Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
00:42 (GMT +7)

Lều chợ

VNTN - Trong tiếng Tày, không biết gọi cái chõng tre là gì. Vì người dân miền núi quê tôi xưa không dùng vật dụng này. Có lẽ, trông nó giống một chiếc giường, nhưng không phải cho người nằm. Chõng tre hẹp về chiều rộng, ngắn về chiều dài, làm sao đủ cho một người bình thường cao mét sáu nằm lên đó. Chân chõng lại thấp hơn chân giường hơn nắm đấm. Dùng để nằm cũng dở, mà ngồi cũng không vừa. Chõng có lẽ chỉ ở dưới miền xuôi mới có. Chắc là họ dùng để ngồi hóng mát dưới bóng tre. Cũng có thể dùng làm bàn viết cho trẻ con, hay phơi phóng cái gì đó.

Còn chiếc lều, người Tày quê tôi gọi là thiêng. Thiêng làm nơi nghỉ trưa tạm bợ cho những người làm đồng. Đến mùa lúa chín, ngô chín, những người dân lên đó nằm canh thú phá hoại mùa màng. Lúc đó họ dựng giữa cánh đồng lúa, hay nương ngô một cái lều bằng bốn chiếc cọc rào, lợp một tấm phên mo tre lên làm mái. Bốn phía lều trống tuềnh trống toàng. Người nằm trong lều được thoả thích ngắm mây bay gió thổi, nghe chim kêu vượn hót, lắng lòng nghe tiếng trời đất chuyển mình. Ấy là khi trời lặng mây, bỗng đâu nhè nhẹ làm rơi một hạt bụi, hay du du một chiếc lá lúng liếng bay bay.

Chợ quê. Ảnh: Trần Khải

Nằm trong thiêng ta thấy xung quanh im ắng, vắng vẻ đến nỗi nổi cả da gà. Người ta gọi bằng một cái tên giản dị là thiêng chính nó là lều canh nương. Nói đến lều canh nương khiến người trẻ lẫn người già đều mủn mỉn cười ruồi. Họ đang tơ tưởng đến chuyện tình của mình ngày nào. Lều canh nương ấy là điểm hẹn tự do tuyệt trần của khối chàng trai với nàng đang tuổi hoa tuổi nụ. Cái món zìm zà này ngon ngọt hơn đặc sản cá trầm hương Trùng Khánh. Ngọt sắc hơn bát thịt nằm khau noọng Lèn Pò Riềng. Ai ai cũng thích nó.

Nói đến lều canh nương nhóc nhách sướng đến thế, chắc các bạn mọi miền cũng hiểu ra rồi. Lều canh nương làm chỗ chúng tôi ngồi nằm, nó lãng mạn chẳng kém vườn hoa ghế đá, nơi phồn hoa đô thị. Chả thế mà có một anh bạn cũng là nhà thơ, cũng quê ở miền núi, khoe rằng, thời xưa mình từng cởi áo làm phên vách. Rồi chúng mình cởi tiếp, cởi bằng hết những gì đang mặc trên người để làm chăn chiếu. Bọn tớ yêu nhau từ nhập nhoạng tối đến mờ sáng hôm sau. Vì thế, nói đến lều canh nương là nghe thấy trong người mệt bở hơi tai, phải căng cả mười hai con sức ra mà đứng. Thế mà lều nương vẫn không vững được chút nào. Chỉ cần một tiếng gà ó ò o là xô chiếc lều ngã bổ chửng.

Thấy lều canh nương hay thế mà chả tốn nhiều tiền của cất dựng. Dân chợ búa miền núi vốn khôn có lõi, bèn bê nguyên xi cái thiêng từ ngoài đồng lúa ra chợ cộng thêm cái chõng tre dưới xuôi đem lên. Các bà ung dung ngồi bán hàng, vừa có chỗ che mưa nắng. Cái nọ ép sát cái kia làm thành hàng lối. Lều này nổi lửa bán bánh rán. Lều kia bán bánh cuốn. Lều bán quần áo người lớn. Lều bán đồ chơi trẻ con… Khắp phố chợ chỉ toàn lều…

Nhà gần một cái chợ, nên ngày nghỉ tôi thường hay ra đấy chơi. Thấy lều nào cũng ngả nghiêng vẹo vọ như ngựa cái xả nước. Cái nào họ cũng cố tình làm cho méo mó, vẹo vọ để gần với tự nhiên. Và có lẽ họ thừa biết, nếu lều chõng chắc chắn bền đẹp, thì chỉ hôm trước hôm sau không cánh mà bay.

Khi chợ tàn, người quét chợ đi gom từng chiếc lá. Vun rác thành từng đống. Rồi họ đốt rác. Lửa đốt rác sáng bừng một góc chợ. Thỉnh thoảng từ trong đống rác, nổ lên một tiếng đòm. Đó tiếng nứa hãy còn tươi. Nứa như trêu tức bọn trẻ con hàng phố. Như thông báo: tôi cô đơn đang không có ai chơi cùng đây nè. Thế là bọn trẻ quanh đấy… tưởng bở, mắt sáng long lanh. Chúng kêu người ta đang đốt pháo đấy chúng mày ơi. Thế là cả một lũ rào rào nhung nhúc như chó con rùng rùng chạy đến. Chúng thi nhau khều bới tìm gì trong tiếng nổ.

Lúc này ánh sáng chiều tà làm biến dạng lều quán, trông lỏng chỏng như một làng ma. Cái nọ chồng lên cái kia. Cái kia dính tấm nọ như phết hồ. Nhưng chốc lát chúng lại gỡ rời nhau ra mỗi người mỗi mảnh.

Và khi tia ánh sáng cuối cùng của chiều tà vụt tắt, hàng phố đồng loạt cọt kẹt rột roạt đóng cửa. Đêm đặc quánh như sáp chàm phủ lên khắp phố chợ. Xa xa vọng lại vài tiếng vó ngựa cốp cáp đi tới. Mới chín mười giờ đêm, mà dân phố chợ xem như đã quá khuya. Hàng phố người người khứt khò bít tít.

Lúc bấy giờ, có một đôi trai gái dặt dẹo chân ngắn chân dài, họ lôi nhau đi như cây com pa. Chẳng biết các người từ đâu tới đây. Thấy anh chị dìu nhau lùng bùng trong đêm tối. Tay họ lân mân lần mần, rồi chui tọt cả người vào trong lều chợ. Rồi tay họ lân mân lần mần kê thêm vài chõng tre cho chắc. Đêm nay sẽ là đêm nõn nà. Rõ rồi! Họ là đôi tình nhân trốn nhà, vì cha mẹ đôi bên kịch liệt phản đối mối tình của họ. Người dân miền núi quê tôi có cái kiểu hôn nhân giữa hai gia đình, giữa dòng họ phải tương đương nhau về gia cảnh. Người Kinh gọi là môn đăng hộ đối. Con ông phán phải lấy con ông kí. Công ông đốc tờ phải cưới con ông giáo học… Người Tày gọi là tồng căn như nhau, bằng nhau. Có như thế mới xứng đáng! Có như thế mới mát mặt! Đằng này con nhà gia thế giàu có nhất vùng, ai lại đi phải lòng cái đứa con hoang cao vá (nghèo khổ). Không được! Không thể chấp nhận!

Và thế là… cái chõng tre lều chợ trở thành “khách sạn” hạng sang cho hai người không xứng yêu nhau.

Y Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy