Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
03:20 (GMT +7)

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2016: Nâng tầm “hội” nhưng chưa “nhập”

VNTN - Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ IV năm 2016 - HANIFF 2016 với khẩu hiệu “Điện ảnh - Hội nhập và phát triển bền vững” đã kết thúc sau 5 ngày “đại tiệc phim thế giới” từ 1 đến 5/11/2016. Quy mô và tầm vóc được nâng lên qua số lượng phim gửi đến tham dự và các hạng mục, hoạt động bên lề. Nhưng ở một góc nhìn khác, HANIFF 2016 vẫn chưa thật sự “hội nhập” theo hướng chuyên nghiệp của một Liên hoan phim quốc tế.


Ngoài “đại tiệc phim”, còn có nhiều hoạt động đặc sắc song song bên lề như: “Trại sáng tác tài năng trẻ Haniff 2016”; “Chợ dự án phim”; Triển lãm “Bối cảnh Việt Nam trong một số phim nước ngoài” Hội thảo chủ đề: “Hợp tác sản xuất phim trong các nước ASEAN”; Tọa đàm “Điện ảnh Ấn Độ”…

5 ngày cho một Liên hoan phim (LHP) quốc tế chưa phải nhiều, nhưng có thể thấy HANIFF 2016 đã có bước chuyển đổi khá chuyên nghiệp hơn 3 kỳ trước. Phim “Hồi ức”- Remember - Canada (sản xuất năm 2015) của đạo diễn Atom Egoyan đã chiến thắng đoạt giải Vàng HANIFF 2016 hạng mục phim truyện dài. “Hồi ức” kể về một nạn nhân sống sót sau chiến tranh Thế giới thứ hai phát hiện ra tên lính của Đức quốc xã đã giết toàn bộ gia đình ông sau 70 năm, đang sống tại Mỹ với một nhân thân giả. Nam diễn viên từng đoạt Oscar Christopher Plummer đã có một vai diễn đầy xúc động về người đàn ông sắp gần đất xa trời đang lần mò lại hồi ức về những bi kịch của mình cũng đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất HANIFF 2016. Phim này cũng đã từng đoạt Giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Canada 2016; Giải Vittorio Veneto cho Atom Egoyan tại LHP Venice 2015; Đề cử Sư tử Vàng cho Atom Egoyan tại LHP Venice 2015; Đề cử giải SIGNIS cho Atom Egoyan tại LHP Hong Kong 2016; Đề cử giải Nam chính, Biên kịch và Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng Phê bình Điện ảnh Vancouver 2016.

Dấu ấn “Đại tiệc phim” HANIFF 2016

Khác với 3 kỳ trước, ở HANIFF 2016 đã mở rộng hạng mục phim tham dự thi tới tất cả các nền điện ảnh của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thay vì chỉ dành cho các phim trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Số lượng phim gửi đến thật sự ấn tượng: 550 phim, trong đó có 327 phim truyện dài, hơn 200 phim ngắn (tài liệu, hoạt hình, phim truyện ngắn) của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ các hạng mục phim dự thi tranh giải, HANIFF 2016 còn có chuỗi hoạt động song song: Toàn cảnh điện ảnh thế giới, phim ASEAN, phim Việt Nam đương đại, “Tiêu điểm phim Ấn Độ”, “Tiêu điểm phim Italia”, Trại sáng tác, Chợ dự án… Là một “đại tiệc phim” thế giới thật sự đối với công chúng Việt và những người làm nghề điện ảnh Việt Nam.

HANIFF 2016 mạnh dạn xã hội hóa một phần, nên các đơn vị tư nhân đã mua được bản quyền, mang đến HANIFF 2016 nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng cao. Đặc biệt có nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng nghệ thuật đỉnh cao, mới và rất mới của nước ngoài cả ở mục tranh giải chính thức lẫn trình chiếu. Phần lớn phim đã đoạt nhiều giải thưởng trong các Liên hoan phim quốc tế danh giá và uy tín như Cannes, Venice, Toronto, Vancouver, Berlin, Bafta, Oscar…, hay các giải thưởng phim châu lục.

Với một số người trong nghề hoặc khán giả mê phim kiểu nghiên cứu, thì HANIFF 2016 là cơ hội để thưởng thức những tác phẩm nước ngoài được giới phê bình đánh giá cao cũng như công chiếu khá hạn chế như “I, Daniel Blake” của đạo diễn Ken Loach, “Cemetery Of Splendour” của Apichatpong, “Marguerite” của Xavier Giannoli, “Remember” của Atom Egoyan hay “Louder than bombs” của Joachim Trier… Sự có mặt các phim này đã nâng tầm chất lượng cao cho HANIFF 2016 sánh với một số LHP quốc tế trong khu vực có tuổi đời khá lâu. Và đây là một điểm sáng, một dấu nhấn mà HANIFF 2016 đang khẳng định uy tín, giá trị của mình trong bản đồ LHP quốc tế của điện ảnh khu vực, châu lục và thế giới.

Ngoài các phim tham dự giải chính thức, các phim trình chiếu trong Toàn cảnh điện ảnh thế giới cũng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị với khán giả và người làm nghề, không chỉ ở nội dung phim mà còn cả những sáng tạo khác biệt trong nghệ thuật thể hiện như: Son of Saul (Con trai của Saul) - Hungarie: - Giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài tại Oscar 2016; Giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2011; Giải FIPRESCI, Giải François Chalais, Giải Ban Giám khảo; Giải Vulcain cho Thiết kế âm thanh và Đề cử giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2015. Hay I, Daniel Blake  (Tôi, Daniel Blake) - UK - Giải Cành Cọ Vàng và giải Đặc biệt tại LHP Cannes 2016;  Giải Khán giả bình chọn tại LHP Quốc tế Lorcano 2016. Interrogation (Thẩm vấn) - Ấn Độ: Đạt Giải thưởng Đặc biệt tại Liên hoan phim Venice 2015; Đạt giải Phim truyện xuất sắc nhất bằng tiếng Tamil, Sen Bạc cho Diễn viên nam phụ và Dựng phim xuất sắc nhất tại Giải thưởng điện ảnh quốc gia Ấn Độ năm 2016; được chính thức chọn làm phim Ấn Độ tham dự Oscar 2017.

Cũng trong HANIFF 2016, Việt Nam tham dự 29 phim ở các hạng mục. Ngoài 10 phim ngắn đã đoạt các giải thưởng quốc tế và trong nước, các phim truyện dài được lựa chọn nhiều “khẩu vị”, như toàn cảnh phim Việt thu gọn trong vòng 3 năm nay và đều là những phim được khán giả đón nhận hào hứng.

Đã “hội” nhưng chưa “nhập”

HANIFF 2016 đã có nhiều bước tiến đến chuyên nghiệp, thật sự là ngày “hội” của những người làm nghề điện ảnh Việt với những hạng mục “chuyên môn” và mặc định của các LHP quốc tế danh tiếng như: Phim truyện dài, phim ngắn, toàn cảnh, triển lãm, hội thảo, trại sáng tác, chợ dự án, tiêu điểm phim…. Được xem nhiều tác phẩm đỉnh cao của điện ảnh thế giới, biết được sự đa dạng, đa sắc, đa thanh của điện ảnh và học được rất nhiều từ các nhà làm phim quốc tế, không chỉ là những sáng tạo trong nghệ thuật mà còn là cách tiếp cận các vấn đề đương đại, lịch sử, văn hóa bản địa với nhiều góc nhìn, thậm chí rất khác biệt.

Câu chuyện về điện ảnh mỗi nước mỗi khác, nhưng nhìn chung tại tọa đàm “Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các thành viên của FILM ASEAN” diễn ra ngày 3/11, các nhà lãnh đạo điện ảnh các nước ASEAN đều nhận định điện ảnh là một trong những ngành mũi nhọn về văn hóa, thu hút đầu tư và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc gia. Nhưng có một sự khác biệt giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực, khi ở Việt Nam Nhà nước vẫn bỏ tiền để làm phim “đặt hàng”, thì với các nước ASEAN, việc này được giao hoàn toàn cho các hãng phim tư nhân thực hiện. Việt Nam có phần xa lạ trước việc Nhà nước cần có chính sách thu hút, ưu đãi thuế dành cho những nhà làm phim nước ngoài hợp tác sản xuất, thì ở các quốc gia trong khu vực, đây là một chính sách thu hút đầu tư hiệu quả mang lợi nhuận khá cao.

Có thể thấy ban tuyển phim của HANIFF 2016 có xu hướng chọn phim đề tài nhân văn, nhân đạo, đặc biệt thích các phim đề cao các giá trị trong gia đình, hay đậm đặc bản sắc văn hóa dân tộc, với nhiều tầng ý nghĩa, triết lý sâu sắc. Nhưng với phim Việt Nam thì những vấn đề này lại khá hời hợt, thiếu và yếu. Trong danh mục phim dự thi, qua giải thưởng, phim Việt có độ “chênh” với phim của các nước tham gia. Trừ giải Đạo diễn trẻ phim ngắn cho Phạm Ngọc Lân, thì các giải khác cho phim Việt chỉ là “của ta tặng cho ta”.

Kết quả trao giải ở HANIFF 2016 làm cho giới nghề “tâm phục khẩu phục”, Ban giám khảo làm việc nghiêm túc và thật sự có “tầm” để không bị sai sót. Đây là một điểm sáng tạo nên uy tín của Liên hoan. Nhưng nhìn vào danh mục các giải thưởng thì thấy thiếu nhiều vị trí trọng yếu như các giải Biên kịch, Âm thanh, Âm nhạc, Kỹ xảo, Họa sĩ… Điều đó cho thấy quy mô của HANIFF chưa thật sự đủ tầm để tranh đua với các Liên hoan phim trong khu vực, châu lục, quốc tế.

HANIFF 2016 mới ở tuổi thứ 4, nên nhiều “tiểu tiết” quan trọng chưa được chỉn chu: trang web của HANIFF rất sơ sài, gần như chỉ có giới thiệu sơ lược phim tham dự, thiếu những bài viết của giới lý luận phê bình điện ảnh; clip giới thiệu phim cũng rất qua loa, nhiều phim nước ngoài thiếu phụ đề hay phụ đề “lạc” với hình ảnh; việc PR cho HANIFF chưa được đầu tư nên những hoạt động ngoài trời chưa thu hút khán giả; Chợ dự án chưa thấy công bố một hợp đồng hợp tác sản xuất- mua bán nào của Việt Nam với các nhà sản xuất phim thế giới, chưa công bố dự án nào chiến thắng tại Trại sáng tác HANIFF; chưa có sự kết nối của HANIFF 2016 với ngành Du lịch để có những tour khách cùng hòa mình với HANIFF, khám phá vẻ đẹp tiềm ần về đất nước, con người Việt.

Để HANIFF thật sự hội nhập và chuyên nghiệp

HANIFF đến mùa thứ tư cũng là sự khẳng định đây sẽ là Liên hoan phim quốc tế chuyên nghiệp của Việt Nam. Vì thế nên xác định tính chuyên nghiệp ngay từ khâu tổ chức sự kiện; học hỏi kinh nghiệm ở các Liên hoan phim quốc tế, có một cơ quan chuyên trách tổ chức HANIFF (cơ quan này có thể nằm trong cơ cấu quản lý hành chính của Bộ VHTT&DL), không nên để các lãnh đạo ngành quản lý kiêm nhiệm, chạy theo sự vụ. Nhân sự cũng cần có trình độ và kiến thức chuyên môn, biết triển khai, tìm, lựa chọn, hiểu biết các xu hướng phim điện ảnh thế giới, các diễn viên “sao”, các nhà lý luận phê bình hay giám khảo uy tín của quốc tế, lên kế hoạch “đặt hàng” cho HANIFF.

Thiết nghĩ chúng ta nên có một biểu tượng chính thức của giải thưởng HANIFF, ví dụ lấy theo hình ảnh logo, thì tên giải thưởng có thể là “Hạc Vàng”? (như Cannes có Cành Cọ Vàng, Venice có Sư tử Vàng, Berlin có Gấu Vàng, ở Trung Quốc có Kim Kê Vàng, Bách Hoa Vàng…). Thành phần giám khảo là thành tố quan trọng quyết định sự thành công, chất lượng và uy tín của HANIFF, có lẽ cũng cần hạn chế mời những giám khảo “vang bóng một thời”, chọn người hiện tại đang có uy tín, là thành viên các Liên hoan phim quốc tế danh tiếng, và quan trọng là họ vẫn đang có tác phẩm, có hoạt động điện ảnh đương đại chất lượng cao… Việc mời giám khảo danh tiếng, ngoài chuyện kinh phí còn phải kể đến việc điện ảnh Việt Nam đã chuyên nghiệp? Đã có tác phẩm đoạt giải cao ở các Liên hoan phim quốc tế hạng A? Vị trí nền điện ảnh Việt Nam như thế nào trong bản đồ môn nghệ thuật thứ bảy này?...

HANIFF với quy mô ngày càng lớn hơn cả về hình thức và nội dung, vì thế, HANIFF 2018 đã có thể khởi động ngay từ bây giờ, để thực sự trở thành Liên hoan phim quốc tế theo đúng slogan: “Điện ảnh - Hội nhập và phát triển bền vững”.

 

  Những giải quan trọng của HANIFF 2016

- Phim truyện dài xuất sắc: Hồi ức - Atom Egoyan (Canada)

- Đạo diễn phim truyện dài xuất sắc: Eduardo Roy Jr - Gia đình  (Philippines)

- Nữ diễn viên xuất sắc: Hasmine Killip-Gia đình (Philippines)

- Nam diễn viên xuất sắc: Christopher Plummer - Hồi ức (Canada)

- Giải Ban Giám khảo: One Way Trip - Choi Jeong-Yeol (Hàn Quốc)

- Phim ngắn xuất sắc: “Ba thay đổi của Ofelia” - Paulo Riqué (Mexico)

- Đạo diễn phim ngắn xuất sắc: Phạm Ngọc Lân - Một thành phố khác (Việt Nam)

- Giải Ban Giám khảo: "Trái tim của đất"- Kaika Astikainen (Phần Lan)

- Giải NETPAC: “Toa xe màu xanh”- Oleg Asadulin (Nga)

- Giải phim dài dự thi hay nhất do khán giả bình chọn: Trúng số - Dustin Nguyễn (Việt Nam)

- Giải biểu dương đặc biệt của BGK cho phim truyện dài: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Victor Vũ (Việt Nam)

 

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 1 tháng trước