Luật “treo” và câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan lập pháp
VNTN - Sốt ruột về dự án Luật Về hội, Luật Biểu tình "treo" từ năm này sang năm khác, đại biểu Quốc hội "đòi" câu trả lời cụ thể hơn từ Chính phủ nhưng cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan lập pháp.
Bốn nhiệm kỳ liên tục đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, tức là đã thuộc lòng quy trình và tích lũy không ít kinh nghiệm lập pháp nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn không ít lần phải nhún vai, lắc đầu trước các câu hỏi của báo chí về lý do lùi không rõ thời hạn của hai dự án luật liên quan đến quyền công dân đã được hiến định từ Hiến pháp 1946.
Đó là quyền lập hội và quyền biểu tình.
Dự thảo Luật Về hội, như Văn nghệ Thái Nguyên đã nhiều lần đề cập, sau nhiều năm chật vật lẽ ra đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 14 vào cuối năm 2016. Nhưng, do nội dung còn ý kiến khác nhau nên Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại để báo cáo Quốc hội, song đến nay Chính phủ chưa có hồi âm cụ thể bao giờ sẽ trình.
Còn dự án Luật Biểu tình, ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ đó cũng công khai khẳng định sự cần thiết phải ban hành, đại biểu Quốc hội cũng "đòi" phải đưa vào chương trình xây dựng luật từ năm này sang năm khác nhưng đến nay cũng chưa rõ bao giờ sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội khóa mới.
Vì thế, thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ hai khai mạc ngày 22/5 vừa qua, không ít vị đại diện cho dân đã nói rõ là Chính phủ phải trả lời cụ thể chứ không thể "không nói năng gì nữa" - như nhận xét của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình).
Vị đại biểu Thái Bình hơn một lần nhấn mạnh rằng Chính phủ chưa thực sự quan tâm đến một số dự án luật trong có Luật Biểu tình, Luật Về hội. Ông Bùi Văn Xuyền cũng đồng ý rằng đây là những luật rất khó, nhưng nếu khó quá thì đưa ra ở mức độ nào thôi, không cầu toàn, nhưng phải đưa ra chứ không thể Quốc hội đã giao rồi mà không nói năng gì nữa cả.
Biểu tình là quyền của dân nhưng không có hành lang pháp lý điều chỉnh cho bài bản thì không ai biết thực hiện thế nào là đúng thế nào là sai - sự sốt ruột của đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng là của chung nhiều vị khác.
Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 Thủ tướng đã công khai nói trước Quốc hội cần có Luật Biểu tình mà đến nay nhập nhằng mãi, trong khi đó hiện tượng biểu tình thì ngày càng nhiều mà không có luật điều chỉnh làm cho dân không biết đúng hay sai - đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chung mối quan tâm.
Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cho rằng dù vai trò trình luật của Chính phủ rất quan trọng thì Quốc hội cũng phải chủ động hơn.
"Ông nghị" Dương Trung Quốc kể rằng, ít ngày trước khi ông đến Đồng Tâm (nơi một số người dân bắt giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sỹ công an tại nhà - PV) người dân họ trách vì sao đại biểu bây giờ mới xuống để cho dân cô độc, còn bị quy là chống đối, họ hỏi người đại diện cho họ đang ở đâu - ông Quốc kể và cho rằng nếu chỉ để cho bên hành pháp làm, đại biểu Quốc hội - những người được trao quyền bấm nút thông qua luật- không dấn thân vào cuộc sống để trải nghiệm thì chắc chắn Luật Biểu tình sẽ thành luật chống biểu tình.
Đánh giá tổng thể, nhiều đại biểu cho rằng Quốc hội cũng chưa nêu hết trách nhiệm của mình trong các hạn chế của công tác xây dựng pháp luật.
Đánh giá việc thực hiện chương trình xây dựng luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu hạn chế là việc lập, triển khai thực hiện chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như: chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều, chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để, có trường hợp nợ nhiều năm chưa được ban hành. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình xây dựng pháp luật trong nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng và đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo dự án, cơ quan thẩm tra, tham gia thẩm tra đối với một số dự án còn chưa được chặt chẽ, hiệu quả.
Đánh giá này, theo một số vị đại biểu là chưa thực sự đầy đủ. Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng những hạn chế trong công tác lập pháp phải có trách nhiệm của Quốc hội chứ không thể làm như không có trách nhiệm gì.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng Quốc hội quá dễ dãi khi chấp nhận những dự án luật không đủ điều kiện.
Quốc hội quá dễ dãi, nhiều khi hồ sơ chưa đầy đủ vẫn chấp nhận, quy định hồ sơ dự án luật phải gửi cho đại biểu 60 ngày trước mỗi kỳ họp nhưng có trường hợp chỉ gửi trước 6 ngày mà vẫn chấp nhận - đại biểu Phùng Văn Hùng phát biểu.
Đề cập nguyên nhân khác, đại biểu Dương Trung Quốc phân tích: "mỗi nhiệm kỳ có một tập thể đại biểu khác nhau. Tôi đã có bốn khóa tham gia Quốc hội, các kỹ năng chắc chắn có thuần thục hơn đại biểu mới nhưng dù sao mình cũng vẫn là dân amateur thôi, mình chỉ nghe ngóng và tìm hiểu vấn đề theo sự đầu tư của chính mình thôi mà đầu tư cũng không được bao nhiêu thời gian. Như vậy, một tỷ trọng rất lớn những người bỏ phiếu nếu không nói là tuyệt đại đa số là không chuyên trách. Có nhiều luật mà mình đành chỉ nghe ngóng và làm ào ào vậy thôi, cũng không có cách nào khác".
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...