“Một nén hương chữ nghĩa gửi về sau”
(Trò chuyện với nhà thơ Võ Sa Hà)
VNTN - Năm nay, nhà thơ Võ Sa Hà bước vào tuổi sáu mươi - cái tuổi mà tôi đoán rằng người ta sẽ được dành cho mình nhiều hơn. Bên li rượu cay cùng chén trà nóng, ông chia sẻ những câu chuyện nhiều nỗi niềm.
Nói về Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979, thế hệ chúng tôi chỉ được nghe kể lại và đọc tư liệu lịch sử, nhưng cũng phần nào hình dung về nỗi đau thương và sức mạnh của dân tộc ta.Tôi được biết, năm đó khi còn đang là sinh viên, hay tin gia đình và mọi người ở quê nhà Quảng Uyên kiên cường đánh trả quân thù, ông đã viết một bài thơ rất xúc động. Con chim bay mang bóng dáng nỏ thần/ Mỗi ngọn núi đều mang hình ngọn lửa…Vậy là đã tròn 40 năm… Tôi muốn được ông chia sẻ về bài thơ này?
Nhà thơ Võ Sa Hà: Bài thơ tôi viết vào tháng 7 năm 1979, khi vừa hết năm thứ ba, chuẩn bị vào năm thứ tư Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Tháng 5 năm 1979, vừa thi học kì 2 xong, tôi về quê thị trấn Quảng Uyên huyện Quảng Hòa thăm gia đình. Thị trấn của chúng tôi, quân Trung Quốc không tấn công vào nổi, vì ở đèo Khau Chỉ (thuộc huyện Phục Hòa bây giờ) có trung đoàn 567 - đơn vị 2 lần anh hùng, trấn giữ. Hai sư đoàn quân Trung Quốc tấn công dữ dội, có cả xe tăng đi kèm, đều thiệt hại nặng nề, không thể vượt qua cửa ải này.
Tháng 3 năm 1979 chúng rút quân từ thị xã Cao Bằng, đi qua đường Quảng Uyên về Trung Quốc. Lúc đó, thị trấn chúng tôi mới bị quân thù chiếm đóng, khoảng hơn một tuần. Trước đấy, toàn bộ cư dân thị trấn đã sơ tán vào Lũng Hà, một lũng núi âm u hiểm trở, cách thị trấn khoảng 5km. Quân Trung Quốc đưa hai tiểu đoàn tấn công vào Lũng Hà. Trung đội dân quân thị trấn do ông Nông Văn Chu làm Phố Đội trưởng chỉ còn 11 người (vì một số khác đã phân công đi các nơi khác làm nhiệm vụ chiến đấu), với súng trường K44, một vài khẩu K63 và lựu đạn, đã kiên cường, sáng tạo, chặn đứng cuộc tấn công của chúng, bảo vệ an toàn cho toàn bộ nhân dân.
Tôi về quê, đau lòng và rơi lệ vì cả thị trấn bị quân thù tàn phá tan hoang. Tôi cùng gia đình sửa chữa lại nhà cửa, tiếp tục cuộc sống bình thường. Tôi được biết, các trận chiến ở quê hương mình nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã khiến quân xâm lược thiệt hại nặng nề. Tôi ngẫm nghĩ về con người và miền đất này. Tôi thấy nổi lên hai điều: Người mình rất hiền lành, nhân hậu, cần cù chịu khó, yêu văn nghệ, quê mình rất trữ tình nên thơ…; Thế nhưng nếu quân xâm lược đến mảnh đất này, cả thiên nhiên và con người đều đứng lên chiến đấu, địa danh nào cũng ngời sáng chiến công. Trong dòng tâm cảm ấy, tôi viết bài thơ Khúc hát về quê hương.
Đầu năm 1980, Ty Văn hóa thông tin tỉnh Cao Bằng tổ chức cuộc thi thơ về đề tài “Kỉ niệm một năm chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược”, tôi gửi bài thơ dự thi. Bài thơ đã được giải thưởng trong cuộc thi ấy, tuy không được giải cao. Đây là giải thưởng thơ đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn thuộc từng chữ từng lời. Nhiều người yêu thơ - yêu Cao Bằng và rất nhiều học sinh của tôi cũng thuộc bài thơ này. Tôi cho rằng, đó là điểm tựa vô cùng vững chắc và quan trọng để tôi đi trên con đường thơ gian khó, hóc hiểm và vô định…
Đọc thơ ông, tôi cảm thấy tràn ngập trong tâm trí là miền non nước Cao Bằng, nơi ông lớn lên trong lũng núi. Kể cả từ sau Mùa thu ấy khi mà ông “rời núi xuống đồng bằng” để rồi “một mình trơ trọi với mênh mông”, thì miền quê sơn cước vẫn cứ luôn thường trực trong tâm tưởng. Điều gì đã khiến ông lưu giữ sâu đậm đến vậy?
Nhà thơ Võ Sa Hà: Cao Bằng rất rộng, miền quê của tôi chủ yếu là Quảng Uyên, nơi hầu hết là những ngọn núi đá cao sừng sững. Tôi sinh ra lớn lên ở đấy, cơ cực, yêu thương, được đùm bọc và che chở cũng ở đấy. Mà, cuộc đời mỗi người nghệ sĩ chỉ có một miền quê duy nhất để sáng tạo thôi…
Vì vậy, thơ tôi chủ yếu viết về nơi chôn rau cắt rốn của mình, mặc dù gốc gác của tôi là huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh. Hình như, những gì của kí ức tuổi thơ, những gì làm nên cốt cách một con người…, đều bắt nguồn từ một miền quê như thế! Có lẽ đấy là điều khiến cho thơ tôi hầu hết đều viết về mảnh đất này. Đó là một thế giới của riêng tôi - một thằng bé mồ côi được quê hương đùm bọc để lớn lên, dời xa quê trở thành một kẻ “lằng ngoằng” như bây giờ…(rơi lệ, trầm xuống một lúc, và cười).
Tôi thấy, bên cạnh niềm đau đáu về quê nhà, thơ ông còn nặng sâu nỗi niềm nhân sinh hôm nay. Ở đó, tôi ấn tượng với nhiều bài thơ ngũ ngôn (một thể thơ khó nhuyễn và dễ trôi), bởi trong nó cất chứa những câu chuyện cảm động của tác giả. Ông là người luôn đòi hỏi rất cao về cái mới và sự sáng tạo, vậy tại sao lại hay viết theo một thể thơ có vẻ khá truyền thống và gò bó như thế?
Nhà thơ Võ Sa Hà: Đầu óc tôi và cả con người tôi được mở ra, hiểu hơn rất nhiều điều và cũng lớn lên dần theo năm tháng. Tôi mới hiểu, cuộc sống của mỗi người phải từ một miền quê hòa nhập với cộng đồng, với những vùng quê khác, thậm chí cao hơn, hòa nhập với Tổ quốc và nhân loại. Tôi bắt đầu làm thơ về sự mở rộng và hòa nhập ấy sau khi đã tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Tôi cũng may mắn có thời gian sống và học tập ở Hà Nội hơn 10 năm. Tôi cũng hiểu dần, văn hóa vùng miền đơn lẻ phải gắn kết và hòa nhập với văn hóa quốc gia và hơn cả quốc gia… Tôi nghĩ, có một loại thơ người ta vẫn đọc, vẫn thích, là thơ kể chuyện, thơ suy ngẫm. Tôi tìm thấy ở loại thơ 5 chữ (có người gọi là thơ ngũ ngôn) khả năng nói hộ mình những tâm sự ấy. Vì vậy, tôi cũng làm khá nhiều thơ 5 chữ. Còn hay dở như thế nào thì tùy... Năm nay, tôi tròn 60 tuổi, tôi sẽ in tập thơ Ngũ ngôn người núi đá để trình làng, coi như một tâm sự nhỏ bé của riêng mình.
Tôi chờ đợi để chia sẻ những tâm sự của người núi đá. Giờ tôi muốn nghe ông nói về đời sống thơ ca của các tác giả trẻ hiện nay - một đời sống đang rất nhiều chuyển động. Ông có hay đọc tác phẩm của họ không? Ông có thấy thích hoặc thấy đồng cảm với họ không?
Nhà thơ Võ Sa Hà: Câu hỏi hay! Tôi có hai người em nhận tôi làm Anh Kết nghĩa là Nguyễn Ngọc Tư và Vi Thùy Linh. Đám cưới năm 2010 của tôi, Nguyễn Ngọc Tư tận Cà Mau ra Bắc, lên Thái Nguyên. Vi Thùy Linh gốc Trùng Khánh - Cao Bằng đưa con gái đầu lòng lên nhà bác Võ Sa Hà cai sữa một tuần liền. Đến bây giờ, hai cô vẫn là các em yêu quý của tôi! Điều đó muốn nói rằng, tôi rất yêu quý và tôn trọng lớp nhà văn trẻ. Tôi cũng không có điều kiện để đọc hết tác phẩm của những người trẻ ở Việt Nam. Nhưng tôi quan tâm đến một số người mà tôi đã biết, đã hiểu. Ở Thái Nguyên - mảnh đất rất hay về văn hóa nghệ thuật, tôi cũng thích và đặc biệt quan tâm đến một số tài năng trẻ. Tôi yêu thế hệ trẻ cũng như tôi yêu các con tôi… Tôi cho rằng, họ có một số nét giống mình, nhưng có nhiều cái khác mình. Mình nếu không mở lòng đọc, ngẫm nghĩ và trân trọng họ thì khoảng cách giữa các thế hệ sáng tạo sẽ càng ngày càng xa. Tôi cực buồn vì đọc thơ Tết Nguyên đán của nhiều tờ báo văn chương có tiếng, tôi thấy các nhà thơ già rất cũ, rất lặp, thậm chí còn “ăn theo” người khác! Tôi không bao giờ làm thơ như thế!
Đặt sang một bên vấn đề thế hệ mà chúng ta thường hay nói là “già - trẻ”, quay trở lại câu chuyện sáng tạo, với ông, điều gì là quan trọng nhất để làm nên phẩm tính của Thơ, và điều gì người viết cần nhất để trở thành một Tác giả?
Nhà thơ Võ Sa Hà: Đây là một câu hỏi khó! Phẩm tính của thơ thì các nhà lí luận và các nhà thơ đã giải quyết từ rất lâu rồi…! Ai không biết và không làm thơ theo các phẩm tính ấy thì thất bại là cái chắc. Trong tất cả các loại nghệ sĩ ở thế gian này, theo lí luận văn học của nhân loại, thì chỉ có nhà thơ là người có thể Đối thoại với Thượng Đế. Còn đối thoại như thế nào, hiểu như thế nào, thì tùy theo từng Thi sĩ.
Còn vấn đề về tác giả, hay tác gia, tôi chưa hề quan tâm…! Tôi cho rằng, làm thơ phải coi đó là Nghiệp chướng. Đến chỗ nào trên con đường thơ, hình như Trời định. Tôi làm thơ theo quan điểm:
Một nén hương chữ nghĩa
Gửi về sau, về sau
Hỡi ai người nhận được
Xin đừng hỏi từ đâu.
Để tiếp tục câu chuyện về “Đối thoại với Thượng Đế”, có lẽ cần phải đối thoại với ông thêm nhiều điều nữa… Xin cảm ơn ông với những chia sẻ nhân dịp đầu xuân. Kính chúc ông sức khỏe và tiếp tục những cảm hứng mới trên hành trình sáng tạo.
Nhà thơ Võ Sa Hà: Cảm ơn bạn! Mong sao năm mới đến với mọi người làm thơ và yêu thơ đều là những điều may lành.
Phạm Văn Vũ thực hiện
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...