Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:50 (GMT +7)

Mai

Truyện ngắn. Anh Thư

VNTN - Bữa cơm chiều cuối năm. Mẹ mừng vì tôi về sớm hơn lời hẹn một ngày. Hỏi han đôi chút về công việc của tôi rồi mẹ thủng thẳng:

- Lát nữa ghé qua nhà chú thím Thao chơi chút con ạ. Tội nghiệp. Năm nay thế là mất Tết rồi.

- Mất Tết là thế nào ạ? Chú thím bị làm sao hả mẹ?

- Ờ, chú thím bị làm sao có khi còn may. Đây lại không phải, cái con Mai nó mê lô đề, vay nóng của người ta, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần thế nào tới gần hai tỉ bạc. Cả thị trấn đang phát sốt lên vì chuyện ấy đấy.

- Trời, gần hai tỉ? Chơi gì mà khiếp thế! Lấy tiền đâu mà trả cho nó bây giờ?

- Thế mới nên chuyện. Chú thím Thao khóc dở mếu dở. Chú Thao còn dọa giết con Mai. Mấy hôm mẹ phải bảo nó sang nhà mình ngủ đấy. Rõ khổ. Mà cái con này cũng hỏng rồi. Hết yêu đương trai gái rồi lại cờ bạc. Trông xinh xắn là thế, ai ngờ...

Mẹ mang nồi niêu bát đĩa đi rửa. “Ngồi nghỉ tí rồi sang chú chút con ạ. Tội nghiệp. Mà chả riêng chú thím đâu. Người làng bây giờ khác lắm, không như xưa con ạ. Khối nhà cha con vợ chồng đánh chửi nhau cũng chỉ vì cờ bạc, lô đề, gêm gủng đấy. Thời buổi khó khăn nhộn nhạo, con ở trên đấy phải giữ mình cẩn thận!”.

***

Mai là con gái đầu lòng của chú thím Thao - họ hàng đằng bố tôi.  Sau Mai còn hai em trai. Đứa lớn vừa tốt nghiệp lớp cao đẳng nghề, còn thằng út thì đang học trung cấp kế toán. Mai cũng học trung cấp hay cao đẳng gì đó, mới đi làm chừng hơn năm nay. Chú Thao trước kia là bộ đội, hết nghĩa vụ quân sự rồi chuyển sang làm công nhân nhì nhằng ở nhà máy giấy gần nhà. Khi chú lấy thím cũng là lúc nhà máy giấy giải thể. Chú ở nhà trông con để thím yên tâm chạy chợ, ngày hai buổi sáng chiều giúp vợ dọn hàng ra dọn hàng vào. Thím Thao là dân buôn bán, có phần ghê gớm lắm điều còn chú ít nói nhưng cục tính. Vợ chồng thỉnh thoảng cãi nhau, lời qua tiếng lại vài câu là chú thượng cẳng chân hạ cẳng tay luôn, khiến thím Thao nhiều khi bầm tím mặt mũi, ra đường mọi người hỏi làm sao, thím nói dối em bị ngã. Có lần chả biết mâu thuẫn gì mà chú khóa trái cửa, quấn tóc thím vào chân giường rồi đánh thím bằng thắt lưng da. Mẹ tôi sang, thấy cửa đóng im ỉm, tiếng thím Thao gào khóc ở bên trong, mẹ lay gọi cửa, xin chú thế nào chú cũng không mở, còn mắng mẹ tôi là nhiều chuyện. Khi Mai được sáu tháng tuổi, vợ chồng cãi nhau một trận kịch liệt. Đêm khuya, chú trói vợ trong nhà rồi bọc con vào chăn mang để ở gốc cây ven đường rồi trở về, định bụng tẩm xăng đốt nhà để hai vợ chồng cùng chết. Sau nghĩ thế nào chú lại vứt can xăng đi, quay trở lại gốc cây tìm con. May quá Mai chưa làm sao, chỉ đang khóc ngằn ngặt, tím tái vì lạnh. Sau lần kinh hoàng đó, vợ chồng chú yên lành được vài tháng. Rồi lại cãi nhau, lại đánh nhau.

Chuyện xô xát của vợ chồng chú trở thành chuyện cơm bữa, có khi lâu lâu không thấy, hàng xóm lại nhớ cũng nên. Ấy vậy mà chú thím cũng ăn ở với nhau mấy chục năm, có với nhau ba mặt con, kinh tế lại vững vàng, không quá dư dả nhưng cũng đủ sức lo việc ăn việc học cho mấy đứa. Nhiều lúc mẹ tôi cứ chép miệng than rằng chú cục tính như vậy, giá mà thím bơn bớt lời đi, một điều nhịn chín điều lành. Đằng này lại cứ ngoa ngoắt, nói dài nói dai, thằng đàn ông nào nó chả bực, nó chả nện cho. Nó nện cho mà vẫn nhảy dựng lên thì nó càng nện đau. Bây giờ con cái lớn cả rồi, vậy mà thỉnh thoảng chú vẫn đánh thím và thím vẫn chửi chú mày là thằng ấy thằng nọ. Thế rồi tối lại ăn chung mâm ngủ chung giường. Nghĩ cũng buồn cười.

Nhưng chú Thao không chỉ đánh vợ mà đánh con cũng rất đau. Đứa chịu đòn nhiều nhất là Mai. Lỳ đòn nhất cũng là Mai. Chẳng biết có phải Mai đã quen đòn roi rồi không mà bố đánh cứ đánh, việc Mai làm cứ làm. Sai cũng không sửa. Mai giống tính bố hay tính mẹ, hay tích hợp được của cả bố cả mẹ? Năm học lớp 4, Mai lập thành tích trèo tường đi chơi với bạn trai, về nhà bị trói vào xó cửa. Lớp 8, Mai bỏ học đi cùng mấy đứa bạn trong hội kín. Chú Thao bắt gặp, không nói không rằng xông vào tát con tới tấp rồi lôi về nhà, lấy kéo cắt tóc Mai nham nhở. Lớp 12, sau khi lĩnh một trận đòn nhừ tử của bố xong, Mai ngồi dậy bình tĩnh nói: “Bố đánh tiếp đi. Đánh cho chết đi. Con không còn muốn sống ở cái nhà này nữa”. Chú Thao nghe con nói vậy thì sợ, quẳng roi đi và bỏ sang nhà tôi ngồi khóc. Rồi Mai tốt nghiệp phổ thông. Cô chú cũng cạy cục chạy vạy cho Mai đi học nghề. Hết hai năm trung cấp không có điều tiếng gì. Tưởng thở phào được vì cái Mai đã lớn, đã thay đổi. Cô chú lại cạy cục chạy vạy xin cho Mai vào làm ở ngân hàng huyện. Mai ngày hai buổi quần đen áo trắng đồng phục giao dịch với khách hàng. Rồi Mai đưa người yêu về giới thiệu. Hai bên gia đình đã bàn bạc chuẩn bị đám cưới. Ai cũng mừng cho Mai, mừng cho chú thím Thao. Đùng một cái, cả chục tay anh chị ào đến, vứt trứng thối, đổ dầu máy vào nhà, tay dao tay kéo đòi nợ số tiền gần hai tỉ bạc.

***

Tôi sang nhà chú thím Thao. Ánh điện nhợt nhạt. Bữa cơm tối vẫn đậy lồng bàn nguội tanh nguội ngắt. Hai mươi chín Tết mà trong nhà tịnh không hương vị. Chú thím đang đánh vật với mấy chậu quần áo to đùng. Thì ra hồi chiều, mấy thanh niên choai choai lại hắt dầu máy vào nhà, làm bẩn hết cả dây quần áo mà thím Thao treo bán trước cửa. Thím Thao nghèn nghẹn “Giặt thì giặt vậy thôi chứ khách nào người ta còn mua nữa. Nhục nhã quá. Khốn nạn quá cháu ạ”. Chú ca cẩm “Tết nhất gì. Có mỗi con gà mà hồi chiều nó còn xổng dây buộc chạy mất dép nữa là. Nhà này đến hồi mạt vận rồi cháu ạ”. Tôi vừa bùi ngùi vừa thấy như muốn cười. Chú nói mạt vận là hơi nặng, nhưng ngẫm ra lại đúng cũng nên. Hai mươi chín Tết, có mỗi con gà còn không giữ được, lấy gì cúng tổ tiên. Tôi hỏi em Quang và em Hanh đâu. Chú bảo chúng nó đi chơi rồi, thôi cho chúng nó đi, ở nhà làm gì, thành của nợ hết à. Thế em Mai đâu ạ? Tôi rụt rè. Thím hất mặt, giọng chì chiết “Đang ở trong phòng ấy. Còn đi đâu được nữa. Sao nó không chết đi cho thím rảnh nợ”. Chú trợn mắt nhìn thím: “Đã bảo im đi, đừng nói nữa cơ mà. Nói nữa tao đập chết”. “Ông thì lúc nào cũng đập. Mở miệng ra là đập. Hết đập vợ rồi lại đến đập con”. Chú giơ tay lên, nghiến răng: “Con này, mày...”. Thím nhìn chú thách thức: “Đây, ông đánh tôi đi. Bao nhiêu lần ông muốn giết tôi rồi. Ông giết tôi đi rồi sống một mình mà trả nợ”. Chú cụp mắt, hạ tay xuống, từ tốn bảo tôi: “Thôi vào nhà đi. Chú pha ấm nước”.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế lạnh lẽo. “Cháu mới về hồi chiều. Mẹ cháu cũng nói chuyện sơ sơ. Cháu sang thăm chú thím và các em. Đầu đuôi thế nào hả chú”. “Thì đấy. Còn đầu đuôi gì nữa. Cả thị trấn đang náo loạn lên kia kìa. Con Mai nó hư quá cháu ạ. Nó giấu chú thím chơi lô đề, mà lại nuôi toàn con to thôi. Đi làm được đồng nào nướng vào đấy hết. Rồi vay người ta. Toàn vay nóng. Lãi mẹ đẻ lãi con, chúng nó tính ra đến gần hai tỉ bạc. Chú thím lấy tiền đâu mà trả cơ chứ. Cái nhà này bán đi. Bán cả mảnh đất định để cho thằng Quang cưới vợ. Rồi bao vốn liếng dành dụm làm ăn gom vào cũng chẳng đủ. Mà bán nhà đi thì ở vào đâu. Đấy, cháu về thì biết đấy. Hôm nay nó vứt dầu máy vào. Ngày qua nó ném trứng thối, nhẹ thì gạch đá bùn đất. Ngày khác thì nó dọa tẩm xăng. Nó còn chặn đường cả thằng Quang thằng Hanh nữa. Nửa tháng nay chú có biết miếng cơm miếng nước mùi vị gì đâu”. “Sao chú không báo công an”. “Báo gì nữa. Con mình vay tiền của người ta, có giấy cam kết hẳn hoi. Mà…”, chú bỏ lừng câu nói. “Sự việc đã vậy rồi, chú đừng đánh mắng em. Nó cũng khổ lắm chú ạ. Nó mà nghĩ quẩn làm quẩn thì cô chú còn khổ hơn”. “Ôi dào, nó bôi gio trát trấu vào mặt cô chú thế này còn chưa đủ hay sao. Có thêm một tí nữa cũng được”. “Thế chuyện cưới xin của em, cô chú định thế nào” “Còn định gì nữa. Nghe phong thanh, nhà trai người ta đã hủy hết rồi. Trước cũng định ra giêng là ăn hỏi đấy”. “Thế thì bạc thật. Người yêu của nó cũng chịu à”. “Trách con mình chứ trách gì người dưng hả cháu. Ai dám rước cái ngữ ấy về làm vợ làm dâu. Nó phá tan nát nhà người ra ấy chứ. Ở cái xó xỉnh này rồi cũng điều tiếng đến già thôi”.

Tôi ghé vào phòng Mai. Em ngồi thu lu trong bóng tối. Tôi bật đèn. Em một tay che mặt, một tay xua xua ra ý bảo tôi về.

- Này, đừng tính đuổi anh đi nhé. Anh em mình vẫn như ngày xưa mà.

- ...

- Chuyện đã qua rồi, em đừng làm điều gì dại dột nhé.

Mai đưa tay lên che mặt, đôi vai rung lên thổn thức.

- Hay... hay là anh... anh cho em lên thành phố với anh...

Tôi lúng túng. Tình huống này tôi hoàn toàn chưa nghĩ đến.

- Lên thành phố? Rồi em ăn đâu, ngủ đâu được?

- Anh cho em ở nhờ một thời gian. Em nằm đất cũng được. Rồi em đi kiếm việc làm. Ở nhà này em chết mất.

- Còn bạn trai của em?

Mai ngẩng mặt lên, lau nước mắt, cười gằn.

- Anh ta nói vẫn yêu em. Nhưng bố mẹ anh ta không cho phép cưới em nên anh ta không thể. Em rủ anh ta bỏ trốn, anh ta không đồng ý. Đồ hèn.

Hai tiếng “đồ hèn” Mai đanh giọng, ánh mắt chợt tối lại, y như cái hôm em bị bố chặn đường lôi về cắt tóc, khi em đang cười hớn hở cùng lũ bạn. Hôm đó, tôi chỉ dám đứng từ xa, đâu có dám ra mặt bênh em.

Tôi lúng túng:

- Cuộc sống trên thành phố không như em tưởng đâu. Rất nhiều cạm bẫy. Em lại là con gái.

Mai hất đầu, môi mím lại thách thức:

- Hừ, cuộc sống ở trong cái gia đình này lúc nào cũng như địa ngục. Động nói là đánh. Động nói là chửi. Đến thế em còn chịu được nữa là. Mà em còn cái quái gì để mất nữa cơ chứ.

Một vệt đau chạy dọc ngực trái tôi. Cô bé Mai ngày nào tôi thân thiết, xinh xắn, nhanh nhẹn, đôi mắt to đen bướng bỉnh và tiếng cười giòn giã. Cô bé Mai luôn về nhất trong mọi cuộc chơi cùng chúng bạn. Cô bé ngày xưa ấy đâu rồi!?

- Nghe anh này, Mai. Đằng nào thì chuyện không may cũng xảy ra rồi. Anh chàng người yêu của em đối xử với em như thế thì em cũng chẳng nên tiếc làm gì. Con người ấy không thể cùng em đi suốt cuộc đời được. Ở đây em còn có việc làm. Lên thành phố thì chẳng biết làm gì cả.

- Có chứ, đầy việc. Em đi làm osin, em đi làm ca ve, được chưa? Những việc ấy còn nhiều tiền hơn là mài đít quần ở cái phố huyện này.

Tôi đắng họng. Một thằng sinh viên tỉnh lẻ mới ra trường như tôi, lương tháng vài triệu loay hoay không đủ sống thì có thể giúp được gì em, khuyên được gì em cơ chứ!

- Anh về nhé. Lúc khác anh lại sang. Em cứ suy nghĩ về lời anh nói nhé. Rồi anh em mình lại trao đổi tiếp.

Mai nhìn theo tôi cái nhìn khô khốc. Là tôi đoán thế, trong bóng tối.

***

 Kì nghỉ Tết Nguyên đán qua mau. Đến khi xếp ba lô trở lại thành phố, cầm cặp bánh chưng mẹ đưa, tôi mới nhớ ra là mình chưa gặp lại Mai. Chẳng biết mấy ngày Tết em có đi đâu không hay lại ru rú xó buồng. Thôi kệ. Có gan ăn cắp có gan chịu đòn. Em lì lợm thế cơ mà.

Trở về nhà vào dịp tết Đoan ngọ, mẹ đi vắng, tôi tạt sang nhà chú thím Thao. Cảnh nhà hiu hắt, nghe rõ cả cánh muỗi bay trong xó tối. Chú Thao rót trà ra hai cái chén ố vàng.

- Uống nước đi.

- Vâng. Các em đi học đi làm hả chú?

Chú Thao thủng thẳng:

- Thằng Hanh học ở dưới trường. Thằng Quang mấy bữa nay xin làm cho một cửa hàng vi tính trên thị xã. Thím mày thì đi lấy tiền hàng.

- Còn em Mai ạ?

- Nó bỏ nhà đi rồi.

Chú Thao thốt lên câu cụt ngủn rồi ngồi im. Nắng chiều hắt chéo qua khung cửa tạo thành một vệt dài. Dáng chú Thao ngồi nghiêng nghiêng khắc khổ.

Tôi cũng im lặng. Thoáng ngạc nhiên qua đi. Trong lòng tôi như vỡ ra một điều gì.

- Mai bỏ nhà đi lâu chưa ạ?

- Hai tháng nay rồi.

- Trước khi đi, Mai có nói gì với chú thím không?

- Không, nó không nói gì cả.

- Chú thím đã đi tìm Mai chưa?

- Chú có lên thành phố mấy lần. Cũng vẫn hỏi thăm, nhờ người tìm nó đấy. Nhưng trời đất mênh mông thế này, biết nó ở đâu! Chỉ sợ nó theo người ta dỗ ngon dỗ ngọt rồi bỏ thân ở xứ người, cháu ạ.

- Chắc không đến nỗi ấy đâu. Mai cũng lớn rồi mà chú.

- Hừ, cái con này lì lợm lắm. Cứ yên yên vậy thôi nhưng trong đầu nó nghĩ gì thì chẳng ai hay. Cũng tại chú đợt vừa rồi nóng giận, đánh nó nhiều quá. Mà thím mày, hơi một tí là nhảy lên chồm chồm, làm tao đã sốt ruột lại càng nóng tiết.

- ...

- Nó là đứa chịu đòn nhiều nhất. Thằng Quang thằng Hanh chú chỉ vác roi lên là chúng đã sợ chạy mất rồi. Còn con này thì cứ đứng đấy, trơ ra.

          ...

- Nợ nần của nhà mình trả đến đâu rồi hả chú?

- Thu vén mãi thì cũng mới trả được non nửa thôi cháu ạ. Hoàn cảnh mình thế này, ai người ta dám cho vay...

- Họ lại xiết lãi ngày thì sao ạ?

- Xiết đến đấy chứ còn xiết thế nào nữa. Mẹ cha chúng nó. Không cứng với chúng nó thì chúng nó cứ được đà. Chú phải chơi bài ngửa đấy. Nó mà dám động đến cái nhà này thì chú cũng sống chết với chúng, dù có phải đi tù chăng nữa... Con với cái. Biết thế ngày xưa cứ vứt mẹ nó ở gốc cây, sống chết thế nào kệ mẹ nó. Đằng này... Già rồi mà nó vẫn làm tình làm tội mình thế này...

Chú Thao vò đầu, khuôn mặt nhăn nhúm khổ sở. Trông chú như cọng khoai môn héo trong bóng chiều nhập nhoạng. “Bụp”... “bụp”... Tiếng xe máy rồ ga. Tiếng cười khả ố của mấy gã choai choai trượt qua vọng lại. Mùi tanh tưởi bốc lên.

- Mấy thằng chó chết lại ném cái gì vào nhà rồi. Vài ngày quấy rối một lần. Nó có để yên cho chú thím làm ăn đâu.

- Để cháu ra xem thế nào.

- Thôi, không cần ra chú cũng biết là cái gì rồi. Cháu về đi. Để đấy rồi tí chú ra dọn. Dọn bây giờ, nó quay lại thì mất công.

Chú Thao thở dài ngao ngán rồi vào giường nằm. Tôi chùng chình thả bộ về nhà. Không biết mẹ về chưa. Mai đã bỏ đi hai tháng nay mà trong những lần gọi điện thoại cho tôi, mẹ tuyệt nhiên không nói chuyện. Chắc mẹ không muốn tôi dính líu đến Mai. Một cô gái như thế, cờ bạc ăn chơi như thế, chả ai muốn liên hệ làm gì, vạ thân.

“Hay anh cho em lên thành phố với anh!”

Đôi mắt to đen của Mai lại nhìn xoáy vào tôi. Tôi đã quên bẵng em. Tôi đã từ chối em. Từ chối như một thằng hèn.

Điện thoại trong túi quần tôi réo vang. Là mẹ gọi.

“A lô. Mẹ ạ”. “Ừ con về lúc nào sao không báo cho mẹ?” “Con vừa về thôi. Mà mẹ đang ở đâu đấy ạ?” “Ối trời, thằng cháu bà Ngọ đòi tiền chơi gêm. Bà ấy không đưa, thế là nó nổi điên lấy dao đâm bà. Đang đưa vào viện đây này. Mất nhiều máu lắm. Chả biết thế nào. Vậy nhé. Mẹ sẽ gọi cho con sau nhé”.

Tút! Tút! Tút! Mẹ vội vàng tắt máy khiến tôi không kịp hỏi câu gì.

Hơi nóng đầu mùa hạ ngột ngạt. Ráng chiều đỏ quạch phía xa. Làng quê tôi đang lên cơn sốt.

Mai ơi, em ở đâu?

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước