Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
20:35 (GMT +7)

Lubki – tranh truyện của Nga

VNTN - Trước khi có những cuốn truyện in như bây giờ, ở Nga từ thế kỷ 16 tới 19, đã từng lưu hành một loại tranh in những mẩu chuyện dân gian, tôn giáo và thời sự. Gọi là tranh lubki, một thứ tranh khắc gỗ đã du nhập từ Trung Quốc, Đông Á, vào xứ sở bạch dương. Và di vật hiện tại còn lưu giữ lâu đời nhất là một số cảnh tượng, nhân vật trong đạo Cơ Đốc chính thống phương Đông, được in vào năm 1625 tại Kiev, nay thuộc Ukraine và để trang trí cho các ban thờ, nhà cửa dân gian ở lớp bình dân.

 

Chim thiên đường thế kỷ 19

Tranh lubki khai thác khá nhiều đề tài, song đa số là những bài học dạy đời, ngụ ngôn, dí dỏm, hài hước với mục đích thư giãn, giải trí là chính. Ở đó, có sự phân biệt thiện ác cùng nhiều thế lực, địa vị trong xã hội nhằm so sánh, đả kích hoặc tán tụng họ. Con người thường được hóa thân vào các con vật, ví dụ như con mèo, con chuột, con gấu, con dê, thậm chí con chim… và nổi bật nhất là hai chủ đề mèo Kazan (mèo lớn) và thử táng miêu (chuột chôn mèo) hay lễ tiễn đưa của nhà chuột. Mèo lớn là một nhân vật chỉ quan chức, vua chúa, có quyền cai trị, áp đặt thần dân, nên rất đáng bị chê trách. Còn chuột chôn mèo là ám chỉ một ngày hội khi người dân không còn bị áp bức nữa, thế nhưng nó chỉ là một sự mong ước về một thế giới đảo ngược, chứ ít khi thành sự thực.

Một nội dung nữa cũng hay được nhắc tới là những con chim thiên đường Sirin và Alkonost, vẻ ngoài thì rất đẹp đẽ, giống như tiên sa, với giọng hát ngọt ngào, say đắm, song thực ra là muốn ru ngủ, lôi kéo người ta đến chết, và là một bài học nhắc nhở ai nấy tránh xa những lời đường mật, cám dỗ. Cùng các loài vật, cũng có hình ảnh người dân làm chủ muôn loài, cưỡi trên chúng, thực thi công việc. Kế đó là các vị thánh thần, quỷ quái, anh hùng, các câu chuyện về Chúa, sự thương khó của Ngài, buổi phán xét cuối cùng và nhiều nhân vật trong kinh phúc âm, cũng như dân gian trong các sinh hoạt ca hát, tiệc tùng, vui chơi trong các lễ hội như Maslenitsa chẳng hạn.

Là một loại tranh dân gian, nhất là tranh truyện in thủ công, nên lubki phải rất rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu. Tranh cũng phải cực rẻ để dân nghèo ai cũng mua nổi và thường bán ở mỗi phiên chợ khắp làng quê cho tới thị thành, vương phủ. Có rất nhiều lý giải về tên gọi của tranh, ví dụ như nó được lấy dựa theo những cái hộp đựng đồ, đeo đằng sau lưng của các thương nhân, làm từ một loại gỗ quen thuộc - lub, song đa số đều nhận định rằng tranh được in từ gỗ hoặc xuất phát từ Lubiankha khu phố của những nghệ sĩ lang thang. Ban đầu, người xưa khắc trên gỗ, rồi in lên giấy, song đến thế kỷ 18 thì chạm trên đồng và vào thế kỷ 19 thì dùng kỹ thuật in thạch bản, giúp cho hình ảnh chi tiết và phong phú hơn. Dù là công nghệ gì, sau khi in, thường chỉ có những hình đen trắng, thợ in đều phải tô màu bằng tay với đủ các màu sặc sỡ, tự chế. Cuối cùng là đưa vào tranh các dòng chữ để hình thành ra các câu chuyện mà cũng phức tạp, cầu kỳ không kém khi viết bằng tay. Nói chung, đây chính là tiền thân của truyện tranh hiện đại.

Tồn tại trong hàng thế kỷ, gồm thế kỷ 17 là thời hoàng kim, thịnh trị nhất, song lubki mới được cả năm châu biết tới lần đầu tiên vào năm 1861 khi có người xuất bản cuốn sách “Tranh lubki trong nghệ thuật dân gian Nga” và nổi tiếng hơn vào năm 1881 nhờ cuốn sách “12 tập Tranh dân gian nước Nga” của Dimitrii Aleksandrovich Rovinski, một nhà sưu tập tranh lừng danh tại thủ đô Moscow. Qua hai ấn phẩm này, sự hài hước của người Nga và yêu thích các con vật, thần linh, biểu tượng được thế giới ghi nhận. Không chỉ mua vui bằng những hình ảnh sặc sỡ, lubki còn là những cuốn từ điển về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và các quan niệm của người Nga về thế giới, một trái đất đầy những kỳ diệu. Trong suốt một thời gian dài, người xưa luôn coi lubki là một món ăn tinh thần hảo hạng, đồng thời là nguồn thông tin, kiến thức quan trọng khi mà báo chí hãy còn khan hiếm, và không lột tả hết được những điều đang xảy ra trong đời sống. Lubki vừa là một thể loại văn học, ghi chép đa dạng vừa là một hình thức hội họa, in ấn hàng loạt có thể đi khắp đất nước với giá rẻ, dễ mua. Ngoài truyện kể, nó cũng được dùng để minh họa, làm niên lịch, bản đồ, almanach…

 

Chuột chôn mèo

Hôm nay, loại tranh này đã được xem là một di sản văn hóa vô giá của Nga, và đem trưng bày, giới thiệu trên toàn quốc, trong đó tại Moscow là bảo tàng tranh dân gian quốc gia. Lubki cũng nằm trong tay nhiều nhà sưu tập cá nhân và học giả như ngài Dimitrii Aleksandrovich Rovinski. Ông là nhà thu thập và các ta lô lớn nhất về lubki, đồng thời là người phân loại đầu tiên về nó. Theo đó, nội dung của tranh lubki thường có mấy phạm trù sau: truyện cười dân gian, truyện cười về vua Ivan Khủng khiếp, Peter Đại đế…, truyện các vị thánh tử vì đạo, truyện trong và ngoài nước… Đến thời kỳ hiện đại, lubki có thêm các đề tài như kháng chiến vệ quốc chống phát xít Nhật, các sự kiện quân sự nổi bật, khám phá vũ trụ… Như đã nói, lubki thường có nội dung châm chọc, đả kích, chủ yếu đánh vào tầng lớp thống trị; thế nhưng nó vẫn được cả vua chúa yêu thích, như sa hoàng Michael Romanov vào năm 1635 đã mua một loạt tranh truyện cho hoàng nhi bảy tuổi Alexis để làm bài học dạy con.

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy