếu hơn vào trong, nên luôn bị đánh nhiều nhất. Chúng đã tra tấn rất dã man, cắt cả gân chân và chặt từng ngón tay của ông mà ông quyết không khai.

Tôi thấy giọng ông nghẹn lại, tay lấy khăn trong túi áo chấm lên mắt:

- Lần ấy ai cũng tưởng ông cháu hy sinh, nhưng may mắn đúng vào dịp trao trả tù binh nên ông cháu cùng một số đồng đội được trở về.

Rồi ông còn kể Ngoại tôi rất khéo tay, những khi rảnh ông làm sáo, làm đàn bầu…

Trời ơi! Thì ra những ngón tay ông Ngoại bị cụt là do giặc tra tấn, vậy mà tôi luôn trách ông mỗi khi ông cầm các thứ đều không chắc. Tôi đã cười khanh khách khi bắt ông Ngoại làm ngôi sao bằng dây nịt với bàn tay hai ngón  để rồi lúc nào ông cũng thua. Tôi đã trách vì ông chậm chạp vụng về, lần nào đi cùng tôi cũng tập tà tập tễnh để tôi vừa đi vừa đợi rõ lâu. Tôi đã bắt ông chụm bàn tay thiếu ngón để giữ con chim thì làm sao mà nó chẳng bay, vậy mà còn hờn dỗi. Tôi luôn nghĩ ông Ngoại không phải là đối thủ của mình trong các cuộc chơi…

 Tôi ngồi bên giường ngắm khuôn mặt nhăn nheo hiền từ của ông. Ngồi mân mê bàn tay chỉ còn hai ngón, mân mê cái sẹo chai cứng ở chân ông đã lạnh toát:

  - Ông Ngoại ơi! Tuy bàn tay ông không cầm chắc những vật dụng hàng ngày, chưa một lần nắm chặt tay con. Nhưng giờ đây con đã biết đôi bàn tay của ông đã từng cầm chắc tay súng cùng đồng đội anh dũng chiến đấu, chiến thắng quân thù, để đất nước ta có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay…

Tôi kêu lên thật to thay lời chào vĩnh biệt: “Ông Ngoại ơi! Con rất tự hào về tình yêu và đôi bàn tay của ông Ngoại”…

 

 

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy