Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
06:51 (GMT +7)

Một số di sản văn hóa tiêu biểu trong cuốn sách “Di sản văn hoá phi vật thể tỉnh Thái Nguyên”

VNTN-  Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn Di sản văn hoá phi vật thể tỉnh Thái Nguyên (tập 2). Nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2021), xin giới thiệu với quý độc giả về một số di sản văn hoá tiêu biểu được thông tin trong cuốn sách này.

Các chuyên gia của Bộ VHTTDL, các nhà quản lý văn hoá tỉnh khảo sát nghiên cứu di sản văn hoá dân tộc Tày huyện Định Hoá (tháng 7/2021). Ảnh minh họa 

Sách được in đẹp, trên nền giấy trắng, kích thước 21 cm, hình vuông. Nội dung trình bày 151 trang, gồm 16 bài nghiên cứu, giới thiệu 10 di sản văn hoá phi vật thể (trong đó có 6 di sản chính thức được Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch đưa và Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia) 4 di sản văn hoá đang đề nghị vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia vào những năm tới. 6 bài nghiên cứu, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, di sản văn hoá đặc sắc của các đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên.

Chủ trì thực hiện cuốn sách này là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên. Cuốn sách in bằng song ngữ Việt - Anh. Tham gia nhóm biên soạn có sự góp mặt của các chuyên gia, nhà quản lý văn hoá ở Bộ VH, TT & DL, các nhà nghiên cứu có uy tín ở Cục Di sản văn hoá và tỉnh Thái Nguyên.

Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc Tày huyện Định Hoá

Lễ hội này diễn ra vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Là lễ hội tiêu biểu nhất của đồng bào các dân tộc ở miền núi. Lễ hội thực sự là nơi các dân tộc trình diễn những bộ môn nghệ thuật truyền thống, đặc sắc với lễ cúng Thần Nông. Đây là một nghi thức không thể thiếu của lễ hội Lồng Tồng. Các lễ vật như thủ lợn, gà luộc, xôi ngũ sắc, hương đèn, hoa quả, rượu nước… đã thành lệ người thầy cúng với trang phục của một người trung gian tiếp cận với thần linh, mời Thần Nông về thụ lễ, nhận những lời thỉnh cầu của muôn dân với một năm mới dồi dào sức khoẻ, ban cho dân quốc thái, dân an, mùa màng tốt tươi, dân khang vật thịnh.

Các đại biểu và đông đảo du khách dự Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa. Nguồn: dinhhoa.thainguyen.gov.vn

Lễ hội đền Lục Giáp ở thị xã Phổ Yên

Đây lại là một bức tranh đặc trưng về mùa Xuân – mùa Lễ hội - ở một vùng quê trung du, phía Nam tỉnh Thái Nguyên.

Lễ đền Lục Giáp chính hội diễn ra ngày Rằm tháng Ba âm lịch. Phải nói lễ hội truyền thống của dân nhị xã (Sơn Cốt, Cốt Ngạnh), Lục Giáp (Dương, Thượng, Hạ, Đấp, Đinh và Mũn) tổng Hoàng Đàm, phủ Phổ Yên, thời kỳ trước năm 1945, nay thuộc địa phận xã Đắc Sơn và một phần thuộc phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên.

Lễ hội diễn ra trong phạm vi 6 xóm làng có tiết mục thi cỗ đẹp, chuẩn được chấm điểm nhận giải thưởng của Ban tổ chức. Từ ngày hôm trước dân làng, đặc biệt là là những chị em phụ nữ, tất nhiên có cả sự hợp sức của anh em đàn ông chuẩn bị nguyên liệu, hậu cần, đó là gạo nếp cái hoa vàng, gà, rượu…tiến hành nấu xôi, giã bánh giầy và xôi nện, luộc gà tạo dáng cánh tiên miệng ngậm hoa hồng.  Sáng tinh mơ ngày Rằm, từng xóm chị em phụ nữ trong trang phục áo dài truyền thống rước kiệu lễ gà, xôi nén, bánh giầy, hương hoa, quả,… lên đền lễ thần thi cỗ.

Rước kiệu (cỗ thi) trong lễ hội đền Lục Giáp (TX. Phổ Yên)

Lễ diễn ra trong buổi sáng. Các xóm rước cỗ của xóm mình vào đăng ký với Ban tổ chức, rồi rước lễ vào Đền để ở nhà Tiền tế. Ban tổ chức tổ chức tế lễ thần theo lối truyền thống để kính cáo xin thần phù hộ độ trì cho dân làng làm ăn tất tới, một năm phong đăng hòa cốc, dịch bệnh bị đẩy lùi, toàn dân bình an, vô sự. Lễ xong. Ban tổ chức chấm điểm cỗ thi.

