Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:25 (GMT +7)

Linh thiêng nơi bếp đun của người Tày – Nùng

VNTN - Đối với người Tày - Nùng, nhà ở tryền thống chủ yếu là nhà sàn, bếp đun được bố trí ngay giữa nhà. Bếp được đóng bằng gỗ tốt thành khung hình vuông hoặc hình chữ nhật rồi dùng đất đắp lèn cho chắc. Bếp vừa là chỗ đun nấu vừa là hong khô và bảo quản lương thực, thực phẩm. Cạnh bếp cắm một ống tre nhỏ (thờ Phi Pỉnh Phiầy), ngày rằm, ngày mùng một người Tày - Nùng thắp hương bàn thờ Tổ tiên đồng thời thắp hương Phi Pỉnh Phjầy. Trong bếp bao giờ cũng có cục củi to gọi là “Pỏ Phiầy” (Bố lửa). Bố lửa không bao giờ để tắt lửa. Cục này hết lại cho cục khác vào. Khi nhóm bếp chỉ cần cời than của bố lửa ra cho ít đóm và củi vào là bếp cháy. Trên bếp treo một chiếc giá tre gọi là “Ăn Xá” dùng để hong, và treo các thứ như hũ mỡ, thịt, cá, măng khô.v.v... Mùa đông mọi người quây quần bên bếp lửa, con dâu thì đun nấu, người già thì hong tay hút thuốc, trẻ em thì bên bếp vùi củ sắn, củ khoai...

 

Ngày đêm khói bếp chuyên cần bay lên. Khói làm đen các cây xà nhà. Khói làm khô những viên ngói âm nằm ngửa hứng sao, khói làm ấm các viên ngói dương nằm úp hứng sương. Khói làm thêm rắn chắc các thanh tre thanh vầu làm lát trên gác. Khói làm nên lớp bồ hóng vàng ươm bám vào vỏ ngô, vỏ lúa, củ khoai, trái bí... Khói làm lũ sâu mọt cay mắt không dám bén mảng lên gác đục khoét hoa màu. Khói ru củ khoai ngủ ngon ủ mật, ru hạt lúa, hạt ngô ngậm hạt mầm ngủ yên giấc qua đông đợi vụ mới...

Tết đến, bếp được quét dọn sạch sẽ, bồ hóng được gạt bỏ đi, ống hương bên bếp được bọc dán một tờ giấy hồng. Người ta tìm một cục củi to để làm “Bố lửa” mới đón xuân. Đến khi bánh chưng luộc chín người ta lấy một chiếc bánh buộc vào lưng “Bố lửa” để trả ơn quanh năm “Bố lửa” đã giữ cái ấm cho căn nhà, đã xua cái xấu đi xa. Khi giao thừa đến gia chủ nhìn “Bố lửa” cháy hình gì thì đoán năm đến gia đình làm ăn thuận lợi hay chật vật. “Bố lửa” mà cháy lém vào như hình mõm lợn thì năm tới sẽ xung túc: Pjuống pết pjuống cáy tồng phạ đăng/ Pjuống mò pjuống hoài tồng phạ đọng" (Thả vịt thả gà như trời sấm/ Thả trâu thả bò như trời động)...

Bếp làm ấm cúng căn nhà. Ngồi bên bếp lửa những người cao tuổi thường nhắc con cháu làm gì cũng phải thận trọng. Không được cho rác rưởi, lông tóc vào bếp, không được chửi mắng bếp lụi tàn, không được quở trách nhau bên bếp, không được đổ nước vào bếp, không được cầm dao thái rau trên bếp, không được đem thịt trâu, thịt chó vào nấu trong bếp nhà... Nếu nhà nào phạm vào những điều trên thì quả là xui xẻo.

Vậy tại sao người Tày - Nùng lại coi bếp đun là một trong những nơi linh thiêng như vậy?

Để lý giải điều này chúng ta cùng tìm hiểu qua hệ thống các vị thần mà họ thờ cúng.

Người Tày - Nùng quan niệm vũ trụ gồm ba cõi: Cõi trên trời (nơi các vị thần ở), cõi dưới đất (nơi con người sống) và cõi dưới nước. Trong đó Ngọc Hoàng trên trời là vị thần tối cao nhất trông coi cả ba cõi.

Trong hệ thống các thần thánh, người Tày, Nùng thờ cúng trong nhà gồm có Tổ tiên, vị Bắc Đẩu trông coi việc sinh, Bà Mẻ Biooc (Thánh Mẫu) trông coi trẻ nhỏ và vị thần trông coi bếp lửa gọi là Phi Pỉnh Phiầy còn gọi Cháo Vàng (Táo Vương - Vua Bếp lửa). Vua Bếp là vị thần được Ngọc Hoàng phân cho việc trông coi bếp lửa ở dưới trần gian.

Vua Bếp trú ngụ ở nơi bếp đun nấu của mọi nhà, chứng kiến mọi sinh hoạt của từng thành viên trong gia đình. Từ lời ăn tiếng nói đến hành động đối xử của con cái đối với cha, mẹ, anh, chị trong gia đình... Tất cả việc ăn ở đó đều được vị Vua Bếp lặng lẽ chứng kiến và lưu lại để đến ngày 23 hàng tháng sẽ lên trời báo cáo với các vị thần trên trời. Trong đó quan trọng nhất là ngày 23 tháng chạp, tháng cuối năm vị thần này sẽ tổng hợp các việc trong cả năm của từng gia đình để báo lên Ngọc Hoàng. Căn cứ vào báo cáo của vị thần này mà Ngọc Hoàng sẽ phán xét công trạng hay tội lỗi của từng người. Người nào ăn ở tốt, đối xử với cha mẹ anh chị em trong nhà hòa nhã, kính trên nhường dưới sẽ được Ngọc Hoàng ban cho phúc lộc, sức khỏe dồi dào làm ăn may mắn... Còn người nào mắng chửi cha, mẹ, làm ăn thất đức... Ngọc Hoàng sẽ ban cho bệnh tật, làm ăn gian nan... Ai phạm tội nặng Ngọc Hoàng sẽ phái Thiên Lôi xuống trị tội...

 

Để nhắc nhở mọi người coi trọng vị thần Cháo Vàng trông coi bếp lửa người Tày - Nùng có bài ca “Luận Táo Vương”. Bài ca mở đầu là việc giới thiệu vai trò của vị Cháo Vàng: “Táo Vương ta nhắc nhở mọi người/ Muốn cho từng người tai nghe mắt thấy/ Người nào mà nghe theo lời răn/ Chẳng mang tiếng là khờ là dại/ Muốn cho mọi người hiểu phải trái/ Bếp lửa đun chớ có để bẩn dơ...”.

Đối với người Tày - Nùng việc bếp núc sớm chiều trong nhà chủ yếu là người phụ nữ, do đó bài ca có nhắc khá nhiều đến việc dạy con gái, con dâu khi vào bếp phải nhẹ nhàng chu đáo, cái nào làm trước cái nào làm sau phải sắp xếp cho hợp lý. Nhất là việc nhắc nhở con dâu đối với cha mẹ chồng phải trông coi như cha mẹ đẻ mình, không nên quở mắng. Ở vùng núi, nhất là mùa đông, con dâu thường phải dậy sớm để nhóm bếp đun nồi nước để cả nhà dậy rửa mặt. Sau đó là chuẩn bị bữa ăn sáng, nấu cháo hoặc rang cơm để ông bà con cháu dậy ăn sáng. Việc răn dạy người phụ nữ được Vua Bếp nhắc như sau: Trước tiên phải chải đầu rửa mặt rồi mới ngồi xuống bếp nhóm lửa. Nhóm lửa phải nhóm cẩn thận để khi lửa cháy mới được đứng lên. Trước khi đặt nước lên bếp phải lau rửa nồi sạch sẽ mới đổ nước vào: “Buổi sáng nhắc phụ nữ mỗi người/ Đầu tiên phải rửa mặt đánh răng/ Bếp lửa dọn cho quang cho sạch/ Mới nhóm lửa cho bếp cháy lên…”.

Giữ cho bếp sạch sẽ không chỉ bằng việc quét dọn xung quanh bếp mà còn ở việc dùng chất đốt cho ngọn lửa phải là củi đun chứ không phải vật gì cũng cho vào bếp. Ngày rét không được đem dày, tất, áo quần hơ trên bếp lửa... Và một điều Vua Bếp nhắc mọi người phụ nữ ăn uống phải biết dành của ngon miếng ngọt cho cha mẹ, ăn xong phải cất dọn rửa bát sạch sẽ, chớ có xong bày để trước mặt: “Thứ ngon dành phần cha mẹ/ Chẳng nên người ăn trước ăn sau/ Mọi thứ ăn đủ đầy sớm tối/ Chớ đem bày trước mặt khó coi...”.

Và điều nữa làm con ai cũng phải kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ về già. Làm con mà thấy cha mẹ nghèo coi khinh là người bất hiếu... Mọi điều xấu, tốt hết thảy Thần Bếp đều nhìn thấy, chẳng ai khôn khéo mà qua được mắt của Thần. Thần sẽ tâu lên trời để Ngọc Hoàng cho những kẻ bất hiếu khốn đốn. Còn những người có nhân đức sẽ phù trợ cho họ thành đạt, thành người sang trọng: “Ngỏ hâử sỉn, pỉ sỉn chúc seng/ Ngỏ hâử pèng, chấu pèng tó nả” (Ta cho khốn, khốn tựa súc sinh/ Ta cho sang, liền sang lập tức).

Đối với vật nuôi Thần nhắc nhở mọi người cần quí trọng gia súc không nên ăn thịt trâu, bò, thịt chó: “Sớm hôm thịt trâu, chó chớ ăn/ Trâu chó giúp bao công bao sức/ Nên coi trọng quí tựa con trai/ Con trâu nuôi để mà cày ruộng/ Con chó nuôi trông nhà trông cửa/ Cớ sao ta chẳng có chút tình/ Nhẫn tâm làm thịt ăn hể hả”.

Đối với người Tày - Nùng mọi vật đều có hồn, có vía. Trâu bò, chó ngựa, gà vịt ngan ngỗng phải quí trọng, có vậy chúng mới sinh sôi nẩy nở thành bầy đàn. Người không quí trọng gia súc gia cầm chúng sẽ bệnh tật tiêu tán: “Liệng mu lẻ cha, liệng ma lẻ mắt” (nuôi lợn thì còi, nuôi chó thì ghẻ). Ngay cả việc thịt gà ăn người Tày - Nùng cũng phải kiêng không chặt còng gà, họ quan niệm rằng chặt còng gà là chặt đi sự sinh sôi nẩy nở của đàn gà trong nhà.

Kết thúc bài ca vị Cháo Vàng căn dặn: Nếu ai không theo lời răn của Thần mà làm càn, làm bậy Thần sẽ cho thân thể đau ốm chịu cực nhục, đến lúc đó cầu an giải hạn đã muộn. Còn những ai làm theo lời răn của Thần thì sẽ gặp được những điều tốt lành.

Bài ca: “Luận Táo Vương” thể hiện phần nào quan niệm về đời sống tâm linh của người Tày - Nùng là vạn vật trong vũ trụ có linh hồn, trong đó con người nằm trong mối giao hòa của vũ trụ và chịu sự chi phối của các thế lực siêu nhiên. Do vậy, con người phải có cách ứng xử hợp lý đối với vạn vật quanh mình, nhất là các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Thông qua vị Cháo Vàng - vị thần trông coi bếp, người Tày - Nùng muốn răn dạy con người ta phải sống có nhân đức, cha mẹ sinh con ra phải có trách nhiệm dạy bảo con cái, đồng thời con cái phải kính trọng và nghe lời cha mẹ, chăm nom cha mẹ khi cha mẹ về già... Những điều nghe như cổ tích nhưng chứa đựng triết lý sống của họ: “Kính pỏ kính mẻ đảy kin/ Kính bân kính đin đảy dú” (Kính cha kính mẹ được ăn/ Kính trời kính đất được ở”. Nghĩa là, ăn ở tốt thì được hưởng phúc.

TRIỆU THỊ MAI

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy