Linh vật “Rồng” trong văn hóa, tín ngưỡng các dân tộc Việt Nam
Trong tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Á Đông, rồng là linh vật tượng trưng cho sức mạnh, cho sự uy nghiêm và quyền uy tối thượng. Với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hình tượng con rồng còn gắn với tín ngưỡng thờ nước của các cư dân nông nghiệp. Rồng được coi là tổ tiên của người Việt trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Rồng là hình ảnh gắn với những vùng đất địa linh, có non cao, nước thẳm. Ở mỗi dân tộc bản địa lại có những câu chuyện liên quan đến linh vật Rồng khác nhau…
“Rồng” trong đời sống văn hóa người Việt (Kinh)
“Rồng” một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, là vật tổ của người Việt, là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Hình tượng rồng rất gần gũi với người dân Việt Nam, là biểu trưng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng (Phượng)”.
Trong tâm thức người Việt còn có truyện về “Con Rồng cháu Tiên”, đó là sự ra đời của nhà nước Văn Lang và nguồn gốc giống nòi của người Việt “…Lạc Long Quân và Âu Cơ đều là những vị thần cao quý. Lạc Long Quân là nòi rồng, ở dưới nước, con thần Long Nữ, còn Âu Cơ thuộc giống Tiên, sống ở trên núi thuộc họ Thần Nông. Hai người đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng. Ít lâu sau, Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường, lớn nhanh như thổi, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú.
Một hôm, Lạc Long Quân cảm thấy mình không thể sống mãi trên cạn được, đành từ biệt Âu Cơ dẫn năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi. Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Mười mấy đời truyền nối vua đều lấy hiệu là Hùng Vương…”. Bởi sự tích này mà người Việt Nam khi nhắc đến nguồn gốc của mình thường xưng là “Con Rồng cháu Tiên”.
Trong điêu khắc kiến trúc và hội họa hình rồng mang bản sắc riêng, thường có một mô-típ rõ ràng đặc trưng đó là con vật có sự kết hợp của 9 loài vật khác: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ. Thân rồng gồm 12 khúc, mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa, trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. Đầu rồng có bờm dài, râu cằm, đầu lớn uy dũng, sừng hươu, mắt to tròn, mũi nở, miệng mở rộng, răng cửa nhọn, thân dài và cơ bắp uyển chuyển uốn lượn với vẩy âm dương ngũ sắc, đuôi rồng lượn sóng hoặc tõe các tua đuôi, chân rồng với năm móng sắc lẽm chỉ có ở bậc hoàng đế. Thường được tạc vào đá như biểu tượng linh thiêng canh giữ chùa chiền, lâu đài.
“Rồng” trong tín ngưỡng dân gian Tày - Nùng
“Rồng” một con vật được coi là biểu tượng linh thiêng, cao quý nhất và được coi là con tốt lành trong truyền thuyết và đã trở thành biểu tượng tinh thần mạnh mẽ của người Tày - Nùng. Họ gọi rồng là “tua luồng” và được tô điểm nâng vẻ đẹp thêm thành “cầu vồng - luồng hoa”. “Luồng hoa” thường hút nước ở các mỏ để uống, thậm chí có thể hút cả con người lên khỏi mặt đất. Vì vậy họ thường khuyên răn trẻ em phải để ý mỗi khi “luồng hoa” uống nước thì phải tránh xa để khỏi bị cuốn lên mây.
Trong truyện dân gian của người Tày - Nùng “cầu vồng - luồng hoa” thỉnh thoảng trườn lên trời để tắm, khi ấy nó óng ánh đủ màu sắc. Khi nó đổ nước tắm xuống ở dưới đất thì trời vừa mây bay, vừa mưa và lúc này “rồng gặp mây” biểu tượng cho thân thể của lạc thú tinh thần, còn việc biến thành nước là thân thể biến hóa. Các cụ xưa nay cảnh tỉnh: Rồng là biểu tượng cao đẹp, nhân văn, nhưng “lai luồng nhỉnh nặm” (nhiều Rồng thì ỷ lại không nhả nước), rồng không còn mây mà sống. Do đó, có câu: “Luồng thất rí piên ngù thằng thôi” (rồng thất thế biến thành rắn). Người xưa khuyên răn đời thật chí lý, đẹp cao quý, linh thiêng như con rồng không biết giữ mình sẽ biến chất thành rắn độc.
Luồng hoa - Cầu vồng còn là hiện tượng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nó được xem như hiện thân của thần trời đã liên kết với mặt trời và trở thành anh em của mặt trời.
“Rồng” trong đời sống văn hóa người Khmer
Trong văn hóa người Khmer “Rồng” được xem là linh vật, có nguồn gốc du nhập từ văn hóa Ấn Độ. Rồng là một biểu tượng văn hóa xuất hiện ở rất nhiều nước châu Á, tuy nhiên về hình dáng và ý nghĩa có những biến đổi khác nhau. Rồng trong văn hóa người Khmer chính là sự tiến hóa của loài rắn khổng lồ, chính vì thế có rất nhiều biến thể khác nhau, rồng có thể có nhiều đầu, nhiều thân. Người dân tin rằng loài rồng này có sức mạnh linh thiêng và có nhiều quyền năng. Việc đặt tên và phân chia các loại rồng chủ yếu là dựa vào số đầu rồng.
Khi đến các ngôi chùa hoặc bất kì công trình tôn giáo nào của người Khmer chắc hẳn chúng ta sẽ gặp hình ảnh những con rồng được chạm khắc tinh xảo. Riêng phần đỉnh nóc ngôi chính điện, mỗi đỉnh góc mái thường được đắp một khúc đuôi rắn dài, cong vút, uốn mềm mại. Hai khoảng trống ở hai đầu hồi được bịt bằng hai tấm gỗ hình tam giác, được chạm khắc rất công phu người Khmer gọi là “Hô cheang”. Trên các bờ dãy giáp mi của các nếp mái thường được đắp các tượng rồng (rồng Khmer), đầu rồng ở dạng kép nằm ở ngay vị trí các góc đao của mái, thân rồng nằm xoãi dài theo bờ dãy với hàng vi lưng được tỉa rõ từng cái, uốn cong ngược lên như những ngọn lửa. Sự kết hợp giữa đầu, thân và đuôi rồng tạo nên hình ảnh những chiếc thuyền đua bơi.
Trong kinh Phật, người Khmer tin rằng rồng là con vật thiêng tự biến thành thuyền đưa Phật vượt sông đi giảng kinh cứu độ chúng sinh. Đưa rồng lên mái chùa, người Khmer cầu mong Đức Phật dừng chân lại ở ngôi chùa của họ để ban phúc cho mọi người.
“Rồng” trong văn hóa tín ngưỡng người Thái
Người Thái quan niệm rồng thường trú ngụ ở những khúc sông và thường gây họa cho con người. Trên thực tế thì rồng rất quen thuộc với quan niệm tâm linh của người Thái. “Ngược” hay “nghiệc” là tên gọi của linh vật này. Một hình ảnh thực tế hơn về rồng trong quan niệm của cộng đồng người Thái đó là cầu vồng. Người Thái gọi cầu vồng là “rồng uống nước” và không ít người cảm thấy e sợ khi ngắm cảnh tượng thiên nhiên thú vị đó. Cầu vồng là một loài trong dòng họ nhà rồng - theo quan niệm của cư dân bản địa ở Nghệ An. Người Thái gọi cầu vồng là “ngược hung”. Ngoài ra còn có “ngược lạnh” - rồng hạn hán, họ cho rằng rồng này không có những căn cứ về hình hài cụ thể, chỉ biết rằng nó uống rất nhiều nước.
Trong kho tàng truyện cổ tích người Thái ở Nghệ An, có những câu chuyện kể lưu truyền dọc lưu vực sông lớn ở miền núi, liên quan đến chuyện tình giữa rồng với rồng và giữa rồng với người, và cũng có những trận chiến giữa người với rồng mà ở đó những chàng trai thường trở thành anh hùng bảo vệ bình yên cho làng bản. Còn đối với người Thái Điện Biên có không ít chuyện truyền miệng về loài rồng trên các khu vực đầu nguồn nước, rồng được coi là linh vật canh giữ nguồn nước, nguồn sống của những bản, mường nằm bên ven các dòng sông, con suối.
Rồng thiêng trong tâm thức cộng đồng giúp họ nhắc nhở nhau, cách ứng xử hài hòa với tự nhiên, người ta tin rằng những hiện tượng thiên nhiên liên quan đến gió, mưa, lũ lụt, hay hạn hán, đều do sức mạnh của thần Rồng gây nên. Người ta cũng tin rằng, ở nơi nào sự uy nghiêm của thần Rồng được tôn trọng, thì ở nơi đó có nguồn sinh thủy dồi dào, có mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Trên trang phục của người Thái xứ Nghệ, hình ảnh rồng được thể hiện trên chân váy với những hoa văn thổ cẩm gồm những gam màu gồm xanh, đỏ, tím vàng và trắng. Chúng có những chiếc gai trên lưng như gai cây xương rồng và có một hàm răng dài mềm mại. Ở đó quy tụ những quan niệm chung về con rồng trong văn hóa Thái, họ quan niệm, rồng đáng sợ hơn là linh thiêng và chỉ có thể xuất hiện trên hoa văn chân váy Thái.
“Rồng” trong tín ngưỡng thờ thần của người Pa Dí
Tín ngưỡng thờ thần rừng, thờ nguồn nước, bảo vệ sinh thái môi trường thể hiện qua tín ngưỡng thờ “Rồng” luôn được người Pa Dí thành kính tôn thờ. Người Pa Dí đã hình thành và đúc kết thành tri thức dân gian ứng xử hài hòa và tôn trọng tự nhiên, tôn thờ các vị thần (thần rừng, thần nước). Với ước nguyện của người dân cầu mong một nguồn nước luôn dồi dào, người dân luôn được bình an, mạnh khỏe, cây trồng tốt tươi, thóc lúa đầy nhà thể hiện tâm nguyện bình dị của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Tín ngưỡng thờ thần rồng, biểu trưng cho nguồn nước còn được thể hiện trên y phục nữ người Pa Dí. Họ trang trí tấm thân Rồng màu chỉ xanh nhạt, chân và đuôi cùng màu, riêng móng rồng được thêu bằng chỉ trắng viền quanh khắp thân và miệng rồng. Trên lưng Rồng có 5 vây rồng được thêu bằng 5 màu chỉ khác nhau thành các cặp đối xứng. Chân sau của rồng màu xanh nhạt, chân trước của con Rồng được thêu bằng màu chỉ đỏ đang chạm vào thân chiếc lư hương ở giữa.
Tín ngưỡng thờ cặp rồng thần mang ý nghĩa cân bằng âm dương. Con rồng đực quỳ phục ở bên phải và con rồng cái quỳ ở bên trái. Biểu tượng con rồng ở trên miếng vải đính nối với cạp và dây tạp dề được thể hiện một cách rất cầu kỳ và người Pa Dí khéo tay để dùng chỉ thêu liên kết, xâu chuỗi lại với nhau tạo thành một tổng thể thống nhất, hình con rồng rất đẹp và đều nhau, từ khuôn mẫu đến bố cục, màu sắc.
Rồng trong thần thoại và truyện cổ M'nông
Trong thần thoại M'nông, có truyện “Nguồn gốc các dân tộc Việt Nam” được thể hiện khá độc đáo. Truyện kể rằng: “… trong buổi hoang sơ của đất trời, có một người đàn ông khỏe mạnh, tài giỏi (giống Rồng) và một người đàn bà thông minh, xinh đẹp (giống Tiên), hai người kết duyên thành vợ chồng, người vợ đẻ ra một bọc có một trăm trứng và nở thành 50 người con trai, 50 người con gái. Khi các con đã lớn khôn, hai vợ chồng chia nhau mỗi bên 50 người con (gồm 25 trai, 25 gái). Người chồng đưa 50 người con xuống đồng bằng, người vợ đưa 50 người con lên núi sinh cơ lập nghiệp, các con của họ lấy nhau thành từng cặp vợ thành chồng, nhưng không sinh con đẻ cái được.
Cũng may nhờ loài khỉ cho họ một thứ lá cây quý để làm thuốc, nhưng với điều kiện là loài người ăn được thứ gì thì phải cho loài khỉ ăn được thứ đó. Nhờ vậy mà loài người tồn tại, có con đàn cháu lũ, phát triển thành các tộc người như ngày nay…”. Câu chuyện này gần gũi với chuyện đẻ trăm trứng của người Kinh. Nhưng đây là sự lý giải nguồn gốc các dân tộc Việt Nam mang đậm tư duy của người M'nông nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Câu chuyện nhằm khẳng định nguồn gốc giống nòi, đó là sự hòa hợp giữa trời và đất, giữa chim và cá, giữa rồng và tiên.
Ngoài ra Truyện cổ M'nông còn có chuyện “Chàng Piêng giết con rồng”, đây là câu chuyện cổ tích mang yếu tố thần kỳ của người M'nông. Chuyện nói về sự dũng cảm, mưu trí của chàng Piêng vượt qua hoạn nạn, lập được chiến công, diệt cái ác, bảo vệ cái thiện, mưu cầu hạnh phúc cho mọi người. Câu chuyện cũng nói lên được tình yêu thương giữa người với người, biết yêu thương giúp đỡ nhau, đem lại hạnh phúc cho mình và nhiều người khác.
“Rồng” trong truyện cổ dân gian Êđê
Truyện dân gian “Sự tích bốn mùa xuân - hạ - thu - đông” của dân tộc Ê đê được thể hiện khá sinh động.“… trên đường đi tìm mùa xuân, các bạn của cóc tía gồm: gấu, cọp, khỉ, thỏ,… đi đến xứ sở mùa hạ thì gặp bác rồng râu tóc bạc phơ đang làm việc hăng say phun nước dưới sông lên làm mát cho đồng ruộng cỏ cây. Thấy các bạn của cóc tía đến, bác rồng tiếp đãi nhiều món ăn quý của xứ sở mùa hạ. Sau đó bác rồng bảo các bạn của cóc tía ngồi lên lưng mình và bay đến xử sở mùa xuân. Nơi đây cây cối thi nhau đâm chồi nảy lộc, hoa muôn sắc đua nở. Nàng xuân cùng các bạn xứ sở mùa xuân hân hoan chào đón bác rồng và các bạn của cóc tía…”. Qua nội dung câu chuyện này, hình tượng con rồng đã được dân gian hóa, trở thành người bạn gần gũi của muôn loài, giúp họ tìm được xứ sở mùa xuân tươi đẹp.
Trong truyện “Sự tích hồ Lak”, có đoạn mô tả con rồng đánh nhau với con lươn suốt bảy ngày đêm mà không phân thắng bại làm cho hồ nước của chàng Lak dài rộng bao la giống hình con rồng uốn lượn. Nhờ vậy mà dân buôn khắp mọi vùng có nước để dùng khỏi phải sợ hạn hán thiếu nước như những năm trước kia. Câu chuyện đơn giản thế, nhưng người dân các dân tộc sống ở nơi đây vẫn luôn nhớ đến chàng Lak, nhớ đến hình tượng con rồng đánh nhau với con lươn để tạo nên hồ nước cứu sống mọi buôn làng.
Hay trong Truyện “Thần rồng và thanh gươm thần kỳ” và “Thần rồng và anh em nhà Y Rah - Y Rin”, các nghệ nhân dân gian Ê đê đã mô tả con rồng là một trong những vị thần của núi rừng Tây Nguyên luôn luôn hiện ra để giúp đỡ người nghèo khổ. Chính vì vậy mà cậu bé Y Jar và anh em Y Rah, Y Rin đã được thần rồng tặng thanh gươm quý và bày cách bảo vệ nguồn nước để trồng lúa, chăn nuôi, trở thành người giàu có nhất các buôn làng Tây Nguyên. Cũng từ đó, hàng năm việc cúng bến nước của đồng bào Ê đê và các dân tộc khác trong vùng đã trở thành phong tục tập quán của các buôn làng Tây Nguyên.
Trong 12 con giáp “Rồng” được xem là con vật bay cao nhất, mang nhiều khát vọng lý tưởng nhất, chúng ta tin rằng năm mới Giáp Thìn đất nước sẽ có nhiều đổi mới trên con đường hội nhập và phát triển.
Vi Biên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...