Mời chú Cuội – phép vu thuật trong Tết Trung thu của người Tày
VNTN - Đối với người Tày, tết Trung thu có ý nghĩa đặc biệt và được tổ chức một cách trang trọng. Đây là khoảng thời gian nông nhàn, con người không còn phải ra ruộng để lao động mà chỉ chờ đến ngày gặt hái. Lúc này, người ta tổ chức cúng bái thần linh và tổ tiên để xin phù hộ cho một vụ mùa bội thu.
Trong dịp này, tuy không có thủ tục đi thăm bên ngoại (dương tai) nhưng các gia đình cũng làm bánh rợm, bánh gai và cúng vịt như rằm tháng 7. Sở dĩ dịp tết Đoan ngọ (5/5), Xo lộc (6/6), Tết tháng 7 (14/7) và Rằm tháng 8, người Tày, Nùng lại thịt vịt cúng vì đồng bào quan niệm: Những tháng này nước sông Ngân Hà - con sông ngăn cách 2 cõi - dâng cao nên con gà không thể lội qua sông để đưa lễ vật và lời nguyện ước của con người lên các cõi thiêng liêng được. Do vậy, người ta phải dùng vịt để thay thế.
Ngoài ý nghĩa cầu xin sự che chở của thần linh, tiên tổ, Tết Trung thu còn là dịp để người nông dân chiêm nghiệm mùa vụ. Sự chiêm nghiệm này thường căn cứ vào hiện tượng nguyệt thực trong các đêm 14, 15, 16 tháng 8 âm lịch. Trong đó, trọng điểm là khoảng thời gian giờ Tý (từ 23h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau) đêm 15. Đồng bào gọi hiện tượng này là “cấp kin hai” nghĩa là “ếch ăn trăng” và cho rằng: Năm nào ếch ăn trăng mà nôn ra (nguyệt thực nửa tối) thì năm đó mất mùa. Còn năm nào ếch nuốt gọn mặt trăng (nguyệt thực toàn phần) thì năm đó được mùa. Đó là sự chiêm nghiệm dựa trên các hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, cách này thường chỉ mang tính tương đối và để thỏa mãn vấn đề chiêm nghiệm mùa vụ, người Tày còn sử dụng một phương pháp đặc biệt, đó chính là “vu thuật”.
Lễ Tẳng Nàng Hai do nghệ nhân Nông Thị Lìm thực hiện và được sân khấu hóa
Vu thuật là một hình thức ma thuật tâm linh - một trong những hình thái tôn giáo cổ xưa của nhân loại - trong đó, người ta sẽ dùng các thủ pháp tâm linh đặc biệt như ám thị, âm nhạc, vũ điệu để đưa con người rơi vào trạng thái ngây ngất. Từ đó kiều thỉnh các siêu linh trong vũ trụ nhập vào thân xác để trả lời các câu hỏi của người trần gian. Mặc dù mang đậm sắc thái huyền bí, nhưng nhờ có những giá trị tạo thành như âm nhạc, múa, mỹ thuật và đặc biệt là khả năng giải tỏa tâm lý cho con người nên vu thuật vẫn hiện diện trong xã hội văn minh.
Ở Việt Nam, vu thuật tồn tại ở hầu hết các tộc người. Có khi nó hiện diện thành một loại thực hành tín ngưỡng như lên đồng (người Kinh), Then (người Tày, Nùng), Dùa nhung (người Hmong),… Nhưng cũng có khi, nó chỉ hiện diện trong một nghi lễ nhỏ của một nghi thức lớn như “thi giải” trong lễ cấp sắc của người Dao.
Đối với người Tày, vu thuật vẫn đang hiện diện một cách rực rỡ. Sự rực rỡ đó thể hiện qua một loạt thực hành tín ngưỡng gắn với từng hình thức cúng bái cụ thể như Then, Pựt, Mo, Sliên hoặc những lễ hội lớn như lễ hội Nàng Hai của người Tày vùng Cao Bằng và Tràng Định (Lạng Sơn)… Tưởng thế đã là đủ, nhưng trong dân gian vẫn còn rất nhiều phương thức cầu thần nhập xác mang tính chất sơ khai, dân dã như “Tẳng nàng hai” (mời Nàng tiên cung trăng), “Ò Cuội” (mời Cuội), “Thất tiên cô” (mời 7 nàng tiên),... Những hình thức này được thực hiện một cách rất dễ dàng và hiệu quả, ai cũng đều có thể thực hiện được với điều kiện nắm được các thủ tục và thủ thuật mà không cần phải qua người trung gian là các thầy cúng. Tuy nhiên, những hình thức vu thuật dân gian này hiện nay đã bị thất truyền gần hết, một số loại vu thuật chỉ còn tồn tại trong ký ức của những cụ già.
Có lần, người viết đã được chứng kiến một buổi thực hành vu thuật diễn ra trong đêm Trung thu của người Tày tại huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Hình thức vu thuật này chính là mời chú Cuội trên cung trăng xuống trần để tiên đoán mùa vụ, tiếng Tày gọi là “Xỉnh Ò Cuội”.
Cũng như người Kinh, người Tày quan niệm chú Cuội là con mồ côi và cũng là nhân vật rất tinh nghịch. Tuy tinh nghịch nhưng Cuội của người Tày lại thật thà, chất phác. Do đó người ta đón Cuội xuống để chơi đùa với người trần và tiên đoán cho một vụ mùa mới.
Lễ đón Cuội thường được diễn ra vào những đêm trăng tròn trong thời gian từ 14 đến 18 tháng 8 âm lịch. Việc đón Cuội thường do vài gia đình hoặc thậm chí là cả làng cùng thực hiện. Người ta lưu ý lựa chọn người có kinh nghiệm, có đức hạnh để đứng ra chủ trì các thủ tục. Người này thường phải thực hiện các điều kiêng để thân thể trong sạch trong khoảng thời gian 3 ngày trước khi nghi lễ diễn ra. Ngoài ra còn phải lựa chọn một số nam thanh, nữ tú để Cuội nhập xác. Những nam thanh nữ tú này phải là những người chưa lập gia đình và là những người “yếu vía” (mỉnh bang).
Chọn được ngày giờ tốt, người ta bày một bàn thờ có đầy đủ hoa quả, bánh trái, rượu và hương đèn ra ngoài sân. Từ phía bàn thờ này, trải 1 cái cầu bằng vải trắng vào giữa nhà. Tại phía đầu cầu vải trong nhà, người ta cũng đặt một mâm lễ tương tự để Cuội vào nhà. Trước bàn thờ, chủ lễ thắp hương và đọc lời mời chú Cuội:
Cuội cuối cuồi cuôi
Dú bưởng hai rủng
Dú búng hai sloảng
Kha dại oóc mà
Kha sla oóc tứn… (địa chỉ nơi tổ chức)
Mì cộ mì bâm
Dảo Cuội lồng mà
Nai Cuội lặn oóc
Cuội mà Cuội mà
Cuội lại Cuội lại
Khoái khoái
Dịch nghĩa:
Cuội cuối cuồi cuôi
Ở cung trăng sáng
Ở cung trăng tỏ
Chân trái bước ra
Chân phải bước xuống…
Có cỗ có bàn
Mời Cuội về đây
Mời Cuội về đến
Cuội mau về đây
Cuội mau đến đây
Đến nhanh, đến mau (*)
Trong khi ông chủ lễ đang đọc lời mời chú Cuội, chàng trai hoặc cô gái được lựa chọn để Cuội nhập sẽ ngồi đối diện với ông chủ lễ và liên tục quơ lấy khói hương phả vào mặt.
Bài mời chú Cuội này được ông chủ lễ đọc đi đọc lại cho đến khi Cuội về nhập. Tuy nhiên, trong khoảng 1 giờ mà người được chọn để Cuội về nhập vẫn chưa có dấu hiệu ngây ngất thì nghi lễ coi như không thành. Còn nếu người ấy run rẩy, miệng lắp bắp và đảo người liên tục thì tức là chú Cuội đã nhập.
Để kiểm chứng xem có đúng Cuội không, người ta sẽ hỏi vài câu như chủ lễ năm nay bao nhiêu tuổi? Làng này có bao nhiêu nóc nhà?... Nếu là Cuội thì sẽ trả lời đúng. Nhưng nếu là con ma giả làm Cuội thì không trả lời được. Lúc ấy phải dùng roi dâu để dọa và đuổi nó đi. Sau đó lại tiếp tục đọc thần chú để mời Cuội về. Khi đúng chú Cuội đã về thật thì cả không gian sẽ tưng bừng nhộn nhịp tiếng cười, tiếng nói. Người ta đùa Cuội bằng những câu hỏi và trêu đùa như:
“Năm nay Cuội bao nhiêu tuổi rồi?”, “Sao Cuội đẹp trai thế?”…
Cuội sẽ đáp lại bằng những câu trả lời dí dỏm, hài hước khiến không gian giữa cõi tục và cõi thiêng như bị phá vỡ.
Sau đó, dân làng hỏi Cuội về vụ mùa. Cuội sẽ lựa lời để trả lời dân làng sao cho ai cũng cảm thấy thoải mái và tin tưởng vào một vụ mùa mới.
Khi đã hỏi xong những điều cần hỏi, người chủ lễ đọc thần chú để tiễn Cuội về cung trăng. Khi Cuội rời khỏi xác phàm, người được lựa chọn để nhập xác ngã ngửa ra sau, lúc ấy dân làng kết thành vòng tròn để đỡ.
Ngoài việc sử dụng người thật thì người Tày còn sử dụng hình nhân để Cuội về nhập. Nói là hình nhân nhưng thực tế đó là chiếc lồng gà có xuyên thanh tre ngang ở giữa thân. Thời gian tổ chức và không gian thực hiện nghi lễ cũng được bầy biện như ở cách thứ nhất. Trước khi vào lễ, người ta lựa chọn một đôi nam, nữ chưa lập gia đình và nhẹ vía để giữ hình nhân. Phía hai bên hình nhân là 1 chiếc trống và 1 thanh la để Cuội về gõ. Lời khấn mời Cuội về nhập vào hình nhân cũng giống như cách thứ nhất. Khi hai người giữ hình nhân có hiện tượng đảo đầu, mất ý thức thì tức là Cuội đã về nhập. Khi ấy, hình nhân liên tục chuyển động qua sự điều khiển của nam thanh nữ tú đã rơi vào trạng thái ngây ngất. Người ta cũng sẽ thử xem có đúng Cuội không bằng những câu hỏi. Tuy nhiên, câu trả lời không được thể hiện qua lời nói của 2 người giữ hình nhân mà qua số lần hình nhân gõ vào chiếc trống và thanh la ở 2 bên. Ví dụ: Nếu hỏi chủ lễ năm nay bao nhiêu tuổi? (51) thì hình nhân sẽ gõ vào mặt trống đúng 51 lần. Khi đã kiểm chứng đúng là Cuội rồi thì dân làng bắt đầu hỏi Cuội về những vấn đề liên quan đến mùa vụ. Ví dụ: “Năm nay làng có được mùa không?”. Lúc ấy, nếu được bội thu thì hình nhân sẽ gõ 1 tiếng trống, 1 tiếng thanh la, nếu chỉ đủ ăn thì gõ 1 tiếng trống, không đủ ăn thì 1 tiếng chiêng…
Trong dân gian, cách thức dùng hình nhân vẫn được sử dụng phổ biến hơn cách sử dụng người thật. Đồng bào cho rằng, sử dụng hình nhân sẽ tránh được những hậu quả do việc để siêu linh nhập thẳng trực tiếp vào cơ thể như mệt mỏi, đau ốm hoặc thậm chí là hồn rời khỏi xác để theo Cuội đi chơi ở cõi thiêng.
Nghi lễ vu thuật này tuy mang tính huyền bí, mê tín nhưng giúp con người giải tỏa tư tưởng và vơi bớt các nỗi lo về mùa vụ. Từ đó con người yên tâm hơn, “ăn ngon ngủ yên” hơn để trông chờ một mùa vàng hứa hẹn. Ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp ích rất nhiều cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và cũng đảm bảo cho người nông dân có một vụ mùa bội thu. Có lẽ vì vậy những phép dự đoán bằng vu thuật đã không còn là nhu cầu cần thiết trong đời sống xã hội và dần lụi tàn theo năm tháng
* Tư liệu sưu tầm từ bà Nguyễn Thị Bông, dân tộc Tày, thị trấn Thất Khê, Tràng Định, Lạng Sơn.
Nguyễn Văn Bách
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...