Một dòng họ “dịch thế thi thư”: nối đời học vấn
VNTN - Ngôi nhà bên bờ sông Cầu nằm lọt giữa màu xanh của rau cỏ, cây cối. Khoảng sân nhỏ có giàn thiên lý thơm mát và những chậu sen bình dị, tinh khôi. Duyên lành, tôi hay lui tới hầu chuyện gia chủ - cụ Nguyễn Mạnh Hùng, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn ở Đông Tác lừng danh trong lịch sử. Kể về các bậc tiên liệt xưa hay về con cháu nay trong dòng họ hôm nay, lúc nào cụ cũng từng lời rành rọt, say sưa.
Tổ tiên nối đời làm thầy
Tổ tiên nhiều đời của cụ Nguyễn Mạnh Hùng vốn cư trú ở làng Trung Tự, phường Đông Tác cũ (khu vực các phường Trung Phụng, Trung Tự, Kim Liên, Phương Mai, Phương Liên của quận Đống Đa ngày nay), nên thường được gọi là dòng họ Nguyễn - Đông Tác. Nơi này được coi là có thế đất phượng hoàng, gần đàn xã tắc ở phía tây, gần đài thiên văn ở phía bắc, cạnh đình Cao Sơn - một trong tứ trấn Thăng Long. Đặc biệt, theo những nhận định của cụ tổ Nguyễn Hy Quang thì dương cơ của họ Nguyễn - Đông Tác còn gần sát với thủy khẩu Thăng Long, trước có hồ nước, gió mây một dải miếu đường, long hổ đôi bên chầu lại (2). Cứ theo các bậc tiền nhân thì đó cũng là một cơ sở cho sự cường vượng bền lâu của dòng họ này.
Không ngẫu nhiên mà nhà thờ tổ của dòng họ Nguyễn - Đông Tác để bức hoành phi mang dòng chữ Dịch thế thi thư (nghĩa là: Nối đời học vấn). Một trong những thành tựu đáng tự hào của dòng họ này là truyền thống khoa bảng, khi nối tiếp qua nhiều đời sản sinh ra những người học giỏi, đỗ đạt cao. Tính trong thời kì phong kiến, dòng họ này có 3 người đỗ đại khoa, 2 Tiến sĩ văn, 1 Tiến sĩ võ, 13 Cử nhân, 18 Tú tài Nho học, 5 Tú tài võ (2). Trong đó, đáng chú ý là có nhiều người làm thầy, được sử sách ghi tên. Đặc biệt, truyền thống này kết tinh nổi bật ở một số người thầy nổi tiếng giỏi giang, đáng kính.
Danh sư Nguyễn Hy Quang (sinh năm 1634, mất năm 1692, thuộc đời thứ 7 của dòng họ) có thể coi là người đã dựng mở truyền thống “làm thầy” cho dòng họ về sau. Ông vốn gia cảnh nghèo khó nhưng sớm có chí vượt qua, vang tiếng thông minh khắp vùng, đỗ Giải Nguyên năm 1657, đỗ thủ khoa kì thi Sĩ vọng năm 1670 - tương đương Tiến sĩ, được bổ làm Giáo thụ phủ Thường Tín. Với uy danh của một người thầy tài cao đức trọng, ông được chúa Trịnh đặc triệu về Kinh để làm thầy dạy các thế tử. Để giúp nhà Chúa giữ đạo, để hai thế lực Lê - Trịnh cùng nương vào nhau mà đưa đất nước phát triển, ông biên soạn cuốn sách Quân thần luận, được Chúa khen là hay và thuyết phục. Khi ông qua đời, triều đình truy tặng chức tước lớn, Chúa Trịnh Doanh phong là Phúc thần Đại vương.
Những công trình, bài báo viết về dòng họ được cất giữ trong kho tư liệu quý của gia đình
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (sinh năm 1795, mất năm 1868, thuộc đời thứ 11 của dòng họ) có thể coi như một trong những đại biểu ưu tú bậc nhất của dòng họ. Ông đỗ Cử nhân năm 1828, đỗ Tiến sĩ năm 1832, làm nhiều chức quan (Tri phủ Thuận An; Lang Trung bộ Lại; Lang Trung bộ Hình; Án sát tỉnh Phú Yên; Hàn lâm viện Điển bạ; Giáo thụ phủ Thường Tín; Đốc học tỉnh Hưng Yên), dù trải qua nhiều thăng trầm, khi thì bị vu hãm cách chức rồi được khởi phục, khi thì tự cáo bệnh từ quan, vẫn một lòng chú tâm việc biên soạn sách, dạy học, chấn hưng dân trí. Ông cùng chí hướng và tư tưởng với nhóm thân hữu là các vị Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Lê Duy Trung, Phạm Sĩ Ái, lập ra Văn hội Thọ Xương, Hội hướng thiện để tập hợp trí thức, tập trung vào các hoạt động văn hóa. Cuối đời, ông tập trung tâm huyết trí lực cho việc mở trường, dạy học cho nhân dân. Một di sản đáng quý nữa mà Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý cống hiến cho đời là việc ông biên soạn những cuốn sách giá trị như Bắc Thành Chí lược, Thế Phả, Tự gia yếu ngữ, Đông Tác Nguyễn thị gia huấn.v.v..
Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu (sinh năm 1879, mất năm 1946, thuộc đời thứ 13 của dòng họ, cháu nội Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý) là một sĩ phu yêu nước, có chí hướng canh tân giáo dục. Ông đỗ Cử nhân vào năm 1906, nhưng không ra làm quan mà tham gia sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục - mô hình giáo dục khai trí tân tiến tiên phong ở nước ta hồi đầu thế kỉ XX. Sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp dẹp bỏ, ông nhận dạy học ở trường Hợp Ích (do sĩ phu yêu nước Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng chủ trương). Ông bị bắt đày ra Côn Đảo, khi trở về bị quản thúc ở quê nhà, hành nghề y chữa bệnh cứu người.
Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo (sinh năm 1900, mất năm 1966, thuộc đời thứ 14 của dòng họ, con cả của Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu) là một gương mặt trí thức lớn, một trong những người có công sáng lập nên nền giáo dục học mới của Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông dạy học ở Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên, là thầy dạy của các cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông làm Tổng Giám đốc Nha Tiểu học vụ. Trong kháng chiến, ông làm Giám đốc giáo dục Liên khu I, Hiệu trưởng trường Sư phạm trung cấp trung ương, Tổng thư kí Hội đồng tu thư trung ương. Ông hoạt động hăng hái tích cực trong các phong trào Hướng đạo sinh, truyền bá Quốc ngữ, tham gia biên soạn sách và dịch thuật, phổ biến khoa học giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục học.
Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (sinh năm 1902, mất năm 1954, thuộc đời thứ 14 của dòng họ, con thứ của Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu) là một vị chân sư, bậc cao minh hành đạo cứu đời, tiêu biểu trong phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỉ XX của nước ta. Không hề qua ghế nhà trường, ông tự học, thông hiểu Tứ thư Ngũ kinh, đồng thời tiếp thụ nền học vấn phương Tây, ngoại ngữ giỏi cả tiếng Anh - tiếng Pháp - tiếng Nhật. Tuổi nhỏ, ông trải qua lao động cực nhọc, lớn lên mở hiệu sách, dịch Kinh Phật và bắt đầu hướng đạo. Năm 1934, ông được mời tham gia Hội Phật giáo Bắc Kỳ, phụ trách và trực tiếp viết bài cho Báo Đuốc Tuệ, lấy hiệu là Thiều Chửu (Thiều là cây lau, Chửu là chổi). Tên hiệu này cho thấy ông đã chọn cho mình lí tưởng sống khiêm cung nhưng cũng tự hào, làm cây chổi quét sạch dơ bẩn của mình và của người đời. Ông dịch hàng chục cuốn sách là những bộ kinh căn bản của Phật giáo (Kinh Di Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Kim Cương Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Dược Sư, Phả Môn, Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Lễ Sáu Phương, Lục Tổ Đàn Kinh, Khóa Hư.v.v..), biên soạn nhiều cuốn sách về Phật giáo (Sự tích Phật tổ diễn ca, Nhòm qua cửa Phật, Cải tà quy chính, Khóa tụng hàng ngày, Con đường Phật học thế kỷ 20), đặc biệt, biên soạn Hán Việt tự điển - công trình được coi như một giá trị vượt thời gian. Không chỉ bận rộn với sự nghiệp hoằng pháp và nghiên cứu, ông còn rất tích cực trong công việc cứu tế ngoài xã hội. Năm 1941, ông lập trường Phổ Quang, phụ trách dạy các tăng ni, giảng kinh điển, chủ trì khóa lễ. Đặc biệt, năm 1943, ông mở một trường học để tiếp nhận các trẻ em nghèo đến học, số lượng lên đến hơn 300 trẻ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế - Xã hội nhưng ông từ chối, tiếp tục theo đuổi việc giảng dạy Phật giáo và giảng dạy các lớp trẻ em nghèo. Trong kháng chiến, mặc dù phải rất khó khăn để duy trì các lớp cho trẻ nghèo, ông vẫn dạy nhiều lớp bình dân học vụ, mở mang dân trí cho nhân dân nhiều vùng (3).
Có thể nói, hiếm có một dòng họ nào lại sản sinh ra nhiều người tài giỏi danh tiếng, đặc biệt là nối tiếp nhiều đời làm thầy như vậy. Nó hẳn vừa là nhờ vào phúc phần tổ tiên trao truyền, vừa là nhờ có ý thức tự dưỡng dục của mỗi thế hệ.
Truyền thống vẻ vang của dòng họ Nguyễn - Đông Tác đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu lịch sử - văn hóa - xã hội. Thống kê cho thấy, đến nay đã có hơn 100 bài báo, tham luận, 5 hội thảo Quốc gia nghiên cứu - đánh giá - giới thiệu về những cá nhân, dòng họ này.
Con cháu nối đời học vấn
Trước khi nghỉ hưu về vui thú vườn tược ở ngôi nhà nhỏ ven sông Cầu (phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên), cụ Nguyễn Mạnh Hùng đã có mấy chục năm lăn lộn gắn bó với nghề dạy học, hết Thái Nguyên, đến Phú Thọ, Vĩnh Phúc, rồi Hà Nội. Gia tài cuộc đời nhà giáo của cụ là những cuốn sổ tay ghi dày kín những lời lưu bút xúc động của học trò, là những kỉ niệm đi dạy học dù cách mấy chục năm rồi nhưng vẫn luôn sống động. Với sự mẫn tiệp ít gặp của người đã vào tuổi 75, cụ kể lại rành rọt say sưa, nào là việc chuẩn bị đồ dùng thế này, việc soạn chương trình dạy thế kia, nào là đi thăm nhà học trò ra làm sao, đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia thế nào.v.v.. Như vẫn giữ một thói quen vô thức, khi trò chuyện, thỉnh thoảng cụ vẫn hay lẩy đôi câu Kiều, đọc đôi câu thơ Chế Lan Viên, thâm trầm và hào hoa. Nhớ nghề như thế, cụ phải là người yêu nghề đến thế nào…
Nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng trình bày trước khách mời, họ hàng nội ngoại, con cháu về 21 đời dòng họ Nguyễn - Đông Tác
Về nghỉ hưu khi trí lực vẫn dồi dào, lại được đồng nghiệp và học trò tin cậy, yêu mến, thầy giáo Hùng nhận được nhiều gợi ý và lời mời dạy thêm. Biết rằng dạy thêm thì thù lao sẽ cao, nhưng cụ nhất mực từ chối, quay sang trồng hoa, trồng rau, thu nhập vẫn “xênh xang” cho hai vợ chồng vui sống già, lại thêm “giàu có” về cả sức khỏe lẫn tinh thần. Thật chẳng còn gì hơn.
Giờ đây, khi đã rời xa bục giảng để về với luống rau giàn hoa, niềm vui của cụ Hùng không gì khác là bảo ban, động viên con cháu. Cụ không chỉ lấy những tấm gương của các bậc tiên liệt xưa, mà còn lấy ngay những câu chuyện gần gũi về cha chú đời liền trên để giáo dục, khích lệ ý thức và tinh thần học tập, phấn đấu của con cháu.
Thân sinh của cụ Hùng là nhà giáo Nguyễn Như Cang (1916 - 1997), tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ, là Trưởng Ty Bình dân học vụ đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn (20/9/1946), trải qua công tác ở nhiều đơn vị như Ty Bình dân học vụ tỉnh Phúc Yên, Khu Giáo dục Việt Bắc, Nhà xuất bản Giáo dục, Khu Giáo dục Khu 10, Khu Giáo dục Lao - Hà - Yên, Ty Giáo dục tỉnh Bắc Thái.v.v.., là nhà giáo mẫu mực về tài năng và đức độ, có nhiều công lao cho việc đặt nền móng và xây dựng nền giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc. Chú ruột của cụ Hùng là nhà giáo Nguyễn Trà, suốt 22 năm từ khi nghỉ hưu đến nay, dùng nhà thờ chi họ của mình (Kim Liên, Hà Nội) để mở lớp học Hướng Thiện, dạy học miễn phí, thậm chí dùng đồng lương hưu của mình hỗ trợ quần áo sách vở và ăn uống cho các trẻ em nghèo, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết thư khen ngợi vì những đóng góp cho giáo dục nước nhà (2014). Những tấm gương trực tiếp của cha chú chính là niềm tự hào, là bài học để cụ Hùng tự răn mình cũng như dạy bảo con cháu.
Ngày giỗ cha (cố nhà giáo Nguyễn Như Cang), cụ Hùng trên tay không một tài liệu, trước toàn thể khách mời, họ hàng nội ngoại, con cháu, kể lại lần lượt đầy đủ rõ ràng 21 đời của dòng họ Nguyễn - Đông Tác của mình. Cụ bảo, làm vậy vừa là để con cháu hiểu rõ về tổ tiên, nhưng cũng vừa là để tự kiểm lại xem bản thân mình hiểu và nhớ được đến đâu.
Không chỉ nhắc nhở và khích lệ đối với con cháu trong gia đình, cụ còn rất quan tâm đến việc học hành của các cháu địa phương mình. Với uy tín của mình, cụ hiện đang được giao trách nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Để đóng góp vào việc chăm lo và khích lệ các cháu, cụ đã tặng toàn bộ số tiền lễ trong ngày giỗ cha cho quỹ khuyến học của tổ dân phố. Một việc làm vừa thiết thực, vừa đẹp đẽ, vẹn cả công - tư.
Một góc trang trọng trong ngôi nhà nhỏ, cụ Hùng để những cuốn sách nghiên cứu, những bài báo viết về dòng họ của mình .Trong đó, cụ tự biên soạn một tập tài liệu nội bộ, ghi chép và tập hợp chi tiết, đầy đủ nguồn gốc - gia phả của dòng họ, những hình ảnh về cổng làng, về nhà thờ tổ, về ngày giỗ họ và chi họ, rồi tiểu sử và thông tin của từng thành viên trong gia đình, từ thế hệ thân sinh đến các con, cháu, chắt, dâu rể. Đọc cuốn tài liệu mới hiểu hạnh phúc của cụ, khi biết rằng các con cháu trong gia đình đều rất phương trưởng. Năm người con của cụ đều có trình độ đại học, cao học, đi theo con đường học vấn, làm kinh tế tri thức, hiện đang cùng gia đình riêng sống và làm việc ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Singapore. Cụ ví đó là năm cánh hoa của bông hoa mà mình may mắn có được. Là nói vậy, nhưng chẳng có gì là dễ dàng, tự nhiên, may mắn cả, mà bởi cội rễ có bền sâu thì cành lá mới sum sê.
* *
Trong lịch sử Việt Nam, các dòng họ nổi danh học hành đỗ đạt có nhiều, nhưng số dòng họ vốn tiếng tăm rồi phải lùi vào dĩ vãng cùng với sự cáo chung của nền giáo dục khoa cử phong kiến thì cũng không ít. Điều đặc biệt của dòng họ Nguyễn - Đông Tác có lẽ chính là sự kế thừa truyền thống qua các thời đại khác nhau, dù trải qua những bước ngoặt của lịch sử nhưng không bị đứt quãng, tàn lụi. Tất nhiên không phủ nhận yếu tố gen di truyền, nhưng phải chăng, vấn đề ở đây là ở chỗ, tùy vào mỗi thời kì và điều kiện xã hội, người họ Nguyễn - Đông Tác đều xác định được động cơ và mục đích đúng đắn, phù hợp của con đường học vấn. Đây cũng là điều để mỗi gia đình, mỗi dòng họ có thể lấy làm bài học, nhất là trong điều kiện giáo dục nước ta đang còn rất nhiều bất cập như hiện nay
-----------------
(1) (2) Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2000), Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý và dòng họ Nguyễn Đông Tác, NXB Văn hóa dân tộc.
(3) Từ năm 1951, ông ngụ cư lĩnh canh ở Phú Bình - Thái Nguyên, tăng gia sản xuất để duy trì các lớp học cho trẻ em nghèo. Năm 1953, đội cải cách đã quy sai cho ông là địa chủ, dùng tôn giáo mê hoặc quần chúng. Ông viết tâm thư tuyệt mệnh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ những trăn trở và ước nguyện của mình với dân với nước, rồi gieo mình xuống thác Huống sông Cầu, Thái Nguyên
Phạm Lương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...