Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
22:37 (GMT +7)

Mây lên đèo rồi mới tiếc

VNTN - Sớm nay hãy còn làn sương mỏng đục như sữa, người bạn thân đã líu tíu gọi cho tôi. Này ông! Viết cho tôi khoảng hai trang về văn hóa Tày. Tôi hỏi lại. Hai trang? Đúng! Chỉ cần hai trang. Ới cha mẹ ơi! Văn hóa là một “sân chơi” nghiêm túc, đòi hỏi phải có kiến văn cực kì rộng lớn, tri thức cực kì tinh thâm và một tâm hồn cực kì nhạy cảm... Thử hỏi hai trang giấy nói được những gì? Hơn nữa tôi chỉ dám mon men đi bên lề công việc của người làm văn hóa. Và là một người hoàn toàn nghiệp dư, với lưng vốn hiểu biết về văn hóa quá ư vụn vặt, quá ư nông choèn, hỏi tôi làm được gì? Bạn bảo ông hãy nói cụ thể về những cái đã mất trong văn hóa Tày thôi. Đơn giản như đan rổ ấy mà. Vâng! Cái đó đang mất và dần dần sẽ mất. Khi đã mất thì khó lòng lấy lại. Cái mất dễ thấy nhất, đó là trang phục dân tộc Tày.

Bản Tày Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) Ảnh: P.V

Đây là một trong những biểu trưng quan trọng nhất của “anh” văn hoá Tày. Nhớ một thời không xa, những người dân quê tôi vẫn còn trồng bông dệt vải nhuộm chàm. Hàng năm cứ đến mùa đông là các mẹ các chị mang vải ra cắt khâu áo mới quần mới mũ mới biếu ông bà cha mẹ và cho lũ trẻ nhỏ diện trong dịp tết. Hình ảnh một thời trong các buổi chợ phiên tại quê tôi, ai ai cũng mặc áo chàm. Ai ai cũng nói tiếng Tày. Mùi chàm thơm và tiếng Tày ngọt quyện vào nhau làm thành hình ảnh quê hương miền núi vừa gần gũi vừa giản dị.

Cái mất lớn thứ hai, đó là chữ viết và tiếng nói của người Tày. Chúng tôi gọi đó là slư nam. Hình như “chúng” là “anh em kết nghĩa” với chữ Nôm của người Kinh. Vì “chúng” đều có cùng một ý nghĩa, chỉ ngữ hệ dùng để ghi chép tiếng Việt, tiếng Tày). Cả một kho tàng Slư nam Tày đồ sộ là thế, ông cha chúng tôi sáng tạo ra, để ghi lại những thư từ, điền sản, giáo huấn, thi ca… giờ đã hoang mục hoặc mất mát từ lâu. Nay chỉ còn lác đác trong các sách mo then bụt tào. Nhưng các thày tào thày mo trẻ ngày nay họ đã dùng chữ latin phiên âm vào bên cạnh để dễ bề hát xướng. Slư nam thực sự sắp trở thành phế tích triệt để rồi. Đó là nỗi đau nhức nhối, nỗi buồn dằng dặc trong lòng những người con dân tộc Tày.

Tiếng mẹ đẻ cũng đang trong cơn ác mộng, không khéo rồi một mai cũng sẽ bị khai tử nốt. Nếu đây là hiện thực, thì đó là một tấn bi hài kịch kinh khủng nhất trong đời sống tinh thần của người Tày. Giờ đây, trẻ con trong các bản làng thuần Tày đều được các bố dạy con mình nói tiếng Kinh. Khi tôi hỏi tại sao không dạy con nói tiếng Tày? Họ bảo sau này nó đi học cho kịp các chúng bạn. Tôi bảo. Khi lên mười tôi mới bập bẹ tập nói tiếng Kinh. Học từ “Ăn mỏ cái nồi/ Tuô hoi con ốc/ Tuô nổc con chim/ Tuô lình con khỉ/ Mác mỷ quả mít…” mà bây giờ vẫn viết văn làm thơ bằng tiếng Kinh thì sao. Họ chỉ cười…thế à!

Còn có một hiện tượng rầu lòng nữa. Trong đám tang chị gái tôi, có những người anh em trong họ hàng nội ngoại, đều là dân Tày đóoc (Tày mục). Tày nguyên bản. Tày nguyên chất từ chân lên đầu, nhưng họ cũng kính thưa tang chủ, kính thưa hương hồn… bằng tiếng Kinh. Đến mức này trong tôi thực sự tắt hết “điện”, không còn chỗ để than thở nữa. Có lẽ đã cạn lời rồi!

Cái mất tiếp theo là lề lối ứng xử giữa con người với con người trong quần thể xã hội, và với thế giới tự nhiên. Ngày nay không còn nghe những lời gọi vâng bảo dạ! Không còn câu cảm ơn hay lời xin lỗi. Không còn cảnh gồng gánh, tay xách, vai mang giúp đỡ cho người già đi cùng đường. Không còn cảnh nàng dâu nấu nước ấm cho bố chồng, cho mẹ chồng ngâm chân trước lúc lên giường đi ngủ. Không còn cảnh trai thanh gái lịch nép vào bên cỏ, nhường đường cho các bậc cao niên. Trước nhà không còn cảnh lau mặt rửa chân trước lúc bước lên cầu thang… Hình ảnh cái “ang” đựng nước rửa chân bằng đá, nay chỉ còn trong ký ức.

Cái mất tiếp theo là cảnh rước nước mới đầu năm. Sau tiếng pháo đùng đoàng đón giao thừa, nhà nhà, các mẹ, các chị, các em mang thùng mang bẳng ra đầu nguồn suối hay mỏ rước nước mới. Cả cánh đồng rồng rắn toàn người là người thắp đuốc sáng rực đi trên bờ ruộng trong đêm ba mươi tết. Những bó đuốc to bằng bắp đùi, cao bằng vai. Những tép đuốc chẻ bằng trúc sào đã phơi khô nỏ, lửa cháy thơm như nắng sấy. Đến bến nước, người ta chụm đuốc lại thành một cây lửa hừng hực. Rồi người ta thắp hương. Rồi người vái bốn phương tám hướng. Rồi người ta lầm rầm khấn: Con xin lạy Bố Trời, Con xin lạy Mẹ Nước! Con xin lạy Mẹ Đất! Con xin lạy Mẹ Bjooc (Mẹ Hoa). Cho nhà xin bẳng nước mới để về đun xông hơi tắm cho ông bà tổ tiên trên ban thờ. Để chúng con mang về làm bữa cỗ tết tinh tươm. Cho chúng con được ăn cái tết sạch làu làu trong văn vắt. Nước mới là lộc Trời ban…

Văn hóa cổ truyền của người Tày dường như đang mất dần theo năm tháng. Khi đời sống vật chất con người trong xã hội ngày càng được cải thiện, từng bước được nâng cao. Ánh sáng văn minh soi chiếu vào đến tận ngõ ngách bản làng người Tày. Cuộc sống con người ở thành phố và nông thôn không còn khoảng cách xa vời như trước. Vậy tại sao đời sống văn hóa tinh thần lại tóp teo một cách thảm hại?

Nên chăng ta bớt nói “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” một cách chung chung, một cách vô cảm. Hãy hành động bằng những việc làm cụ thể.

Người Tày không mặc trang phục dân tộc mình nữa

Ngày còn tại thế, cha tôi hay nói: Mây còn ở trên đồng thì hãy giữ lại. Mây lên đèo rồi mới tiếc! Những nhân chứng về văn hóa Tày còn sống, hãy tranh thủ từng ngày từng giờ sưu tầm ghi chép lại, học lại. Học một cách khẩn trương không thì hối không kịp.

Nếu có thể ngay lúc này hãy mở các lớp đạo tạo chữ nôm Tày cho cán bộ văn hóa và dạy tiếng mẹ đẻ cho con em người Tày đang sinh sống trong các thành phố. Và mở nhiều lớp đào tạo cơ bản về văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của người Tày.

Hiện nay, tại Hà Nội và các thành phố lớn, chúng tôi thấy xuất hiện các câu lạc bộ tự phát. Họ mở các lớp truyền nghề do nghệ nhân dạy hát, dạy đàn cho học sinh, sinh viên người Tày. Đây là một tín hiệu vui.

Tại một số cơ sở hoạt động mang tính chất đại chúng, hay tại các lễ hội… nhiều chị em mang trên mình sắc phục Tày. Trong lòng họ tràn đầy niềm tự hào bởi nét đẹp nền nã, dung dị của người Tày. Đó là hình ảnh quê hương tươi rói vụt dậy. Đấy là một tín hiệu vui.

Chúng tôi được biết, nhiều cháu là con em dân tộc Tày hiện sinh sống cùng gia đình ở Hà Nội, có nhu cầu học tiếng Tày. Còn có người gợi ý muốn mời chúng tôi đứng lớp dạy tiếng Tày. Đấy là tín hiệu vui.

Chúng tôi có ba cháu bé đang học trong các trường tại Hà Nội. Các cháu rất tự hào vì có mỗi mình con là người dân tộc Tày. Đó là tín hiệu vui.

Văn hóa các dân tộc trên toàn thế giới nói chung, tự nó có một sức sống âm thầm nhưng bền bỉ. Văn hóa Tày cũng vậy, tự nó có năng lượng tiềm tàng, mạnh mẽ và tinh thần bất diệt ở trong mỗi người con dân tộc Tày. Rồi sẽ đến một ngày văn hóa Tày được phục hưng. “Hãy tin ở hoa hồng”!.

Y Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy