
Góc biếm họa số 12 (2025)

MÀU ÁO THIÊN THANH
Truyện ngắn
Ông Tùng bước ra khỏi phòng họp, lòng rối như tơ vò. Về tới phòng riêng, đầu óc ông vẫn không dứt khỏi câu hỏi đầy nghi vấn: "liệu cái cô thợ hàn mới dăm năm tuổi nghề ấy có thực hiện nổi công việc quá hiểm hóc ấy không?". Hai mươi năm nay, nhà máy mới gặp phải một ca khó khăn đến vậy. Cả tuần nay, phòng kỹ thuật của ông cứ xoay như chong chóng mà chưa tìm được đường ra. Do thiết bị sản xuất ôxy máy nén khí đã đến kỳ đại tu, nhưng thiết bị thay thế dự trữ do nước bạn viện trợ đã hết. Đặt đúc thì chất lượng gang của ta còn nhiều tạp chất nên không thể sử dụng. Vậy chỉ còn một cách duy nhất là cho khoét mặt quả pít tông gang đường kính 350 mm ghép vào mặt bích bằng thép để thay thế. Nhưng để thực hiện phương án này hoàn toàn không đơn giản. Thép và gang là hai vật liệu khác nhau, nên khi để nguội, độ co giãn không đều, mối hàn sẽ tạo ra vết nứt nguội. Ông đã cho thí điểm và lần nào cũng thất bại bởi vết nứt quái quỷ ấy. Thực ra, về kĩ thuật hàn, nhà máy không thiếu những thợ cao thủ, nhưng điều cốt lõi là phải tìm được loại que hàn tương thích. Mà loại que hàn ấy lại cực hiếm và chỉ ở nước ngoài mới có, lâu nay, nước ta không còn cho nhập. Kế hoạch giao sản phẩm cho khách hàng đã sát sạt. Ông giám đốc vò đầu bứt tai. Cuối cùng trăm dâu đổ một đầu tằm, giám đốc gọi ông lên, nói bằng một giọng như ra lệnh: "Ông là trưởng phòng kỹ thuật. Ông không giúp tôi trong vụ này thì chẳng lẽ giao cho ông trưởng ban bảo vệ nhà máy à?". Biết là rơi vào thế bị bắt bí, nhưng ông không thể từ chối. Ngoài vai vế "quân thần", ông với giám đốc còn từng là bạn chiến đấu.Tối hôm qua, ông đang như phát sốt về nhiệm vụ bất khả thi thì kỹ sư Hùng, nhân viên kỹ thuật của phòng ông tới nhà đề xuất chuyện đã có người dám đảm nhận cái công việc oái oăm kia. Nghe Hùng úp úp mở mở giới thiệu một con bé thợ hàn mới ngoài hai mươi tuổi, ông trợn tròn mắt tỏ ra không tin. Nhưng dường như không còn lối thoát nên sáng hôm nay ông vẫn cho hội ý toàn phòng kỹ thuật để bàn bạc. Hầu hết các kỹ sư trong phòng tỏ ra nghi ngại, nhưng Hùng vẫn bảo vệ ý kiến của mình và hứa sẽ chịu trách nhiệm nếu công việc thất bại. Xưa nay, Hùng là một kỹ sư mà ông rất có cảm tình, dự định sẽ đưa lên chức phó phòng khi ông phó phòng đương chức sắp nghỉ hưu. Vì vậy, ông không muốn đưa Hùng vào cái thế bất lợi ấy.
- Sếp gọi em có việc gì thế ạ?- Tiếng Hùng ngoài hiên làm ông giật mình.
- Hùng hả? Cậu vào đây cho tôi hỏi thêm về cái cô thợ hàn ở dưới xưởng ấy?
Hùng vừa yên vị, ông đã hỏi với vẻ như truy xét:
- Cô thợ hàn ấy người ở đâu?
- Cô ấy người thành Nam anh ạ.
- Nam Định à? - Ông hỏi lại, hơi giật giọng.
- Vâng! Sao vậy sếp? Hình như sếp có ác cảm với người Nam Định?
- Bậy nào. Hỏi để biết thôi.
- Tên là gì?
- Hạnh Nguyên ạ.
- Cái tên nghe êm tai đấy. Về nhà máy lâu chưa?
- Em ạ…?
- Hỏi cậu làm cái cóc khô gì. Là cô ta ấy.
- À, vâng! Cô ấy về nhà máy cũng được sáu năm rồi. Sếp không biết cô ấy thật ạ?
- Ô hay. Có gì lạ đâu, nhà máy những hơn hai mươi thợ hàn nằm rải rác ở các xưởng, lại đi ca kíp nên làm sao tôi biết được.
Hùng cười hì hì:
- Em hiểu rồi. Vậy ý sếp nói Hạnh Nguyên vô danh tiểu tốt phải không ạ.
- Bậy! Bậc mấy?
- Dạ, bậc bốn. Chính là cô gái mà năm ngoái sếp cử đi học công nghệ hàn Dự án JICA - HIC của Nhật Bản đấy thôi.
- Thế ra cô ấy có bằng hàn áp lực rồi hả?
- Đúng thế ạ.
- Vậy cũng tạm. Hình như cậu có vẻ có cảm tình với cô ấy?
- Em tán mãi vẫn chưa đổ đấy sếp ạ.
- Chú mày đẹp trai mà kém thế à? Phải sát sao vào chứ. Này! Nhưng tôi hỏi thật, có phải vì cảm tình riêng mà cậu giới thiệu với phòng trường hợp này không? Định lấy lòng cô ấy hả?
Hùng xua xua tay:
- Không đâu sếp. Em đâu có cái gan ấy.
Ông dướn hàng lông mày rậm:
- Nhưng cậu nên hiểu, đây không chỉ là vấn đề tay nghề mà còn là quy luật. Nếu không có loại que hàn đúng chủng loại thì dẫu có tài thánh cũng bại.
- Em cũng nói với Hạnh Nguyên như vậy, nhưng cô ấy nói…
- Nói sao?
- Cô ấy bảo, thực ra em không có tài cán gì đâu, nhưng… đôi khi, ở đời, con người ta hay bỏ quên những điều quý giá mà không hề biết.
Ông lắc lắc đầu:
- Chuyện nhớ, quên ở đời thì có liên quan gì đến việc này. Mù mờ, mơ mộng quá. Cứ như mấy ông mấy bà văn sĩ ấy.
- Sếp nói đúng rồi. Ngoài công việc chính là công nhân hàn, đêm đêm cô ấy còn ngồi viết văn. Nghe đâu đã có mấy truyện được in báo.
- Oách thế cơ à? Ồ! mà ngày xưa tôi cũng có lúc muốn làm nhà văn đấy. Sau thấy nó hảo huyền, chẳng thực tế gì cả. Này. Nhưng nếu cô ấy coi công việc kỹ thuật cần độ chính xác đến từng zem của chúng ta như một trang văn của cô ấy thì chết cả nút đấy nhá. Nguy hiểm quá.
- Em xin lấy danh dự thề với sếp là Hạnh Nguyên sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Ông nén tiếng thở dài:
- Thôi được. Để tôi nghĩ thêm. Mà cũng chẳng còn cách làm nào nữa. Đành liều thôi.
- Dạ, em cảm ơn sếp ạ.
Nói mạnh thế nhưng chính Hùng cũng đang lo lắng. Mấy ngày qua, anh đã giấu Hạnh Nguyên để đi Hà Nội, tới tất cả các cửa hiệu cơ khí lớn lùng tìm loại que hàn đặc chủng nhưng không thấy. Dường như loại que hàn này đã tuyệt chủng trên thị trường Việt Nam rồi. Không có loại que hàn ấy thì Hạnh Nguyên chắc chắn sẽ thất bại. Anh đã nói với Hạnh Nguyên điều này và muốn cô tiết lộ cho anh biết vì sao cô lại có sự tin tưởng tuyệt đối đến như vậy, nhưng Hạnh Nguyên chỉ cười, bảo: "Cũng như khi em viết một truyện ngắn, chi tiết cuối cùng chỉ được tung ra vào đoạn kết thôi"
***
.Hạnh Nguyên cố nhắm mắt sau khi đọc kỹ cuốn sách “Phục hồi chi tiết máy” do Hùng cung cấp. Công nghệ chỉ có vậy, cô đã thuộc lòng. Thực ra khi tuyên bố đảm nhận cái việc đầy khó khăn và nguy hiểm kia, Hạnh Nguyên hoàn toàn không xuất phát từ chuyện phô trương cá nhân. Cô thừa hiểu, nếu mình không ra tay trong lúc này thì nhà máy sẽ phải chịu thiệt hại kinh tế nặng nề vì bị phạt hợp đồng. Về tay nghề, Hạnh Nguyên không quá lo lắng vì cô vốn là một thợ hàn giỏi, lại đã được học kỹ lưỡng quy trình công nghệ hàn tiên tiến. Tuy vậy, cô không dám chủ quan vì vật hàn lần này là pít tông làm việc trong môi trường nén áp lực lên đến 90 at nên không thể chấp nhận một vết nứt dù là rất nhỏ. Bây giờ vấn đề chỉ là loại que hàn đặc chủng tương thích. Mọi người đều hiểu điều này, cô càng là người phải hiểu rõ hơn. Nhưng cô không thể lộ bí mật được. Nghĩ vậy, Hạnh Nguyên tủm tỉm cười một mình, nhớ lại lời nói vui với Hùng "Cũng như khi em viết một truyện ngắn, chi tiết cuối cùng chỉ được tung ra vào đoạn kết thôi". Đúng rồi! Sáng ngày mai, trước mặt phòng kỹ thuật và đặc biệt là ông trưởng phòng, cô sẽ tung ra cái chi tiết cuối cùng ấy. Hạnh Nguyên với tay tắt đèn rồi chìm dần vào giấc ngủ muộn.
***
Mới sáng sớm, toàn bộ phòng kỹ thuật đã có mặt đầy đủ tại Trạm oxy khí nén, trừ ông trưởng phòng vắng mặt với lý do giám đốc gọi lên trao đổi công việc. Nhưng Hùng cho rằng do quá căng thẳng nên ông tìm lí do để vắng mặt. Hôm nay các kỹ sư của Phòng Kỹ thuật đến đây vì trách nhiệm nhưng đồng thời còn với một tâm lý sẽ được chứng kiến một cuộc thách đấu mà đa phần cho rằng cô thợ hàn "ngựa non háu đá" nọ sẽ bị đo ván. Trong số các kỹ sư thì Hùng là người lo lắng nhất. Tim anh như bị bóp nghẹt. Tuy rất tin tưởng Hạnh Nguyên, nhưng về nguyên lý cơ bản, nếu thiếu loại que hàn đặc chủng thì Hạnh Nguyên không thể thành công.
Mọi người ồ lên khi thấy Hạnh Nguyên xuất hiện. Cô không để ý đến những đôi mắt tò mò xen chút thương hại ở xung quanh, lặng lẽ đến bên chiếc pít - tông, từ từ rút trong túi ra một bó que hàn. Hùng đứng gần Hạnh Nguyên, mắt trố ra, thầm kêu lên với vẻ sung sướng tột cùng: "Đúng là loại que hàn đặc chủng! Vậy là thành công trong tầm tay rồi". Anh ngớ người, loại que hàn đã tuyệt chủng ở Việt Nam rồi mà sao Hạnh Nguyên lại có được nhỉ? Hóa ra đây chính là cái chi tiết cuối cùng của một truyện ngắn mà cô đã nói vui với anh. Gớm thật!"
Ông trưởng phòng trở về khi sản phẩm pít tông gia công trên máy tiện đã xong, mối hàn nhẵn bóng, không hề có một vết nứt nhỏ. Nghe Hùng báo cáo, ông vẫn còn nghi hoặc, vội lệnh khởi động máy.Tiếng máy trạm ô xy khí nén nổ giòn tan, mọi người nhìn dán mắt vào dàn đồng hồ đo áp lực. Kim đồng hồ nhích dần, nhích dần rồi bật lên 90 at. Cả trạm oxy khí nén vỡ òa trong tiếng máy reo, nét mặt ai cũng tươi rói.
- Ôi! Tốt quá rồi, ông Tùng vỗ vai Hùng:
- Bước đầu chúc mừng chú mày nhưng phải theo dõi vài ngày xem chất lượng sản phẩm ô xy rồi báo cáo nhé.
- Vâng ạ.
***
Hùng báo với Hạnh Nguyên là ông trưởng phòng muốn gặp cô. Hạnh Nguyên hơi băn khoăn không biết có việc gì nhưng tâm trạng đang vui vì đã qua bốn tám tiếng đồng hồ máy vẫn chạy ổn định, các xưởng có ô xy đã trở lại hoạt động bình thường. Vậy là mọi việc đã thành công mỹ mãn.
Hạnh Nguyên mặc chiếc áo, màu áo thiên thanh do mẹ tặng vào những ngày bà sắp mất. Cầm chiếc áo trong tay, bà nói với cô bằng một giọng buồn buồn xen chút hi vọng mong manh: "Nếu không quên chuyện của hai mươi sáu năm trước thì khi nhìn thấy mầu áo này, người đàn ông ấy sẽ nhận ra con". Mẹ cô căn dặn khi tiếp xúc với mọi người, cô nên thường xuyên mặc chiếc áo ấy.
Ngồi ở nhà hàng bên bờ sông Cầu thơ mộng, từ xa cô đã nhìn thấy ông Tùng và Hùng đang tranh luận vấn đề gì đó nhưng thái độ rất vui vẻ.Vừa nhìn thấy Hạnh Nguyên, ông Tùng sững người, trong ông như có dòng điện chạy qua. Dáng người ấy… Màu áo ấy… Hình như… ông không dám nghĩ tiếp. Ông tự an ủi, người giống nhau thiếu gì trên đời này.Ông nén lòng, bảo Hùng gọi món. Hôm nay, với tư cách trưởng phòng, ông muốn mời riêng Hùng và Hạnh Nguyên để chúc mừng cô. Quay lại phía cô gái ông nhẹ nhàng:
- Nói cho chú xem, tại sao cháu lại tìm mua được loại que hàn ấy?
Hạnh Nguyên khẽ cười:
- Không có gì bí hiểm đâu chú ạ. Cách đây ít lâu, một lần cùng bác thủ kho dọn dẹp kho hàng, cháu nhìn thấy một bó que hàn lăn lóc trong góc tủ. Bác thủ kho bảo nó đã được nhập từ gần bốn mươi năm trước, do Liên Xô viện trợ vào thời kỳ còn bao cấp. Bác thủ kho bảo vì cháu là thợ hàn nên ông tặng để làm kỉ niệm, danh mục que hàn này cũng đã bị xóa trong trong hồ sơ từ rất lâu rồi.
Ông trưởng phòng lặng người. Quả là điều mà không ai ngờ tới.
Hạnh Nguyên cười vui vẻ:
- Thời gian mấy chục năm, đủ để cho con người lãng quên mọi thứ, dù là quý giá nhất, phải không chú?
- Ờ… ra vậy…
- Là cháu chỉ muốn công bố điều này vào phút cuối cùng thôi chứ không có gì bí mật đâu chú ạ.
Ông gật gù:
- Chú hiểu. Hóa ra những gì mà con người lãng quên đôi khi lại trở thành vô giá.
Ông Tùng nhìn Hạnh Nguyên:
- Cho chú tò mò một chút… Cháu có vẻ thích mầu áo thiên thanh này…
- À, Vâng! Chiếc áo này là do mẹ cháu tặng trước khi mất. Mẹ cháu là Hạnh, nên đặt tên cháu là Hạnh Nguyên.
Người ông chao đảo. "Hạnh"! Cái tên chợt nhói nhói trong tim ông!
Ông hơi choáng, phải bám tay vào thành ghế. Bây giờ thì mầu áo thiên thanh xưa bỗng vụt hiện lên rõ mồn một trong tâm trí ông. Hôm ấy, cái đêm mưa gió ấy… Hạnh đã mặc chiếc áo màu thiên thanh.
… Hai mươi lăm năm trước, ông là sinh viên Bách khoa về thực tập ở Nam Định và đã có một mối tình sét đánh. Cô gái say chàng sinh viên thực tập có tài văn chương và sự ga lăng của trai thành phố, còn ông thì mê mẩn vì nét đẹp dịu dàng thánh thiện của cô gái công giáo có đôi mắt to sáng, lông mi cong vút, lúc nào cũng như ngước lên thú tội trước chúa. Nhìn vào đôi mắt ấy ông thấy mình như tan chảy. Hai tháng nhanh chóng qua đi cũng là ngày ông phải về trường bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Buổi chia tay đêm hôm đó họ thổn thức trong vòng tay nhau, có sự chứng giám của vầng trăng mờ ảo. Không ngờ, trời chuyển mưa tầm tã, không ai gỡ giùm họ trong cái phút giây quá nồng nàn…
Ông về trường, tốt nghiệp vào loại xuất sắc, chỉ sau đó chưa đầy một tuần, ông được lệnh gấp rút sang nước ngoài tu nghiệp. Ba năm sau về nước, ông trở về làng xưa tìm Hạnh. Một người cùng xóm cho biết Hạnh đã chuyển sang một tỉnh khác và cũng không biết gì thêm nữa. Màu áo thiên thanh từng ít nhiều làm xáo động cuộc đời ông nhưng rồi cũng dần dần đi vào quên lãng. Hơn một phần tư thế kỷ rồi còn gì, quãng thời gian đủ để cho mọi thứ hóa vào tro bụi của dĩ vãng. Ông nhẩm tính rồi khẽ hỏi Hạnh Nguyên:
- Năm nay cháu đúng hai mươi lăm tuổi phải không?
- Dạ, vâng!
- Thế… bố… cháu…
- Chẳng giấu gì chú, mẹ cháu chỉ có một mối tình duy nhất với một sinh viên ngày ấy về làng cháu thực tập... Khi biết có thai, không chịu nổi sự dè bỉu, lên án của làng xóm, mẹ cháu phải chuyển sang một tỉnh xa sinh sống. Mẹ cháu không lấy ai nữa, chỉ ở vậy nuôi cháu. Ngày ngày vẫn xưng tội với chúa. Đến tận lúcmẹ sắp mất cháu mới được nghe kể về mối tình không may mắn ấy.
Bữa cơm liên hoan mừng thành công của Hạnh Nguyên ấy, ông không thể nuốt nổi một miếng. Ông phải giấu nỗi buồn và niềm vui tận đáy lòng. Đời tư của ông cũng không được may mắn. Vợ mất sớm, không có con, mà nguyên nhân lại từ ông, do chất độc da cam đã ngấm vào cơ thể trong thời gian ông vào Nam công tác trong điều kiện rừng núi khắc nghiệt. Ông ở vậy vì không muốn làm khổ người phụ nữ khác. Trong bữa ăn, thi thoảng ông lại liếc nhìn Hạnh Nguyên, thầm nghĩ, cái nết ăn uống khẽ khàng của nó giống mẹ như đúc. Phải cố gắng lắm ông mới kìm nổi cái ý định ôm lấy Hạnh Nguyên mà thốt lên: "Bố! Bố là bố của con đây". Ông hiểu rất rõ, sự đường đột lúc này thật không thấu đáo và nếu không cẩn trọng sẽ trở thành bất nhã.
* * *
Buổi họp chúc mừng thành công của Hạnh Nguyên được tổ chức long trọng. Ngoài ban giám đốc nhà máy và toàn phòng kỹ thuật, ông còn cho mời tổ hàn của Hạnh Nguyên tới dự. Thành công của Hạnh Nguyên được nhiều người ca ngợi tôn vinh nhưng cũng có những ý kiến cho rằng đó là do may mắn chứ cũng chẳng tài cán gì. Ông biết là khó giải thích bằng lời lẽ cho những cái đầu bảo thủ.
Để đánh tan những quan niệm hẹp hòi ấy, ngay đầu cuộc họp ông đã đứng lên kể một câu chuyện mà ông đã được đọc từ hồi còn trẻ, khi còn có mơ ước trở thành nhà văn:
- Thưa các đồng chí! Ở đây đã ai được nghe câu chuyện Columbus vềtìm ra châu Mỹ chưa? Chưa hả? Vậy tôi xin kể. Khi Columbus tìm ra châu Mỹ, cũng có nhiều nhà bác học tỏ ra không phục, cho đó chỉ là sự may mắn. Trong hội nghị bàn luận về việc này, Columbu đứng lên cầm một quả trứng giơ lên cao, nói: "tôi đố các ông dựng dọc quả trứng này xuống mặt bàn. Nhiều người làm thử nhưng tất nhiên quả trứng không thể đứng được. Đến lượt Columbus, ông bình thản đập mạnh quả trứng xuống bàn. Quả trứng bị bẹp chứ không vỡ. Hóa ra đó là quả trứng đã luộc chín. Columbus đặt được quả trứng lên bàn. Mọi người ồ lên phản ứng. Columbus tươi cười bảo: "Tôi làm được chỉ mình tôi biết nó là quả trứng đã luộc, chứ các vị thì không. Việc tìm ra châu Mỹ cũng giống như quả trứng này, chỉ mình tôi biết chứ các vị thì không?Kể xong, ông trưởng phòng nhấn giọng:
- Việc tìm thấy loại que hàn đặc chủng của Hạnh Nguyên cũng vậy. Chỉ mình cô ấy biết, chứ tất cả chúng ta thì không.
Phía dưới, nhiều cái đầu gật gù tán thưởng.Cuộc họp kết thúc một cách trọn vẹn, thú vị và tràn đầy chất lãng mạn văn chương.
Mọi người bước sang phòng ăn, chỉ có ông trưởng phòng và Hùng còn đứng lại. Hùng xuýt xoa:
- Không ngờ hôm nay sếp hoạt ngôn như một nhà văn.
Ông tỏ ra phấn khích:
- Thì tao cũng suýt nữa trở thành nhà văn chứ còn gì.
- Chuẩn! Thôi, ngay buổi tối hôm nay, con sẽ là trung gian để hai bố con nhận nhau. Chẳng cần ADN làm gì. Cái tài công nghệ và tài văn chương của Hạnh Nguyên không từ cái gien của bố thì của ai vào đấy nữa./.
Cồ Thị Thơm
HOA DONG RIỀNG ĐỎ THẮM
Truyện ngắn
Tôi trở lại xóm Trại Cau sau gần bao năm xa cách. Bây giờ xóm núi Trại Cau đã trở thành phố núi Trại Cau rồi. Mái nứa, mái cọ xưa đã được thay bằng những ngôi nhà cấp bốn ngói đỏ tươi, những ngôi nhà hai, ba tầng nằm rải rác dưới những sườn đồi lô xô. Con đường sắt nối mỏ Trại Cau với Khu Gang Thép Thái Nguyên và các tỉnh miền xuôi đã không còn, thay vào đó là con đường trải nhựa rộng rãi, phẳng phiu. Biết là vùng quê núi này theo năm tháng đã cùng đất nước thay da đổi thịt, nhưng trong niềm vui, tôi bỗng thoáng buồn. Con đường sắt cùng cái ga xép nhỏ bé hồi ấy suốt ngày chìm trong im lặng, chỉ thi thoảng mới được đánh thức bởi tiếng còi trầm trầm của con tầu chở quặng tiến vào sân ga đã hoàn toàn mất dấu. Tôi nhìn về khu đất phía sau. Nơi ấy, xưa kia là đồi hoa dong rềng đỏ khá rộng, mỗi kì ra hoa lại đỏ rực một góc trời, nay là một công viên nhỏ dành cho trẻ em. Cái sân ga, tiếng còi tầu, đồi hoa dong rềng đỏ, tất cả đều chỉ là những vật vô tri vô giác, nhưng với tôi lại như có hồn vía, như những ký ức khó phai tàn.
Đứng bên cung đường nhựa, đoán là vị trí cũ của sân ga, tôi bồi hồi nhớ lại ngày đầu tiên theo bố về lập nghiệp tại quê hương thứ hai này. Bố tôi vốn là một cán bộ của khu Gang Thép được bổ nhiệm làm giám đốc mỏ. Ngày ấy, bố đèo tôi trên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, từ ga Đồng Quang, vượt qua thành phố Thái Nguyên vào Mỏ sắt Trại Cau. Một vùng đồi núi chen nhau như bát úp. Ngôi nhà lợp nứa của gia đình tôi nằm ngay chân quả đồi cao nhất vùng Mỏ, có con đường sắt ngay dưới chân đồi. Từ sân nhà, tôi đưa mắt nhìn quanh, thấy nhà nào cũng có những bãi dứa rộng mênh mông trên sườn đồi. Tôi hít sâu vào lồng ngực, hương dứa thơm như quấn quanh người, luồn cả vào mái tóc rối tung của tôi. Hương dứa rất khác hương sen ở vùng quê Hải Hậu quê tôi. Hương sen dịu dàng trong trắng như cô gái dậy thì còn hương dứa lại giống như cô gái đã trưởng thành, mạnh mẽ và nồng nàn, quyến rũ. Lần đầu tiên được tắm trong hương dứa, tôi giang tay ưỡn ngưc hít thật sâu giữa đất trời mà tận hưởng.
Mỏ sắt Trại Cau lúc đó là một khu mỏ có tầm quan trọng trong nền công nghiệp nặng non trẻ của nước nhà. Bố tôi bảo, mỏ khai thác quặng sắt được thành lập từ năm tôi chưa ra đời. Tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá chuyên chở nhu yếu phẩm, vũ khí quân sự do nước bạn chi viện cho miền Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ và quan trọng hơn là chở hàng vạn tấn quặng mỗi năm để làm nguyên liệu luyện gang cho khu Gang thép.
Hàng ngày bọn trẻ chúng tôi đi học, đi chăn bò, rất hay trèo lên những thanh ray, giang rộng tay lấy thăng bằng để đi trên đó như một niềm kiêu hãnh. Có nhiều lần, chúng tôi được nghe chú công nhân bẻ ghi kể lại, con đường sắt cùng cái nhà ga tuy rất nhỏ bé ấy nhưng đã có biết bao người hy sinh, máu đã thắm đỏ huyết mạch tuyến giao thông này. Câu chuyện kể về tuyến đường sắt đẹp như một huyền thoại... Tôi nghe như nuốt từng lời. Tuyến đường ray đi qua xóm tôi là tuyến đường tránh tàu chui qua đoạn hầm trong núi. Đi qua đấy một đoạn ngắn là đến ga Khúc Rồng. Cái tên ga thật đẹp. Không hiểu có phải vì đoạn đường ray hơi uốn lượn khiến đoàn tàu như bay vào sân ga nên mới có cái tên là Khúc Rồng như vậy không? Những năm chống Mỹ, đoạn đường ray này và nhà ga bị oanh kích, tàn phá liên tục, nhiều lần phải khôi phục. Nhưng những đoàn tầu vẫn trụ vững, vẫn kiên cường đều đặn chở những chuyến hàng đầy ắp về xuôi. Nhưng hồi đó có một điều lạ là tuy đồi hoa dong giềng bị bom băm nát nhưng có một vạt dong riềng rất dài mọc cạnh hố bom dường như quên bom đạn, hoa cứ nở mãi không tàn. Vạt hoa trải dài, nghiêng nghiêng trong nắng trông như một chiếc khăn quàng đỏ thắm trùm lên một góc đồi. Qua hàng chục trận bom nhưng vạt hoa dong riềng vẫn đua nhau nở đỏ. Ngày ấy, không ai lí giải được hiện tượng lạ này.
Với tôi, vạt dong riềng có một kỷ niệm khó quên. Một lần trên đường đi học về, tôi kiễng chân, giơ tay hái một bông hoa dong riềng thì trượt chân ngã xuống hố bom. Đang chới với tuyệt vọng trong hố nước sâu, tôi mơ hồ thấy có người lao xuống hố bom, túm lấy tóc kéo mạnh. Tôi nằm lịm, mắt nhắm nghiền vì uống no nước. Khi tỉnh lại, tôi thấy Kiên, một bạn học cùng lớp gương cặp mắt đỏ hoe, khe reo:
- Bạn tỉnh rồi. Lần sau đừng có dại như vậy nhá.
Sau này nghĩ đến pha suýt chết đuối đó tôi thường bật cười một mình. Nếu hôm ấy không có Kiên thì không biết sự tình sẽ đến đâu. Thực ra tôi cũng biết đứng hái hoa trên miệng hố bom như vậy là rất nguy hiểm, nhưng bởi tình yêu của tôi với hoa dong riềng quá sâu đậm, nên mới có chút liều lĩnh. Hoa dong riềng không chỉ là vẻ đẹp mà theo lời của ông nội tôi, vốn là một lang y nổi tiếng, thì đó còn là một vị thuốc quý. Vốn thích nghề y, muốn theo bước ông nội, nên tôi luôn có ý tìm kiếm các loại cây thuốc trong dân gian để sau này có thể phục vụ cho học tập.
Từ đấy tôi và Kiên thân nhau hơn. Kiên nhập vào bọn con gái trong xóm chúng tôi. Chiều nào "cu cậu" cũng theo lên đồi chặt củi, bẻ cây chổi xuể. Lúc về, mồm đứa nào cũng đen xì vì ăn những trái sim căng tròn chín mọng, ngọt lịm. chúng tôi nhìn nhau cười như nắc nẻ. Có những buổi trưa chúng tôi trốn bố mẹ xúc cá ở mương, lội bùn bắt chạch, bắt lươn, đắp bùn vào cá để nướng, mở tiệc ngay bên con suối nhỏ trong rừng. Vui nhất, là những lần như thế, Kiên luôn hái một bó hoa dong riềng tặng tôi giữa những tiếng vô tay vang trời của lũ bạn. Ngày ấy cả bọn đều biết tôi có tình cảm đặc biệt với hoa dong riềng, loài hoa không chỉ là hoa mà còn là một vị thuốc Nam trị bệnh cứu người.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, chúng tôi đã trở thành những chàng trai, cô gái lớn lộc ngộc. Sau kỳ thi đại học, chúng tôi chia tay nhau mỗi đứa mỗi ngả, mỗi đứa ấp ủ một ước mơ riêng. Đa số bạn tôi xin vào học các ngành nghề kỹ thuật rồi về mỏ làm việc khai thác quặng sắt. Tôi học nghề y. Còn Kiên, đỗ đại học kinh tế nhưng bảo lưu kết quả để thực hiện nghĩa vụ quân sự, lên đường nhập ngũ.
Buổi tối hôm trước khi lên đường, Kiên sang nhà tôi chơi, trên tay bó hoa dong riềng đỏ tươi, Kiên lúng búng tặng tôi chiếc khăn tay có tên hai đứa lồng nhau (Kiên nói nhờ chị gái thêu hộ), mặt đỏ dừ không nói lên lời. Tuy có phần đường đột và chưa được chuẩn bị về tâm lý nhưng tôi đã đưa tay đón nhận tất cả một cách thành tâm và cảm động. Ngày mai Kiên phải hành quân lên phía Bắc rồi. Đó là những kỷ vật của người ra đi dành cho người ở lại. Kiên tỏ ra rất vui. Không hiểu sao, hôm ấy, Kiên lại nói được một câu vô cùng hoa mỹ, hoàn toàn trái với ngôn ngữ thường ngày hơi khô khan của Kiên:
- Đợi mình về "Hoa dong riềng đỏ nhé”!
Kiên hành quân lên mặt trận phía Bắc còn tôi vào trường Đại học Y. Kiên rất chăm viết thư về. Kiên kể nhiều chuyện nhưng điều làm tôi vui nhất là Kiên nói nơi Kiên đóng quân có bạt ngàn hoa dong riềng đỏ. Đó cũng là một mũi nhọn kinh tế của đồng bào vùng núi trong tương lai. Còn tôi cũng viết thư chia sẻ với Kiên rằng tôi chọn nghề y vì ông ngoại tôi cũng là quân y trong quân đội, đi nhiều mặt trận chữa những vết thương cho thương bệnh binh. Trước khi mất, ông từng nghiên cứu dang dở về cây hoa dong riềng đỏ và tôi rất muốn kế nghiệp ông. Tôi hẹn Kiên sau khi tốt nghiệp sẽ cùng Kiên lên vùng núi phía Bắc. Với cây dong riềng đỏ, tôi sẽ nghiên cứu về thuốc còn Kiên sẽ giúp bà con một tay để phát triển kinh tế.
* * *
Nhưng những dự định tốt đẹp của chúng tôi đã không thành hiện thực. Kiên hy sinh vào ngày tôi ôn thi năm cuối khóa.
Vẫn giữ nguyên lời hẹn với Kiên, sau khi tốt nghiệp, tôi lên thăm đơn vị Kiên, nơi anh làm nhiệm vụ và ngã xuống. Mộ của Kiên nằm giữa rừng hoa dong riềng đỏ. Mắt tôi cay xè khi người chỉ huy kể lại cho nghe, Kiên là một chiến sĩ chiến đấu rất dũng cảm, giữ chốt đến viên đạn cuối cùng. Máu ở ngực xối ra mà Kiên không chịu lui về tuyến sau. Khi hy sinh, một tay Kiên vẫn ôm súng, tay kia ôm bó hoa dong riềng loang máu đỏ thắm. Phút cuối cùng, Kiên vẫn cố hỏi đồng đội địch đã lui chưa, hoa dong riềng có bị sao không? Tôi đưa tay lên ôm ngực. Mối tình đầu trong veo, lặng thầm nhưng đỏ rực như hoa dong riềng đỏ của người lính làm tim tôi đau nhói.
Ra trường, với thành tích học tập xuất sắc tôi được phân về Bệnh viện Đa khoa trung tâm nhưng tôi đã đăng ký lên vùng cao, nơi đơn vị cũ của Kiên đóng quân, vùng đất bạt ngàn những đồi dong riềng đỏ. Ở nơi ấy, tôi luôn có cảm giác được cùng anh du ngoạn trên những đồi hoa dong riềng đỏ thắm.
Là phó giám đốc bệnh viện huyện kiêm phụ trách khoa đông y, tôi đã tận dụng được nguồn dược liệu, đặc biệt là dong riềng đỏ ở địa phương để chuẩn bị làm đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về thuốc Nam. Tôi đã có đầy đủ các cứ liệu để chứng minh có thể kết hợp giữa Tây y và Đông y để chưa trị những căn bệnh mạch vành, thận, xuất huyết ngoại vi từ cây hoa dong riềng đỏ.
* * *
Hôm nay trở về Trại Cau. Nơi ấy không còn Kiên nữa. Tôi lang thang trên dãy phố mới, cố tưởng tượng lại những hình ảnh xa xưa. Cố hình dung lại con đường sắt, cái ga xép bé nhỏ, những hố bom, vạt dong riềng quanh năm xòe hoa đỏ thắm. Tôi chợt nhớ lại câu chuyện lạ về vạt hoa dong riềng nở mãi không tàn bên hố bom, dù qua hàng chục trận bom oanh tạc. Trong một hi vọng mong manh, tôi cắm cúi bước nhanh về phía đồi hoa dong riềng ngày trước. Không ngờ, ngay từ xa, tôi đã nhận ra vạt hoa dong riềng đỏ. Hố bom đã được lấp nhưng vạt hoa dong riềng hầu như vẫn giữ nguyên trạng. Vạt hoa nở nghiêng nghiêng trải dài trong nắng, trông vẫn giống như một chiếc khăn choàng đỏ thắm trùm kín một góc đồi. Hình như khi xây dựng công viên, các nhà thiết kế đã cố tình giữ lại vạt hoa dong riềng như giữ lại một dấu ấn chiến tranh. Cũng phải. Tôi còn nhớ, cái vạt hoa dong riềng ấy là một chuyện lạ, một kì tích của Trại Cau mà cho đến nay vẫn chưa ai có thể lí giải nổi.
Tôi rưng rưng nhìn vạt hoa dong riềng trước mặt, lòng bồi hồi nghĩ về Kiên. Chính ở nơi đây, tôi đã được anh đưa trở lại cuộc sống. Bàn tay anh đã hái và nâng niu từng cánh hoa dong riềng để tặng tôi trong tình bạn, tình yêu đầu đời. Trong sắc hoa kia đã thấm bao máu và nước mắt. Đứng trước vạt hoa nở lung linh trong nắng, tôi bỗng ngộ ra một điều, hình như trên đời này có những loài hoa tình yêu dù bị vùi dập, tàn phá, đau thương trong tử biệt sinh li nhưng mãi mãi không phai tàn. Với riêng tôi, và cả Kiên nữa, đó chính là loài hoa dong riềng đỏ. Kiên ơi, anh sẽ vẫn sống mãi trong sắc hoa dong riềng đỏ thắm kia. Hôm nay em về thăm lại quê xưa. Trên mảnh đất Trại Cau, quê hương yêu dấu của chúng mình, hoa dong riềng vẫn nở đỏ thắm một góc trời./.
Cồ Thị Thơm
HOA CÚC TRẮNG
Truyện ngắn
Đến nghĩa trang liệt sỹ Dốc Lim, tôi lặng người trước sự trang nghiêm và thiêng liêng ở nơi đây. Em và các bạn nằm dưới hàng phi lao xanh rì, tỏa bóng mát rượi kia.Tôi đặt bó hoa cúc trắng lên mộ của em. Đó là loài hoa em thích nhất.Hơn năm mươi năm về trước, tôi quen em trên tuyến đường tiểu đội thanh niên xung phong của em trực chiến. Đoàn xe chúng tôi chầm chậm lăn bánh trên con đường gập ghềnh vừa san lấp xong. Trước mắt tôi thấp thoáng bóng một cô gái đang xin nhan cho xe tránh những hố bom bi còn nham nhở trên mặt đường. Dưới ánh trăng mờ ảo, tôi nhận ra một khuôn mặt bầu bĩnh còn búng ra sữa, mái tóc tết thành hai đuôi sam ngúng ngẩy, lúc lắc. Ánh sáng cây đèn bão treo dưới gầm xe hắt lên lộ rõ đôi bắp chân thon thả, trắng ngần. Nhưng với tôi thì hình ảnh ấn tượng nhất đập vào mắt, không, đập vào trái tim tôi lúc ấy là bông hoa cúc trắng em cài nghiêng nghiêng trên tóc. Bông cúc bé nhỏ mà giống như một vầng sáng lung linh hắt ra từ mái tóc em. Bỗng xe tôi khựng lại, chết máy. Cô gái nhảy phắt lên, đập mạnh vào cửa xe, ngó vào ca bin quát to bằng một giọng lơ lớ. Có lẽ là cách phát âm của người Tày:
- Anh muốn chết à, sao lại dừng, đang giờ cao điểm lố!
May mà xe tôi đi sau cùng nên không gây ách tắc cho cả đoàn. Tôi toát mồ hôi, nhảy vội xuống xe.
- Cô cầm cái đèn mắc dưới gầm kia soi hộ với.
Tôi lật nắp ca - bô thấy bốc khói nghi ngút. Thôi chết, hết nước làm mát. Tôi lật đật chạy đi xách nước đổ vào. May là chỉ có vậy chứ sự cố máy thì chết chắc.
- Xong chưa anh?
Tôi vui vẻ:
- Cảm ơn nhé, búp bê! Sao bé thế mà em đã đi thanh niên xung phong?
Cô gái gương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi như thầm nói: “Búp bê? Chưa ai gọi em như thế bao giờ”. Ánh mắt ngơ ngác của cô lấp lánh cười:
- Em cao lớn thế này mà anh bảo em bé là sao?
Thấy cô gái mang vẻ ngây thơ một cách đáng yêu, tôi bỗng nảy ra ý định trêu cợt:
- Cũng cao lớn thật đấy, nhưng mặt búng ra sữa thế kia không bé thì lớn với ai. Cô khai gian tuổi phải không? Đúng rồi! Nhận đi không tôi tố giác là cô phải về nhà đấy.Em ngơ ngác:
- … Tố… giác… là gì hả anh? Em không hiểu cái chữ ấy đâu anh ạ.
Tôi ớ người. Ngày ấy tôi chưa biết nhiều cô gái Tày quê Bắc Kạn khi nhập ngũ vào đội Thanh niên xung phong còn chưa nói thạo tiếng Kinh. Cô không hiểu từ ấy cũng phải thôi.
Tôi vờ nghiêm mặt, giảng giải:
- Tố giác mà cũng không hiểu hả? Có nghĩa là tôi sẽ báo cáo việc khai tuổi gian dối của cô lên cấp trên nghe rõ chưa?
Giọng em bỗng luống cuống:
- Em xin… Anh đừng… đừng… t…ố… giác em mà. Em xin anh…
Thực ra tôi chỉ đoán mò và hù dọa thế thôi, chứ đâu biết tuổi của cô bé. Không ngờ em lại quá thật thà, chưa khảo đã xưng.
Giọng em lý nhí đầy vẻ sợ hãi:
- Đúng là em khai gian một tuổi nhưng anh thấy đấy cả nước đánh giặc. Em muốn được góp sức anh ạ…
Tôi cố nhịn cười, dọa thêm:
- Không được! Đó là gian dối. Nhất định tôi sẽ báo cáo việc này với cấp trên. Này! Tôi quen với Đội trưởng của cô đấy nhá.
Mặt em tái đi, ấp úng;
- Em xin anh mà. Em xin anh mà. Chẳng lẽ anh không thấy đất nước đang rất cần...
Tôi cười to:
- Thôi được. Tôi sẽ không tố giác cô với một điều kiện. Nói cho tôi địa chỉ hòm thư của cô, tôi sẽ tha cho.
- Được mà, được mà… Em sẽ cho địa chỉ hòm thư của em cho anh mà. Nhưng nhất định anh không được tố giác với Đội trưởng của em đấy.
Tôi mừng thầm. Không ngờ “âm mưu” của mình lại thành công đến thế:
- Nhất định rồi. Anh hứa. Hòm thư của em là gì?
Em cho tôi địa chỉ hòm thư với vẻ mặt hơi ấm ức.Sau lần đó, chúng tôi thư từ cho nhau. Em có một cái tên rất đẹp, nhưng không hiểu sao trên đầu mỗi bức thư tôi đều viết “Gửi hoa cúc trắng thân yêu của anh”. Cái tên ấy chỉ dành riêng cho tôi và em. Tất nhiên trong lá thư đầu tiên tôi đã “đầu thú” và xin em tha tội cái tội dọa dẫm để xin em địa chỉ. Dần dần, tuy chưa hẳn là tình yêu sâu nặng nhưng tình cảm của tôi và em đã xích lại gần nhau. Những lúc ôm vô lăng trên mỗi chuyến xe, tôi luôn mơ về hình ảnh cô gái Tày có nước da trắng như trứng gà bóc và mái tóc thoang thoảng mùi hoa cúc. Mỗi lần xe đi qua đoạn đường ấy, tuy mịt mù trong đêm tối nhưng tôi vẫn dễ dàng nhận ra em trong số nữ đội viên thanh niên xung phong nhờ bông hoa cúc trắng cài nghiêng trên tóc - bông hoa như một vầng sáng thanh xuân trong trái tim tôi. Ngày ấy là thời kì chiến tranh ác liệt khắp cả nước, chúng tôi không thể có những buổi hẹn hò bên nhau. Những cái nắm tay, những ánh nhìn say đắm, những nụ hôn… Của tôi và em dù chỉ trong tưởng tượng nhưng đã là những hình ảnh đầy mộng mơ của một mối tình đầu.
Tình yêu của chúng tôi mới được mấy tháng thì tôi có lệnh chở hàng quân sự vào Nam, cũng đúng vào buổi chiều đơn vị em nhận được lệnh chuyển gấp hàng quân sự ở ga Lưu Xá ra chiến trường. Tôi đâu ngờ cái giây phút gặp nhau vào buổi chiều hôm đó lại là lần cuối cùng chúng tôi bên nhau và chia ly mãi mãi. Sau cái ôm thật chặt, em đẩy tôi ra, móc túi đặt vào bàn tay tôi tấm ảnh đen trắng, gói trong chiếc khăn tay có thêu hình đôi chim, lồng tên tôi và tên em. Kỷ vật ấy đã 50 năm tôi luôn giữ bên mình…
Hôm nay đứng trước bia mộ em, mái tóc tôi đã bạc mà tóc em mãi mãi tươi xanh tuổi mười bảy. Cái tuổi lẽ ra em còn cặp sách tới trường. Tôi đặt tấm hình xưa của em bên tấm bia mộ. Bỗng em cười nhìn tôi hiền hậu, thầm nói: “hãy về thăm quê em anh nhé! Mùa này hoa cúc trên hồ Ba Bể quê em cũng đẹp như hoa Đà Lạt đấy. Anh đừng buồn! Lúc nào hình bóng em cũng ở trong lòng anh là em mãn nguyện lắm rồi”. Không phải ảo giác, mà đúng là bên tai tôi đã văng vẳng những tiếng nói thiết tha của em như vậy. Tim tôi bỗng nhói đau. Vẫn là giọng nói dìu dịu của em năm mươi năm về trước. Tôi chắp tay, thầm thì: “Hoa cúc trắng ơi, nhất định anh sẽ về thăm quê em”. Và tôi chợt nghe thấy tiếng em cười, tiếng cười đầy mãn nguyện. Không! Tôi không mơ. Tiếng cười của em vẫn trong veo như thủa nào.
* * *
Quê hương em mùa này thật đẹp. Hồ Ba Bể biếc xanh, sóng lăn tgợn những ánh vàng. Bao quanh hồ là những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, tươi tốt, thật kỳ thú. Tôi ngồi trên chiếc thuyền độc mộc mỏng manh mà vững chãi. Bỗng trong gió tôi lại nghe thấy tiếng em thì thầm: “Anh thấy quê em đẹp không? Kìa! Anh hái cho em bông cúc trắng đang soi bóng trên mặt hồ ở mép đảo Pò Già Mải kia anh nhé. Ôi! Đẹp quá anh ơi!”. Tôi ngước mắt ra xa. Đúng là có mấy bông cúc trắng đang là là rủ bóng trên mặt nước gần mép đảo. Bất giác tôi đứng bật dậy, thốt lên: “Anh sẽ đến hái cho em ngay!”
- Bác làm sao thế, ngồi im không nghiêng thuyền đấy - Tiếng người lái thuyền thức tỉnh tôi quay về hiện tại.
Tôi vẫn ngước về phía mấy đóa hoa cúc trắng, hăm hở chỉ tay về phía trước:
- Anh chở tôi sang đảo Pò Già Mải để hái bông hoa cúc trắng kia được không? Người yêu của tôi vừa nói với tôi mà.
Người lái thuyền tròn mắt vẻ đầy kinh ngạc, nhìn tôi như nhìn người tử cõi khác trở về:
- Người yêu? Người yêu nào? Trên thuyền chỉ có tôi với bác thôi mà… Ồ! Nhưng không được đâu vớ. Chỉ được ngắm và chụp ảnh thôi, không được hái à. Nội quy của Ban quản lý hồ là thế mà, bác thông cảm nhé.
Đành chấp hành nội qui chung, tôi chọn góc bấm máy chụp một tấm hình thật đẹp về những chùm hoa cúc trắng trên hồ.
Làm xong ảnh, tôi “hóa” một tấm gửi cho em. Hoa cúc trắng ơi, giờ em ở đâu? Em đang cùng các bạn quây quần bên nghĩa trang liệt sĩ hay linh hồn em đã về bên những bông cúc trắng trên hồ Ba Bể? Nhưng dù em ở bất cứ nơi đâu thì tôi vẫn chắc chắn em sẽ nhận được tấm ảnh này và khen tôi chụp đẹp. Tôi có niềm tin như vậy vì trong lòng tôi em chưa bao giờ khuất bóng trên cõi đời này./.
Cồ Thi Thơm
NHÀ MÁY CỦA TÔI
Tản văn
Vợ chồng ông anh ruột mẹ tôi hiếm hoi, muốn có một đứa con gái để “chấy rận” sau này, nên đã ngỏ ý với bố mẹ đẻ tôi xin tôi về làm con nuôi. Thế là tôi - cô bé bảy tuổi gầy gò, nhút nhát, vào một ngày cuối năm 1968, khăn gói theo ông bác ruột, cũng là bố nuôi lên đất Thái Nguyên mà ngày ấy người ta gọi là Thành phố Thép. Tên thành phố là vậy nhưng ngồi sau xe đạp của bác, tôi chẳng thấy một mảnh thép nào mà dọc đường chỉ toàn những quả đồi nhấp nhô như bát úp chứ không giống những cánh đồng thẳng cánh cò bay như quê tôi. Khi hai bác cháu đi qua một buổi chợ phiên ở trong thành phố, thấy tôi cứ ngơ ngác nhìn những người mặc quần áo sặc sỡ, chân quấn vải, người đeo đầy vòng bạc, đầu đội những chiếc khăn rất lạ, bố nuôi tôi bảo:
- Thái Nguyên là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có một sắc thái khác nhau. Ở trên này, rồi con sẽ biết thêm về họ.
Từ đấy Thái Nguyên đã trở thành quê hương thứ hai, nơi tôi gắn bó suốt cả cuộc đời.
Sống ở Thái Nguyên ba năm, vào tuổi thiếu niên, tôi đã bắt đầu ít nhiều hình dung được công việc của bố mẹ nuôi. Họ đều là những công nhân thuộc khu Gang Thép. Bố tôi đang làm phó chỉ huy công trường xây dựng Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng, một nhà máy do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp nước ta xây dựng. Tôi nghe người lớn nói, sau khi hoàn thành, Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng sẽ là một nhà máy sản xuất thép lớn nhất miền Bắc.
Tôi không hiểu rõ tầm quan trọng của việc sản xuất thép đối với một đất nước như thế nào, cũng không hiểu những công việc mà bố mẹ tôi đang cùng các cô chú công nhân tận tụy, vất vả ngày đêm xây dựng nhà máy. Nhưng những năm tháng ấy, hầu như ngày nào tôi cũng đứng bên hàng rào nhìn mọi người say sưa làm việc (ngôi nhà gia đình tôi sinh sống nằm ngay cạnh công trường xây dựng nhà máy). Lòng tôi cũng rộn ràng vui cùng tiếng hò reo của các cô chú công nhân mỗi khi từng dãy nhà xưởng rộng dài, từng thiết bị máy móc, từng cây cột bê tông khổng lồ lững lững mọc lên. Nhất là vào những đêm nhà máy làm ca ba, ngước lên giàn giáo cao cao nhìn những ánh lửa hàn nhấp nháy như những vì sao, tâm hồn thơ trẻ của tôi lại như muốn bay lên cùng bầu trời thần tiên ấy. Sau này tôi mới hình dung được, cái ý định từ bỏ không đi đại học mà quyết tâm trở thành một cô công nhân thợ hàn bình dị của tôi đã được bắt đầu từ những “đêm sao” đầy lãng mạn kia.
Khi tôi mười một tuổi thì giặc Mỹ ném bom rải thảm miền Bắc. Thành phố Thái Nguyên, khu công nghiệp Gang Thép là trọng điểm đánh phá của bọn chúng. Ngày 18/12/1972 Máy bay B52 của Mỹ được mệnh danh là pháo đài bay, gầm rú và điên cuồng trút bom xuống nhà máy của chúng tôi.
Trận oanh kích ấy, bom Mỹ rơi trúng lán trại bãi xe ngành cơ giới của công trường nhà máy. Nhiều thiết bị hư hỏng, một số công nhân thương vong. Hôm ấy, cả công trường buồn đau tê tái. Còn tôi, ngồi lọt thỏm trong lòng chiếc cống bê tông khóc nghẹn ngào. Nỗi đau của nhà máy cũng chính là nỗi đau của tôi.
Sau 12 ngày đêm đánh phá Miền Bắc bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt, bị thiệt hại nặng nề, nhiều máy bay B52 bị bắn rơi, đế quốc Mỹ phải ký hiệp định ngừng chiến với Miền Bắc.
Sau trận bom, bố tôi lại cùng các chuyên gia người Đức không quản ngày đêm chụm đầu thảo luận bàn bạc kế hoạch tiếp tục xây dựng nhà máy. Tôi nhiều lần được chứng kiến bố tôi chỉ huy dựng những chiếc lò cao, những cột bê tông sừng sững trước sự trầm trồ và ngạc nhiên của chuyên gia nước bạn. Cái tên Trần Đình Thọ (bố tôi) đã từng là cái tên đầy ngưỡng mộ của nhiều thế hệ công nhân trong nhà máy.
Sau bao nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên, nhà máy đã được bàn giao.
Niềm vui vỡ òa, đúng vào ngày1/5/1975,cùng niềm vui chiến thắng giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng đã cho ra đời mẻ thép đầu tiên.Là một cô bé mười bốn tuổi nhưng tôi cũng đã đủ sức hiểu, để có một thành quả vĩ đại như thế là có sự cống hiến mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao công nhân, có những người đã ngã xuống cho sự hồi sinh của nhà máy.Học hết cấp ba tôi thi vào trường cao đẳng kỹ thuật và trở thành cô thợ hàn, đúng với mơ ước của mình. Sau ba năm học tập, tôi trở về làm công nhân nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng.
Đối với tôi, công việc có lúc thăng, lúc trầm, nhưng điều làm tôi vui nhất là suốt mấy chục năm công tác, tôi đã được làm một “ngôi sao bé nhỏ” trên bầu trời gang thép, đúng với ước mơ đầy lãng mạn của tôi thời trẻ. Đặc biệt là tôi đã đạt danh hiệu thợ hàn giỏi của toàn nhà máy với nhiều lần đoạt giải cao trong các cuộc thi thao diễn gồm hơn 400 trăm nữ công của nhà máy, của Tổng Công ty Gang Thép và có nhiều sáng kiến cải tiến kĩ thuật, mang lại lợi nhuận cho đất nước.
Năm 1987 bố tôi nghỉ hưu. Sống được 5 năm khỏe mạnh thì mắc bệnh hiểm nghèo. Trước khi lâm chung ông thì thầm bên tai tôi:
-Cố gắng con nhé, cuộc sống còn nhiều khó khăn, bố có hơi buồn vì chẳng để lại gia tài gì cho con chỉ ngoài tấm Huân chương Kháng chiến và Huy chương Lao động vì sự nghiệp Gang thép của Tổ quốc. Có thể con phải chịu thiệt thòi không bằng bạn bằng bè. Ông khóc.
Tôi ôm chặt thân hình gầy gò của ông, nghẹn ngào trong nước mắt:
- Bố ơi, bố đừng nói thế. Bố mẹ là tấm gương mà suốt đời con phải học tập. Đến tận bây giờ con mới hiểu vì sao mọi người lại gọi Thái Nguyên là thành phố thép.Không phải chỉ gia đình mình đâu mà cả nhà máy này là một gia đình bố ạ - Một gia đình thép. Con nguyện suốt đời đi theo con đường của bố. Tuần tới con được kết nạp vào Đảng rồi. Bố vui chứ ạ?
Vẻ mặt ông chợt tươi. Ông nắm bàn tay tôi, ra đi trong ánh mắt đầy mãn nguyện.
* * *
Đúng như lời đã hứa với bố, tôi đã cống hiến toàn bộ tuổi thanh xuân cho nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng - gia đình lớn của tôi. Nhiều năm sau đó, khi kinh tế thị trường phát triển, không ít bạn bè tôi đã mở nhiều hướng làm ăn và trở nên giầu có hoặc có địa vị trong xã hội. Riêng tôi, tận tới lúc nghỉ hưu vẫn chỉ là cô thợ hàn bình dị. Bộ đồ thợ hàn được nhà máy tặng, tôi đã lưu giữ ở một nơi trang trọng nhất.
Cho đến tận bây giờ, gia đình tôi vẫn sống một cuộc sống đạm bạc nhưng vô cùng vui vẻ và hạnh phúc. Bời vì, trong tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt, rằng niềm hạnh phúc thực sự chính là biết gửi gắm cuộc đời mình, tâm hồn mình cho mảnh đất đã từng nuôi sống, từng giúp mình vượt qua bao gian lao, vất và, tạo cho mình niềm vui, niềm tự hào lớn. Mảnh đất ấy, chính là Nhà máy Luyện Cán thép Gia Sàng của tôi. Cho dù sau này đất trời có đắp đổi bể dâu thì mảnh đất thân thương ấy vẫn mãi mãi vĩnh hằng trong trái tim tôi./.
Cồ Thị Thơm
Nỗi nhớ tre làng
Tản văn
Làng mở hội xuân. Tôi cùng con trai rảo bước trên đường làng mưa phùn như rắc bụi trên đầu. Có lẽ tới gần hai mươi năm, tôi mới về quê du xuân vào dịp hội làng như thế này. Làng tôi đã đổi thay nhiều. Thôn xóm giờ đã trở thành phường, phố. Những mái rạ đã thay bằng mái ngói, những tấm lợp xanh đỏ chen nhau lô nhô bên những cột điện cao chọc trời…
Nhìn con trai tung tăng háo hức, tôi cũng vui lây. Nó giống như tôi ngày bé với tính cách hiếu động, muốn khám phá tất cả những gì lạ lẫm. Chuyến về quê lần này đối với nó như được mở ra một chân trời mới.
- Mẹơi. Mẹ vẫn kể làng mẹ có những bờ tre đẹp lắm, sao con không thấy?
Tiếng con trai làm tôi giật mình. Lúc này, tôi mới vội nhìn rộng ra xung quanh. Đúng rồi. Những bờ tre làng xưa không còn nữa. Màu xanh tre dịu dàng xưa đâu rồi? Tôi bỗng thấy hẫng hụt xen nỗi buồn xa xăm. Không trả lời con, tôi cúi đầu bước trên con đường nhựa phẳng lì.
… Làng tôi xưa, ngoài tên thật, dân trong vùng còn gọi là làng Tre, vì quanh làng có hàng trăm lũy tre bao bọc. Đầu làng, cuối xóm, nơi nào cũng có tre xanh. Sớm sớm, chiều chiều tiếng rì rào của tre ngân nga trong gió. Tiếng tre hòa vào lời ru của mẹ ngấm vào giấc ngủ, ngấm vào tuổi thơ tôi. Rời quê từ thời còn trẻ nhưng tâm hồn tôi vẫn mang tiếng tre ngân đến đến tận góc bể, chân trời.
Dưới những lũy tre làng mát rượi, tôi từng có biết bao kỉ niệm vui, buồn. Những buổi trưa trong vắt, lũ trẻ trong xóm tôi thường trốn ngủ trưa, chạy vội ra những bãi cỏ rộng dưới lũy tre để nghe tiếng tre ru võng, nghe tiếng chào mào lánh lỏi và bày ra đủ thứ trò vui. Nào chơi khăng, đánh cù, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, thả đỉa ba ba… Thưở trước làm gì có đồ chơi. Vậy là cành tre, gốc tre, lá tre, nõn tre… đã trở thành bao thứ đồ chơi được tuổi thơ chúng tôi sáng tạo ra. Ngày ấy, lũ chúng tôi, xa tre một ngày đã nhớ, như nhớ một người bạn tâm giao.
Không phải chỉ có lũ trẻ chúng tôi mà tre còn gắn bó với tất cả mọi người. Trong cuộc sống thường ngày, người và tre thân thiết không thể rời nhau. Tre làm vật liệu dựng nhà, dựng bếp; các dụng cụ sản xuất như quang gánh, cày bừa, thúng mủng… các tiện nghi trong gia đình như: giường tre, chõng tre, nôi tre, bàn ghế tre, kể cả những vật dụng nhỏ nhất như cái rổ, cái rá, cái đũa, cái tăm… cũng từ tre. Lên nhà, ra sân, xuống bếp, mỗi bước chân của con người đều đụng vào tre. Tre đâu còn là những vật vô tri vô giác mà như có hồn vía, đã trở thành một sinh linh trong cuộc đời của mỗi con người.
Ngoài tre, quê tôi nhà nào trong vườn cũng có mấy luống chè xanh, nhà ít cũng dăm ba cây chè cao vút. Chiếc ấm tích trong chiếc giỏ tre dùng để hãm chè xanh (còn gọi là chè tươi), kỷ vật của cha tôi hiện vẫn còn lưu giữ trong nhà thờ tổ. Ông trưởng tộc họ Cồ mỗi dịp giỗ lạt, Tết nhất không bao giờ quên ủ một ấm chè xanh dâng lên ban thờ. Ngày ấy, bố tôi thường bảo "Ở đâu không biết chứ ở làng ta thì chè và tre rất khăng khít bên nhau. Những buổi trưa hè nóng nực, được ngồi thư thả, uống bát nước chè xanh dưới bờ tre kẽo kẹt, ríu rít tiếng chim thì không có cái thú nào hơn". Bố tôi cho biết thêm, lá tre còn là một vị thuốc giải cảm, giải say chè xanh rất hữu hiệu. Cứ cho một nắm lá tre vào nồi nước chè xanh thì uống thả cửa cũng không bị say, tận lúc đi làm đồng, hương vị chè vẫn ngọt hậu ở đầu lưỡi". Tôi nghe nói, dù hiện nay thị trường có đủ các loại chè búp thơm ngon, đậm đà nhưng quê tôi nhiều nhà vẫn không bỏ loại chè xanh truyền thống.
Bây giờ trong ngày Tết Nguyên Đán, ở thành phố không mấy ai trồng cây nêu trước cửa. Riêng tôi thì vẫn chưa quên cứ vào những ngày hai ba tháng Chạp, ngày ông Công, ông Táo về trời, bố tôi lại ra bờ tre chọn một cây cao nhất, thẳng nhất, đẹp nhất mang về dựng cây nêu ở sân nhà. Bố tôi bảo, dựng cây nêu ngày Tết là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Trong cuộc sống tâm linh, Tre và người cũng thân thiết bên nhau như thế.
Nhưng có lẽ những kỷ niệm sâu sắc, cảm động nhất trong tâm khảm tôi là những buổi xóm làng tiễn tân binh ra trận trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Những lũy tre làng tôi như rào rạt cùng nụ cười, nước mắt. Không trung rộn vang trong những ca khúc hào hùng:
Có những ngày vui sao
Cả nước lên đường
Xao xuyến bờ tre
Từng hồi trống giục
Tôi cứ nghĩ, hình như bài hát ấy, nhạc sĩ sáng tác riêng cho làng tôi.
Trong giờ phút chia tay, những chiếc lá tre làng lưu luyến rơi rơi trên vai người ra trận. Các anh đi mang theo màu xanh tre, mang theo tiếng gió thoảng bờ tre, tiếng kẽo kẹt tre làng.
Làng Tre quê tôi là thế. Cùng bao nhiêu ngôi làng khác ở nông thôn Việt Nam đã làm nên một thương hiệu sáng rỡ muôn đời: CÂY TRE VIỆT NAM.
Trong nền kinh tế thị trường gấp gáp của ngày hôm nay, cuộc sống vật chất đã được cải thiện hơn rất nhiều, nhưng nếu ta quên lãng và không biết giữ gìn những giá trị tinh thần quý giá mà cha ông đã phải tốn bao mồ hôi, nước mắt mới có được thì vô tình dec để lại một khoảng trống tâm hồn cho bao thế hệ mai sau.
Trờ về quê lần này, tôi thoáng chút ân hận vì quá bận rộn trong cuộc sống mưu sinh mà đã không đưa con trai về quê sớm hơn.
Trong bao niềm vui đổi mới của quê hương hôm nay, tôi không tránh khỏi nỗi ngậm ngùi về nỗi nhớ tre làng./.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...