Hoàn tất trình trước thánh thần, Ban tổ chức nhận xét công bố kết quả chấm điểm Thi cỗ đẹp của 6 giáp. Giáp nào đoạt giải nhất sẽ được nhận giải thưởng bằng hiện vật hoặc tiền mặt tuỳ theo, nhưng dù cao thấp, các mâm cỗ tham dự đều có giải. Trao giải rồi, các giáp được Ban tổ chức mời trình diễn một màn “Vật thờ”, tức là các cụ già bố trí hai thanh niên trai tráng đến trước cửa đền làm tiết mục vật thờ. Tiếng trống vật thùng thùng nổi lên, đôi thanh niên vào sới vật làm các động tác chào khán giả và bắt đầu vật nhau, mở màn cho hội vật. Đền Lục Giáp còn có tên là Miếu Vật vì có sự tích xưa có một vị tướng quân đi qua đây nhân hội đã mở cuộc thi vật để chọn người khoẻ mạnh sung vào đội quân đi chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Sán Chay huyện Phú Lương

Lễ hội này diễn ra trong cộng đồng dân tộc Sán Chay. Hằng năm đến hẹn lại lên, cứ vào ngày mồng hai tháng hai âm lịch, Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay lại được tổ chức rộn ràng. Khắp các xã từ Phú Đô (làng Pháng), Đồng Tâm (Tức Tranh), Đồng Xiền (Yên Lạc) nhân dân tập trung ở các đình làng làm hội.

Lễ hội Cầu mùa của làng Đồng Tâm, xã Tức Tranh được duy trì thường xuyên và là lễ hội tiêu biểu. Phần lễ được diễn ra ở trên đình với các nghi lễ cúng Thổ công ở miếu, cũng Thành hoàng làng ở đình để tạ ơn. Sau đó có tiết mục múa Tắc xình (cầu mùa) rất đặc sắc.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ trong Lễ Cầu mùa của người Tày - ảnh minh họa

Dân làng thường dành ra khoảng từ 5 đến 7 ngày để làm công tác chuẩn bị cho lễ hội. Đến ngày lễ hội lễ vật được sắp ra rước lên miếu, lên đình. Các cụ ông, cụ bà cao tuổi trong trang phục dân tộc Sán Chay sẽ đến làm lễ. Thầy cúng chủ trì lễ sẽ gieo quẻ âm dương rồi cho lệnh khai hội múa Tắc xình. Màn múa Tắc xình gồm một tốp nam nữ trong trang phục dân tộc cầm dụng cụ như gậy, túi đựng hạt thóc, ngô. Theo tiếng nhạc gõ từ cái trống được đào dưới đất nối với ống và cành tre có dây căng để khi gõ vào ống tre sẽ phát ra tiếng Tắc tắc xịch, tắc tắc xịch. Cả nam và nữ nhảy theo nhạc múa với động tác chọc lỗ, tra hạt, tức là thể hiện lễ nghi làm nông nghiệp, và có tiết mục nhảy bắt chim câu… Múa Tắc xình là kết thúc nghi lễ cầu mùa. Các mâm lễ được hạ xuống để bà con cả bản làng cùng hưởng lộc. Sau thụ lộc là tiết mục Hát Sấng cọ và các trò chơi dân gian khác diễn ra trong ngày hội vui vẻ.

Di sản tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương

Việc trồng chè, chế biến chè Tân Cương nổi tiếng gắn với Làng nghề chè có hàng trăm năm nay. Đặc biệt, về thương hiệu Chè Tân Cương – đây là thế mạnh của Tỉnh, không phải địa phương nào cũng có được. Từ năm 2007 đến nay, được Đảng và Nhà nước quan tâm, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động để tôn vinh, quảng bá thương hiệu chè, như Năm Du lịch về nguồn “Về với Thủ đô Gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc”; Fessival Trà…. Nhưng như vậy chưa đủ, cần phải tìm tòi, khai thác thêm những tiềm năng, thế mạnh về tri thức, như kiến thức về cách trồng, chế biến chè Tân Cương. Đây cũng là di sản văn hoá đã được ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn  hoá, Thể thao và Du lịch vinh danh ghi vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Nương chè Tân Cương (ảnh minh họa, nguồn: vannghethainguyen.vn)

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều di sản văn hoá. Bên cạnh di sản vật thể gắn với phong cảnh non xanh, nước biếc, địa hình đa dạng, Thái Nguyên còn có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số, vừa phong phú về loại hình, vừa đa dạng về bản sắc dân tộc. Bên cạnh các lễ hội, còn có nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, những nghi thức sinh hoạt lâu đời như Lễ cấp sắc của người Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, các bộ môn nghệ thuật diễn xướng như Hát Lượn cọi của người Tày huyện Định Hoá, hát Pả Dung của dân tộc Dao ở huyện Phú Lương, Định Hoá… mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy