Một chuyến đi nhớ đời
VNTN - Đó là vào đầu năm 1971, truyện ngắn “Cô Bánh Xích” của tôi được Tuần Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) trao giải. Từ Tiên Hội (ngày ấy tôi dạy học ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ) đi mấy chặng tầu xe, mấy lần hỏi đường tôi mới về tới trụ sở Báo tại 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội. Trên đường đi tuy vất vả, nhếch nhác nhưng tôi rất hăm hở. Ngày ấy mới 24 tuổi đã được nhận cái giải văn chương quan trọng thế, ai mà chẳng có chút tự hào. Theo các báo đăng tin thì toàn quốc chỉ có 20 người đoạt giải. Cả vùng núi phía Bắc có ba người, đó là anh Xuân Cang, anh Vi Hồng và tôi. Cả chiến trường Miền Nam có ba người được tặng thưởng là Trần Mai Hạnh, Tô Nhuận Vĩ và Trần Phương Trà. Về sau, cả 20 người đoạt giải lần ấy đều trở thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Phấn khích thế nhưng đến khi bước vào tòa soạn báo, nhìn thấy toàn những nhà văn lớn nhất đất nước ngồi bên trong thì tim tôi như ngừng đập, chân như muốn khuỵu xuống vì sợ. Đó là những người mà nhắc đến bút danh của họ, sinh viên, học sinh và những người yêu văn học cả nước không ai là không biết đến. Có nhiều vị tôi đã được học, được đọc tác phẩm từ ngày còn nhỏ như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Hoàng Trung Thông, Đào Vũ, Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam… Không hoảng thì mới lạ. Trông họ cứ như những bức tượng đồng sừng sững chứ không phải là người bình thường nữa. Vào họp, tất nhiên là mọi người im phăng phắc lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Ông Nguyễn Khải nhận xét với ý nghĩa tổng kết cuộc thi. Tôi không nhớ hết những lời nhà văn Nguyễn Khải trình bày, nhưng có mấy câu thì đến giờ vẫn chưa quên. Nguyễn Khải nói rất rành rẽ như thế này: “Thú thực là đọc các bạn trẻ đoạt giải lần này tôi rất phục. Có những truyện ngắn chúng tôi không viết được”. Chẳng rõ ông ấy nói thật hay chỉ là động viên, nhưng có lẽ lúc ấy nhiều người trong cuộc sướng âm ỷ và thấy mình như được chắp thêm cánh. Tâm trạng mọi người tôi không rõ hết, chứ tôi thì lúc ấy tuy sung sướng tự hào thật nhưng quả là vừa ngồi dự lễ vừa run. Trên bàn đầy những loại bánh trái lạ mắt, chắc là rất ngon, nhưng tôi không dám với tay ra để lấy. Anh Vi Hồng ngồi cạnh chắc thấy tôi quá nhút nhát nên ghé vào tai, nói nhỏ: “Sợ đếch gì! Cứ chén đi. Về nhà chả có mà ăn đâu”. Nói cứng vậy thôi, chứ tôi thấy Vi Hồng cũng thần hồn nát thần tính, nhai bánh rất rụt rè, ý tứ. Họp tan, tôi phải xin phép bỏ buổi tiệc hẳn là rất sang trọng để ra tầu hỏa kịp chuyến tối, sáng mai còn lên lớp sớm. Cũng tiếc nhưng lại thấy may, nếu không, nhỡ ra khi ăn tiệc mà ngồi cạnh ông Nguyễn Đình Thi hoặc ông Hoàng Trung Thông thì có khi về phải uống thuốc an thần. Ngày ấy đúng là trong tôi có tâm lý lo ngại như vậy thật chứ không bạo dạn, tự tin như nhiều bạn viết trẻ bây giờ. Tôi ra đến ga Hà Nội thì người mua vé đã xếp hàng dài đến mấy mươi mét. Kiểu này có khi lỡ chuyến tầu tối. Ngày ấy vé tầu cũng có hạn chứ không thoải mái như bây giờ. Tôi đang vừa xếp hàng vừa lo lắng thì bỗng có tiếng nói sát bên tai: “Hồ Thủy Giang về Thái Nguyên ngay à?”. Quay lại thì thấy anh Trần Mai Hạnh (tác giả vừa cùng dự lễ trao giải ở tòa soạn báo Văn nghệ. Cũng tức là Trần Mai Hạnh gần đây có cuốn tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh” rất nổi tiếng, đoạt giải thưởng Hội Nhà Văn năm 2014). Trần Mai Hạnh quan tâm: - Mình có thẻ ưu tiên phóng viên chiến tranh đây. Đưa mình mua vé giúp cho. Trong lòng sướng mê nhưng tôi đắn đo nhìn Trần Mai Hạnh. Lúc ấy, thực tình tôi rất muốn có tấm vé tầu, vì sáng mai phải lên lớp sớm, nhưng lại nghĩ tấm thẻ ưu tiên kia là dành cho các phóng viên chiến tranh, những người xông pha trong chiến trường Miền Nam chứ đâu phải cho mình. Làm vậy là lợi dụng. Nghĩ thế, tôi giấu sự nuối tiếc, nói với Trần Mai Hạnh: - Thôi, cảm ơn anh! Chắc đứng một lúc là mua được vé thôi. Vậy mà, khi xếp hàng gần đến thì cái cửa bán vé to bằng cái cửa chuồng gà sập xuống. Hết vé. Thế là phải thức cả đêm ở ga để chờ chuyến sáng mai. Mệt thì không có gì đáng ngại, những ắt ngày mai sẽ bị hiệu trưởng phê bình và nhất là để cho các em học sinh lỡ tiết học. Thật là một chuyến đi nhớ đời! Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...