Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
04:44 (GMT +7)

“Mật lệnh màu của lửa” và những chiến công

(Đọc “Mật lệnh màu của lửa”, Nhà xuất bản Hồng Đức năm 2022)

Khoảng ba chục năm gần đây, đề tài về người chiến sĩ công an nhân dân đã trở thành mối quan tâm của nhiều nhà văn và của bạn đọc trên cả nước. Những cuộc thi tiểu thuyết, truyện ngắn, kí về đề tài vì an ninh Tổ quốc cùng các giải thưởng Cây bút vàng, Giải thi viết về Chiến sĩ cảnh sát nhân dân, về người chiến sĩ công an cơ sở… được Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Những tác phẩm về đề tài này xuất bản, tái bản với số lượng nhiều nghìn bản, được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Có thể nói, Việt Nam đã và đang hình thành một dòng văn học về đề tài người công an nhân dân. Nhiều tác phẩm của các nhà văn như Hữu Mai, Hồ Phương, Lê Tri Kỷ, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Thiều… đã ghi được những dấu son trên văn đàn cả nước. Tập bút kí “Mật lệnh màu của lửa” của các tác giả thuộc Chi hội Văn xuôi - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã ra đời trong bối cảnh ấy.

Nhìn chung, các tác phẩm viết về đề tài người chiến sĩ công an thường có sức lôi cuốn độc giả. Nhưng công bằng mà nói, viết về đề tài công an, do đặc trưng nghề nghiệp, các tác giả thường gặp phải những khó khăn không nhỏ, từ công việc thâm nhập thực tế, tiếp cận nhân vật, đến sự ít nhiều dè dặt trong việc công bố thông tin…

“Mật lệnh màu của lửa” là một tác phẩm phản ánh cuộc sống và chiến đấu của cán bộ chiến sĩ công an tỉnh Thái Nguyên trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong thời bình. Cuốn sách là thành quả của quá trình tìm tòi và sáng tạo của các hội viên Chi hội Văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên.

Qua cuốn sách, hình ảnh, phẩm chất và chiến công của nhiều cán bộ chiến sĩ công an Thái Nguyên đã được tái hiện một cách chân thực với nhiều chuyên án, vụ án phức tạp. Tập bút kí giúp bạn đọc chứng kiến những cuộc chiến mềm dẻo, thầm lặng nhưng cam go, quyết liệt đến từng giây từng phút của các chiến sĩ an ninh và chiến sĩ cảnh sát. Ngoài ra, cuộc sống và công việc thường ngày của những chiến sĩ công an như “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tiếng nói của người dân” cũng được thể hiện trong cuốn sách một cách khá sinh động.

Có thể nói, tập bút kí giống như một biên niên sử thu nhỏ của ngành công an tỉnh Thái Nguyên bằng văn học. Các tác giả đã tái hiện một cách thành công hình ảnh người chiến sĩ công an tỉnh Thái Nguyên cả trong quá khứ và hiện tại. Hình ảnh người chiến sĩ công an trong trận giặc Mỹ ném bom cầu Gia Bảy đã trôi qua gần sáu mươi năm đã được hồi ức qua bút ký “Mật lệnh màu của lửa” của Phan Thái đã gây được xúc động mạnh đối với độc giả: “…Tôi suýt chết trong trận bom. Hôm ấy bố tôi có việc, đèo tôi đi cùng. Khi về gần tới cầu Gia Bảy, còi báo động rúc lên riết róng. Một chú công an hướng dẫn bố con tôi và mọi người nhanh chóng xuống hầm trú ẩn phía bên trong Bảo tàng Việt Bắc (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Vừa vào trong hầm, tiếng máy bay đã rú rít cùng tiếng pháo phòng không bắn lên giòn giã. Chú công an đứng ngoài cửa hầm nhắc mọi người ngồi co hai chân, bịt tai. Bất chợt những tiếng nổ lớn làm tôi giật nảy người…”. Bài viết “Cha con người anh hùng” của Bùi Nhật Lai là một tác phẩm mô tả khá tỉ mỉ về anh hùng liệt sĩ Dương Như Thực, Đội trưởng Đội Hình sự - Kinh tế, Công an huyện Phú Lương trong vụ truy đuổi bọn cướp hung hẵn, có vũ khí cách đây hơn ba mươi năm trên địa bàn huyện là những trang viết khá sinh động: “Khi áp sát xe ô tô, đồng chí Thực tìm cách vượt lên nhưng xe ô tô chở bọn cướp đánh võng trên đường. Đồng thời, chúng thả bàn chông sắt, cùng hành lý của khách xuống đường, không cho xe Công an vượt lên. Tổ công tác 2 lần nổ súng cảnh cáo nhưng bọn cướp khống chế lái xe bắt cho xe chạy với tốc độ tối đa. Vừa chạy chúng vừa bắn trả quyết liệt về phía lực lượng truy đuổi.

Mặc dù biết bọn cướp đang chống trả quyết liệt để tẩu thoát. Song với tinh thần dũng cảm, kiên quyết truy bắt tội phạm, không để chúng tiếp tục gây tội ác, đồng chí Thực tắt đèn xe, lái xe tránh đường đạn của bọn cướp và tăng tốc độ vượt lên, tạo điều kiện cho đồng đội chặn bắt bọn cướp. Bám đuổi đến địa phận xã Phấn Mễ km 18 + 300 đồng chí Thực trúng đạn bắn trả của bọn cướp và hy sinh trên đường đi cấp cứu”.

Những sự việc, những câu chuyện như những truyền kì còn lưu lại trong sử sách và dân gian về Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Lê Cường trong bài viết “Thanh bảo kiếm của lực lượng công an” của Trần Chín cũng là một trong những dấu ấn khó phai mờ. Sự việc đã trôi qua hơn hai mươi năm nhưng cho đến tận ngày hôm nay, người dân tỉnh Thái Nguyên chắc vẫn chưa quên vụ đối tượng “Dũng vít” (thường trú phường Tân Long) vì một mắc mớ cá nhân đã đeo khối nổ TNT, một tay đặt trên công tắc điện, một tay cầm bật lửa ga xông vào trụ sở Công an thành phố Thái Nguyên để đe dọa, đòi yêu sách, sẵn sàng sống chết với lực lượng công an. Chính trong giây phút một mất một còn ấy, chiến sĩ công an Lê Cường không phải bằng áp chế mà với thái độ mềm dẻo, thân thiện, công tâm đã thuyết phục được tên Dũng tháo bom nhận tội. Trong bài kí “Thương hiệu Cảnh sát Hình sự” của Mai Linh Lan cũng đã gợi nhắc lại những thành tích xuất sắc của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên, đơn vị được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1998, đồng thời truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 liệt sĩ: Trung úy Nguyễn Văn Tiền và Nguyễn Văn Nhất. Những hình ảnh hào hùng ấy còn sống mãi trong tâm khảm người dân Thái Nguyên.

Tiếp bước truyền thống, người chiến sĩ công an nhân dân trong thời kì hiện tại cũng luôn là những tấm gương sáng. Đó là Đại tá Đỗ Văn Hùng, Thượng tá Trần Hùng trong các chuyên án buôn bán thuốc nổ, ma túy, tiền giả… qua bài “Đằng sau cuộc điện thoại lúc nửa đêm” của Nguyễn Minh Trọng; đó là thiếu tá Đoàn Văn Cường cùng đồng đội đã vất vả ngày đêm “Ăn không trọn bữa, ngủ không trọn giấc, nghỉ không trọn ngày” để đấu tranh với bọn chuyên cướp giật tài sản, trả lại những ngày bình yên cho nhân dân trong bút kí “Tiếng nổ trong đêm vắng” của Ngọc Thị Lan Thái.

Ngoài những cuộc chiến trực diện, nóng bỏng với tội phạm thì những cuộc đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng lại là một cuộc chiến thầm lặng nhưng cũng đầy gian truân, căng thẳng, phức tạp. Địa bàn Thái Nguyên vốn là một vùng đất bán sơn bán địa, có nhiều dân tộc cư trú nên là một địa bàn khá thuận lợi cho các tổ chức truyền đạo trái phép hoạt động. Đây là một công việc đòi hỏi sự tế nhị. Không chỉ là thái độ cứng rắn, kiên quyết mà điều quan trọng hơn là phải hiểu dân, cảm thông sâu sắc với dân mới có thể thành công. Theo lời của Thượng tá Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Thái Nguyên, ta đã thấy rõ điều này: “Chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo Công an tỉnh và các cấp chính quyền một số chính sách nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Đó là giải pháp bền vững để giữ vững an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Công việc của chúng tôi không tiếng súng, lặng thầm mà quyết liệt. Mỗi chiến sĩ công an trong đơn vị là một người con của xóm, bản; gần gũi với nhân dân, lấy buồn vui của nhân dân làm buồn vui của mình. Mục đích cuối cùng là góp phần giữ cho cuộc sống này bình yên…” (Lặng thầm bước chân qua ngõ - Minh Hằng).

Các chiến sĩ công an cơ sở xã, thị trấn - một lực lượng mới được thành lập của ngành công an cũng được các tác giả khai thác khá triệt để. Nữ thiếu tá Nguyễn Thị Yến Hằng công an xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, một nữ chiến sĩ nhiều năm sát cánh kề vai, thân thiện như người trong gia đình, thậm chí như ân nhân của người dân trong bút kí “Bông hoa thép” của Đào Nguyên Hải và thiếu tá Cao Thị Việt Hoa, Phó Trưởng Công an phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên trong bút kí “Đời không như phim” của Thanh Xuân là những hình ảnh tiêu biểu cho lực lượng cảnh sát phường, xã.

Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập đến loại tội phạm công nghệ cao tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, giới thiệu mua bán giấy tờ giả, đánh cắp thông tin cá nhân rút tiền tài khoản ngân hàng trên mạng… Đây là loại tội phạm mang tính đặc thù, đòi hỏi các chiến sĩ công an phải có đầy đủ kiến thức về công nghệ thông tin và cần rất nhiều công sức, thời gian mới có thể lôi chúng ra ngoài ánh sáng. Đúng như thượng úy Ngô Văn Hà, Đội phó Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: “triệt phá loại tội phạm này chẳng khác gì vào “động bàn tơ” đầy rẫy những lớp tường bảo mật giăng mắc để bắt “nhền nhện”. Nếu lực lượng chức năng không sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhanh chóng và kịp thời thì các đối tượng sẽ nhanh chóng xóa dữ liệu tiêu hủy chứng cứ chỉ với một cú click chuột, gây khó khăn trong việc thu thập, phục hồi chứng cứ” (Vào động “bàn tơ” triệt phá những “ổ nhền nhện” - Mai Linh Lan).

Là một trong những lực lượng quan trọng của ngành Công an nhưng người viết thường dễ bỏ qua, đó là Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tỉnh Thái Nguyên. Nhưng ở trong cuốn sách này đã được tác giả Đồng Khắc Thọ mô tả một cách kĩ lưỡng từ ngày thành lập đến các thành tích, chiến công qua từng giai đoạn lịch sử.

18 tác phẩm của 17 tác giả trong cuốn sách đã giống như một bức tranh toàn cảnh phản ánh khá đầy đủ các mặt hoạt động của ngành Công an tỉnh trong nhiều năm qua. Ngoài giá trị thông tin cần có đối với thể loại kí, một số bài viết đã cố gắng nâng cao nhằm thuyết phục người đọc bằng giá trị thẩm mĩ.

Đây là lần đầu tiên có sự phối hợp ngoạn mục giữa các cây bút thuộc Chi hội Văn xuôi Thái Nguyên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên với Công an tỉnh, mà thành quả đáng mừng là sự ra đời của cuốn sách “Mật lệnh màu của lửa” được xuất bản và phát hành toàn quốc trong năm 2022.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy