Lá vàng bên những non xanh
Trong số các bà mẹ của 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, cụ Phạm Thị Ạp, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Đức Thập, xã Lương Sơn, huyện Phú Bình (nay thuộc phường Lương Sơn, thành phố Sông Công) tỉnh Thái Nguyên là người cao tuổi nhất còn sống, năm nay cụ đã 102 tuổi.
Cuối tháng 4 năm 2018, trong không khí nao nức chào đón ngày kỷ niệm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi tới thăm cụ và xin phép được thắp hương kính viếng liệt sĩ. Dù sức khỏe không còn được tốt, đi lại khó khăn nhưng cụ vẫn còn minh mẫn. Gọi nhỏ tên con, cụ xúc động nghẹn lời, gương mặt hằn sâu các vết nhăn nhạt nhòa nước mắt. Dường như trong cụ vẫn còn đó niềm đau.
Hồi lâu, sau những tiếng nấc, đôi mắt mờ đục của cụ ngời lên sự ấm áp, chỉ lên ban thờ cụ bảo: Tôi phận đàn bà con gái, chả giúp được gì cho dân cho nước, chỉ góp được một người con, nhưng nó hy sinh sớm, không để lại cả tấm hình. Anh Nguyễn Đức Liên, con trai thứ ba của cụ tiếp lời mẹ: Ngày đó việc chụp ảnh khó khăn lắm. Gia đình cũng dò hỏi khắp nơi để có bức ảnh thờ, nhưng không tìm được. Có một lần anh Thập đi đám cưới, cũng có chụp bức ảnh quay lưng lại, chả nhìn thấy mặt đâu.
Lúc chúng tôi sắp lễ, cụ bảo con đưa mình ra ghế. Dường như cụ muốn qua làn khói nhang gửi lòng mình về với con nơi miền xa thẳm. Tôi hiểu trong góc khuất trái tim đã rỉ máu từ mấy chục năm qua, hình ảnh người con của cụ vẫn còn đó. Anh dâng hiến tuổi xuân cho đất nước, cái chết của anh đã hóa thành bất tử trong lòng mỗi người, không chỉ riêng lòng mẹ. Có lẽ chỉ ai dứt ruột đẻ con và dám để con hy sinh cho những điều cao cả, mới thấu nỗi đau thương tột cùng của cuộc đời người mẹ.
Giữa không gian hư ảo khói nhang, giọng mẹ cất lên mơ hồ như gió thoảng: Con ơi!... Về với mẹ đi con. Mẹ đợi con lâu rồi… Lá vàng chưa rụng…
Đưa chúng tôi sang ngôi nhà lớn kiến trúc kiểu biệt thự mới xây dựng chung sân với ngôi nhà hiện đang đặt ban thờ liệt sĩ, anh Nguyễn Đức Liên vừa rót trà mời, vừa sôi nổi tiếp chuyện: “Gia đình tôi có 4 anh em trai, anh Thập là anh cả, tôi là thứ ba. Ngôi nhà bên là nhà tình nghĩa địa phương xây dựng cho mẹ tôi đã lâu. Có lẽ nhiều năm nay anh em tôi và các cháu được anh phù hộ. Mỗi lần thắp hương cho anh, mẹ tôi lại bảo: Con hy sinh, nhưng trong lòng mẹ và các em, con vẫn sống”.
Ngắm những chậu hoa cảnh rực rỡ khoe sắc bên hiên, tôi ngẫm nghĩ: Anh Thập sống khôn thác thiêng, linh hồn anh nếu đi về, thấy gia đình mình đầm ấm, cơ ngơi như này hẳn cũng an lòng. Anh Liên trầm ngâm giây lát đầy vẻ suy tư và nhỏ nhẹ: Có cuộc sống hôm nay là nhờ xương máu của bao nhiêu người, trong đó có anh tôi. Ngày anh đi Thanh niên xung phong, gia đình tôi nghèo lắm. Bố mẹ làm ruộng trong hợp tác xã, hưởng theo công điểm, ăn bữa nay lo bữa mai. Nhà tôi cũng như nhiều nhà khác trong làng đều mái tranh vách đất. Tôi khi đó độ hơn chục tuổi, ham chơi là chính.
Tôi nhớ là anh và các bạn rất hiếu động, nghịch ngợm, hay bị bố quát mắng. Thế nhưng tôi nghe mọi người bảo anh học rất giỏi. Học xong cấp II, anh lên thành phố học cấp III. Ngoài giờ học, anh phụ giúp gia đình mọi việc, từ chăn trâu cắt cỏ đến vườn tược, hoặc là đi đó, đi đơm, mò cua bắt ốc. Con trai nông thôn ngày xưa là thế. Vả lại, làm gì có tiền nong mà chơi bời, lêu lổng.
Chiến tranh ngày một ác liệt. Thái Nguyên cũng là một trong những trọng điểm máy bay Mỹ ném bom đánh phá. Thanh niên trai tráng lên đường tòng quân hết. Anh ấy cũng xin đi bộ đội nhưng thấp bé nhẹ cân, lại chưa đủ tuổi nên không được tuyển. Chả biết ai mách bảo thế nào, cả ba anh em cùng học, chơi thân với nhau đều xin đi TNXP, lúc đó anh tôi đang học lớp 8. Bố tôi ra sức khuyên giải, thậm chí to tiếng: Bom đạn nó chẳng chừa ai. Mày tí tuổi đầu, ai người ta khiến… Anh tôi cũng không vừa, mặt tỉnh queo: ở nhà bom nó bỏ, tránh được đâu. Con đi, chết còn vì dân vì nước.
Sự đã rồi, bố tôi cũng không nói gì được, chỉ có mẹ tôi, bà cụ khóc suốt. Tôi chả biết thanh niên xung phong làm gì, nhưng nhìn cả ba anh hăm hở, thấy cũng thích. Giá tôi lớn tôi cũng đi. Mới hơn ba tháng, cả ba anh đều hy sinh...Dường như từ lúc thắp hương cho con trai đến giờ, cụ vẫn ngồi đắm mình trong những ký ức, lọn tóc xõa trắng như màu khói nhang. Có lẽ khóc con mấy chục năm rồi, nước mắt cụ đã cạn. Giờ cụ khóc con bằng những phút giây thắp lòng mình như thế.
Cụ kể tôi nghe nhiều chuyện không đầu không cuối về muôn sự ở đời, miền quên, nhớ do tuổi tác của cụ làm tôi băn khoăn. Vậy mà khi nhắc tới con mình, cụ lại nhớ rất rõ. Nắm tay tôi như người thân, cụ trải lòng bằng giọng nói trầm khan, đứt quãng: Thời ấy sinh con, đến lúc nó hy sinh, tôi không lo cho con được bữa ăn ngon. Lên học trên tỉnh, cũng chả có cho con vài tấm áo lành. Nó là giai cả, đang tuổi ăn tuổi lớn, nhiều thứ nghĩ chưa tới, nhưng biết nhường nhịn, quý mến các em.
Ngày bỏ học theo chúng bạn, nó mới mười bảy tuổi, vài tháng sau đã hy sinh. Tôi nhiều đêm ngủ không đẫy giấc, tới bữa không nuốt nổi bát cơm. Mãi đến đận năm bảy nhăm mới tạm an lòng. Gì thì con tôi không trở về như con người ta, nhưng nó cũng góp chút máu xương cho sự yên hàn. Có đêm tôi mơ thấy con về, nó mặc bộ quần áo xanh, cắp chiếc mũ đính sao. Nó đứng chỗ này - Cụ chỉ mạn đầu giường: Mẹ chả cần lo gì cho con đâu. Chỉ cần mẹ nghỉ ngơi, cố sống đến trăm tuổi cho con mừng. Tôi 102 tuổi rồi mà không thấy nó về… Đời người, ai cũng đến lúc phải nhắm mắt xuôi tay. Con tôi như chiếc lá xanh đợi lá vàng rụng.
Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Đức Thập
Đôi mắt cụ đã đục như đục thêm. Giọng nói yếu ớt càng lúc càng nhỏ làm tôi phải cúi gần hơn: Ra đi được ít ngày, nó tranh thủ về nửa buổi. Nó kể hiện đang đóng quân bên Linh Sơn, làm nhiệm vụ sửa chữa đường và bốc xếp hàng hóa chi viện cho miền Nam. Nó bảo đơn vị chủ yếu là nữ người dân tộc ở các huyện tít tận trên Bắc Kạn, nhiều cô còn ít tuổi hơn nó. Tôi bảo chọn một cô dẫn về làm dâu cho mẹ có cháu bế. Nó chỉ cười cười: Liệu con gái dân tộc mẹ có ưng không? Tôi mắng: Cha bố anh! Lấy vợ cho anh chứ cho tôi đâu mà hỏi. Chỉ cần hiền lành, ăn ở phúc đức là được.
Cách hôm hy sinh mấy ngày, nó mượn xe đạp về chơi. Nó cho tôi cặp bánh ngải, hình như là loại bánh của người Tày. Tôi hỏi, nó bảo bạn về quê mang xuống cho. Tôi hỏi thêm nữa… nó liền đánh trống lảng. Chả rõ có phải của cô nào nó thích không. Bữa cơm trưa hôm ấy, tôi kiếm được ít cá thờn bơn, cá rô đồng và mớ cua nấu canh riêu. Chỉ tiếc món cá rô rán nó thích, nhà chả còn tẹo mỡ nào để làm…
Anh Nguyễn Đức Liên xúc động: Ba ngày sau đêm 24/12 gia đình mới biết tin. Gia đình lên đến nơi thì cả 60 liệt sĩ Đại đội 915, Đội 91 đã được an táng. Khu ga Lưu Xá tôi vào trông thật khủng khiếp, tất cả đều đổ nát, tan hoang… Bây giờ hàng năm, mấy anh em tôi vẫn lên trên đó ba lần thắp hương cho anh và các đồng đội đã ngã xuống. Mỗi lần như thế, mẹ tôi thêm ấm lòng.
Trên đời có nhiều thứ cao quý, nhưng không có gì cao quý hơn trái tim người mẹ. Sinh con, tảo tần vất vả nuôi con khôn lớn. Suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con. Dẫu con không có mặt trên đời, hình ảnh con vẫn hiện hữu trong tình thương của mẹ. Tôi nhận ra những điều dung dị ấy khi tiếp xúc với những người mẹ liệt sỹ như cụ Phạm Thị Ạp.
Ngoài trời mưa bụi lay phay nhưng bất chợt hửng lên chút nắng nhẹ. Tia nắng làm mưa ánh lên như muôn hạt ngọc sáng lóng lánh. Tuổi đã cuối chiều, cụ như chiếc lá vàng mong manh trước gió. Bao nhiêu mùa đi qua, chiếc lá ấy vẫn lặng thầm bên những non xanh như một chứng nhân của tình mẫu tử trước giông gió cuộc đời.
Ký. Minh Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...