Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
18:26 (GMT +7)

Khủng hoảng chính trị Qatar – vì đâu?

VNTN - Ngày 5/6/2017, các nước Vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập đã tuyên bố cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Qatar. Tính đến nay, đã có 9 quốc gia Vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ các tổ chức khủng bố và gây bất ổn tình hình trong khu vực. Đây được coi là sự chia rẽ lớn nhất lịch sử hiện đại giữa các quốc gia Vùng Vịnh. Qatar gọi hành động này là “không công bằng” và “vô căn cứ.”

Khái quát tình hình cuộc khủng hoảng Qatar

Đây không phải lần đầu tiên các láng giềng của Qatar thể hiện sự bất bình đối với chính sách ngoại giao độc lập của nước này; năm 2014, một số nước đã từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong 9 tháng. Tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar của các nước láng giềng Vùng Vịnh lần này đã tạo ra làn sóng hoảng loạn trong dân chúng, nhất là ở thủ đô Doha. Tiếp sau đó, các nước này tuyên bố đóng cửa các hoạt động hàng không, hàng hải và đường bộ với Qatar, cấm máy bay và tàu thủy của Qatar sử dụng không phận và hải phận của họ. Quyết định bao vây Qatar làm rối loạn các tuyến bay quốc tế, các hãng hàng không của UAE, Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập đều ngưng các chuyến bay đến Doha. Việc các quốc gia láng giềng cô lập Qatar đã khiến nước này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn khi người dân ồ ạt đổ tới các siêu thị để mua vét thực phẩm và nhu yếu phẩm để dự trữ.

Cùng với đó, các nước Arab cũng triệu hồi các quan chức ngoại giao và công dân của họ rời khỏi Qatar trong vòng 48 giờ. Ai Cập yêu cầu 250.000 công dân làm việc ở Qatar về nước.

Ngày 7/6, Saudi Arabia đã đặt một số điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Qatar và cho Qatar 10 ngày để thực thi tất cả những điều kiện này. Cụ thể, Qatar sẽ phải giảm mức quan hệ ngoại giao với Iran, đóng cửa các cơ sở ngoại giao của Iran ở Qatar, cắt đứt quan hệ tình báo quân sự với Iran, trục xuất bất kỳ thành viên nào của Lực lượng cách mạng Iran và chỉ trao đổi thương mại với Iran theo các lệnh cấm của Mỹ; đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ; trục xuất toàn bộ thành viên của nhóm khủng bố "Anh em Hồi giáo" và phong trào Hamas khỏi Qatar; từ chối nhập quốc tịch cho các công dân từ Saudi Arabia, Ai Cập, UAE Bahrain và trục xuất những phần tử bị truy nã thuộc 4 nước này đang ở Qatar về nước; ngừng cung cấp tài chính cho các tổ chức cực đoan mà Mỹ đã coi là khủng bố; cung cấp thông tin chi tiết về các nhân vật đối lập mà Qatar đã tài trợ đang ở Saudi Arabia và các nước khác; tham gia cả về chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác với Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC); dừng cung cấp tài chính cho các hãng tin ngoài Al Jazeera như Arabi21 và Middle East Eye; trả một khoản tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng và tài sản do chính sách của Qatar gây ra; cắt đứt quan hệ với IS, al-Qaeda và Hezbollah ở Li băng.

Ngày 19/6/2017, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tuyên bố với báo chí rằng: “Qatar vẫn còn đang bị cô lập thì sẽ không thể có thương lượng. Chừng nào các quốc gia trên bỏ các biện pháp phong tỏa, thì lúc đó Qatar sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Hiện giờ chúng tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu của việc dừng cô lập Qatar, như vậy sẽ không thể có thêm tiến triển nào hết”.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Qatar

Theo các nhà phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng Qatar, chủ yếu là các nguyên nhân dưới đây:

Tài trợ cho các nhóm khủng bố

Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Qatar hiện nay. Saudi Arabia và các nước đồng minh Vùng Vịnh, Ai Cập và Yemen cho rằng trong thời gian qua, Qatar là quốc gia tài trợ cho tổ chức "Anh em Hồi giáo"; có quan hệ với Taliban cùng một số chi nhánh của al-Qaeda; nhóm phiến quân Houthi do Iran đứng đằng sau ở Yemen đang chiến đấu chống các lực lượng chính phủ mà Saudi Arabia và UAE hậu thuẫn.

Qatar bị cáo buộc sử dụng sức mạnh tài chính để ủng hộ các tổ chức chính trị, vũ trang và hoàng gia theo đạo Hồi dòng Sunni ở Vùng Vịnh. Qatar từng tiếp đón cựu thủ lĩnh tổ chức vũ trang Hamas, Khaled Meshaal, cũng như cung cấp nơi trú ẩn cho Taliban, ủng hộ quân nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, tài trợ cho các tay súng IS và al-Qaeda ở Syria.

Tháng 4/2017, Qatar làm cho các nước Vùng Vịnh nổi giận vì đã cung cấp cho Iran và Kata'ib al-Hezbollah, một tổ chức phiến quân người Shiite ở Irắc do Iran đứng đằng sau, 700 triệu USD để đổi lấy tự do cho 26 thành viên Hoàng gia bị phiến quân bắt cóc.

Quan hệ thân thiết với Iran

Qatar và Iran đều là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Phong trào không liên kết và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Tuy nhiên, không giống như các quốc gia thành viên Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) khác như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar không chỉ trích các hoạt động của Iran, thậm chí còn tổ chức một số cuộc họp cấp cao với các quan chức Iran để thảo luận các thỏa thuận về an ninh và kinh tế. Đặc biệt, hai nước có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực dầu khí. Iran và Qatar đang cùng kiểm soát mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới (Mỏ khí-condensate South Pars/North Dome). Đây cũng là khu vực mà UAE tranh chấp căng thẳng với Iran về chủ quyền 3 hòn đảo trên vịnh Pếch xích. Hiện nay, Qatar đang sản xuất 650 triệu m3khí/ngày, trong khi Iran đang sản xuất 5.750 triệu m3 khí/ngày từ khu mỏ này. Ngoài quan hệ khăng khít trong khai thác dầu mỏ và khí đốt, Qatar và Iran còn hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực vận chuyển. Mới đây, Iran đã lên tiếng ngỏ ý hỗ trợ và sẵn sàng cung cấp 3 cảng biển cho Quatar sử dụng...

Quan hệ “quá thân thiết” của Qatar đối với Iran được hầu hết các quốc gia đa số dòng Sunni ở Vùng Vịnh coi là “mối đe dọa về an ninh” đối với khu vực. Qatar cũng là nước bỏ phiếu chống lại Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi Iran ngừng chương trình làm giàu hạt nhân và ký thỏa thuận song phương về chống khủng bố với Iran.

Gần đây, Quốc vương Qatar là nguyên thủ quốc gia thứ hai ở Vùng Vịnh (sau Oman) đã chúc mừng Tổng thống tái đắc cử của Iran là Hassan Rouhani. Cuối tháng 5/2017, có tin Quốc vương Qatar đã phê phán chính sách và hành động của các nước Vùng Vịnh và Mỹ đối với Iran, làm dấy lên phong trào phản đối và là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bất đồng về dầu mỏ và khí đốt

Việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và có khả năng sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (Thỏa thuận P5+1) đặt Qatar vào một tình thế chính trị khó khăn. Nguồn thu nhập của hầu hết các quốc gia Vùng Vịnh, trong đó có Qatar và Iran chủ yếu là từ dầu khí. Dự báo, trong tương lai, nguồn thu nhập từ khí đốt của Qatar và Iran sẽ ngày càng tăng, tạo ra “hố ngăn cách” lớn về chính sách giữa Qatar với các nước Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), nhất là sự ủng hộ đối với chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ở khu vực.

Saudi Arabia là nước có ảnh hưởng mạnh đối với GCC ngay từ khi mới thành lập, một phần bởi vị thế quan hệ đối ngoại của nước này. Tuy nhiên, Qatar đã theo đuổi các quan hệ đối ngoại độc lập khiến một số nước GCC không hài lòng, trong số đó có việc thành lập Hãng truyền thông Al Jazeera năm 1996. Việc Qatar thành lập và tiếp tục cung cấp tài chính cho Al Jazeera đã gây căng thẳng chính trị trong nội bộ GCC vì hãng tin này bị coi là cánh tay nối dài của Qatar nhằm gây bất ổn khu vực.

Hậu chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Donald Trump (20-21/5/2017), Mỹ và Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí trang bị, trị giá 350 tỉ USD, trong đó gói 110 tỉ USD đã được ký kết. Theo đó, Mỹ sẽ bán cho Saudi Arabia các vũ khí trang bị, bao gồm: xe tăng, pháo, trực thăng, các hệ thống hỏa lực trên không tầm gần, máy bay trinh sát tình báo, các hệ thống phòng thủ tên lửa như Patriot và THAAD. Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi các nước Arab và Hồi giáo đoàn kết chống lại mối đe dọa khủng bố, ca ngợi Saudi Arabia là lãnh đạo của khu vực.

 Phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân chuyến thăm đến Saudi Arabia được Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Ai Cập coi là sự "bật đèn xanh" cho các nước này trừng phạt Qatar "do Qatar tài trợ cho các nhóm khủng bố Hồi giáo". Tại Hội nghị thượng đỉnh Arab Hồi giáo - Mỹ, ông Donald Trump bày tỏ Mỹ không có tư cách gì để cam kết với Saudi Arabia và các nước đồng minh ở khu vực về việc kiềm chế Iran và chống lại Hồi giáo cực đoan, cũng như đưa Qatar "vào quỹ đạo", do đó các nước Vùng Vịnh nên tự giải quyết.

Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi cuộc khủng hoảng quan hệ giữa các chế độ quân chủ Arab xảy ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Arab Hồi giáo - Mỹ được tổ chức tại Riyadh. Đó là cuộc khủng hoảng đầu tiên mà Saudi Arabia và liên minh tạo ra trong thời gian chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia và cuộc gặp của ông Donald Trump với các thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh Arab Hồi giáo-Mỹ, mà tại đó đã công bố nỗ lực thành lập một tổ chức kiểu "NATO Sunni". Trên trang Twitter, ông Donald Trump còn gọi các nhà lãnh đạo Qatar là "những kẻ tài trợ cấp cao cho khủng bố" và kêu gọi về sự cấm vận khu vực đối với Qatar, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi "nới lỏng sự trừng phạt đối với Qatar".

Tác động đến khu vực

Qatar có thể vẫn tiếp tục mối quan hệ với Hamas và phong trào "Anh em Hồi giáo" của người Sunni, khiến các nước Ả rập, đặc biệt là quốc gia láng giềng Saudi Arabia tức giận, gia tăng áp lực về ngoại giao và kinh tế đối với Qatar. Trong bối cảnh đó, các tổ chức khủng bố có thể lợi dụng tình hình để tiến hành các vụ đánh bom. Khi các vụ tiến công khủng bố gây nhiều thương vong cho dân thường xảy ra, mũi nhọn sẽ chĩa vào Qatar và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.

Việc các quốc gia Vùng Vịnh bao vây phong tỏa Qatar có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường của các nền kinh tế khu vực và thế giới. Do Qatar là nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ 2 thế giới sau Nga, do đó, nếu việc cung cấp khí đốt của Qatar bị ngưng trệ có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân ở nhiều nước.

Ông Zeid Raad Al Hussein, Trưởng Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động tiềm tàng của việc các nước láng giềng cô lập Qatar, đồng thời cảnh báo nguy cơ người dân phải gánh chịu những hậu quả từ vụ việc này. Ông cũng bày tỏ lo ngại động thái trên có thể tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn người dân, đơn giản bởi vì họ thuộc quốc tịch của một trong những quốc gia liên quan đến mối bất hòa trên. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Vùng Vịnh với Qatar cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số gia đình đa quốc tịch và con cái họ, cũng như các sinh viên du học.

Bên cạnh đó, chiến dịch phong tỏa Qatar hiện nay của các nước Vùng Vịnh cũng gây nhiều bất lợi cho Mỹ, nhất là trong xây dựng liên minh chống khủng bố IS ở Vùng Vịnh. Hiện nay, trung tâm giám sát các cuộc không kích IS được đặt ở Al-Udeid, Qatar, một căn cứ quân sự lớn nhất đồng thời là Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) của Mỹ ở Trung Đông với 10.000 lính Mỹ đồn trú. Ngoài ra, Qatar còn là một đồng minh quân sự của Mỹ ở khu vực và là một thành viên của lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu trong chiến dịch tiến công IS từ năm 2014.

Qatar hứng chịu hậu quả nặng nề từ căng thẳng ngoại giao ở vùng Vịnh. Ảnh: AFP

Một số dự báo

Mặc dù cuộc khủng hoảng Qatar diễn biến phức tạp và leo thang căng thẳng, song khó có khả năng dẫn đến cuộc chiến tranh. Qatar là đất nước có nguồn lực tài chính dồi dào, nhưng lại không có lực lượng quốc phòng mạnh, chủ yếu là do thiếu nhân lực. Tổng số binh sĩ của hải, lục, không quân Qatar khoảng 12.000 quân, tương đương một sư đoàn chính quy của quân đội Saudi Arabia. Đây có thể là động lực để Saudi Arabia thành lập một liên minh quân sự ở Vùng Vịnh để phát động tiến công Qatar.

Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho ra rằng, khả năng này là vô cùng thấp, vì Qatar đang thực hiện chiến lược quốc phòng dựa chủ yếu vào quân đội nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ Qatar. Căn cứ al-Udeid gần thủ đô Doha là nơi Mỹ triển khai Sở chỉ huy tiền phương CENTCOM và nhiều máy bay hiện đại. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một căn cứ tại Qatar và sẵn sàng triển khai thêm binh sĩ tới đây vào bất cứ lúc nào cần thiết. Trong khi đó, Saudi Arabia đang cùng liên minh các nước Arab chống phiến quân Houthi ở Yemen và đang bị sa lầy tại đây. Cho dù có tiềm lực quân sự mạnh rất nhiều lần so với Qatar, song Saudi Arabia khó có thể cùng một lúc phát động hai cuộc chiến tranh.

Do đó, giải pháp khả thi nhất cho cuộc khủng hoảng Qatar là các bên ngồi vào bàn đàm phán. Trong một phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani khẳng định, không có bất kỳ hành động làm leo thang căng thẳng nào từ phía Qatar, một đồng minh lâu dài của Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Qatar và Mỹ là mang tính chiến lược. Có những vấn đề hai bên không đồng tình với nhau, song những lĩnh vực mà hai bên hợp tác với nhau nhiều hơn những lĩnh vực bất đồng. Tuy tuyên bố bên ngoài là như vậy, song một số chuyên gia vẫn cảnh báo không loại trừ khả năng Qatar có thể trở thành mục tiêu của "Mùa xuân Arab", khi con bài đã hết giá trị đối với Mỹ. Cuộc khủng hoảng Qatar tiềm ẩn nhiều nhân tố khó dự đoán.

Vũ Khanh

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 1 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 5 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước