Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:39 (GMT +7)

Linh thiêng đền Khuôn Gà

Đến với xóm Khuôn Gà tại thị trấn Hùng Sơn huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, người dân trong vùng không chỉ biết đến hương vị trà ngon nức tiếng mà nơi đây còn có một điểm đến với thế giới tâm linh, đó là Đền Khuôn Gà.

Đền Khuôn Gà từ cổng nhìn lên
Đền Khuôn Gà từ cổng nhìn lên

Nằm giữa một quả đồi và ẩn mình trong những tàng cây cổ thụ là một ngôi đền khá khang trang, bề thế. Bên cạnh lối đi lên chính điện, ta nhìn thấy ngay một bức tượng Phật Bồ Tát, khiến cho lòng ta bỗng dưng cảm thấy thanh thản và từ bi hơn. Trước cửa đền là cây hoàng lan hơn trăm tuổi đang mùa trổ những bông hoa vàng óng ả. Cành cây cong cong về phía mái đền như muốn chở che mưa nắng. Bên cạnh đó còn có một cây đa cổ thụ xen lẫn những cây lâu năm tạo nên một khung cảnh tĩnh mịch.

Bên phải ngôi đền, từng chùm hoa láng dù đang rung rinh trước gió, mùi hoa hoàng lan quyện với hương hoa láng dù xen lẫn mùi hương trầm thoang thoảng, khiến cho lòng người cảm thấy thanh thoát, nhẹ nhàng như vừa trút bỏ những tà niệm đời thường. Đứng trước Phật Thánh con người như thấy lương thiện hơn. Trong gian điện chính, nơi ban thờ, trước những bức tượng tượng trưng tứ phủ Chầu bà, tam tòa Thánh mẫu là bát hương công đồng đang nghi nghút khói, tiếp đến bên trong là ban thờ cô đệ Nhất. Sang hai bên tả hữu là cung thờ Trần Triều và cung Sơn trang, nơi hạ ban thờ ngũ vị tôn quan cùng những lễ vật bày biện ngăn lắp, thành kính.

Theo lời ông Nguyễn Văn Vượng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Đại Từ thì ngôi đền này thuộc gia tộc họ Bàng lập nên.

“Cụ tổ họ Bàng ở Khuôn Gà là cụ Tạ Văn Thìn ở huyện Kim Oanh tỉnh Vĩnh Phúc. Do cha mẹ chết sớm đi tha phương lên Bảo Cường Định Hóa, Thái Nguyên làm con nuôi cụ Bàng Thành và đổi tên là Bàng Đình Huy. Cụ Huy kết hôn với cụ Tạ Thị Diệu sau đó chuyển từ Bảo Cường sang Khuôn Gà sinh cơ lập nghiệp từ trước năm 1930. Hai cụ sinh được hai người con là Bàng Văn Nhàn và Bàng Thị Mùi.

Phía trước Đền Khuôn Gà
Phía trước Đền Khuôn Gà

Theo các cụ truyền lại, một hôm cụ bà Tạ Thị Diệu, đang lúc ngủ trưa mơ thấy có cô Đệ Nhất về báo mộng rằng: Muốn ở đất này mà sinh cơ lập nghiệp, làm ăn mở mang, con cháu thịnh vượng thì phải lập đền thờ. Cụ nghĩ chỉ là giấc mơ nên không để ý tới, nhưng trưa hôm sau, giấc mộng ấy lại trở về cùng một lời khuyên nên cụ bàn với gia đình quyết định dựng lên một ngôi miếu ngay khu vườn sau nhà (nay là nhà anh Bàng Văn Tuấn cháu nội ông Bàng Văn Nhàn).

Năm 1940 tổ chức Việt Minh đóng tại xã Yên Lãng đã liên lạc với ông Nhàn mời ông gia nhập tổ chức, được cử làm Trưởng ban liên lạc mang biệt hiệu là “Tiến Long” từ đó có tên gọi là Bàng Tiến Long.

Ngoài việc nuôi giấu cán bộ Cách mạng, gia đình cụ Long còn là nơi tổ chức hội họp, mở các lớp đào tạo cán bộ, tiếp tế lương thực cho cán bộ đến và đi công tác. Các con của cụ luôn thay nhau cảnh giới bảo vệ những cuộc họp bí mật cho cán bộ Việt Minh.

Để phục vụ cho hoạt động và làm cơ sở tiếp nhận cán bộ Việt Minh đi từ Tân Trào Tuyên Quang sang Phú Lương, Võ Nhai, năm 1942, cụ Bàng Tiến Long đã chọn vị trí trên quả đồi gần nhà để dựng ngôi đền mới, tại đây có thể quan sát được toàn cảnh xóm làng và phát hiện được người lạ đi vào mọi hướng. Lúc đầu Đền được làm bằng gỗ có 3 gian, gian ngoài là nơi tiếp khách (canh gác), gian giữa là nơi thờ cô Đệ nhất Thượng thiên cùng các vị thần linh, còn gian trong cùng, rộng hơn là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật và mở các lớp đào tạo bồi dưỡng tư tưởng cho cán bộ Việt Minh trước khi đưa về các tỉnh hoạt động. 

Ngày 18 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa”. Trước đó một ngày, ngày 17/8/1945 đã diễn ra sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đội giải phóng quân từ Tân Trào Tuyên Quang về giải phóng tỉnh Thái Nguyên đã dừng tại đây, ngôi đền là nơi làm việc của Đại tướng và Ban chỉ huy. Gia đình cụ Long và nhân dân xóm Khuôn Gà giúp đỡ lương thực thực phẩm. Chính tại nơi đền thiêng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết một tối hậu thư (gọi là thư bức hàng) giao cho ông Thọ đưa cho ông Trần Văn Tân (con rể cụ Bàng Tiến Long ở xóm Trung hòa, xã Hùng Sơn) mang về nhờ ông Vỵ con bà xếp Dần gửi cho tên Ngô Tuấn Tiếp, Tri phủ Đại Từ. Nhận được thư, tên này sau đó ra hàng có đem theo cả vũ khí về nộp cho đồng chí Lê Trung Đình ở tỉnh Thái Nguyên. 

Sau khi giành được chính quyền, cụ cùng con cháu góp công sức xây lại ngôi đền ngay trên vị trí cũ nhưng nhỏ hơn. Từ đấy trở đi con cháu của cụ cũng như bà con trong xóm làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Trong những năm tháng hoạt động bí mật, của cán bộ, bộ đội Việt Minh thì xóm Khuôn Gà luôn là điểm an toàn tuyệt đối, không có một kẻ lạ mặt nào vào được xóm mà không bị phát hiện.

Gian chính điện Đền Khuôn Gà
Gian chính điện Đền Khuôn Gà

Hiện nay, 4 dân tộc gồm Kinh, Sán Dìu, Tày, Nùng vẫn giữ được truyền thống từ xa xưa, sinh sống quây quần đoàn kết như anh em một nhà. Nhà không đóng cửa, vườn tược không bờ rào phân chia ranh giới. Trong xóm từ xưa đến nay chưa hề xảy ra mâu thuẫn. Đặc biệt những tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp… trong xóm không có. Thiên nhiên đã ưu ái mảnh đất này hay đúng như lời đồn là do cô Đệ Nhất phù hộ, mà nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của nương chè, là những ngôi nhà xây theo kiểu Thái Lan mái ngói đỏ tươi với đa dạng phong cách kiến trúc từ đơn giản đến hiện đại. Theo lời của người dân hay đến lễ tại Đền, thì cô Đệ Nhất Thượng thiên thấy người dân nơi đây hiền lành lương thiện, bản chất thật thà, thành tâm thờ phụng nên cô đã phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà cửa yên vui. Những thanh niên trai tráng trong làng và con cháu dòng họ Bàng tham gia nghĩa vụ quân sự qua mấy cuộc kháng chiến đều bình an trở về. Cũng vì thế, trong xóm không có gia đình chính sách (gia đình thương binh, liệt sỹ), nếu có chỉ là sau này người xã khác chuyển đến. Tiếng đồn về sự linh thiêng của ngôi đền càng được vang xa... 

Bà Vũ Thị Chinh, năm nay 63 tuổi là vợ ông Bàng Văn Quế (chắt của cụ Bàng Tiến Long) hiện có trách nhiệm trông coi và quản lý ngôi đền. Bà Chinh cho biết: “Ngôi đền được giao lại các thế hệ sau. Vợ chồng bà là thế hệ thứ 4 tiếp quản từ năm 2006 chăm lo nhang khói cho ngôi đền đến nay”.

Ngôi đền xưa là căn cứ hoạt động cách mạng, đến nay đền Khuôn Gà không chỉ là của riêng dòng họ Bàng mà vì đền nổi tiếng linh thiêng nên đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin của cả một vùng. Tiếng thơm lan xa, nhiều bà con lân cận cũng đến dâng hương. Do lượng khách mỗi năm một đông, đến năm 2012 con cháu trong dòng tộc tập trung nhau tu sửa, mở rộng sân đền nhằm đáp ứng việc tổ chức tế lễ của dòng họ và nhu cầu tín ngưỡng của bà con lân cận. Hàng năm, có rất nhiều du khách thập phương, các đoàn tham quan, các tổ chức phật giáo về thắp hương làm lễ cầu an cứu độ chúng sinh...

Đền Khuôn Gà bề thế, gắn liền với lịch sử của dòng họ đã có công với Cách mạng (có 7 người tham gia Cách Mạng thì đã có tới 5 huân huy chương chiến thắng hạng nhì và 3 bằng khen của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ).

Theo chân bà Chinh vào đền đặt lễ, tôi như mê mẩn với bài hát văn vọng ra từ chiếc điện thoại của bà thủ nhang...

“Ra vào ngọc điện kim môn

Danh thơm ngoài cõi tiếng đồn trong cung...

Bậc thần nữ phong cô nhan sắc

Vẻ khuynh thành nhất mực trần gian

Quyền cô cai các cửa ngàn

Quản chi các bộ sơn trang tung hoành...”

Nếu như được các ngành chức năng thuộc các cấp thẩm quyền xem xét, công nhận đền Khuôn Gà là Di tích lịch sử thì thật đáng tự hào cho bà con các dân tộc trong vùng.

Tiết Minh Hà

17 đã tặng

6

0

5

6

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy