Thứ hai, ngày 07 tháng 07 năm 2025
17:28 (GMT +7)

Tác phẩm của: Trịnh Thị Hiên

 

GIẤC MƠ

Truyện ngắn  – Trinh Nguyên

Trong giấc mơ tuổi lên năm, con ma là cái gì đó rất ghê gớm, rất đáng sợ, rất kinh khủng.

Trong giấc mơ tuổi mười lăm, dượng hiện ra là một con ma sống.

Trong giấc mơ tuổi ba lăm, San cố hình dung một cái kết có hậu cho câu chuyện của dì, mà bất lực. Không có gì để bấu víu, dù mỏng manh như sợi khói hay bé như phân tử, nguyên tử hy vọng. San bất lực cả với việc sắp xếp ký ức của mình. Những giấc mơ không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

*                                              *                                              *

Em với tay ra bấu chặt vai mẹ. Mẹ dứt tay Em và dứt khoát bước đi, dì ôm Em đứng lặng. Khoảng không sau lưng mẹ ướt mèm, nước mắt của Em. Khoảng không trước mặt mẹ ướt mèm, nước mắt của mẹ. Cả hai khoảng không ấy ướt mèm trước mắt của dì. Ướt mèm này, có so sánh được với ướt mèm của nhiều năm sau?

Ban ngày thì kệ em lê la được, trên giường hoặc dưới nền nhà, tùy, chơi với Chị và San. Chỉ được một chốc thôi là Em lại khóc, thèm sữa mẹ. Ban đầu còn ư ử, sau thì hét toáng lên. Đến lúc em hét, dì có dở tay việc gì thì cũng phải bỏ đấy, bế em lên rồi đút từng thìa nước cơm pha đường từ cái bát để sẵn trên nóc chạn. Bột thì quấy theo bữa chứ lúc em khát sữa chỉ có nước cơm pha đường để sẵn đó thôi, thế là quý lắm rồi. Dì làm dì, làm mẹ, nhuyễn như đã làm mẹ của ba con rồi. Vài bận, dì nạt:

- Thấy em quấy thì phải gọi dì luôn chứ cứ để em khóc rống lên thế à?

- Lúc ấy dì đang đi gánh nước tận giếng làng, cháu có gọi thì dì có về kịp không?

Dì nguýt dài, ý chừng bảo: “Biết lý sự giỏi rồi, miễn bàn cãi nữa”. Dì hơn San mười tuổi. Năm tuổi và mười lăm tuổi. Năm tuổi vẫn là trẻ con, mười lăm tuổi đã người lớn lắm rồi.

Dì đi làm. Thi thoảng Chị cõng Em sang hàng xóm chơi, San được giao việc trông nhà. San trông nhà còn nóc theo đúng nghĩa đen của câu này, giống như cách trông nhà của dì mười năm trước, khi ông bà ngoại vẫn còn. Trông nhà mà dì chỉ loanh quanh ở sân hay ngoài cổng. Không bao giờ dì dám vào nhà một mình cả. Chính gian giữa là bàn thờ, hình hoa văn rồng phượng trên bát hương khiến dì nổi da gà, nó khiến dì liên tưởng đến ma. Đến bây giờ, dì vẫn bảo San,  đứa trẻ nào hư, không nghe lời người lớn sẽ bị con ma bắt đi. Con ma quả thật là rất đáng sợ.

Đấy là chuyện ban ngày, không phải những giấc mơ.

Tối, Em nhất định bám chặt lấy dì. San với Chị ngồi ngủ gật ở hè sau nhà, cách cối giã gạo chừng hơn mét. Thi thoảng hai chị em bạn nhau ra cái cối xay lấy thóc vào cho dì đổi mẻ giã. Chẳng hiểu bác thợ làm cối tính toán kiểu gì mà lại đặt cái cối xay trước nhà, cái cối giã gạo sau nhà, báo hại hai đứa trẻ sợ ma. Dì địu Em, một tay nắm lấy cái dây buộc buông từ mái nhà xuống, chân giã gạo. Nắm vào dây buộc để lấy đà giã gạo, cũng là để dì khỏi ngủ gật mà ngã nhào hai dì cháu. Chốc chốc dì lại quát:

- Đi vào giường mà ngủ, ngồi nuôi muỗi à?

- Bọn cháu đợi dì.

Quát vậy thôi chứ dì cũng mong hai đứa ngồi đó bạn dì. Em thì nhỏ, ngủ biết gì đâu. Chị với San thì dù sao cũng đã mồm ăn, chân chạy, dù lo chưa tới đầu. Ma thấy nhiều người vậy, ắt hẳn sẽ sợ.

Con ma trong những câu chuyện của người lớn ám ảnh mấy dì cháu cả ngày lẫn đêm không dứt. Cái buồng ngủ thì tối, mà đèn dầu thì không có nhiều để thắp. Buồn ngủ thế mà hôm nào cũng đợi dì giã gạo, sàng sảy xong thì bốn dì cháu mới lên giường. Con ma rồng phượng, con ma vô hình cứ thế đi vào giấc ngủ của dì. Những con ma không màu? Những giấc mơ không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

Đấy là câu chuyện ngày và đêm của một tháng bố nằm viện. Em quên hẳn sữa mẹ và bện hơi dì. Trộm mụ, Em bụ bẫm như một đứa trẻ đủ sữa và thường xuyên được bổ sung Pediasure như bọn trẻ bây giờ. Dì trở thành trụ cột tự lúc nào.

Rồi bố cũng ra viện, mẹ về. Cái tai nạn hi hữu ấy cướp đi của bố nửa bàn tay trái. Nhưng nó chẳng cướp đi những cơn say kéo dài, những lời chửi rủa đau độc, những trận đòn bầm dập.

Mọi thứ quay trở lại như đã được lập trình, trừ nửa bàn tay trái của bố.

Ruộng thì nhiều mà không có giống tốt, không có phân gio, không có thuốc trừ sâu nên cấy hơn mẫu mà nhà vẫn chẳng đủ ăn. Cắm mạ xuống xong là bỏ đấy, mẹ lên rừng, rừng cách nhà chừng ba tiếng đi bộ leo núi đá. Rừng gần xóm Khuôn Vạc của người Dao. Khi thì đi mót sắn, mùa hè thì đi lấy măng nứa, mùa đông xuân thì đi lấy măng vầu, gần Tết thì đi cắt lá dong, bán lấy tiền đong gạo. Dì thay mẹ chăm lo mọi việc trong nhà. Bố chỉ ba việc luân phiên nhau lặp lại: say, chửi và đánh. Cứ nghe tiếng nói to to ở đầu ngõ thì dù đang chơi ở đâu, dù con ma rồng phượng trên bát hương có đáng sợ đến thế nào đi chăng nữa, San vẫn bất chấp tất cả mà phi vào trong buồng tối, chui thật sâu vào trong gầm giường. Còn dì sẽ lảng đi đâu đó. Góc buồng là chiếc bồ đựng thóc đan bằng nứa. Lũ mọt trong bồ ấy chắc cũng phải có đến vài tập đoàn, thi thoảng tiếng kẽo kẹt của nó lại khiến San liên tưởng tới con ma. Dù thế, con ma ấy cũng không đáng sợ bằng con ma men của bố. Cả bốn dì cháu cùng chung nỗi sợ những con ma, hữu hình và vô hình.

Căn buồng ấy tối, không màu. Tuổi mười lăm của dì không màu? Tuổi thơ của Chị, San và Em cũng không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

*                                              *                                                        *

San gần như phát buồn nôn khi nhìn thấy dượng lần đầu, trong lễ cưới của dì. Sau mười năm, con ma trong tưởng tượng tuổi lên năm của San hiện lên thành một con ma sống. Đúng là một con ma sống: hai mắt lồi ra, lòng trắng chiếm hơn hai phần ba mỗi con mắt, má lệch hẳn một bên, miệng méo, nước dãi liên tục nhểu ra ngoài mép. Nếu không phải là đã mười lăm tuổi rồi thì San đã khóc thét lên. Ai đó bên đằng nhà trai nhắc:

- San, chào chú rể đi con.

San đứng chết trân khoảng một phút, câm lặng rồi bụm miệng lại, chạy vào buồng tối, San khóc nức nở. Lạ là, dì không khóc, không buồn, không đau, khuôn mặt không biểu cảm.

Con ma – dượng – thằng câm trôi tuồn tuột vào giấc mơ của San. Những giấc mơ không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

Cuộc hôn nhân của dì là sự trả nợ.

Mẹ vẫn nghe kể về lời nguyền của ông Tài Thăng, người Dao xóm Khuôn Vạc: “Ai ăn trộm chanh nhà ông, chỉ cần một quả thôi mà bị bắt được thì bị chặt một ngón tay hoặc phải lấy thằng câm làm chồng, nếu không ông sẽ thả thuốc độc cho cả họ nhà người đó chết”. Nhưng cơn khát nước do mải lấy măng cả ngày khiến mẹ không cầm lòng được. Mẹ hái một quả vừa lúc ông Tài Thăng đi tới. Lời nguyền dứt khoát phải thực thi. Người Dao nói là làm. Mẹ không thể bị chặt một ngón tay. Đương nhiên mẹ cũng không thể lấy thằng câm, vì mẹ còn có chồng, có ba đứa con. Mẹ bị giữ lại cho đến khi dì được đưa vào thay thế trong buổi chiều hôm ấy. Đương nhiên là pháp luật năm chín lăm có thể can thiệp cuộc hôn nhân này nhưng nỗi sợ thuộc độc của người Dao sẽ sát hại cả họ khiến dì chấp nhận tất cả.

Xót em, mẹ ngất đi rồi tỉnh lại mấy lần trong đám cưới dì. Mẹ tự cào cấu, đánh tát, sỉ vả mình: “Tại chị, tại chị nên đời em khổ”. Dì vẫn không một giọt nước mắt rơi.

Dì vào Khuôn Vạc, ở với bố mẹ chồng, ở với dượng câm, ở với rừng. Cái góc xóm Khuôn Vạc ấy xa hẳn trung tâm xóm một giờ đi bộ đường rừng, chỉ có ba nóc nhà ở đó. Hai trong số đó là nhà dì, nhà chú chồng.

Một năm dì ra ba lần, một lần vào ngày giỗ ông ngoại, một lần vào ngày giỗ bà ngoại và một lần vào dịp Tết Nguyên Đán. Từ ngày lấy chồng, không bao giờ dì được ngủ qua đêm ở nhà San.

Với mẹ, chẳng bao giờ dì kể chuyện gia đình hay kêu khổ. Một năm dì ra được có ba ngày ít ỏi, mà mẹ trăm công nghìn việc, thời gian đâu mà tâm sự với dì. Gánh nặng cơm áo gạo tiền và những cơn say, những lời chửi rủa, những trận đòn của bố đã là quá sức với mẹ rồi, dì không muốn đặt gì thêm lên đôi vai gầy  ấy nữa.

Nhưng San thì biết hết.

Trong nhà, bố chồng là người quyết định tất cả. Mẹ chồng chỉ việc cun cút nghe theo. Dượng câm bị hất ra khỏi mọi quyết định trong nhà. Câm thì làm được gì, lại còn đần độn nữa. Mẹ chồng làm một cái bóng. Dì làm một cái bóng. Đi lấy măng, đi làm rẫy, đi tra mố, … hai cái bóng bầu bạn nhau trong mọi công việc. Mấy lần dì toan bỏ đi nhưng nỗi ám ảnh cả dòng họ sẽ bị chết bởi thuốc độc của người Dao khiến dì khựng lại. Mà cả dòng họ thì cũng đâu có nhiều. Nhà ông ngoại có hai anh em trai, mồ côi cha mẹ từ rất sớm, quê tận Hưng Yên. Lớn lên, hai người chia hai ngả, làm dân khai hoang. Ông ngoại lên Việt Bắc. Em trai ngược Tây Bắc. Ông ngoại sinh được có hai người con gái. Ông bà ngoại mất cùng năm dì mười lăm tuổi. Bỏ đi căn nhà tạm bợ, dì về sống với chị gái. Mười năm sau khi về ở chung với gia đình San thì xảy ra việc lời nguyền với quả chanh. Gọi là họ cho to, chứ chỉ có gia đình San thôi. Cái chính là dì thương chị gái và ba đứa cháu, nhất là Em.

“Bị thả thuốc độc, Em sẽ sùi bọt mép ra, đau đớn, quằn quại rồi chết dần, chỉ nghĩ thôi dì đã thấy rùng mình, đứt từng khúc ruột. Nếu đã là chủ ý, người Dao có thể thả thuốc độc bất kỳ lúc nào. Thế nên dì tự nguyện lấy dượng câm”. Trong suy nghĩ non nớt của dì do hay được nghe những lời đồn đại chỉ nghĩ được có thế. Dù thực tế, chưa bao giờ dì chứng kiến và cũng chưa có ai chứng kiến sự việc như thế cả.

Cạnh nhà có một cái khe, thực ra là lớn hơn cái khe một chút, nhưng nếu gọi là suối thì nó hơi nhỏ. Rìa khe có một phiến đá to cỡ hơn nửa cái giường, nhô cao, mặt phiến đá bằng phẳng. Dì hay ra đó ngồi, im lặng hoặc tâm sự vui buồn với phiến đá. Tâm sự với San thì chỉ được phần nào thôi, thời gian ít ỏi quá. Chỉ có phiến đá là kiên nhẫn lắng nghe, nâng đỡ dì. Dượng và phiến đá, không bao giờ nói gì cả nhưng đều yêu thương dì vô điều kiện.

Một năm, hai năm, … mười năm thì bố chồng chết. Đêm đám ma bố chồng, chú chồng, dượng và dì thức trọn ba đêm, để cho than vào bát hương, giữ bát hương luôn đỏ. Ba giờ sáng đêm thứ ba, bố chồng được đưa lên rừng chôn.

Bố chồng chết rồi, mẹ chồng bảo:

- Con dâu ra đi.

Ra ở đây là về lại ngoài xóm của San. Cả đời mẹ chồng gắn bó với góc rừng. Mẹ chồng quen rồi. Mẹ chồng không có con gái. Mẹ chồng rất yêu dì. Mẹ chồng muốn giải thoát cho dì. Dì cũng nghĩ có lẽ đã đến lúc.

Chú chồng sang, con mắt ti hí, gườm gườm:

- Chị dâu không có quyền. Ma nhà này đã nhận nó. Nó sống làm người nhà này, chết là ma nhà này. Nếu nó mà ra, tôi sẽ thả thuốc độc cho cả họ nhà nó chết.

Dì thôi ý định ra.

Từ ngày bố chồng mất, chú chồng hay sang nhà dì. Con mắt ti hí liếc dì bao bận, dượng nhìn thấy hết. Thế nên dượng chẳng bao giờ để dì đi rừng hay đi rẫy một mình cả. Chỉ một lần sơ hở thôi, dì thành miếng mồi béo bở cho chú chồng. Chiều thu, cạnh vạt rừng, chú chồng đè dì ra ngấu nghiến. Dì kêu gào, vạt rừng ấy xa nhà quá. Dượng băng rừng lao đến khi mọi việc đã xong. Dì rũ rượi không một mảnh vải che thân, bất lực nằm thoi thóp. Bất kể thứ bậc trong gia đình, dượng lao vào chú như một con hổ dữ vừa kịp nhìn thấy con mình bị hại, đôi mắt vằn lên những tia giận dữ. Chú chồng rất khỏe. Được mấy cú đấm đá thì dượng bị hất ra. Chú chồng thản nhiên đi về. Dượng cởi áo, khoác cho dì rồi dìu dì về. Bóng hai người xiêu vẹo trong rừng chiều.

Dì có thai. Được hơn tháng thì dì bị ra huyết, đau bụng quằn quại. Chú chồng với dượng cho dì lên võng, mỗi người một đầu đòn, khiêng ra viện. Chửa ngoại dạ con. Dì bị u nang buồng trứng, để bảo toàn tính mạng, bác sĩ quyết định cắt cả hai buồng trứng. Dì mất khả năng sinh con.

Mười một năm, mười hai năm, …, mười lăm năm.

Mưa. Mưa xối cả chiều. Ngớt mưa chút thì dì ra khỏi hang trú mưa để đi về, vừa lúc chú chồng đi lấy măng về tới đó. Với sức khỏe của một con thú rừng, chú chồng lao vào dì lần nữa. Cũng như lần đầu, khi dượng tới thì mọi thứ đã xong. Dì lao như điên trong cơn mưa đã dày hạt trở lại. Ướt mèm này, có giống ướt mèm năm cũ?

Lũ bắt đầu dồn về. Còn gì để sống? Chết cho hết nợ nần, chết rồi thì chú chồng sẽ không thả thuốc độc cả họ nhà dì nữa. Dì lao xuống dòng khe đang cuồn cuộn chảy. Nhanh hơn dượng, chú chồng lao xuống, giằng co nhau một lúc trong dòng lũ, chú chồng đẩy được dì vào rìa khe cho dượng nắm lấy tay dì vừa hay dòng nước lớn khác ập xuống, xoáy hút, chới với, chú bị kéo văng đi, va vào phiến đá. Chú chồng được đưa lên bờ gần như ngay sau đó nhưng mọi người bảo chú đã tắt thở từ dưới khe, do cú va đập với phiến đá quá mạnh.

Phiến đá, đồng hành với dì, loại đi một nanh vuốt lúc nào cũng đe dọa dì.

Chú chồng cũng chết rồi. Mẹ chồng bảo:

- Con dâu ra đi.

Dượng nhìn dì rồi lấy tay chỉ chỉ, ý bảo ra đi. Dì trầm tư. Không còn gì đe dọa nữa. Dì vào buồng, với lấy cái sung treo trên vách nứa, cho quần áo vào. Nhìn căn buồng lần cuối, tối tăm, ảm đảm, không màu. Mười lăm năm với căn buồng ấy. Mười lăm năm không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

Chào mẹ chồng xong, dì bước đi. Ngó quanh không thấy dượng đâu, dì ra bờ khe tìm, để chào dượng. Dượng ngồi trên phiến đá, nước mắt ròng ròng. Giá dượng không câm, chắc dượng đã gào khóc như điên dại hoặc hét lên với rừng, cho thỏa nỗi đau. Nỗi đau của một người đang nhìn thấy một phần cơ thể mình đang sắp lìa đi. Nỗi đau của yêu thương tan vỡ, không gì níu nổi nữa. … Nhưng, buồn thay, tạo hóa cướp đi của dượng ngay cả một tiếng kêu than. Dì khựng người, xưa, Em khát sữa, đòi mẹ, khóc hờn, nước mắt cũng không ròng ròng như thế. Dì quày quả trở lại nhà. Mẹ chồng vẫn ngồi ở cửa đảng, không thôi nhìn xa xăm về phía đỉnh Đèo Đất, hỏi:

- Con dâu quên gì à?

Chỉ qua đỉnh Đèo Đất, qua Đèo Bạc, rồi qua đỉnh Lân Mu thôi, trong suy nghĩ của mẹ chồng, sẽ là một cuộc sống khác, với dì. Cuộc sống đẹp. Cuộc sống đa sắc màu. Nếu một màu, cuộc sống đó chỉ màu hồng.

- Không. Con ở với mẹ.

Đỉnh Đèo Đất thấp lắm, trong mắt mẹ chồng là cả một khoảng trời trong xanh bao la.

Dì nhóm hai bếp, một đun nước tắm cho dượng, một đặt nồi cơm. Mãi chẳng thấy dượng về, dì ra khe gọi. Dượng vẫn ngồi bất động trên phiến đá. Nước mắt vẫn ròng ròng. Thấy dì, dượng ôm chầm lấy. Phiến đá là một nên tảng vững chắc. Bóng hai người in trên nền trời. Ráng chiều đỏ như một biển hoa chuối rừng.

*                                              *                                              *

Mười sáu năm, mười bảy năm, …, hai mươi năm.

Dượng mất. So với những người mắc hội chứng down khác, dượng sống thế là quá thọ rồi.

Dượng cũng chết rồi, mẹ chồng vẫn chỉ một câu:

- Con dâu ra đi.

Không băn khoăn, không lưỡng lự, không do dự, dì trả lời mẹ chồng luôn:

- Con ở với mẹ.

Dì sống với người Dao, ăn ở với người Dao, mặc quần áo của người Dao, nói tiếng của người Dao. Giờ dì đã là một người Dao chính hiệu rồi. Mẹ chồng cũng thân cô thế cô. Dì bỏ đi sao đành. Hai cái bóng, cần nương tựa vào nhau.

“Thuốc độc, thuốc độc ư?” Hai mươi năm qua, chưa bao giờ dì nhìn thấy, hay cảm thấy dấu hiệu là người Dao sẽ dùng nó hại con người. Giờ thì dì hiểu rồi, đó chỉ là cái cớ, cái cớ mà bố chồng và chú chồng vin vào đó để giữ dì. Dượng cần lắm một bàn tay chăm sóc. Để bảo vệ con mình, cha mẹ có thể ích kỷ với cả thế giới.

Tan tành giấc mơ tuổi ba lăm của San khi cố hình dung một cái kết có hậu cho câu chuyện của dì.

Giờ, với dì, cả với San, hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt in trên mỗi bát hương không còn khiến hai người sợ nữa. Nó chỉ là sự nhắc nhở về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã có từ ngàn đời của cha ông ta, nhắc nhở dì và San, dù bận bịu nơi rừng núi hay bon chen nơi phố thị vẫn nhớ về nhà ít nhất là bốn ngày trong một năm, nhằm ngày giỗ ông bà nội, ông bà ngoại. Hình ảnh bố say rượu cũng không còn khiến hai dì cháu sợ nữa. Giờ nó gợi lên trong hai nguời nỗi thương cảm, sự tủi thân, một chút buồn, pha chút oán hờn và sự xấu hổ, ... Một cảm giác khó gọi tên. Một cảm giác không màu. Hay những mảng màu vỡ vụn?

Trước hôm giỗ ông ngoại, bố rút cây củi đang cháy dở quật vào gáy mẹ. Mẹ ngã ra nền nhà, bố bồi thêm một cú đá vào bụng mẹ. Mẹ được đưa lên viện. Dì ra, lên viện đón mẹ trốn về làm giỗ ông ngoại. Gặp dì, mẹ thở dài buột miệng: “Chẳng thà lấy người thiểu năng trí tuệ và câm”. Sau câu lỡ lời là bốn con mắt hun hút buồn. Mẹ nói thế không phải để an ủi dì. Mẹ nói thế để an ủi chính mình. Dì biết. Dì hiểu. Nhưng so sánh thế nào được chứ? Sao có thể nói măng vầu lên boóng thì đắng hơn núc nác cuối mùa? Mỗi thứ, mỗi loài. Mỗi loài, mỗi vị. Mỗi đời, mỗi đắng cay.

Nói thế chứ, mẹ không có phúc  nhờ chồng, nhưng mẹ được lộc nhờ con. Còn dì, bốn nhăm tuổi rồi, trông vào ai?

*                                              *                                              *

Mẹ gọi điện, bảo:

- Cuối tuần vợ chồng con cái sắp xếp về nhé. Dì cho em ra chơi.

- Em nào, mẹ?

- Cứ về, khắc biết.

Thì sắp xếp.

Gia đình San vừa bước xuống khỏi xe buýt, đi được mươi bước thì thấy bố đang nằm ghếch đầu lên phiến đá nhỏ cạnh lề đường ngủ. San bước nhanh hơn, đến bên cạnh bố, giục:

- Bố ơi, dậy đi về, con cho các cháu về chơi.

- Các cháu về chơi hả? Ừ. Thế bố về.

San vờ như mải mê dìu bố về nên không nghe thấy câu hỏi của hai con: “Sao ông nội lại ngủ ngoài đường?”. San gặp lại câu hỏi thơ bé của mình, với mẹ. Trả lời thế nào? Sao ư? Buổi tối nào không mây, không mưa thì bầu trời sẽ lấp lánh những vì sao.

*                                              *                                                        *

Bệnh viên đa khoa trung ương ngày đầu tuần tấp nập bệnh nhân. Một người phụ nữ dân tộc Dao, mặc quần áo Dao truyền thống, khoảng gần năm mươi tuổi, ngồi chờ khám. Chếch sang phía bên phải, đối diện là một cô gái trẻ, tóc hoe vàng, đeo khẩu trang kín mít. Cô gái bế con, đứa bé chỉ chừng trên dưới một tháng tuổi, dưới chân là một chiếc làn nhựa đựng quần áo, tã lót và bỉm sữa. Cuộc đối thoại của hai người đang chờ khám rất ngắn ngủi:

- Cô đi khám gì ạ?

- Trước cô bị u nang buồng trứng, phải cắt cả hai buồng trứng. Mười năm rồi. Giờ cô thấy đau nên đi khám lại.

- Thế chồng con cô đâu mà cô đi một mình ạ?

- Chồng cô mất rồi. Cô chưa kịp có con.

- Thế nhà cô ở tận đâu ạ?

- Xóm K, xã V, huyện V.

- Cô bế giúp cháu em bé với ạ, một lát thôi, cháu đi vệ sinh.

Một lát của người mẹ trẻ kéo dài đến quá trưa, sang chiều. Mộ lát của người mẹ trẻ kéo dài cho đến ngày có một gia đình nhỏ từ thành phố về quê, không nhằm ngày giỗ của ai cả. Một lát của người mẹ trẻ là không giới hạn.

Người phụ nữ Dao loay hoay với bình sữa đã pha sẵn để trong làn nhựa, cho em bé tóp tép bú. Bác sĩ, y tá, người đi khám bệnh, người đưa bệnh nhân đi khám … xúm quanh em bé. “Thật là xinh, đúng là một thiên thần. Thế mà mẹ nó nỡ bỏ nó đi. Nhẫn tâm quá”. Người phụ nữ Dao được các bác sĩ tư vấn làm các xét nghiệm cho thiên thần và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để nhận thiên thần làm con nuôi.

*                                              *                                                        *

Trong một giấc mơ không có tuổi, San thấy bố ôm mẹ, và khóc, rồi bảo: “Tôi thương mình với các con, nhiều”, còn dượng thì cười, và chắp cho thiên thần của dì đôi cánh, rồi thiên thần bảo dì: “Con yêu mẹ bằng trời” và cứ thế bay cao, cao mãi./.

Ninh Bình, ngày 26 tháng 9 năm 2015

 

 

MẶT HỒ PHẲNG LẶNG

Truyện ngắn  – Trinh Nguyên

Trưa hè nóng như rang. Mặt hồ phẳng lặng. Cây lá im lìm. Không một chút gió. Kết vẫn giữ tư thế ngồi, chỉ nghiêng người, ném thia lia. Viên đá nảy lên chạm mặt nước ba lần rồi mới rơi tõm xuống lòng hồ. Từng vòng tròn sóng nhỏ, rồi lan, rồi loang, đan vào nhau. Lát sau, mặt hồ lại phẳng lặng. “Giá mọi nỗi đau đều có thể hóa giải đơn giản như thế” – Kết ước. Đã ba mùa sen thôi nở.

Trước, Kết từng năn nỉ anh Việt, anh Đoàn dạy Kết ném đá, để đạt trình như anh. Trình độ ném đá của Kết đã giỏi lắm rồi. Mà chả có ai khen, chả có ai mà thi thố. Anh Việt giờ suốt ngày lất ngất với những cơn say, tóc vẫn bạc từ ngày cấp hai. Anh Đoàn thì đang ở trong nhà vợ mới cưới, hơn anh tám tuổi.

*                                              *                                              *

“Nhà ấy dâu chả ở được đâu, dớp rồi”. Kết nghe câu ấy từ ngày cởi truồng tắm rìa hồ sen nhưng chả hiểu gì.

*                                              *                                              *

Không còn sen, mẹ bỏ thói quen ngồi bờ hồ hóng gió. Mẹ thích hóng gió khi có hương sen quện vào.

Mặt hồ phẳng lặng quá, lại rộng nữa nên Kết không hình dung được lối đi ngày xưa cụ ông vác cái xác cụ bà đi để vùi xuống cái đạng ao bên dưới. Cái lối đi ấy, chính hồn cụ bà còn chẳng tìm quay về được, Kết hình dung sao nổi. Thì thôi. Kết hình dung khuôn mặt mẹ lúc cười, cũng không thể làm nổi. Mà rõ là Kết đang ở cùng mẹ, ngày nào cũng nhìn thấy mẹ. Hình như từ ngày lớn lên, biết ý thức đến giờ, Kết chưa bao giờ thấy mẹ cười cả. Chỉ có đôi mắt ánh lên một chút niềm vui khi mẹ lần lượt đón tay sáuđứa cháu cả ngoại lẫn nội chào đời. Kết vẫn nghĩ, nụ cười của mẹ chắc đã chìm lỉm dưới đáy hồ phẳng lặng kia từ rất lâu rồi, như viên đá Kết ném xuống. Viên đá kia thì sẽ chẳng ai tìm, tìm làm gì? Nhưng Kết muốn tìm nụ cười của mẹ.

Hình ảnh mẹ trong tâm trí Kết và mọi người trong làng chỉ là một người đàn bà cao gầy, khắc khổ, ra khỏi nhà là sùm sụp chiếc nón trên đầu, như ngàn đời rồi vẫn thế. Trái hẳn với mẹ, Thương lúc nào cũng tươi, cười như thể cuộc sống này toàn màu hồng. Nụ cười thường trực của Thương khiến Kết bớt u buồn và bớt băng giá.

Mùi hương nhà bên thoang thoảng tỏa sang, dù không có gió. Nhà ấy hôm nay đón thầy về làm lễ. Bữa trước, thằng cháu đích tôn của họ ngằn ngặt khóc, dỗ thế nào cũng không nín, đưa đi khám chả bị gì. Đi xem. Thầy bảo cẩn thận đuối nước, bà An muốn bắt nó đi cùng. Cái xóm ven hồ này, cứ dăm năm lại có một bé đuối nước, vào mùa sen nở. Khi đề cập đến vấn đề tâm linh, thường là người ta rất sợ. Nhà bên cũng không ngoại lệ, đã tức tốc làm lễ ngay sau khi đi xem. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Kết thì nghĩ đơn giản đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi.

Anh Việt về, giọng méo xệch: “Không vào nhà mà bật quạt, ngồi đấy cho chết nóng à?” Lạ. Hôm nay anh Việt lại lo Kết bị nóng. Chẳng phải từ bé, Kết luôn bị tách ra khỏi chị với hai anh, vì Kết “chả ra cái giống gì”. Kết quay lại nhìn vào trong nhà. Bọn trẻ nghe tiếng bác, bố về thì không đứa nào bảo đứa nào, chúng xô nhau chạy rúm lên tầng hai. Mẹ cũng thật là tài. Xưa, một nách bốn đứa con. Giờ, một nách bốn đứa cháu.

*                                              *                                              *

“Nhà ấy dâu chả ở được đâu, dớp rồi”, Kết nghe lại câu này khi lớn hơn một chút. Và có thêm cả câu sau nữa: “Mẹ nó trụ được chẳng qua là đánh đổi phẩm giá, mà sát tới hai người đàn ông trong nhà ấy thì sao mà chẳng trụ được”. Kết đem chuyện ấy kể với mẹ. Đôi mắt mẹ sụp xuống, buồn đau như đến tận cùng, nhưng mẹ không khóc: “Chuyện người lớn, con hỏi làm gì”.

*                                              *                                              *

Cái tên “Việt bạc” giờ đã chuyển thành “Việt say”. Chuyện tình như trong mộng của anh Việt với chị Thúy giờ đã thành quá vãng. Mẹ tổ chức lễ cưới cho anh chị trước kỳ thi tốt nghiệp lớp mười hai, khi cái bụng chị đã lùm lùm. Cưới được dăm ngày thì chị sinh nhưng đứa bé chẳng sống được bởi trước đó chị buộc bụng giữ quá lâu. Hai vợ chồng, một xe phượng hoàng, một xe mi ni, tung tăng đùa nghịch suốt quãng đường ba cây số từ nhà lên trường.Tiếng cười nối dài theo từng vòng xe lăn bánh. Kết quả anh trượt đại học còn chị đỗ cao đẳng sư phạm. Anh thôi hẳn ý định học lên, ở nhà phụ mẹ kiếm tiền nuôi chị ăn học. Rồi chị cũng ra trường, ngày ấy xin việc chẳng khó khăn gì. Bọn trẻ được sinh ra, có nếp, có tẻ, đẹp như trong tranh.

*                                              *                                              *

Kết vào nhà, bật quạt. Mát. Kể ra có điện cũng thật là tiện trăm bề. Nếu cứ quay về như trước năm chín hai, chưa có điện lưới, thì chắc là chết mất. Kết sợ nhất là bóng tối, lại càng sợ hơn nữa là bóng đèn dầu. Ngày bé, có bao giờ Kết học buổi tối đâu, toàn tranh thủ làm bài trên lớp, có để về nhà thì cũng làm vào ban ngày. Kết nhớ như in hôm ấy là mồng một, mưa gió, trời tối om, Kết thấy mẹ chăm chăm nhìn ra ngoài mặt hồ, khuôn mặt đầy vẻ căng thẳng. Kết nhìn theo mẹ. Một bóng sáng to khoảng bóng đèn, thập thò ở cái đạng ao bên dưới hồ, lên cao một tí, men theo bờ ao dưới, men theo bờ hồ rồi chợt rẽ vào lòng hồ hướng về nhà Kết, ra đến giữa hồ thì vụt tắt. Mặt mẹ càng căng thẳng hơn, mắt không chớp cho đến khi bóng đèn vụt tắt. Hoảng loạn quay sang bên, nhìn thấy Kết, mẹ như tìm được phao cứu sinh, lẩm bẩm: “Hồn cụ nội con tìm về”. Kết rùng mình, nổi gai ốc, vẫn cố nài nỉ: “Mẹ kể con nghe”. “Con còn bé, biết gì mà kể”. Rồi từ đó, Kết rất sợ bóng tối, càng sợ hơn nữa là bóng đèn dầu. Sợ thế nhưng thương mẹ một mình nên nhiều lần Kết vẫn chủ động ngồi cùng mẹ, nhìn theo cái bóng, cứ đến giữa hồ là vụt tắt.

*                                              *                                              *

Anh Đoàn lấy vợ sau anh Việt hai năm, bất chấp việc mẹ vợ anh cực lực phản đối. Chị Thủy sinh gái, rồi giai, điểm mười như chị Thúy. Người ta chưa kịp khen nhà ấy dâu đẻ giỏi thì cái bóng của quá khứ xa lắc, xa lơ lại cứ hiện về.

“Nhà ấy dâu chả ở được đâu, dớp rồi. Mẹ nó trụ được chẳng qua là đánh đổi phẩm giá, mà sát tới hai người đàn ông trong nhà ấy thì sao mà chẳng trụ được”. Kết lại nghe câu này từ miệng mẹ vợ của anh Đoàn. Kết không dám hỏi mẹ. Mỗi lần nhắc đến việc ấy là khuôn mặt mẹ rúm ró, chẳng thể đau đớn được hơn nữa. Nhưng lạ là mẹ không khóc. Hình như từ ngày không thấy nụ cười của mẹ cũng là lúc Kết không bao giờ nhìn thấy mẹ khóc. Hoặc là mẹ chỉ khóc vào ban đêm, lúc Kết ngủ. Mấy lần, Kết cố tỉnh vào lúc nửa đêm, thấy mẹ lặng lẽ chong đèn nhưng không khóc. Sau này Kết không cố thức nữa. “Người mà không cười cũng chẳng khóc họa có là gỗ đá” – Kết nghe ai đó nói vậy. Chắc đúng. Chắc mẹ là gỗ đá. Nhưng khúc gỗ ấy biết quần quật làm việc quanh năm, biết nuôi con. Phiến đá ấy biết thu vén gia đình, biết chăm cháu. Kết muốn tìm lại nụ cười và nước mắt đã bị đánh mất của mẹ chứ chẳng bao giờ muốn mẹ thêm đau lòng nên mới không hỏi. Các anh chị thì khác, lúc nào cũng khinh khỉnh, chỉ lúc cần tiền mới nhìn đến mẹ. Có lần, cả ba khuôn mặt ấy còn lom lom nhìn mẹ cật vấn: “Mẹ làm cái việc đồi bại ấy thật sao? Thế nên nó mới chẳng ra cái giống gì”. Chị Trung lớn nhất hỏi rồi hất hàm về phía Kết. “Đó mà là lời của những đứa con mẹ dứt ruột đẻ ra sao?” – Kết nghĩ và buồn suốt mấy ngày. Ánh mắt mẹ vằn lên những tia giận dữ, nhưng rồi như lại kìm được, nó dịu xuống. Hơn ba mươi năm, tưởng mọi thứ đã ngủ vùi. Mẹ như nuốt cái gì đó vào trong, sâu lắm, rồi mới buông lời: “Mẹ không làm gì sai để phải hổ thẹn với lương tâm, với các con”. “Có trời mới biết được” – Anh Việt kéo dài giọng phụ họa, như kiểu con không muốn tin, cơ mà người ta nói đầy ra đấy. Nhưng anh chị quên mất, việc ấy, ngoài trời ra, còn có bố biết, ông nội biết, đất biết. Ông với bố thì thác rồi. Còn trời thì cao, đất thì dày, nên mẹ trở thành đơn độc trước miệng lưỡi thế gian.

Không hỏi, nhưng Kết nghe kể khối chuyện.

*                                              *                                              *

Chuyện rằng “Hồ sen này trước kia rất đẹp. Mùa hạ, sen tốt bời bời, xanh, hồng của lá, hoa đua nhau khoe sắc dưới ánh mặt trời. Rồi người ta tháo cạn hồ và chia thành những thửa ruộng, tài sản của cả xóm. Cứ mỗi người gốc ở đây thì có một thửa, cấy cày năm hai vụ chiêm mùa, thuận nước mà. Ông An người Việt gốc Hoa, lưu lạc đến xóm ven hồ một mình, xí được mảnh đất ven hồ rồi làm nhà trụ lại ở đấy. Ông lấy vợ cùng xóm, cũng người ngụ cư, lưu lạc từ đâu tới thì chả ai biết. Hai ông bà sinh được mỗi mụn con giai, đặt tên là Khang. Đêm nọ, vì một mâu thuẫn nào đó, ông bực mình không kiểm soát được, ông lấy dùi đục, cái vẫn để đóng toang chuồng trâu, đập vào đầu bà, định là đánh cảnh cáo thôi nhưng lỡ mạnh tay nên bà đã tắt thở. Sợ quá, ông lấy chiếu quấn bà vào rồi vác băng qua những thửa ruộng cạn sang bên kia bờ, men theo bờ rồi xuôi xuống bờ ao bên dưới và vùi xác bà vào cái đạng ao ấy. Hồn bà An từ đấy cứ lang thang, hồ nước mông mênh nên bà tìm đường ngược về nhà mà không được, gặp đứa trẻ nào yếu bóng vía là bà bắt luôn.

Sau này, còn hợp tác thì những thửa ruộng ấy sung làm của công, tan hợp tác thì lại chia mỗi nhà một thửa. Rồi người ta không làm ruộng nữa mà đắp nước thành hồ, thả cá. Sen lại mọc. Cái giống sen sống đến là dai. Cày cấy bao năm, nhặt bao nhiêu hạt sen đen sì dưới những đường cày. Ấy vậy mà giữ nước lại là sen cứ mọc bời bời”.

Kết nghe mà muốn hỏi liên tục, những câu đại loại như: “Thế bà An là người tốt hay xấu? Có ai thấy cái xác hay xương cốt gì ở đạng ao dưới không? … ” cho thỏa những hồ nghi. Nhưng rồi lại nghĩ, chính những người kể câu chuyện ấy chỉ là nghe nói thế. Không có ai chứng kiến sự việc. Việc chắc đã xảy ra từ hồi cuối thế kỷ mười chín. Một đồn mười, mười đồn một trăm.Người nọ truyền tai người kia, thêm mắm, thêm muối chứ ai biết thực hư thế nào vì ông Khang mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất sớm.

Lại nữa: “Ông Khang lấy bà Thượng. Lúc người con trai của họ được hai tuổi thì bà Khang mất khi đi lấy củi trên rừng. Vàn hang đấy giờ xóm người ta vẫn gọi vàn bà Khang. Làng xóm bắt đầu truyền tai nhau: “Nhà ấy dâu chẳng ở được đâu, kiếp trước giết người như thế, phũ lắm. Ứng ngay đấy còn gì?””

Ông Khang là ông nội của Kết. Nhiều chuyện nữa, nhưng thôi, Kết không để đầu làm gì cho mệt mỏi. Nghe nhiều những chuyện ấy cũng có giúp cho mẹ cười được đâu. Kết không nhớ rõ còn hợp tác với tan hợp tác nó khác nhau thế nào. Chỉ thấy mùa hạ nào sen cũng nở. Không gió thì mặt hồ phẳng lặng, có gió thì mặt hồ gợn sóng. Không gió hay có gió thì không khí vẫn có hương sen tỏa ra mát dịu, thật là dễ chịu. Gió hồ sen không làm mẹ cười, nhưng nó khiến khuôn mặt mẹ bớt đăm chiêu hơn.

*                                              *                                              *

Mẹ không vì những điều ong tiếng ve của đồn đại mà bỏ bố. Trái lại còn rất mực yêu thương.

Cảm vì cái tình chòm xóm dành cho gia đình mình, không hề có sự phân biệt đối xử, ông nội đặt tên những đứa cháu của mình lần lượt là Trung, Việt, Đoàn và dự kiến sẽ là Kết. Kết được đặt tên từ cái thời chưa chắc đã định hình trong bụng mẹ. Ông nội chưa kịp thỏa nguyện thì đầu năm bảy chín, ông Đặng Tiểu Bình cho hơn sáu mươi vạn quân tiến đánh sáutỉnh biên giới phía Bắc. Bố trốn mẹ, tình nguyện tòng quân với sự đồng tình, ủng hộ của ông nội. Lớn lên, đi học, Kết ít thấy có sách nào viết rõ về cuộc chiến tranh biên giới ấy. Bố mất sau một trận đánh ở Lạng Sơn, trước khi quân của ông Đặng rút vài ngày, sau đó chín tháng thì mẹ sinh Kết. Những tiếng ì xèo ban đầu còn xa xôi, sau thì được nói bóng gió hoặc vã thẳng vào mặt ông nội: “Của tốt dùng chung”. Kết giống ông nội như tạc. Người ta càng có cơ sở để ì xèo mà quên mất rằng bố Kết cũng giống hệt ông. Bố mất rồi nên người ta không nhìn thấy nữa, chỉ thấy người còn sống và soi vào thôi. Chiến công oanh liệt của người ra đi càng làm cho người ta oán hận những người ở lại. Ông nội với mẹ như hai cái bóng ra vào một ngôi nhà. Càng lớn, Kết càng giống ông đến từng cử chỉ, nét mặt, dáng đi. Ông nội mất khi Kết được batuổi nên Kết không biết là ông mất vì bạo bệnh hay vì tâm bệnh nữa. Lớn hơn một chút, Kết chỉ thấy đôi vai của cái bóng còn lại ngày càng trĩu xuống.

Ngày lại ngày, hễ rảnh là mẹ lại ra bờ hồ sen hóng gió. Mẹ bảo, thi thoảng mẹ thấy khuôn mặt bố hiện về, ẩn hiện trong sen, cười với mẹ. Mẹ kể, ông nội Kết là người sống có trách nhiệm và tình nghĩa lắm. Bà nội mất từ khi bố Kết có hai tuổi mà ông sống vậy nuôi con. Ông sống có trước có sau nên xóm làng rất quý, rất nể. Chỉ mấy năm cuối đời là ông bị dè bỉu. Bố Kết thừa hưởng đức tính ấy của ông nội.

Năm mười tuổi, ham sen đẹp, mẹ cố với lấy một bông gần bờ, bị ngã xuống hồ gần chết đuối, may có bố cứu. Ân nghĩa từ đó, lại thương ông nội với bố sống cảnh “gà trống nuôi con”mẹ mới quyết tâm lấy bố cho dù gia đình từ mặt. Cũng có năm, nhà thầu hồ sen, mẹ với bố thường cùng nhau chèo thuyền ra hồ để bẻ những phác sen, mang về tách hạt rồi đem phơi khô. Bằng ấy năm sống với mẹ, chưa bao giờ bố làm mẹ phiền lòng cả. Mẹ bảo mẹ biết ơn bố lắm.

Nhưng Kết thì không. Kết thấy ghét bố. Không dưng vớt mẹ lên, quẳng cho mẹ bốn đứa con thơ rồi vứt mẹ bơ vơ giữa đời. Mà sóng đời đâu có nhẹ dịu như sóng hồ? Mấy mươi năm cuộc đời của một con người, có thể chỉ sống bằng sự biết ơn thôi sao?

Mẹ vẫn bảo ông trời không bao giờ trao cho một con người một gánh nặng qúa sức cả, vì hạnh phúc của các con mẹ có thể làm mọi thứ. Nhưng sao Kết thấy gánh nặng mẹ đeo mang cứ như hàng nghìn phiến đá. Mà sức người gánh sao nổi hàng nghìn phiến đá?

*                                              *                                              *

Sen cứ tốt bời bời. Cá thì không lớn được. Người ta bảo gai cây sen làm xước vẩy cá nên cá chẳng lớn đâu. Mấy chục nóc nhà có phần ở hồ sen họp bàn nhau lại và quyết định cho một doanh nhân thầu, nghe nói đã trả tiền thầu mấy chục năm. Việc đầu tiên là họ cho máy xúc vào vét hồ cho sâu, lấy đất ấy lấp đầy cái ao bên dưới. Sau nữa là thả cá và cho câu dịch vụ. Lần này thì sen chịu không lại với sức của máy múc nên tuyệt diệt. Sen chết rồi, chỉ mặt hồ phẳng lặng thôi thì làm sao mẹ có thể thấy được khuôn mặt cha cười mà tiếp thêm nghị lực sống?

*                                              *                                              *

Chị Thúy tăng cường vào một xã vùng xa, được mươi tháng thì chị bỏ anh Việt theo một người đàn ông khác. Anh Việt bắt đầu lất ngất say. Bọn trẻ vào ở hẳn với bà nội. Phòng Giáo dục kỷ luật đình chỉ công tác của chị. Mẹ đôn đáo khắp nơi tìm chị về. Khuyên bảo, ngọt nhạt. Chị chẳng về.

Chị Thủy xuất khẩu lao động, rồi ở luôn bên trời Tây, lấy chồng bản xứ. Anh Đoàn đi làm ăn xa, cho hai đứa vào ở với bà nội để tiện bề chăm sóc. Mẹ quay về làm bà mọn, cháu thơ. Rồi anh Đoàn lấy vợ lần hai.

Việc chỉ có thế. Có bấy nhiêu. Có vậy thôi. Mà tóc mẹ bạc thêm đến nửa đầu.

Đã bảo rồi mà: “Nhà ấy dâu chả ở được đâu, dớp rồi. Mẹ nó trụ được chẳng qua là đánh đổi phẩm giá, mà sát tới hai người đàn ông trong nhà ấy thì sao mà chẳng trụ được”. Mẹ bắt đầu băn khoăn: “Có lẽ nào?”

*                                              *                                              *

Thương bảo với mẹ: “Con không quan tâm người ta đồn đại những gì, thực tế đã xảy ra những gì? Chúng con thương yêu nhau thật lòng, một dạ vun vén cho tổ ấm của mình thì chẳng có cớ gì lại tan vỡ cả. Mẹ với các anh không làm gì sai, tự các chị ấy đi, tự các chị sẽ quay về. Anh Kết có là con ai thì cũng là con của mẹ. Còn mẹ đây mẹ sẽ bảo vệ cho hạnh phúc của chúng con”. Mẹ không cười, nhưng đôi mắt mẹ ánh lên niềm vui. Với tâm trạng hồ hởi, mẹ đứng ra lo liệu nốt cho đám cưới thằng con giai út của mình.

*                                              *                                              *

Cái sự hỷ của Kết với Thương mang lại nhiều bỗng dưng.

Hôm dạm ngõ, bỗng dưng chị Thúy về, sụp trước mặt mẹ với anh Việt xin tha thứ. Buổi dạm ngõ xong, Kết thấy mẹ đạp xe ngược lên phía Phòng Giáo dục. Lần đầu tiên trong đời, Kết thấy mẹ không sùm sụp chiếc nón trên đầu. Chị Thúy được nhận dạy lại, thời gian thử thách là mộtnăm. Kết hỏi mẹ sao mà mẹ thuyết phục được họ đồng ý. Mẹ im lặng hồi lâu rồi mới bảo: “Mẹ trình bày gia cảnh, hứa hẹn, bố các con là người có công nên họ cũng xem xét tạo điều kiện”. Anh Việt bỗng dưng thôi lất ngất.

Hôm đám cưới, anh em, làng xóm đến dự đủ cả, bỗng dưng có một người bà con xa của nhà Thương về dự. Bà hồi hương sau hơn ba mươinăm sống bên trời Tây. Giọng lơ lớ, pha pha, bà cười cười :

- Xem cháu rể bà nào, sinh cuối Kỷ Mùi à ? Giống cha như đúc nhể? Cha mày cũng kịp thỏa nguyện ý ông nội sinh cho ông thằng Kết rồi mới hy sinh cơ đấy? Hôm ấy bà đi họp thanh niên về, có một mình, thấy cái bóng đen sì đầu ngõ ngó ngó, nghiêng nghiêng. Quát hỏi ai đấy nó rúm ró bảo em. Giật mình vì biết nó đã tình nguyện lên biên giới rồi mà sao còn ở đây. Nó sụp lạy như tế thần bảo em “cắn rơm cắn cỏ” lạy chị đừng nói với ai, em về được có mấy tiếng thôi, sáng mai bốngiờ là em phải đi rồi. Nó dặn vậy nên bà chả dám hé răng với ai. Thế mà cũng kịp đúc ra cái thằng này hả? Khổ thân, chiến sự có non mộttháng mà chết cả mấy chục nghìnngười. Cha mày xấu số. Thôi chả nhắc lại chuyện buồn nữa. Sao lấy vợ muộn thế cháu? ...

Chòm xóm và các anh chị ớ ra. Mẹ nhũn người, đổ sụm xuống, khóc như mưa. Gánh nặng hơn ba mươi năm, cuối cùng cũng rời đôi vai mẹ. Mẹ đổ gục, khi gánh nặng không còn oằn đôi vai, để khóc cười cho những tháng ngày còn lại.

Mặt hồ phẳng lặng, cuộc sống yên bình.!?

 

 

 

NGÀY CHA VỀ

Truyện ngắn – Trinh nguyên

Sáng, trời lất phất mưa phùn. Gần trưa, trời nắng gắt. Chiều, trời trở gió, hanh hao chút heo may. Tối, gió mùa đông bắc tràn về, giật tung các cánh cửa khép hờ ra rồi lại tự đóng vào sầm sập.

Ngày cha về, có đủ bốn mùa cho những năm thángcách xa. Bốn mùa không được Hòa Bình Yên Vui như mơ ước của cha. Hay đó chỉ là sự khác biệt thời tiết giữa các địa phương khác nhau?

Trong tư duy về thời gian của một đứa trẻ lên sáu hay một cô giáo ba sáu tuổi - là chị - có nhõn hai ngày: ngày cha chưa đi, ngày cha chưa về. Rốt cuộc, giờ thì cũng đã có thêm khái niệm: ngày cha về. Chênh chao nhiều cảm xúc quá!

Ngày cha chưa đi.

Chị út ít, lại là gái, gái rượu, nên được cưng chiều hết mức. Nhà chăn được mấy con gà ri, lấy lý do nọ, lý do kia, thi thoảng cha lại thịt một con, cốt để bồi dưỡng cho đứa con gái còi cọc. Lần nào, chị cũng háo hức ngồi xem, từ khi cha nhúng nước sôi con gà, cho đến khi nó được chặt ra cho vào nồi, phần ngon, nạc xào nghệ, phần xương xẩu để nấu canh gừng. Công đoạn gần cuối, bao giờ cha cũng bảo gái yêu đi lấy cho cha cái lẹm nứa gài trên vách bếp, để làm lòng, rồi muối, rồi bát. Chị sum xoe, cứ được sai gì là thích lắm, nhảy chân sáo đi tìm. Có lần, mải vui quá, chiếc lẹm nứa làm chị đứt tay. Cha quáng quàng bỏ gà đấy, đi vê miếng thuốc lào dịt vào vết đứt, xé mảnh áo cũ nhưng sạch buộc lại cho chị rồi gắt bảo làm gì cũng phải cẩn thận chứ. Nhìn ánh mắt cha, chị tưởng đâu tim cha rỉ máu chứ không phải đầu ngón tay chị sứt tí ti.

Yêu thương là thế.

Căn nhà ba gian lợp rơm lúc nào cũng ấm cúng, rộn tiếng cha cười và lời mẹ nói, tiếng đùa vui của bốn anh em, dù thiếu thốn trăm bề.

Tháng năm, cả nhà hối hả chuẩn bị cho vụ mùa. Mạ gieo được hơn năm mươi ngày mới cấy. Trước ngày nhổ mạ, cha bỏ cả buổi chẻ lạt. Lạt bó mạ cần nhiều. Tám sào ruộng cứ khoảng tám bung mới đủ. Mỗi bung là bốn mươi chiếc mạ nên cha cần chẻ hơn ba trăm chiếc lạt nhỏ bó mạ, gần hai mươi chiếc lạt dài để xâu thành bung mà gánh ra ruộng. Cha khéo lắm nên khi chẻ lạt chả lãi, lỗ bao giờ.

Tháng mười, khi vụ gặt xong, cũng là lúc cha đã bó hết các đon rơm để ở ruộng phơi cho khô chờ ngày gánh về. Mẹ, các anh, và chị, ai cũng muốn góp sức của mình, để có một mái nhà dày dặn trước bão giông. Gần sáu tuổi, chị đòi theo cha đi gánh rơm, bằng chiếc đòn sóc hai đầu, bốn đon là kịch. Chiều chị, cha bó đon nhỏ, bó thấp xuống để chị gánh thì rơm không quệt đất. Cho chị theo ra đồng chơi là chính, chứ năm chuyến của chị, không bằng cha rốn một lần. Đòn sóc mà các anh gánh cũng chỉ lỡ cỡ mươi đon. Cha cứ phải đôi ba chục đon, gánh bằng chiếc đòn sóc một đầu, đầu kia để nguyên, chặt vuông mấu, đục lỗ, luồn then ngang để dồn cho gánh được nhiều, đầu này mới để nhọn còn xiên rơm vào.

Ngày nhà thay mái lợp bao giờ cũng được chị trông mong nhiều nhất. Trước đó một ngày, cha sẽ ra rặng tre sau nhà, lựa cây bánh tẻ, lành lặn, không sầu, không cộc, để chẻ lạt, sau mọi người đến hộ còn dùng buộc rơm vào rui, mè. Chẻ sớm hơn một ngày thì cha không thích, vì lạt sẽ héo, giảm đồ mềm. Lạt không mềm thì buộc không chặt. Chính ngày mới chẻ thì lại không kịp những việc còn lại. Đấy là lần thứ hai trong năm cha chẻ nhiều lạt.

Với ngọn tre, cha sẽ dùng khoảng dăm gióng, nướng cơm lam phần chị. Các anh lớn rồi nên chỉ được ké ít thôi. Ăn cơm lam chấm muối vừng thì ngon nhất trần đời rồi. Chẻ lớp ngoài cháy cháy đi, còn lại cơm với lớp màng trắng đục của cây tre bánh tẻ thơm ngậy mê hồn. Ăn chán cơm lam rồi, chị sẽ chạy lăng xăng khắp chỗ. Khi thì trèo lên đống rơm cũ, đã mủn một nửa, vừa được hất từ trên mái xuống trước cửa nhà. Khi thì lăn vào đống rơm mới mẹ chuẩn bị sóc vào đầu sào để đẩy lên mái, thay cho rơm cũ. Chị chả thấy rơm nhặm, chả thấy rơm ngứa gì cả, chỉ thấy thật êm, chỉ thấy bồng bềnh.

Có lần, cả nhà mải miết việc ai người nấy làm, chị một mình chơi trò bác sĩ. Chả hiểu khi chuẩn bị tiêm cho bệnh nhân, lùi lùi thế nào mà bác sĩ hẫng chân ngã ngửa từ trên chiếc bàn uống nước, đã được khiêng ra góc vườn, cao hơn mét, đập gáy xuống đất. Nhanh như một con sóc, cha nhảy phắt từ mái nhà xuống đỡ chị lên, bế, xoa dầu rồi nựng chị. Chắc hôm ấy làm bác sĩ nên chị đau nhẹ thôi. Tí là khỏi. Thế mà mặt cha tái mét, đau như thể cha bị ngã mạnh chứ không phải chị.

Cha nhờ thêm vài người nữa hộ, nên thường chỉ đẫy một buổi sáng là lợp lại xong cả hai mái. Buổi chiều, không ai hộ nữa, cả nhà sẽ quét sạch những sợi rơm vương luồn xuống rui mè, cùng nhau bỏ những tấm vải mưa che đồ đạc ra, dọn dẹp trong nhà, mắc lại màn rồi trải lại giường chiếu. Một mái nhà mới dày dặn mang theo sự ấm cúng cho cả nhà. Cha khi nào cũng giành phần việc nhiều hơn.

Trách nhiệm là thế.

Nhà chị cách nhà bà ngoại hơn hai cây số. Cậu suốt ngày say xỉn. Cha cần mẫn làm mọi việc trong nhà, để vợ và con không vất vả, mà cứ ngay ngáy lo cho cậu, cho bà. Năm ấy, gần tháng Chạp, trời hanh, rét cắt da cắt thịt. Phía trên xóm nhà bà ngoại bùng lên ngọn lửa rất to vào lúc mười một giờ đêm. Cả nhà ra hóng lên mà xót xa, cha lẩm bẩm: “Chết rồi, chắc thằng dở đốt nhà mẹ nó ạ”.  Rồi vẫn động tác nhanh thoăn thoắt, cha xách chiếc xe đạp thống nhất ra và lao vào bóng đêm. Mẹ te tái chạy gọi với đòi theo. Cha gắt vướng chân khó đi. Ở yên đấy, tôi khác lo. Theo chả được, mẹ gào khóc đòi chạy bộ lên, chị bé nhất, đang sốt bỏng như hòn than, níu mẹ lại bảo còn con. Trên kia là mẹ già, chưa biết thế nào. Dưới này là con nhỏ đang ốm. Biết phân thân làm sao. Mẹ đành ở. Cả nhà nín thở không ngủ. Không biết bà ngoại lập cập thế có kịp chạy ra? Cậu say thế chắc gì ý thức được lửa cháy? Mợ với các em thì thế nào? Một giờ đồng hồ dài như thế kỷ. Ngọn lửa đã được dập tắt từ lâu. Cha phóng về hổn hển: “May cho nhà bà ngoại, thằng dở hôm nay nó không say. Rủi cho nhà chú Hùng, cháy bằng hết rồi có kịp chạy được gì ra đâu. Nguyên bức tường đổ vào chú ấy, chửa chắc đã qua khỏi. Tôi về báo để mẹ nó đỡ lo, đi ngủ đi. Mai sáng ngày mẹ con cắp nhau lên mà hỏi thăm gia đình chú ấy sau. Giờ tôi lại đạp lên, còn giúp đưa chú ấy đi viện và lo liệu việc nữa”. Chú Hùng là hàng xóm của bà ngoại.

Tình nghĩa là thế.

Thế mà rồi cha đi, một mạch không về.

Ngày cha chưa về.

Đứa sáu, đứa tám, đứa mười, đứa mười hai, đã giúp được mẹ mấy việc gì đâu. Hết lớp sáu, bé tí, anh Hòa nghỉ học, phụ mẹ cày cấy. Anh vác cái cày chật vật. Bắp cày trên vai, diệp cày với lưỡi cày chỉ trực va vào gióng chân hay mắt cá chân. Đã vậy thì chớ, cái đỏng đảnh ở đầu bắp cày lại còn lủng la lủng lẳng, càng khó đi. Vác cái bừa cũng thế, không cẩn thận lúc nhấc bước, răng bừa chọc vào chân. Nao mẹ vác cày đi từ tinh mơ sáng thì anh vác bừa theo sau. Rồi khi mẹ thả cày để bừa là anh vác cày về trước, mẹ bừa xong, vác bừa rồi rong trâu về sau. Bởi thế nên khi vác cày hay bừa, anh Hòa luôn bớt được cái khoắm với dây thừng loằng ngoằng, đỡ lủng lẳng, đỡ nặng bao nhiêu.

 Tám sào ruộng chia thành mười thửa, chon von ngang đồi vài thửa, dưới bằng vài thửa, thửa to nhất hai sào, thửa bé nhất vài thước, lắm bờ. Năm nào làm bờ, các anh cũng chán mệt. Mẹ cứ kiên nhẫn thủng thẳng “Làm ruộng thì phải be bờ/ Làm thân con gái phải se lông mày”. Mấy anh em lại bảo nhau thôi cố. Xong bờ thì gánh phân trâu trợt vai. Đầu cơ nghiệp không có, đi chăn rẽ được con trâu để cày bừa, lãi mỗi tí phân. Gánh hết phân rồi anh em thay phiên nhau cùng mẹ đi cắt phân xanh, băm nhỏ ra để bỏ vào ruộng lúa đã hồi lại, đang xanh lên. Cả năm chỉ cấy mỗi vụ mùa, toàn cấy lúa muộn. Chiêm thì chịu vì chả bắt nước được. Tháng mười thì lúa được gặt. Thóc phơi khô chưa kịp quạt sạch thì chủ nợ đã đến tận sân bắt cân ngay để trả. Thành ra, cái quạt hòm chả phải làm việc mấy, mới nguyên. Vay một tạ từ Chạp năm ngoái, đến tháng Mười năm sau trả tạ tám. Lân đạm không sẵn, thuốc phun cũng không, có lúa núi cũng chả tốt kịp cho vừa. Qua Chạp lại vay tiếp. Có bận, mẹ năn nỉ cô Hương béo: “Em thư thư cho chị”. Cô chắp tay sau đít, đứng đầu sân, nguýt dài: “Thư với từ gì hả chị? Để con em bốc trấu mà ăn à? Năm nào xoẳn năm ấy đi. Hết chị lại sang em cân cho”. Ô! Bà chủ cho cả làng vay thóc ăn lại lo con mình ăn trấu.

Còn tí thóc, mẹ con ăn dè. Ăn dè thì chẳng đủ no. Trong lúc đợi rơm khô, mẹ với anh Hòa lại ngược núi đi mót sắn. Người ta gánh bằng dậu. Mẹ nhất định không, đôi quang xảo dài không hợp với đường núi nên khiến mẹ ngã dúi dụi, nhất là những hôm trời mưa, trơn trượt. Cả mấy mẹ con có ra sức mót thì sắn cũng chỉ đủ một gánh. Anh Hòa chẳng về không, chặt hai cây chuối rừng, dùng cành cây xiên hai phía đầu, đuôi cho gọn, khỏi cần dây buộc, thành bó rồi vác về. Đến con lợn con mà nhà cũng chả đủ tiền mua giống nên chăn rẽ như trâu. Gọi là cám lợn nhưng cám được có tí còn rặt là chuối thái mỏng, băm nhỏ thôi, không thì củ, thân, lá mon hoặc ráy. Rau lang cũng chả biết trồng mà băm ra chăn. Thôi thì đến Tết cũng có miếng thịt mà gói bánh chưng cho con ăn, tí mỡ rán để đấy ăn dần.

Ăn độn thì mới dôi ra ít gạo. Chứ cứ nấu tinh gạo không thì chả mấy ngày lại cắp thúng sang nhà cô Hương béo. Độn rồi, chán ngấy sắn đến tận cổ, chị kêu mấy lần. Đến bữa, chả có gì ăn thì chị vẫn phải xúc. Anh Yên ngọng líu bảo: “Thao thao … mày bảo tán, … mà mày lại còn ăn”. Chị dỗi anh mất mấy ngày.

Cái đận ấy, dễ có đến năm năm, cả nhà mới hết cảnh vay thóc nặng lãi. Ấy là khi anh Hòa, anh Bình lớn hơn chút, biết vào Khe Rạc, lấy măng nứa, luộc chín, xâu vào lạt, ép chặt rồi gánh bằng đôi sọt nứa về bán. Nghìn năm xâu. Sau hai ngày lấy măng, luộc, xâu, nén, gánh về, mỗi gánh cũng được khoảng vài chục nghìn, còn thấy đồng ra, đồng vào. Hết mùa măng nứa thì mùa nào thức ấy. Anh Hòa nghỉ hẳn học, anh Bình vừa đi học, vừa phụ thêm. Khi thì đi gánh sấu, khi thì đi gánh trám, lúc lại lấy lá dong, lúc khác gánh nhựa trám, không thì gù hương. Những đôi vai của tuổi bẻ gãy sừng trâu, chẳng ngại gì mà không đặt lên. Anh Yên bé hơn, lại yếu, nên sáng đi học, chiều thả trâu ra đồng chăn với đám bạn.

Vụ mùa đầu tiên vắng cha, mẹ tự chẻ lạt buộc mạ. Mẹ chẻ khéo chẳng kém gì cha. Chẳng qua những bận trước, cha làm rồi thì mẹ làm việc khác.

Lần đầu nhà thay mái lợp vắng cha, sau gần năm cha đi rồi bặt vô âm tín, chị vẫn được ăn cơm lam mẹ nướng. Mẹ nhờ các bác, các chú trong xóm tới giúp. Bữa cơm trưa dọn ra mời khách, có rượu, có thịt, có rau. Quá trưa một tí, chú Thoan ở nán lại cà kê dăm ba câu chuyện. Cô Thoan sang tận nhà, liếc xéo, bắt về ngay, không quên nguýt mẹ một cái thật dài: “Tốt đẹp gì cái loại chồng bỏ sống mà đi”. Mẹ đứng chết lặng. Bất ngờ. Sau này, mẹ thường xuyên bị những ánh mắt vô cớ kiểu cô Thoan của các bà, các cô trong xóm. Không bất ngờ nữa nhưng mẹ im lặng. Chẳng phải bởi im lặng là đồng ý đâu. Mẹ dĩ hòa vi quý, muốn yên ổn mà làm nuôi con, thế thôi. Đôi co mà làm gì. Hở ra một câu gì là cơ hội để các bà, các cô sấn sổ vào. Rồi sẽ vẫn thế. Năm sau và vài năm sau nữa, nhà thay mái lợp, mấy mẹ con tự xoay, ổn. Các bác, các chú hàng xóm vẫn qua lại nhà chị nhiều hơn, khi mượn cái này, khi hỏi cái kia, khi chả việc gì. Mẹ tránh hết. Thi thoảng, có toán thợ xẻ, thợ đấu, rồi thợ mộc, hoặc thợ bật bông, tới xóm làm, biết chuyện, cũng buông lời tròng ghẹo. Họ còn đọc thơ:

“Xóm Hoa lắm đất trồng hành

Lắm cô gái đẹp để dành cho anh”.

Mẹ bơ. Sau chán. Vẫn là toán thợ ấy, cười mỉa:

“Xóm Hoa lắm đất trồng hành

Lắm cô gái đẹp để dành … muối dưa”.

Người ta nói mẹ thế nào mẹ cũng kệ. Nhưng động đến con mẹ là mẹ không im lặng. Một lần, chị bị chúng bạn trêu, quá trời, quá đất.

“Lốc ca lốc cốc

Ai như lão Đốc

Bỏ nhà theo gái

Ái ài ái ai”

Về nhà, sau buổi ấy, chị nhất định không đi học. Mẹ gặng hỏi mãi chị mới chịu kể sự tình. Rồi chị nức nở: “Không phải cha bỏ nhà theo gái, đúng không mẹ? Chỉ là cha đi làm ăn xa chưa về”. Mẹ gật đầu, rồi quay đi gạt nước mắt. Sáng hôm sau, mẹ đến trường, gặp cô giáo và cả lớp nói gì đó. Kể từ đấy, chị bình yên.

Cha đi sau sinh nhật chị một ngày. Là mẹ vẫn kể với mọi người những ngày cha mới đi, rằng cha đi sau ngày giỗ bà nội. Và chị nhớ mẹ vẫn bảo ngày bà nội mất, đúng Rằm tháng Chạp, mẹ vật vã khóc và sinh non chị. Chứ ngày ấy làm gì có sinh nhật trong ký ức của chị. Mẹ đến lạ, bao thứ âu lo, mà tuyệt không quên ngày sinh của bất cứ đứa con nào, cả ngày cha đi nữa. Nó là vết hằn trong tim mẹ. Lâu dần, chị thấy mẹ ít nhắc tới cha hơn, và rồi không nhắc nữa.

Cha bảo với mẹ: “Chắc tôi phải tha hương, mới thay đổi được số phận và cuộc đời. Tôi đi. Khi nào kiếm được nhiều tiền, tôi về, cho vợ con đỡ khổ”. Năm chín mươi của thế kỷ trước, khi điện lưới chưa có, thì thư từ là thứ gì đó rất xa xỉ với làng quê của chị. Một năm, hai năm, rồi nhiều năm, không một lá thư, không một lời nhắn gửi. Mẹ chị, bốn anh em chị, vẫn cần sống, cần ăn, lớn lên, cần đi học. Anh Hòa tha thiết muốn tới trường nhưng khi thấy mẹ vất quá, còn ba em nữa, Yên, Vui đều nhỏ và yếu, hay ốm vặt, thì anh nhất định nghỉ học dù mẹ có nói thế nào.

Năm thứ hai nhà thay mái lợp vắng cha, anh Hòa đã là thợ lợp cừ khôi. Trước đó, anh là nhân lực chính gánh rơm bằng chiếc đòn sóc một đầu mà trước kia là của riêng cha.

Năm thứ sáu kể từ khi cha đi, mẹ ốm liệt giường, suy nhược cơ thể, tưởng không qua được. Đó là hậu quả của những ngày sinh không được kiêng cữ, không có gì để ăn, lại làm việc quá sức: cày bừa, cấy hái, mót sắn, lấy củi, làm thuê, làm mướn, … kiếm tiền đong gạo nuôi con. Rồi ông trời cũng đoái hoài xót thương, mẹ được sống. Nhưng kéo theo là những ngày triền miên bệnh viện. Lớp sáu, sáng chị đi học, chiều chỉ nướng bòng hoặc nướng gừng bọc trong miếng vải chườm tay tiêm cho mẹ, những vết tiêm chai cứng bắp tay, khiến mẹ không giơ nổi tay để chải đầu hay tự tắm rửa. Chị khóc ròng cắc cớ: “Sao cha không về hả mẹ?”. Hun hút buồn trong đôi mắt của mẹ. Chị hỏi mẹ, rồi mẹ biết hỏi ai?

Thế mà rồi cũng có tin tức của cha. Không biết nên buồn hay nên vui nữa. Chị cứ nhớ như in câu chuyện mà bác Hoan hàng xóm kể với mấy mẹ con chị sau một chuyến đi làm từ cửa khẩu Tà Lùng về: “Tôi gặp chú Đốc trên ấy. Tha hương mà gặp đồng hương thì mừng phải biết. Nhìn chú ấy khỏe mạnh. Hỏi sao chú vô tâm, bao năm không liên lạc gì về nhà. Vợ đẹp, con khôn, bỏ bẵng thế. Im lặng một lúc chú mới kể những ngày đầu lên miền biên ải ấy. Chắc do ngã nước, chú ấy ốm quặt ốm quẹo đến vài năm không làm được gì. Chú ấy ăn nhờ ở đậu nhà cô giáo Tày quá lứa. Chú ấy sống được là nhờ cô ấy cưu mang, thuốc thang, chạy chữa khắp nơi. Ân tình, ân nghĩa, chú được tác hợp với cô giáo Tày. Cô ấy không còn khả năng có con. Chú bảo “Nhẽ em chết rồi. May giời cho sống, bạc với vợ con thì đã bạc rồi, giờ em lại bạc với người đã cứu mạng sống mình nữa thì thậm tệ quá thể. Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Em chẳng còn mặt mũi nào. Từ ngày đi, em chưa bao giờ có được giấc ngủ ngon. Qua anh, biết vợ con vẫn khỏe, dù khổ trăm bề, em cũng yên tâm. Anh cho em gửi lời … mà thôi anh đừng nói gì cả nhé”. Vội lên xe nên tôi chả nói chuyện thêm được nhiều. Tôi bảo ghi cho tôi cái số điện thoại, nhà có chuyện gì còn biết lối mà gọi. Đây, cô cầm lấy, ngộ nhỡ cần”.

Không khí trong nhà trầm hẳn mất mấy ngày. Rồi cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn thôi.

Sau những ngày lấy măng, gánh sấu, nhựa trám, … anh Hòa làm thợ xẻ. Hai mươi tuổi, anh cất được ngôi nhà gỗ ba gian, cột không đủ toàn gỗ nghiến mà xen cả gỗ lý, nhưng chắc chắn, lợp ngói. Từ đấy, rơm vẫn được gánh về nhưng không phải để thay mái lợp mỗi năm mà được xếp đống vào cho trâu ăn những ngày mưa phùn, gió bấc, chị đỡ phải ra đồng chăn. Chị hơn anh Yên, được chăn trâu nhà mình, không phải chăn rẽ trâu nhà người ta để lấy sức kéo rồi trả thóc cho họ. Con trâu mà mấy mẹ con com cóp bao năm mới dồn tiền mua được.

Anh Yên ngọng líu, ngọng lô, khi nào cũng thiệt thòi nhất nhà. Ở nhà mới được non năm thì anh mất, vì đuối nước. Mẹ mở hòm lấy mẩu giấy đã bạc màu đưa cho anh Bình bảo ra Bưu điện văn hóa xã mà gọi điện. Cho đến khi anh Yên mồ yên mả đẹp, mẹ vẫn hướng mắt ra phía đường đầu ngõ. Không có bóng dáng của ai cả. Chị lại khóc ròng: “Sao cha không về hả mẹ? Một người vợ, với bốn đứa con, không bằng một người đàn bà xa lạ sao?”. Lại hun hút buồn trong đôi mắt của mẹ. Chị hỏi mẹ, rồi mẹ biết hỏi ai?

Anh Hòa lấy vợ rồi đến anh Bình, và chị lấy chồng. Mẹ lo chu toàn mọi việc, rồi có cháu nội, cháu ngoại.

Đủ các kiểu bệnh viện từ trung ương tới địa phương và nhiều bác sĩ giỏi cũng chỉ giữ được mẹ ở với các anh và chị thêm hai mươi năm kể từ ngày mẹ đổ bệnh. Ngày mẹ về theo tiên tổ, điện thoại thông minh đã phổ biến lắm rồi, gọi là có thể nhìn thấy hình ảnh. Anh Bình lại là người bấm máy, cha vẫn không về. Chị ngất rồi tỉnh, tỉnh rồi ngất. Nỗi đau này, ai thấu không?

*                 *                 *                 *                 *                  *

Các cụ vẫn bảo “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Cha đi chẵn ba mươi năm mới quay về. Không tính được lãi, lỗ cuộc đời như khi căn để chẻ lạt bó mạ hay buộc mái nhà.

Đi đón cha, có đủ trai, gái, rể, dâu. Suốt cả chặng đường dài, sáu đứa con nhìn cha rồi nhìn nhau lặng lẽ. Vô ngôn. Mỗi người, đắm chìm với miền ký ức của riêng mình. Hơn ba trăm cây số, thấm gì so với ba mươi năm cuộc đời, của nhiều con người. Khổ cực, tủi hờn, buồn, vui, oán hận, … đã qua hết rồi.

Cả xóm dễ có đến hơn trăm người, ra đón cha từ đầu ngõ. Người ta cũng giận lắm, cái con người ruồng rẫy quê hương, ba mươi năm không một lần ghé lại. Nhưng khi con người ấy quay về, thì vẫn đón. Chẳng cố giữ người sẽ ra đi, nhưng sẽ sẵn sàng đón người trở về.

Rẽ đám đông, chị nhao vào chỗ mộ mẹ, nhạt nhòa màu sơn trắng, vừa sang cát chưa nổi một năm. Huyệt song song bên cạnh, được xây cất gọn gàng, chỉ đợi quách về là hạ xuống. Hỏa thiêu, đào sâu, chôn chặt, đặt cạnh mẹ, đó là ước nguyện cuối cùng của cha. Chặng đường dài từ Bảo Lạc, qua thành phố Cao Bằng, rồi Bắc Cạn, tới An Lạc Viên và trở về nhà, chị không khóc. Chẳng phải bởi đã khóc hết nước mắt từ lâu, cũng chẳng phải bởi vô cảm, chỉ là nước mắt không chảy thôi. Kể cả lúc di quan, khi nhìn người đàn bà ấy quằn quại khóc, ngất rồi tỉnh, tỉnh rồi ngất, chị vẫn không một giọt nước mắt rơi. Và chị vẫn kiên định, dứt khoát không đồng ý cho người đàn bà ấy theo về chịu tang.

Chị chỉ kịp nấc lên bốn tiếng “Mẹ ơi. Cha về”, rồi ngất lịm.

Thái Nguyên, ngày 28 tháng 8 năm 2020

 

 

ĐÔI GIÀY

Truyện ngắn: Trinh Nguyên

Đang đứng gần cửa ra vào, Vũ quờ được chiếc sandals mười hai phân, vung mạnh, cái gót nhọn sượt qua cánh tay trắng nõn nà của chị, xước. Đây là giọt nước tràn ly đầu tiên trong số ít những ngày căng thẳng gần đây. Một lời đanh thép vang lên: “Tôi sẽ đưa con về nước”. Cánh cửa đóng rầm. Theo thông lệ, sau mỗi cuộc cãi vã giữa hai người, chị sẽ đi ra khỏi nhà, hoặc ngược lại. Chỉ có khác lần này là bạo lực. Ngơ ngác, giật mình, chị không thể nào tin nổi, bảy năm sau ngày chị cầm chiếc giấy đăng ký kết hôn thứ hai. Sự bất ngờ không giúp chị quên đi được cảm giác xót xót nơi cánh tay. Một chút máu rịn ra. Thẫn thờ, chị nghĩ: “Hay là buông?” Nói là làm, chị bước vào phòng khách và buông mình xuống sofa, chẳng buồn lau máu đã gần thành giọt. Rồi chị lại nghĩ: “Đứa con nào cũng là chị dứt ruột đẻ ra, nếu Vũ đưa con về đồng nghĩa với việc không bao giờ chị được gặp con nữa”. Mâu thuẫn giữa chị và Vũ đã đẩy lên đến mức này rồi sao? Còn có thể cứu vãn được không? …Không một giọt nước mắt nào rơi dù sự bàng hoàng gần như tột độ. Năm phút. Chị bật dậy đi vào phòng ngủ và với chiếc vali trên nóc tủ xuống. Chưa đầy năm phút, váy vóc và quần áo đã gọn gàng trong các ngăn. Còn gì nữa nhỉ? À, đồ trang điểm. Nào là nước hoa hồng, nào là kem lót, nào là phấn phủ, …Chị vơ tất thảy trên mặt bàn và trong hai ngăn trên của bàn trang điểm vào vali. Còn ngăn thứ ba, dưới cùng, khóa chặt. Hộp quà. Phân vân, lưỡng lự. Chị với lấy chiếc chìa khóa dưới đáy tủ. Món quà này đã yên vị tám năm nay trong chiếc hộp. Trước ngày ra tòa, anh vẫn tận tụy mang đến nhà chị bảo cho anh lần cuối cùng tặng quà chị, một cách danh chính ngôn thuận. Bốn năm ở bên ấy, chị gửi cho cha giữ hộ. Bằng ấy năm, chị không một lần mở ra, vì biết rõ trong ấy là gì, chị trân trọng nó như là một báu vật.

*                                              *                                                        *

Sau sinh nhật sáu tuổi của chị, mẹ bỏ đi theo một người đàn ông khác. Cha một mình lầm lũi nuôi con. Nỗi oán hận trong chị tăng lên từng ngày, từng tháng, từng năm, dù cha luôn cố gắng dung hòa và kiềm chế nó. Chị cứ thế lớn lên cùng với sự tận tụy của cha. Đến khi anh bước vào cuộc sống của chị, thêm một người nữa hỗ trợ cha trong việc ấy nhưng vết xước tâm hồn thật khó lành. Chị như đứt từng khúc ruột khi nhiều đêm, cha chong chong hai con mắt mà chẳng dám cựa mình vì sợ chị thức giấc. Mẹ đi là một cú sốc quá lớn với cha. Chị nhớ như in cảm giác bẽ bàng tột độ trong ngày sau khi anh chị tốt nghiệp trung học phổ thông được vài tháng, vào cái năm mà cả nhân loại hân hoan chào đón thiên niên kỷ mới. Chị ôm bọc quần áo với chiếc bụng lùm lùm lên tầng thượng nhà anh, khóc: “Sống mẹ không chấp nhận con thì mẹ cho mẹ con con chết được làm ma nhà mẹ”. Mẹ anh không chê trách chị điều gì cả. Chỉ là bà không thể vượt qua được định kiến “Cầu trước bắc đâu, cầu sau bắc đó”. Anh cũng quỳ gối xin: “Mẹ cho chúng con cơ hội và thời gian để chứng minh điều ngược lại”. Có lẽ đó là đỉnh điểm của sự oán hận trong chị. Chị khổ như thế là vì ai? Dùng dằng thêm vài tháng nữa, một bữa cơm thân mật được tổ chức với mười mâm cỗ mà khách khứa là họ hàng thân thiết của hai bên. Chị sinh bé gái đầu lòng chỉ năm ngày sau khi “đám cưới” ấy diễn ra, một ngày trước khi anh chị đủ tuổi ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn. Cả anh và chị đều tan giấc mơ thi vào đại học. Chị đặt tên con bé là Hồng, ghép cùng tên chị thành một đám mây màu nhẹ dịu mắt, với một hy vọng màu hồng cho cuộc hôn nhân của chị.

Tình yêu của anh chị suốt ba năm cấp ba là một câu chuyện cổ tích đẹp cho mấy thế hệ học sinh thời ấy. Tình yêu ấy bắt đầu từ một tình bạn của một đôi bạn cùng tiến trong học tập. Tình yêu ấy nồng nàn và lãng mạn, vượt qua mọi sự khó khăn, trắc trở.

Chị trắng trẻo, xinh xắn và rất duyên. Đôi chân thon gọn, di truyền của mẹ, vừa cỡ giày ba mươi sáu, thật đẹp, đi giày kiểu gì cũng đẹp. Con số ba mươi sáu là gợi nhớ duy nhất về mẹ trong tiềm thức của đứa trẻ lên sáu là chị. Ngày xưa mẹ vẫn hát: “… Trên rừng có ba mươi sáu … sáu thứ chim, thứ chim là chim chèo bẻo, thứ chim là chim chích chòe. Trong quan họ có người trồng tre. Người trồng tre người cho tôi biết có mấy … là mấy thứ tre? Có ba mươi sáu … sáu thứ tre…, thứ tre là tre chẻ lạt, thứ tre tôi để làm nhà … Có ba mươi sáu … sáu thứ chanh, thứ chanh là chanh ăn quả, thứ chanh tôi để tội đầu. Trong quan họ có người trồng dâu. … Có ba mươi sáu … sáu thứ dâu, thứ dâu là dâu ăn quả, thứ dâu tôi để chăn tằm, một nong tằm là năm nong kén, …” Rồi mẹ kể Hà Nội có ba mươi sáu phố phường, chắc là rất rộng, rất đẹp, mẹ muốn được đi về sống ở nơi ấy, …Và mẹ đi, vào một ngày mà tất thảy tre trong xóm bắt đầu ra hoa và dâu thì mất mùa, đến một Thủ đô khác có nhiều hơn ba mươi sáu phố phường. Sáng ấy, cha đã dắng trước: “Tre bị phi rồi, báo hiệu một năm đầy sóng gió, thời cuộc sẽ đổi thay”. Và, cha không hề biết rằng, sóng gió ấy ập vào nhà chị trước tiên.

Anh bảo anh yêu lắm đôi chân thon của chị. Đôi chân anh sẽ cùng đôi chân ấy đi đến hết cuộc đời. Những yêu thương, những hứa hẹn, những hạnh phúc ngập tràn. Ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, … mỗi món quà cho mỗi ngày lễ là một đôi giày gót cao ba centimet, đôi màu cam, đôi màu be, đôi màu đen, … Chân chị đi đôi nào cũng thật đẹp, sang trọng và quý phái. Đôi chân ấy không phải là đôi chân của một cô thôn nữ quen chân lấm tay bùn, đôi chân ấy lẽ ra là đôi chân của một cô gái thị thành. Hai năm sau ngày cưới, chị tiếp tục sinh bé trai thứ hai, anh chị đặt tên thằng bé là Hải, ghép với tên chị thành một đám mây mạnh mẽ vươn ra biển. Chị cảm thấy không còn gì hạnh phúc hơn khi hai giai đoạn cuộc đời mình được sống cùng hai người đàn ông tận tụy, yêu thương chị hết mình. Mẹ chồng chị không dấu sự hãnh diện khi hàng xóm buông lời ghen tị: “Con dâu chị thật là biết đẻ, lại xinh đẹp, dịu dàng”. Nhưng rồi những đôi giày với đủ kiểu dáng và sắc màu cũng không níu nổi những bước chân. Chị muốn những đôi giày gót cao hơn ba centimet, nó sẽ làm tôn thêm dáng đẹp cho chị.

Xóm chị rộ lên phong trào đi Đài Loan làm giúp việc. Chị khăn gói lên Hà Nội học tiếng sau khi thằng Hải thôi bú được mươi ngày, với giấc mộng xuất ngoại để đổi đời cho chồng, cho những đứa con, và cho cả chị nữa. Chuyến xuất ngoại có chị và năm người nữa bị đổ bể. Vào năm hai nghìn không trăm linh bốn, khoản tiền hai trăm triệu là quá lớn, với tất cả sự tận tụy và tình yêu thương mà cha và anh dành cho chị, chị không thể mang gánh nặng ấy quay về đặt lên vai họ. Quê chị ngoài làm ruộng và lên rừng ra thì không có cách gì để kiếm ra tiền nữa, mà rừng ngày càng cạn kiệt. Chị phiêu bạt lên cửa khẩu Tân Thanh buôn chuyến. Những ngày cơ cực, khó khăn. Đổi lại, chị có tiền gửi về cho cha và anh trả nợ dần.

Vũ xuất hiện lần đầu trước mặt chị rất mờ nhạt. Nhưng đó là một cơn mưa mát lành. Vũ nói tiếng Việt trôi chảy như tiếng mẹ đẻ của mình. Kém chị hai tuổi nhưng Vũ già dặn và năng nổ. Có một sự tin tưởng tự nhiên giữa hai người dù có sự khác biệt về văn hóa. Bắt đầu là những cuộc điện thoại công việc:

- Tám giờ sáng mai hàng về. Vân nhận hàng cho Vũ nhé.

- Rồi, OK.

...

- Chuyến này tiền hàng nhiều quá, Vân đi giữ tiền cho Vũ.

- OK.

...

- Vũ có thể giúp Vân sang bên kia biên giới một cách hợp pháp, việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn. Đồng ý chứ?

- OK. Vậy thì tốt quá.

Vũ kéo Vân ra khỏi những vất vả, khổ cực nơi cửa khẩu mà chị không thể kể hay chia sẻ với anh. Một mình anh với hai đứa trẻ là quá đủ mệt mỏi rồi. Xuất hiện một sự đồng cảm giữa chị và Vũ dù chưa bao giờ chị có ý nghĩ sẽ phản bội anh.

...

- Có mây rồi mới có mưa, chắc chúng ta có duyên tiền định. Mình hẹn hò nhé?

Im lặng.

- Sao? Lại OK chứ? Thôi đừng, Vân chuyển qua dùng loại khác có gai hơn một chút đi.

- Vân không thích đùa cợt kiểu ấy.

...

Tình cảm của hai người bắt đầu như thế.

Việc buôn bán của chị ngày càng thuận lợi. Số tiền chị gửi về nhiều hơn đồng nghĩa với số lần chị về thưa dần. Trả được món nợ tiền ở nhà, cho cha và anh bớt đi gánh nặng, thì chị lại mắc nợ ân tình với Vũ. Chỉ hai năm sau ngày thằng Hải thôi bú, chị trả hết số nợ và bắt đầu gọi điện bảo anh: “Đừng chờ em nữa, em có lỗi với cha, anh và các con”. Thủ tục li dị nhanh gọn trong một tháng. Đám cưới chị với Vũ diễn ra khi bé Hồng tròn sáu tuổi. Chỉ một mình anh thôi không thể chứng minh định kiến của mẹ anh là sai. Các cụ đã đúc kết thì có bao giờ sai được?

Chị ở xứ người được bốn năm thì con trai chị với Vũ cũng được ba tuổi. Chị vẫn đau đáu hướng về nơi chôn rau cắt rốn. Thuận theo ý vợ, Vũ nhập quốc tịch Việt Nam và họ trở về, sống ở nơi mà ngày xưa mẹ mơ ước, nơi có ba mươi sáu phố phường. Gia đình chị đi du lịch nhiều nơi. Chị không quên dạy thằng bé tiếng Việt từ nhỏ và thường kể với con một cách say sưa về quê mình. Nơi ấy đẹp và yên bình. Nơi ấy có Hang Phượng Hoàng, dù không đẹp bằng động Phong Nha, có suối Mỏ Gà dù không bằng một phần rất nhỏ của Sông Son, có Hồ Núi Cốc dù chẳng bằng một góc của Đầm Sen. Thằng bé háo hức lắm. Nhưng đến khi nó được bảy tuổi, chị mới dám đưa về và cho ba chị em đi chơi những nơi mà chị thường kể với thằng út.

Nhìn anh chị cắc cớ: “Anh lấy vợ đi, chờ làm gì người sẽ không quay về?” Chị không biết câu ấy cha đã nhắc đi nhắc lại đến cả trăm lần với anh. Anh chỉ ừ hữ cho qua, lần này cũng thế. Bé Hồng nhìn cha và quay đi lau nước mắt.

Khi xưa mười tám tuổi, ôm bọc quần áo với cái bụng lùm lùm đến nhà anh, chị đã mong mỏi và gần như khao khát mẹ quay về, để chị hét lên: “Tôi ra nông nỗi ấy là vì bà đấy”. Rồi mẹ sẽ quỳ xuống van xin chị tha thứ vì bà đã sai. Chị sẽ giãy nảy lên không đồng ý và không thôi la hét tiếp. Nhưng rồi hàng hàng nước mắt của mẹ, những ân cần, những vỗ về của mẹ sẽ khiến chị nguôi dần, dịu dần xuống. Mười hai năm qua, chị thèm muốn được mẹ ôm ấp, nựng nịu lắm chứ. Nhưng mẹ đã không quay về. Đến bây giờ, mẹ vẫn chưa quay về. Còn chị, chị đã về đây, sao con bé không không một lời trách cứ, oán hờn. Nó chỉ mới mười bốn tuổi. Ánh mắt của con bé không vồ vập, không xa lạ, đủ để chị cảm thấy mình không bị hắt hủi dù thực tế chị đáng bị như thế và hơn thế nữa, đủ để anh không buồn vì ý nghĩ mình đã không thành công trong việc dung hòa nỗi oán giận trong tâm tưởng của con. Chỉ thấy trong đôi mắt ấy hoang hoải những nỗi buồn. Điều đó khiến chị đau lòng đến quặn thắt. Không có đại lượng nào để đo nỗi thống khổ của chị, người bị gieo nỗi oán giận và đi gieo nỗi oán giận. Chị không đủ tư cách để nói lời xin lỗi con. Sao chị lại mang đến cho con bé một nỗi đau quá sức của tuổi mười bốn thế? Suốt cả ngày đi chơi, bé Hồng chăm hai đứa em với vai trò một người chị cả đảm đang, tháo vát và công bằng. Nó khéo léo né tránh mọi tình huống gọi chị là mẹ. Chị càng đau lòng hơn nữa …

Cuộc sống là chuỗi những đối lập, khi là những chuỗi liền mạch, có khi là những chuỗi đứt đoạn. Chị cả một đời oán giận mẹ đã bỏ rơi mình rồi chính chị lại gieo nỗi oán giận ấy với những đứa con. Cha và anh cả một đời tìm mọi cách dung hòa sự oán giận ấy trong chị nhưng cả đời lại không thôi oán giận chính bản thân mình bởi không giữ nổi một người đàn bà ở bên. Chị luôn muốn gào thét lên với mẹ cho thỏa nỗi oán giận nhưng bé Hồng thì ngược lại …

*                                              *                                              *

Chiếc hộp đã hơi ngả màu, chiếc nơ hồng buộc ngoài đã phai nhạt. Nắp hộp được mở ra. Một đôi giày, tất nhiên là thế. Chị biết điều đó từ cách đây tám năm rồi. Nhưng là một đôi giày cao gót chín centimet, điều mà chị không ngờ tới. Chị đi đôi này sẽ rất đẹp, gót cao tôn dáng mà, tất nhiên là thế. Dòng chữ trên tấm thiếp đã mờ. Chị cầm ra gần cửa sổ, nơi có ánh sáng xuyên vào:

“Anh xin lỗi vì sống với em mà không hiểu em!

 Chỉ là anh muốn em luôn vững đôi chân, ngay cả khi không có cha và anh bên cạnh.

Đừng buông, khi em còn có thể nắm!”

Chị nhìn ra ngoài cửa sổ, bầu trời trong xanh không một gợn mây, nắng chan hòa. Hoa phượng rực đỏ một đoạn đường. Màu đỏ ấy không khiến chị thấy chói mắt mà ngược lại, chị thấy lòng dịu nhẹ. Giờ thì chị đã biết mình phải làm gì?./.

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2014

 

 

TÌM GIÓ

Truyện ngắn: Trinh Nguyên

Một đám mây đi tìm gió, và mưa, để sau mưa sẽ chỉ còn ánh mặt trời.

Lang thang hàng giờ trên Facebook, chán ngán với những status kiểu “… vãi”, tôi đánh máy từ “Phong” vào hộp thoại tìm kiếm. Phong là gió. Gió thường lang thang, gió thường vô định, nhưng tôi vẫn muốn đi tìm.

Tôi vốn quen với việc dùng từ vãi cho hai đối tượng. Một là gọi ông bà ngoại, hai là các nữ sư sãi trong chùa. Nay thấy nhà nhà “vãi”, người người “vãi” theo kiểu: “Hôm nay lên bảng không thuộc bài, nhục vãi”, “Đường xá lầy lội và bẩn thỉu, kinh vãi”, “Vẫn chưa có lương, chán vãi”, …tôi đâm mất cảm tình với từ này. Định bụng sẽ đăng status “Dị ứng “vãi”” nhưng thế nào hai tay lại thoăn thoắt đánh máy từ “Phong”. Mà rõ ràng, Phong và vãi chả có liên quan gì sất, ngoại trừ việc Phong khiến Ánh Dương chỉ biết có ông vãi, bà vãi mà chưa một lần biết đến ông bà nội, dù con bé đã mười tuổi đầu. Nhưng tại thời điểm đó, tôi không tư duy gì tới mối quan hệ không liên quan gì ấy. Tôi đánh máy từ Phong rất vô thức. Phong là gió. Gió thường lang thang, gió thường vô định, nhưng tôi vẫn muốn đi tìm.

Ngày ấy tôi hai mươi, Phong ba mươi. Tuổi hai mươi ngây thơ, nhiều ước mơ, kiên định và tự trọng. Tuổi ba mươi từng trải, thực tế, nhiều tham vọng.

Phong chuyển đến xóm trọ Triều Khúc vào một ngày đầy nắng, nắng hanh hao, nắng chênh chao. Một tên nhỏ thó, trắng trẻo, vẻ mặt lạnh lùng. Cả xóm trọ đi vắng chỉ có mình tôi ở nhà. Tôi gần như cười nắc nẻ khi nhìn thấy Phong khệ nệ bê vào chiếc ti vi đen trắng. “Hứa hẹn nhiều thú vị đây. Thế kỷ hai mốt rồi, mình được ở gần phòng một ông già khốt – ta – bít” – Tôi thầm nghĩ. Sau vài ngày tôi biết, vẻ mặt lạnh lùng kia chỉ là bề ngoài, ẩn chứa bên trong là nụ cười rất duyên với chiếc răng khểnh. Phong thường nói vọng sang: “Anh thương cái nồi quá” khi tôi và con bé cùng phòng vét cháy khoèn khoẹt.

Sau một tháng, xóm trọ tưng bừng tổ chức sinh nhật cho tôi. Cuộc gặp gỡ ngày đầu tiên được mô tả lại trong bài thơ Phong viết và đọc tặng tôi vào ngày ấy:

Lần đầu đến xóm trọ/ Anh đã được gặp em/ Rất muốn lại làm quen/ Nhưng lòng còn bối rối/ Em trách anh không nói/ Cũng chẳng thấy anh cười/ Đã gặp gỡ đây rồi/ Tưởng như còn xa cách/ Em ơi xin đừng trách/ Anh cả thẹn tí thôi/ …

Ký tên VP. Tôi hỏi sao lại thế, Lê Hồng Phong cơ mà. Phong bảo có ý cả đấy, sẽ giải thích sau. Sinh nhật Phong trùng vào ngày đó. Tuổi hai mươi, tôi đặt tên sự ngẫu nhiên, tình cờ ấy là định mệnh. Đã là định mệnh thì dù thế nào cũng không thể chia lìa. Tôi còn nhớ, ngày xưa xem phim băng từ: “Độc cô cồ bại” hay “Chuyện tình cô gái tóc bạc”, … nếu đã là định mệnh thì kiểu gì cuối phim, nam chính và nữ chính cũng ở bên nhau. Kể cả khi được ở bên nhau họ chỉ còn là hai thân thể bất động, hai trái tìm ngừng đập. Niềm tin của tuổi hai mươi sắt đá lắm.

Phong quê Yên Mô, Ninh Bình, làm ở Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà. Đó là tất cả những gì tôi biết về Phong.

Tôi sống những ngày phiêu diêu, bồng bềnh với gió. Từng lời nói, từng cử chỉ, từng ánh mắt, từng nụ cười, … của Phong, tôi mặc định là dành cho tôi tất cả. Tuổi hai mươi, tôi nhóm gộp những điều đó lại và gọi là tình yêu.

Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Phong nói trong hơi thở gấp gáp: “Đừng đặt niềm tin vào anh. Phong là gió. Gió thường lang thang, gió thường vô định” là khi tôi chuẩn bị trao đời con gái cho Phong. Tôi tự tin trả lời: “Em tự  nguyện”. Tuổi hai mươi, tôi định nghĩa tình yêu là dâng hiến. Bất chấp lời dặn dò của Vũ: “Đô thành nhiều cám dỗ, gắng giữ mình. Xin lỗi vì Vũ chưa thể ở bên lúc này”. Ngày ấy tôi đã cong cớn với Vũ: “Sao phải xin lỗi, ai bắt phải đi theo tui”. Vũ quyết định chuyển sang kinh doanh thay vì theo đuổi giấc mơ vào đại học.

Tôi tiếp tục sống những ngày phiêu diêu, bồng bềnh với gió. Một, hai, ba, bốn rồi năm tháng, …. Thời gian là để đo chiều dài hạnh phúc. Khi phiêu diêu, khi bồng bềnh, chẳng cần biết đến thân thế, đến tính cách, đến con người. Miễn là Phong luôn mang đến cho tôi những làn gió khác lạ, khi nóng bỏng, khi ấm áp, khi nồng nàn, khi mát lạnh. Chúng tôi sẽ cưới nhau, sẽ sống với nhau đến trọn đời, con gái đầu lòng sẽ mang tên Ánh Dương, Phong bảo thế. Trong ước mơ tuổi hai mươi của tôi, Ánh Dương là miền đất hứa

Rồi Phong chuyển đi, đột ngột như ngày mới đến. Duy nhất một lời nhắn để lại: “Đừng tìm anh”. Thì không tìm. Ngây thơ tuổi hai mươi bảo tôi rằng Phong có lý do để ra đi. Kiên định tuổi hai mươi bảo tôi nghĩ: “Sau lang thang, sau vô định, gió sẽ quay về”. Niềm tin ấy không hề tắt, kể cả khi tôi bắt đầu ý thức được rằng cái mầm sống tình yêu đang cựa quậy trong mình. Trong lúc bấn loạn, tôi hạ tự trọng tuổi hai mươi, bấm số 0918… “Xin lỗi, thuê bao quý khách vừa gọi không đúng, xin vui lòng …”. Trăm nghìn cuộc gọi sau nữa cũng chỉ lời ấy vang lên. Hạ thêm tiêu chuẩn tự trọng, tôi đến Công ty tìm Phong, sau một hồi trình bày dài lê thê của chú bảo vệ, tôi chỉ nghe rõ mỗi hai từ: “Đã chuyển”. Cực chẳng đã, tôi vớ một vốc thuốc an thần và uống, với ý nghĩ duy nhất: “Thuốc gì không quan trọng, miễn là quá liều thì cái mầm sống kia sẽ tuột ra”. Nhưng không có cái gì tuột ra hết. Tôi được đưa đi cấp cứu kịp thời. Mẹ vật vã khóc: “Con gái khôn ba năm, …” khi đưa tôi đi vài nơi mà không giải quyết nổi hậu quả. Không cơ sở y tế nào, cả công lẫn tư, dám chịu trách nhiệm với hai mạng sống khi huyết áp của tôi luôn quá cao. Kiên định tuổi hai mươi lại mách bảo tôi: “Đứa con tình yêu thì không thể nào chết”.

Tôi bắt đầu những ngày không gió, nhưng đầy bão táp, phong ba.

Mẹ tôi gần như chết ngất khi bác sĩ chỉ cho bà duy nhất một lựa chọn: “Giữ mẹ, hoặc con”. Nhiễm độc thai nghén. Suy thai độ hai. Huyết áp cao. Tôi gào thét: “Con bất hiếu, xin mẹ giữ lấy Ánh Dương” rồi lả dần. Huyết áp tiếp tục tăng. Bà vãi của Ánh Dương không còn thời gian đặt hai giọt máu của mình lên bàn cân để lựa chọn. Kíp mổ đã sẵn sàng. Huyết áp đã lên ngưỡng 220. Thời gian dường như vô tận.

Mẹ ngất rồi tỉnh, rồi khóc, rồi lại ngất, lại tỉnh, lại khóc. Cuối cùng, một tiếng khóc trẻ thơ cũng vang lên. Giọng một người con gái: “Nhìn mặt bố con bé búng ra sữa, thế mà bế con rõ khéo”. Con trai hai mốt tuổi nhìn rất trẻ con. Mẹ tôi khóc ròng, nhũn ra, kể cả khi đã biết tôi vẫn còn sống, chỉ kịp thều thào: “Hai mươi mốt năm trước, mẹ nó cũng sinh vào ngày này”. Vũ đón Ánh Dương từ tay nữ hộ sinh.

Định mệnh của tôi là hàng ngàn những thử thách. Bà mẹ tuổi hai mươi mốt. Bà mẹ đơn thân. Bà mẹ sinh viên. Tiếp tục ước mơ thuở nào: trở thành kế toán viên. Nước mắt mẹ tôi cạn dần theo năm tháng, khi Ánh Dương “biết lẫy, biết bò, lò dò biết đi” đúng thời điểm như trong câu ca của các cụ, và bập bẹ những tiếng gọi đầu đời: “Bà, bà, …”. Bà thở dài: “Con gái mà vào ca thế thì sau này sẽ lại khổ”. Ký ức những ngày vất vả nuôi tôi hơn hai mươi năm trước vẫn còn in sâu trong tâm trí mẹ.

Tôi ra trường vừa lúc Vũ thành lập Công ty Cổ phần xây dựng và bê tông. Chân kế toán nghiễm nhiên thuộc về tôi.

Tôi tiếp tục những ngày không gió, nhưng bớt bão táp và phong ba hơn.

Tôi phân vân khi cầm bút ký vào cam kết đồng ý mổ tim cho Ánh Dương, lúc bé tròn năm tuổi. Tỷ lệ thành công và thất bại là tám mươi hai mươi. Tôi tìm cứu cánh bằng cách bấm số 0918…, chắc đó là lần bấm máy thứ một tỉ, kể từ ngày Phong ra đi, và là lần cuối cùng. Chuông điện thoại đổ dài, dài hun hút như ánh nhìn của Vũ. Niềm hy vọng chưa kịp vụt sáng đã tắt lịm khi đầu dây bên kia là giọng miền Nam ngọt như mía lùi: “… lổn số rồi cưng ơi”. Tôi đặt bút, và đứa con tình yêu của tôi đã không lìa bỏ mình. Tuổi hai mươi sáu, tôi tin đó là phép màu, đó cũng là định mệnh, đứa con tình yêu thì không thể nào chết.

Tôi và Vũ quay cuồng với những hợp đồng xây dựng. Vũ khiến cuộc sống không gió của tôi và Ánh Dương không đến nỗi nào. Luôn là những chia sẻ:

- Đối tác lần này lại là nữ, trẻ măng nhé, mà giỏi thật.

Tôi lườm Vũ:

- Lại thế nữa. Không thể tìm nổi trong số ấy một ý trung nhân sao?

Vũ giả bộ ngó lơ:

- Ở đây rồi, không phải đi tìm.

Tôi cũng giả bộ ngó lơ mà sống mũi cay xè:

- Tui không xứng.

Tuổi ba mươi của tôi từng trải, thực tế, tham vọng. Từng trải nỗi đau của một đứa con hư, nỗi cơ cực của một bà mẹ trẻ đơn thân. Thực tế rằng mình không bao giờ có cơ hội với một trai tân như Vũ.Và, tham vọng vô bờ: “Sau lang thang, sau vô định, gió sẽ quay về”.

Một cuộc điện thoại công việc cắt ngang câu chuyện. Vũ phải ra ngoài đột xuất, không quên dặn với:

  • Lát nữa tắt giúp tôi cái máy tính.
  • Ok.

Quay lại với màn hình máy tính của mình. Từ khóa “Phong” trong hộp thoại tìm kiếm đưa ra cơ man nào là kết quả. Nhưng chẳng có cơn gió nào dành cho tôi. “Sau lang thang, sau vô định, liệu gió có quay về? Mà những đám mây thì cần gió đưa đi, …Thôi không nghĩ nữa, đi về”. Tôi quay sang tắt máy cho Vũ. Cửa sổ chat facebook của Vũ sáng đèn một cái tên Vân Dương, ảnh đại diện là một đám mây trắng bồng bềnh. Không nén nổi tò mò, tôi chăm chăm nhìn vào cuộc đối thoại dở dang:

“- Xin chào đối tác mới!

- Ông khách sáo vớ vẩn.

- Sao anh đặt cái tên “phây” nghe lạ thế? Ai mà nhận ra anh với cái tên ấy được.

- Tên con gái với zai quý tử của tôi đấy.

- Thế hở? Tên Vân và Dương đều đẹp, anh nhỉ?

- Ừ, đẹp. Tên hai đứa đều do tôi đặt. Vợ tôi bảo: “Toàn những mây, với gió, với mặt trời, khó nắm giữ lắm”. Cô ấy làm sao mà hiểu được.

- Sao bảo bị ép duyên mà hơi tí là “vợ tôi bảo”?

- Ừ thì ép thật. Ông cụ đã đủ đau đớn vì căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối rồi. Khi đó tôi cũng đầu băm rồi mà, cãi ông nữa thì quá bằng xát muối vào vết đau ung thư của ông. Đám ấy cả dòng họ nhắm cho tôi rồi. Mà tôi thì trưởng họ, cãi thân sinh mình để làm gương cho cả họ à? Phải cưới chạy tang đấy, được dăm ngày thì ông mất.

- Ôi. Em xin lỗi. Không nhắc lại chuyện buồn nữa. Sao anh đột ngột chuyển về?

- Đột ngột gì? Mười năm định cư với các công trình đất Thái rồi đấy, sau khi cưới là về đây luôn. Vợ tôi bảo: “Chắc chè xứ ấy mê đắm lòng người, gái xứ ấy hút hồn lữ khách?”

- Lại vợ tôi bảo, nhất vợ nhì bà ngoại hở? Chứng tỏ chị ấy đã nghe danh “Chè Thái, gái “Nguyên””?

- Thì giờ ông bảo tôi nâng ai lên vị trí số một nữa? Mà này, bà ấy cứ như đi guốc trong bụng tôi. Tôi bôn ba mười năm giời ở đây cũng vì cái danh đó. Đùa vậy thôi, giờ đủ lực mở công ty riêng ở Ninh Bình. Lang thang, vô định mãi cũng mệt rồi. Về cho mẹ con nó đỡ hẫng.

Sao ông lại đi đâu rồi? Đang nói chuyện.”

Tôi giật thót người, nhấp vào trang cá nhân Vân Dương. Đập vào mắt tôi là tấm ảnh bìa gia đình Phong, đầy đủ, viên mãn và hạnh phúc. Tôi gần như khuỵu xuống. Mười năm kiếm tìm trong vô vọng. Không ngờ chỉ cần một cái click chuột là Phong đã hiện ra.

Tôi gọi điện cho đứa bạn ở Hà Tĩnh, nhờ đặt phòng khách sạn rồi khoác ba lô lên và đi. Biển Thiên Cầm hoang sơ nhưng đẹp, đầy nắng và gió. Tôi mở căng lồng ngực, hít hà nắng và gió hoang sơ. Vũ sốt sắng với những cuộc điện thoại đường dài:

- Đi đâu?

- Đi tìm bố của Ánh Dương.

- Kết quả thế nào?

- Đã lập gia đình, con cái đề huề, đủ nếp, tẻ, sang Nga được năm năm rồi, và giờ thì định cư ở đó.

Tôi sắp xếp hành lý chuẩn bị trở về. Ngày mai là sinh nhật tôi.

Hình ảnh ngày sinh nhật năm trước hiện về. Hôm ấy là một ngày đầy nắng. Nắng hanh hao, nắng chênh chao. Vũ đã chuẩn bị đầy đủ cho sinh nhật của hai mẹ con tôi. Tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc, khóc như mưa. Ánh Dương thắp lên ba ngọn nến, tôi thắc mắc: “Sao lại thế, có phải sinh nhật ba tuổi đâu?” Nó suỵt miệng ra vẻ bí mật, rồi líu lo lời bài hát chế của mình, êm như giọng Ngọc Lễ: “Chú Vũ là cây nến vàng, …”. Vũ bảo sinh nhật năm sau sẽ tổ chức đặc biệt hơn nữa cho tôi và Ánh Dương.

Sau ngày trở về này, tôi có thể toàn tâm với Vũ. Tôi sẽ bù đắp yêu thương.

Một cơn gió ớn lạnh ngang qua. Tôi rùng mình. Chuông điện thoại kéo tôi về thực tại. Giọng Ánh Dương mếu máo, đứt quãng: “Mẹ về ngay, chú Dương bị tai nạn”.

Máy trộn bê tông cho một công trình lớn gặp sự cố khi đang vận hành. Vũ đích thân lên kiểm tra, đang loay hoay ở mái tầng hai thì lùi hẫng và ngã xuống. Độ cao không quá cao, nhưng chiếc đinh hai mươi phân găm trong cây gỗ dàn giáo ngửa lên đúng chỗ đầu Vũ tiếp đất và ngập lút sâu từ khoảng trên gáy ngược lên.

Vũ mất đúng ngày sinh nhật của tôi và của Ánh Dương, cả của Phong nữa. Mộ Vũ phủ đầy vòng hoa trắng.

Tuổi băm, tôi ngộ ra rằng, mình không thể tìm được gió, và cũng chẳng thể giữ nổi mưa.

                                                Thái Nguyên, ngày 15 tháng 11 năm 2014

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy