Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:26 (GMT +7)

Môi trường mới cho giáo dục mỹ thuật

VNTN - Giáo dục mỹ thuật phổ thông không nhằm đào tạo ra các họa sỹ, mà bước đầu giúp trẻ em tiếp xúc làm quen với loại hình nghệ thuật này. Các hình thức hoạt động mỹ thuật góp phần bồi dưỡng năng lực cảm thụ thẩm mỹ, để học sinh phát triển khả năng vốn có một cách tự nhiên… Việc dạy và học mỹ thuật cũng cần được nhìn nhận một cách nhẹ nhàng hơn, cùng với đó là chương trình giáo dục cũng theo hướng mở.


Vì sao giáo dục mỹ thuật chưa hiệu quả?

Được biết tới là một môn học hỗ trợ tốt và hiệu quả cho giáo dục thẩm mỹ, đào tạo con người phát triển toàn diện, nhưng nhiều năm qua môn học này ở nhiều nơi lại chưa được chú trọng. Mỹ thuật được xếp vào nhóm môn ít giờ, một tuần chỉ 1 tiết (35 - 45 phút/ lớp). Vì ít vậy nên đã có quan niệm coi nó là môn phụ, dẫn đến việc coi nhẹ hoặc quan tâm chưa đúng mức.

Mặt khác, phương pháp dạy - học mỹ thuật định hướng chưa đúng với đặc thù môn học, dẫn đến giờ học nặng nề, khô cứng, học sinh thì không hăng hái sáng tạo. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều đưa bộ môn mỹ thuật vào chương trình giáo dục phổ thông rất sớm, thì ở Việt Nam chỉ mới được gần hai chục năm nay. Trước đó chỉ có môn Tập vẽ, mục tiêu môn học chưa cụ thể, bài học chủ yếu dạy về kỹ thuật vẽ là chính, ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ không rõ ràng.

Sản phẩm của học sinh sau khi thực hiện hoạt động xé dán giấy

Chương trình giáo dục mỹ thuật hiện hành được chia thành 5 phân môn: vẽ theo mẫu, vẽ trang trí, vẽ tranh, thường thức mỹ thuật và nặn tạo dáng. Các phân môn được cấu trúc bởi các bài học riêng lẻ, nhiều loại bài học lớp trước được lặp lại ở những lớp sau. Các giờ học thường không gây được cảm xúc mạnh mẽ đối với học sinh, bởi các bài học đều chú trọng thực hành vẽ, không phát huy được tính sáng tạo, diễn đạt bị hạn chế; các em thường làm việc đơn lẻ, ít có sự chia sẻ và không có cơ hội thể hiện mình. Đối với giáo viên, giáo án thường lặp đi lặp lại ít có sự đổi mới. Cách dạy thường cứng nhắc vì phải căn từng giờ, bị bó hẹp trong khung thời lượng cố định nên hầu hết các tiết học chưa khơi dậy được tiềm năng sáng tạo của trẻ em, hiệu quả giờ học mỹ thuật không cao.

Ngoài ra, việc đánh giá sản phẩm của học sinh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục mỹ thuật, nhiều năm nay là việc chấm điểm sản phẩm mỹ thuật thay vì bằng xếp loại (hoàn thành và chưa hoàn thành). Từ năm học 2014 - 2015, thực hiện thông tư 30/2014 của Bộ GD - ĐT, việc đánh giá thường xuyên học sinh tiểu học được thay bằng nhận xét. Đổi mới cách đánh giá như vậy sẽ rất phù hợp với bộ môn mỹ thuật, vì trước khi có thông tư giáo viên vẫn thường xuyên nhận xét, góp ý cho từng học sinh để sửa và hoàn thành bài tập ở mức phù hợp nhất với khả năng của các em. Tuy vậy, áp lực đối với giáo viên ngày càng tăng lên, họ mất nhiều thời gian để ghi nhận xét với tất cả các môn, thời gian tiếp xúc trực tiếp với học sinh giảm, chất lượng dạy - học mỹ thuật thậm chí không còn như trước nữa.

Điểm mới trong xây dựng chương trình 

Giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó có hai môn học cốt lõi là mỹ thuật và âm nhạc. Kiến thức cơ bản về mỹ thuật là nội dung học ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Các hoạt động mỹ thuật có nhiều trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở tất cả các cấp học. Đây là môn học sáng tạo, chính nội dung môn học đã tạo ra cách dạy - học sáng tạo. Khi các môn học khác có thể dạy - học tập thể, thì dạy học mỹ thuật thường là dạy - học cá nhân nên phương pháp không thể theo một khuôn mẫu. Bản chất nội dung môn mỹ thuật thường xuyên đổi mới, vì vậy giáo viên luôn phải đổi mới cách dạy thì mới phù hợp với từng đối tượng học. Không thể mang cách dạy - học ở người này áp dụng cho người kia, cách dạy bài học trước không thể giống cách dạy bài học sau.

Trong chương trình giáo dục mỹ thuật (2015 - 2018) đã có những đổi mới về nội dung và phương pháp.

- Về nội dung: mỹ thuật ở giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm hình thành ở học sinh cảm xúc trước thiên nhiên và đời sống xã hội, thông qua việc nhận biết về màu sắc, đường nét, hình thể và những biến chuyển sinh động của các sự vật, đồ vật, hiện tượng. Học sinh biết cách thể hiện cảm xúc, tư duy bằng ngôn ngữ tạo hình một cách đơn giản trên mặt phẳng hai chiều và trong không gian ba chiều. Phương pháp dạy học chủ yếu là trực quan và thực hành sáng tạo thông qua các chủ đề học tập phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, lớp học. Ở cấp tiểu học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật theo nhóm; đa dạng hoá không gian học tập (trong và ngoài phạm vi lớp học). Ở cấp trung học cơ sở, tăng cường các hoạt động cá nhân để học sinh được thể hiện tư duy độc lập và sáng tạo; tạo cơ hội để các em khám phá năng lực tạo hình thông qua các trải nghiệm, các dự án học tập của môn mỹ thuật hoặc của nhóm các môn học.

- Về hình thức, phương pháp đánh giá kết quả chủ yếu thông qua kết quả các dự án học tập được giao; đánh giá xúc cảm thẩm mỹ, năng lực thực hành, sáng tạo mỹ thuật thông qua cách biểu đạt ngôn ngữ nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân ở các sản phẩm đơn lẻ trong chuỗi bài tập cũng như kết quả sản phẩm cuối cùng của nhóm; đánh giá ý thức nghệ thuật thông qua các hoạt động tập thể, cộng đồng.

- Nội dung học tập mỹ thuật giai đoạn hướng nghiệp tập trung hướng dẫn cách sử dụng, xử lý một số chất liệu tạo hình thông dụng như: màu nước, màu bột, sơn dầu, khắc gỗ, điêu khắc, kỹ thuật số,... Học sinh được học cách phát hiện chủ đề và cách lựa chọn chất liệu. Mạch nội dung được thiết kế theo các mô đun: mô đun chất liệu để lựa chọn chủ đề hoặc mô đun chủ đề để lựa chọn chất liệu; hình thành kỹ năng hình họa căn bản, trong đó tập trung các kỹ thuật, thủ thuật quan sát, ghi nhớ và tái hiện lại sự vật, con người bằng chất liệu phù hợp. Hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập: Kết hợp đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết trong và sau khi học sinh hoàn thành mỗi mô đun. Trong đó, đánh giá tư duy thẩm mỹ thông qua việc lựa chọn chất liệu, lựa chọn chủ đề phù hợp, cách biểu đạt cảm xúc và lượng thông tin qua sản phẩm; đánh giá năng lực tạo hình thông qua cách sử dụng, xử lý chất liệu, sản phẩm tạo được ấn tượng và cảm xúc cho người xem.

Hoạt động mỹ thuật theo hướng mở

Được hưởng lợi từ dự án “Hỗ trợ Giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học”, còn gọi là Dự án SAEPS (Support Arts Education Primary Level) của Đan Mạch, từ năm 2006 - 2009 đội ngũ giảng viên mỹ thuật và giáo viên mỹ thuật ở các trường phổ thông ở Thái Nguyên có cơ hội tiếp cận với phương pháp dạy - học của nước ngoài, mở mang nhiều điều mới.

Cách tổ chức xây dựng chương trình mỹ thuật theo hướng mở với các phân môn gắn liền với đối tượng học sinh phổ thông; chú trọng việc tích hợp giữa các phân môn, bộ môn với nhau, không để biệt lập, rạch ròi như chương trình mỹ thuật Việt Nam đang hiện hành. Các bài học được tích hợp với nhau một cách uyển chuyển, trên cơ sở chương trình khung, giáo viên tự xây dựng bài học cụ thể, dựa trên nhiều tài liệu khác nhau. Nhận thức về môn học rất cụ thể và rõ ràng. Coi giờ học mỹ thuật ở phổ thông là hoạt động vui chơi, qua đó nhằm giáo dục thẩm mỹ là chính chứ không đặt vấn đề lớn về rèn luyện kĩ năng, kĩ thuật. Sử dụng tất cả những gì vốn có ở địa phương để dạy - học, không máy móc là phải có giấy vẽ, có màu mới học vẽ tranh.

Học sinh trường Tiểu học Đội Cấn trong một tiết học mỹ thuật

Giờ học mỹ thuật cần có hứng thú thực sự, do vậy giáo viên cần gây hứng thú cho học sinh bằng nhiều hướng, nhiều cách khác nhau. Bài học không bắt buộc phải hoàn tất trong một tiết, một buổi mà có thể học trong nhiều tuần. Học sinh hoàn toàn được chủ động độc lập sáng tạo, được giải phóng khỏi khuôn mẫu. Các em “học mà chơi” và ngược lại, được tự do thể hiện sự sáng tạo, tạo hình bằng nhiều hình thức khác nhau như: vẽ - cắt, xé dán giấy, nặn, tạo hình con rối, vẽ theo nhạc… Ví như, từ bài học vẽ theo mẫu lọ hoa gắn với bài học trang trí lọ hoa; rồi giờ học nặn hoặc xé dán lọ hoa..., có điều kiện thì đến thăm xưởng làm đồ gốm. Hoặc xuất phát từ một câu chuyện bắt gặp trên đường, học sinh có thể kể lại, và chỗ nào ấn tượng nhất thì diễn lại (bằng cách sắm vai như diễn kịch câm), qua đó các em tạo dáng (bài ký kí họa dáng người) vẽ bằng chì hoặc than, sáp màu… Trên cơ sở các dáng người, học sinh tiếp tục tổ chức lại thành tranh đề tài có nội dung; hoặc dùng nhiều chất liệu khác nhau để tạo hình xé dán giấy (hoặc nặn), sắp xếp thành bố cục có nội dung…

Quá trình xây dựng nội dung bài học giáo viên hoàn toàn chủ động. Dựa vào điều kiện của học sinh, không gian lớp học mà có thể uyển chuyển, linh hoạt tổ chức hoạt động tạo hình, cùng một chủ đề, cùng mục tiêu giáo dục nhưng bài học do giáo viên chọn lựa sao cho phù hợp, có thể khác nhau giữa các lớp trong cùng một khối. Cách tổ chức giờ thực hành kiểu như vậy rất hiệu quả, học sinh sẽ được trải nghiệm, hứng thú hơn trong tiết học, từ đó phát triển năng lực cá nhân hơn.

Dạy học mỹ thuật thay vì tổ chức hoạt động mỹ thuật ở các trường phổ thông sẽ làm giảm áp lực cho giáo viên; học sinh được thỏa sức sáng tạo trên các vật liệu sẵn có ở địa phương. Như vậy, giáo viên cũng có cơ hội sáng tạo trong khi lên lớp. Khi đánh giá thường xuyên trong các buổi học, giáo viên dùng lời để nhận xét góp ý cho từng học sinh trong quá trình hướng dẫn thực hành là đủ. Việc ghi nhận xét vào sổ theo dõi chỉ là ghi những trường hợp cá biệt khó nhớ. Miễn sao giáo viên phát hiện và nắm được những học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng kịp thời. Sự đổi mới nội dung, cách dạy - học, cách đánh giá… thì từ phía giáo viên là cốt lõi, song các nhà quản lý sẽ có vai trò quan trọng khi tạo ra môi trường mới cho giáo dục mỹ thuật phát triển theo đúng đặc thù của ngành học.

Nguyễn Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy