“Lấy dân làm gốc” cho việc bảo tồn di sản
VNTN - Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc trong quá trình phát triển đô thị hóa một cách thiếu kiểm soát chặt chẽ như hiện nay ở nước ta đã và đang trở thành một trong những chủ đề ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sau nhiều năm “bỏ quên” các di tích, cuối cùng thì một bộ phận không nhỏ cư dân đô thị đã nhận ra giá trị và tiềm năng mang tính cần thiết của chúng đối với cộng đồng lớn đến từng nào. Tuy vậy, các di tích đã - đang phải đối mặt với những mối nguy hiểm bởi quá trình đô thị hóa.
Bài viết này chỉ tập trung vào những rủi ro đối với giá trị lẫn sự tồn tại của các di tích, và sự cần thiết có một góc nhìn mới về bảo tồn di tích bền vững.
Mối nguy luôn tiềm tàng
Thật khó để thống kê hết những tổn hại mà quá trình đô thị hóa nhanh chóng gây ra đối với các di tích vì chúng bị tác động theo rất nhiều phương cách khác nhau, và hậu quả chỉ trở nên rõ ràng sau một khoảng thời gian rất dài. Một vài mối lo đang được đặt lên hàng đầu gồm có những cơn mưa acid do nồng độ khí thải trong không khí tăng vọt; rồi việc nền đất bị sụt lún vì mạch nước ngầm khai thác quá mức, các loài thực vật không tiếp nhận được nước mưa bởi nền đất đã bị bê - tông hóa... Tuy vậy, chúng ta có thể chắc chắn rằng sẽ rất khó để phục hồi nguyên trạng lại các di tích sau khi chịu thiệt hại do những hiện tượng trên gây ra.
Đấy là còn chưa bàn đến việc các di tích được thiết kế từ hằng trăm năm trước không thể bắt kịp với số lượng khách viếng thăm hiện nay. Vẫn biết rằng đưa di tích trở thành điểm nhấn du lịch là một hành động đúng đắn, giúp người dân trong vùng có cơ hội “ăn nên, làm ra” và văn hóa địa phương được quảng bá. Dẫu vậy, việc có đến hằng trăm lượt khách viếng thăm này đang thật sự đặt gánh nặng lớn lên các công trình được xây dựng với khả năng đón tiếp vài chục vị khách mỗi ngày. Chúng ta có thể thấy rõ nhất hiện tượng này ở Chùa Cầu nổi tiếng tại thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam. Chùa đang xuống cấp nghiêm trọng có khả năng sẽ rạn nứt nếu phải tiếp tục đón tiếp cả nghìn vị khách liên tiếp xuất hiện liên tục trên cầu mỗi ngày.
Một câu hỏi được đặt ra, ấy là chúng ta phải làm gì nếu di tích luôn luôn phải đối mặt với những mối nguy tác động trực tiếp đến các giá trị của nó? Ngoài việc nhanh chóng loại trừ những nguyên nhân cơ bản gây tác động như ô nhiễm môi trường, thay đổi cảnh quan, số lượng khách viếng thăm… các cấp, ngành có trách nhiệm nói riêng và cả cộng đồng nói chung nên có một sự nhìn nhận mới về việc bảo vệ di tích. Và bảo tồn, trùng tu di tích không chỉ là việc làm một lần, mà phải là cả một quá trình cần được thực hiện liên tục và luôn luôn cải tiến, vì quá trình đô thị hóa sẽ còn tiếp tục thay đổi môi trường theo những cách khó đoán định.
Đưa cộng đồng vào với di tích
Lâu nay, chính quyền các cấp từ trung ương cho tới các địa phương đã ban hành hàng loạt những chính sách rất hợp tình, hợp lý trong việc bảo tồn di tích. Một ví dụ rất gần gũi với người dân đô thị là việc khuyến khích dẹp bỏ hành vi đốt vàng mã trong các đền chùa. Quy định này vừa bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của khách thăm viếng, vừa loại bỏ được một tập tục ngoại lai, lại vừa gìn giữ được di tích trước lửa và khói, làm hỏng cấu trúc bên trong của các công trình bằng gỗ.
Về mặt lý thuyết thì như thế, nhưng trên thực tế không phải di tích nào cũng áp dụng thành công quy định đó. Loại trừ những trường hợp ban trị sự và quản lý di tích làm ngơ cho hành vi đốt vàng mà vì một lý do nào đó, thì các trường hợp không thành công đều có một điểm chung là không có một đội ngũ thường trực nhằm đảm bảo khách viếng thăm tuân thủ quy định. Ngược lại, những trường hợp thành công thì phần nhiều đều nhờ vào việc có hẳn một đội ngũ thường trực đảm nhận trách nhiệm đó thay vì chỉ để mặc cho ban trị sự hay ban quản lý tự thân vận động.
Chùa Cầu đang càng ngày xuống cấp vì số lượng khách du lịch qua lại quá nhiều
Việc có một đội ngũ xuất thân từ cộng đồng địa phương chuyên đảm nhận trách nhiệm bảo tồn, trùng tu di tích là một cách rất tốt để đối mặt với các mối nguy luôn thường trực. Họ là những cá nhân gần gũi và có một vốn hiểu biết với di tích, vì thế có thể nhận ra ngay những tổn hại đối với di tích. Sau đó đội ngũ này có thể làm được rất nhiều việc khác nhau như kết nối với chuyên gia để tiếp nhận ý kiến của họ, kêu gọi các nguồn lực khác nhau nhằm có nguồn vốn để giải quyết vấn đề với di tích…
Sẽ có ý kiến cho rằng, việc hình thành một đội ngũ chuyên trách như vậy thì liệu có phải là thừa thãi không! Thưa là không. Đội ngũ những cá nhân chuyên về bảo tồn di tích này sẽ được đào tạo những kiến thức về lịch sử, nghệ thuật, luật pháp,… để tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm tốt hơn trách nhiệm của mình. Theo một cách nhìn nhận thì họ không có nhiều điểm khác với cán bộ công nhân viên tại các bảo tàng chuyên môn chăm sóc các hiện vật mà không bị vướng bận bởi các trách nhiệm liên quan đến quản lý, bảo vệ,… Và tất nhiên là không phải di tích nào cũng đủ lớn để cần đến cán bộ chuyên trách bảo tồn, đặc biệt là trong trường hợp các di tích trong lòng đô thị thường có quy mô khá nhỏ. Chính vì vậy mà chúng ta càng nên dựa vào cộng đồng địa phương để đảm nhận trách nhiệm bảo tồn di tích.
Hãy phổ biến những kiến thức cần thiết nói trên vào cộng đồng cùng với những hứa hẹn rõ ràng về quyền lợi kinh tế mà họ có thể nhận được khi mà người ta đảm nhận trách nhiệm này, cho dù là những lợi ích trực tiếp từ các khoản thưởng hay gián tiếp từ du lịch. Nguyên lý đằng sau quá trình này cũng khá giống với mô hình “Giao rừng cho dân” - tinh thần tự nguyện, tự chủ là rất đáng hoan nghênh, và khi có thêm quyền lợi đặt trên bàn cân thì người dân sẽ càng thêm tích cực trong việc bảo tồn di tích.
Nhật Bản là một quốc gia đã áp dụng thành công mô hình trên và là một hình mẫu cho các đất nước châu Á khác. Tại các đô thị Nhật Bản, những di tích nhỏ như miếu thờ hay cổng Torrii được giao toàn quyền quản lý cho người dân, chính quyền chỉ có tránh nhiệm tổ chức những buổi trò chuyện truyền tải kinh nghiệp cho địa phương. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều có trách nhiệm bảo tồn cho di tích, và những ai tỏ ra thiếu trách nhiệm sẽ bị phạt. Ngược lại, những người có sáng kiến nào đó giúp bảo vệ và phát triển di tích sẽ được thưởng một số tiền được trích từ quỹ chung của cộng đồng. Chính vì thế mà kể cả khi các thành phố phát triển như vũ bão về mọi mặt, nhưng người dân Nhật vẫn còn giữ được ý thức bảo vệ các di tích cho thế hệ đi sau.
Không ai khác mà chính những người dân địa phương nắm “quyền sinh quyền sát” đối với các di tích. Trong quá khứ các di tích được dựng lên để phục vụ một nhu cầu thiết yếu nào đó của người dân, thì ngày nay nếu mối kết nối nó hoàn toàn đứt gãy thì di tích cũng sẽ không còn một lý do nào đó để tồn tại. Vì thế nếu chúng ta muốn gìn giữ được các di tích thì biện pháp hiệu quả và dài lâu nhất là phải làm cho các cộng đồng - người dân - hiểu ra được di tích còn có giá trị gì đối với mình trong bối cảnh đô thị hóa như hiện nay. Bởi vậy, với việc “lấy dân làm gốc” cho câu chuyện bảo tồn di tích thì đó chính là một trong những giải pháp tích cực đầy nhiệm màu nhằm tạo ra giá trị mới cho di sản, từ đó giúp chúng có cơ hội trở nên trường tồn, phục vụ cho chính lợi ích thiết thực của cộng đồng.
Lê Công Hội
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...