Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:52 (GMT +7)

Một góc nhìn về trào lưu “chuyển thể”

VNTN - Giữa thời đại kỹ thuật, nghệ thuật ngôn từ ít nhiều bị thờ ơ, nhất là khi phương pháp và phương tiện giảng dạy truyền thống đã nhàm chán, thì việc chuyển thể tác phẩm văn học sang các hình thức nghệ thuật khác như sân khấu, âm nhạc, múa, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh… đã mở ra con đường tiếp cận văn chương thú vị, được áp dụng rộng rãi ở nhiều cấp học, thậm chí đang lan tỏa như một trào lưu.

Từ các tác phẩm văn học

Trong các hình thức chuyển thể tác phẩm văn học ở nhà trường phổ thông hiện nay thì sân khấu hóa phổ biến hơn cả. Từ chất liệu văn học đến kịch bản sân khấu là con đường ngắn với rất nhiều dấu chân. Ở cả thể loại văn học tự sự và trữ tình, nếu khéo lựa chọn những tình huống “có vấn đề” với những yếu tố kịch tính, chiều sâu tâm lý, hài hước, hấp dẫn… đều có thể xây dựng kịch bản, dàn dựng thành phân đoạn sân khấu dí dỏm, tươi vui hoặc sâu sắc, thấm thía. Sân khấu hóa trên bục giảng nhà trường cũng không đơn điệu với một dạng thức gần gũi nhất là kịch nói. Tùy vào tác phẩm văn học, vào tố chất và sự sáng tạo của thầy trò, những hình thức độc đáo hơn như ca kịch, chèo, cải lương, thậm chí chiếu bóng hay múa rối đều đã được áp dụng. Em Hồng Ngọc (THPT Chuyên Thái Nguyên) cho biết: “Từ những cấp dưới, chúng em đã được thầy cô hướng dẫn đóng kịch ngắn, phỏng theo các văn bản truyện như “Chiếc lược ngà”, “Bố của Xi - mông”, “Dế mèn phiêu lưu ký”…; tới THPT thì được chủ động lên ý tưởng, viết kịch bản, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, cảm giác như làm nghệ thuật thực sự khiến chúng em rất thích thú”.

Một ảnh kỷ yếu của học sinh THPT Buôn Mê Thuột tái hiện truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.    Ảnh: Khánh Minh

Sân khấu truyền thống như chèo, cải lương, múa rối tưởng như “khó lấy lòng” các bạn trẻ ngày nay, song thực tế đã được nhiều nhóm thử sức, đem đến hiệu quả bất ngờ. Đặc biệt, khi áp dụng cho việc đọc hiểu các tác phẩm văn học dân gian, trung đại, như trích đoạn chèo từ “Truyện Kiều”, “Người con gái Nam Xương”, “Chinh phụ ngâm khúc”; trích đoạn cải lương “Lục Vân Tiên”, “Cha con nghĩa nặng”… Tiểu thuyết chương hồi cũng được nhiều nhóm học sinh, sinh viên tái hiện dưới dạng sân khấu tuồng, rối cạn… Hướng đi này không chỉ làm mới hình thức chuyển thể mà còn giúp các em có cơ hội tìm hiểu, thực hành nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, tăng vốn hiểu biết và tình yêu văn hóa dân tộc.

Sáng tạo là bất tận, và sự sáng tạo ấy càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết với những người trẻ tuổi. Nếu như sân khấu hóa tác phẩm văn học được giáo viên sử dụng như một phương tác giảng dạy tích cực, thì nhiều nhóm học sinh, sinh viên lại “phục sinh” các tác phẩm văn chương bằng những loại hình nghệ thuật khác trẻ trung hơn, thỏa mãn cá tính và niềm đam mê.

Trước hết, phải kể đến trào lưu chụp ảnh kỷ yếu dựa trên chất liệu văn học tạo ra cơn sốt trên mạng xã hội, đặc biệt với học sinh khối lớp 12. Ở đó, thay bằng những khuôn hình “cổ điển” với bảng đen, hoa phượng, họ nhập vai vào các nhân vật văn học như A Phủ - Mị, Thị Nở - Chí Phèo, Tấm - Cám - Hoàng tử… Thay bằng việc chỉ hóa trang tạo hình nhân vật, các lớp đầu tư bộ ảnh tái hiện cốt truyện, với không gian nghệ thuật công phu và chiều sâu cảm xúc tinh tế. Thơ múa cũng là hình thức chuyển thể đầy nghệ thuật được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Cô giáo Trần Thị Thùy Linh (THPT Điềm Thụy) chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi thường chuyển thể kịch bản các tác phẩm tự sự, nhưng sau đó nhận thấy rất nhiều tác phẩm trữ tình khi chuyển thể cũng gây rung động sâu sắc. Lên ý tưởng để chuyển từ thơ thành kịch hoặc biên đạo thơ múa không dễ, nhưng nếu thành công sẽ rất ấn tượng, tính hình tượng của ngôn ngữ thơ khiến chất nghệ thuật được tô đậm”.

Điện ảnh - bộ môn nghệ thuật thứ 7 mặc dù đòi hỏi cao về mặt phương tiện, kỹ thuật, song cũng đã được tham dự vào “cuộc đua chuyển thể”, tiêu biểu nhất là 4 bộ phim ngắn dựa trên các tác phẩm lớp 11, 12 của thầy giáo Nguyễn Quốc Phòng và các học trò THPT Tương Dương (Nghệ An). Trong điều kiện một trường miền núi khó khăn, thầy trò đã thực hiện 4 bộ phim suốt một năm, và vì thế, những “Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Vợ nhặt”… của học trò Tương Dương dẫu không thể so sánh với các tác phẩm điện ảnh chuyên nghiệp, nhưng vẫn được công chúng đón nhận với sự cảm kích tâm huyết của cả thầy và trò.

Giá trị và những giới hạn

Từ góc độ phương pháp giáo dục, có thể coi hoạt động chuyển thể tác phẩm văn học như một cách thức tiếp cận văn bản hiệu quả và tạo hứng thú. Nó mở đường cho những suy tư, hồi ứng để nhập thân vào thế giới nghệ thuật. Trong hoàn cảnh ngày nay, khi “lười đọc” trở thành căn bệnh cố hữu của học trò, thì việc giao các bài tập dạng chuyển thể tác phẩm sẽ khởi động, kích thích nhu cầu đọc thẩm mỹ một cách chủ động, sáng tạo. Chuyển thể tác phẩm văn học phù hợp với nhiều mục tiêu trong hoạt động giáo dục nhà trường như bài tập vận dụng, ngoại khóa, hội diễn nghệ thuật… Trong khi nhiều người băn khoăn với câu hỏi: “Học văn để làm gì?” thì thông qua hoạt động chuyển thể, có thế thấy sự gắn kết giữa văn chương với các loại hình nghệ thuật cũng như tính ứng dụng của văn học trong đời sống thực tiễn. Nguồn cảm hứng và kinh nghiệm có được qua hoạt động chuyển thể tác phẩm văn học giúp người học tìm thấy hứng thú, hay phát hiện ra năng khiếu của mình với nhiều lĩnh vực nghệ thuật để từ đó, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Và không thể không nhấn mạnh rằng, hoạt động sáng tạo này còn giúp rèn luyện kỹ năng viết sáng tạo, năng lực cảm thụ thẩm mỹ và những rung cảm tâm hồn sâu sắc mà đôi khi chỉ đọc thôi, với các bạn trẻ ngày nay là chưa đủ.

Tuy nhiên, trong môi trường sư phạm, sự sáng tạo cần được đặt trong một ngưỡng giới hạn. Thực tế, khi sân khấu hóa, điện ảnh hóa, mỹ thuật hóa tác phẩm văn học nhà trường bùng nổ như một trào lưu, chúng ta khó có thể kiểm soát về chất lượng nghệ thuật và tính giáo dục của chúng. Lấy danh nghĩa “chuyển thể”, nhiều người đã phá nát tác phẩm văn học khi cắt xén, lồng ghép tùy tiện. Bộ ảnh kỉ yếu của trường X, được lan truyền rộng rãi là sản phẩm “tạp xí ngầu” giữa hàng tá sáng tác đông tây kim cổ. Với mục đích gây cười dễ dãi, nhiều bạn trẻ đã “chế” kịch bản quá đà, đôi khi dung tục, thô thiển, khiến tác phẩm bị xé vụn cùng sự biến thể của hình tượng nghệ thuật và tư tưởng thẩm mĩ. Một số yếu tố nhạy cảm được đánh giá là nghệ thuật trên văn bản ngôn từ, song khi tái hiện bằng động tác hình thể lại trở nên phản cảm, nhất là trong môi trường giáo dục phổ thông, với đối tượng học sinh còn rất non trẻ, ít kinh nghiệm diễn xuất theo lối “thoát tục”. Tranh cãi gay gắt về đoạn phim chiếu bóng tái hiện “cảnh nóng” trong hai tiểu thuyết “Bỉ vỏ” và “Số đỏ” trong thời gian qua là minh chứng cho bài học xác định ngưỡng của sự sáng tạo ở môi trường văn hóa học đường.

Luận về những giá trị và giới hạn của chuyển thể, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Ngân, Trưởng Khoa Báo chí truyền thông và Văn học (Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) tâm niệm: “Bắt nguồn từ cuộc sống, văn học là quá trình sáng tạo không ngừng của tác giả và độc giả thông qua thế giới hình tượng mà ngôn từ gợi ra. Để đọc, hiểu và lĩnh hội văn chương theo hướng tích cực nhất, người học cần được hướng dẫn khai thác đa chiều, lựa chọn cách thức chuyển thể thích hợp, từ đó có ấn tượng sâu đậm về chính tác phẩm”.

Chắc hẳn, sẽ nhiều người tán đồng quan điểm ấy, bởi suy cho cùng, mọi nỗ lực làm mới tác phẩm vẫn phải dựa trên nền tảng giá trị căn nguyên của nó: giá trị của nghệ thuật ngôn từ.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy