Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:28 (GMT +7)

Khèn – nét đặc trưng văn hóa người Mông

VNTN - Người Mông có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú. Kho tàng văn hóa dân gian của họ còn lưu truyền được nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo, trong đó có khèn - một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của họ.

 

Diễn tấu khèn Mông (Nguồn: langvietonline.vn)

Khèn được coi như là linh hồn của người Mông để gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, với núi rừng. Khèn là một loại nhạc cụ độc đáo không chỉ bởi tính đại chúng của nó mà còn bởi đó vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ. Hơn thế, khèn là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, được sử dụng trong tang ma nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, mang lại tinh thần lạc quan yêu đời.

1. Theo truyền thuyết, chiếc khèn ra đời từ một gia đình có sáu người con, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Tiếng sáo của họ trở nên rời rạc khi không thổi cùng nhau. Họ đã bàn nhau chế tác ra một loại nhạc cụ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài và bốn người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả là sáu ống, thay cho sáu anh em và khi ghép lại với nhau, đã tạo ra một loại nhạc cụ phát ra những âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ… Đó chính là chiếc khèn Mông ngày nay.

Bên cạnh đó cũng có một truyền thuyết khác về loại nhạc cụ này liên quan đến cái chết của vợ chồng già trong gia đình có sáu người con. Một ngày, khi đang ở nhà chờ các con đi nương về, đôi vợ chồng bị một cơn lũ cuốn trôi đi mất. Vì thương nhớ cha mẹ, sáu người con thảm thiết khóc lóc suốt chín ngày đêm. Khi không thể khóc được nữa, họ vào rừng để lấy ống trúc về thổi thay cho tiếng khóc. Cảm động về tình cảm của những người con hiếu thảo, thần núi đã ban tặng cho họ bí quyết để họ làm nên chiếc khèn có sáu ống nứa dài ngắn khác nhau, tượng trưng cho độ tuổi của sáu anh em. Từ đó, cây khèn giúp họ gửi gắm lời yêu thương và làm vơi bớt nỗi khổ đau vì mất cha mẹ.

Dù những truyền thuyết có khác nhau về các chi tiết nhưng đều phản ánh những giá trị cốt lõi của đồng bào Mông về lòng hiếu thảo, tình cảm gia đình, sự kết nối cộng đồng. Hơn thế nữa, truyền thuyết cũng lý giải về chức năng ban đầu với tư cách là nhạc khí thiêng bên cạnh chức năng giải trí mang tính cộng đồng của chiếc khèn.

2. Trong cộng đồng người Mông, cùng với thầy cúng, thợ rèn, người làm khèn Mông và thầy khèn luôn được đồng bào kính trọng. Điều đó đã khẳng định vị trí của cây khèn trong đời sống của người Mông. Đây chính là nguồn cội tạo nên sức sống bền bỉ vượt thời gian của nhạc cụ độc đáo này.

Chiếc khèn do chính những người đàn ông Mông kỳ công chế tác và truyền dạy, rất công phu và tốn thời gian. Các bộ phận cấu thành cây khèn gồm: thân khèn, bầu khèn, đuôi khèn, ống khèn, lam khèn, lỗ khèn, đai khèn và lỗ thổi khèn. Cây khèn được chia thành ba phần: thân khèn, ống khèn, đai khèn. Để làm thân khèn là loại gỗ Pơ mu trắng hoặc đỏ vì chất gỗ này dẻo, nhẹ, không cong, ít đàn hồi và hút nước tốt, được chẻ thành từng thanh, phơi khô, dùng dao đẽo gọt định hình thân khèn rồi chẻ đôi từ đuôi lên ngọn, cố định phần đuôi và tiếp tục đẽo gọt cho hoàn chỉnh.

Ống khèn được làm bằng cây măng dê lấy trên rừng, cây măng dê sẽ được nghệ nhân đem đi luộc, sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô. Trước khi uốn ống, lấy dùi để xuyên đốt ống cho thông. Đúc đồng làm lam khèn là bước quan trọng và khó khăn nhất. Nguyên liệu gồm: đồng dẻo, đồng cứng, đồng đỏ và từ vài hào bạc trắng...

3. Với người Mông, cây khèn có ý nghĩa sâu sắc, đó vừa là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, vừa là tâm hồn, bản sắc của cả một cộng đồng dân tộc. Khèn thường được sử dụng trong hai trường hợp: Trong đám tang, tiếng khèn để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố, trường hợp này các bài khèn nhằm ôn lại lịch sử của con người từ khi sinh ra, lớn lên rồi trở về cõi vĩnh hằng, vô biên. Tiếng khèn còn như một công cụ giúp con người ở giữa trần gian tiếp xúc được với thế giới thần linh và cõi âm.

Khi vui chơi thi thố tài năng, khèn bộc lộ ý chí, nghị lực của con người, người chơi khèn vừa múa, vừa thổi những bài hát ngợi ca quê hương, bản làng, giãi bày tâm tư, tình cảm bằng tiếng khèn véo von, say đắm lòng người.

Trong những ngày lễ tết, khèn được coi là linh hồn của người Mông để gửi gắm, thể hiện tiếng lòng của mình với bạn tình, với cộng đồng và với thiên nhiên hùng vĩ. Tiếng khèn khi ngân lên, kèm theo các vũ điệu thể hiện được sự tinh tế, khéo léo của người con trai Mông. Thông qua tiếng khèn, qua từng động tác, người biểu diễn để lại những ấn tượng khó quên đến với người nghe và người xem. Khi buồn, khi vui, người Mông đều mang khèn ra thổi, gửi cả tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng khèn. Theo quan niệm của người Mông, việc thổi khèn kết hợp với các vũ điệu còn chứng tỏ sức mạnh của người đàn ông. Người Mông quan niệm, khi chết, nếu không có tiếng khèn, điệu múa khèn thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên. Các bài khèn để an ủi người chết, động viên người nhà, tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Hướng dẫn cho linh hồn người chết chọn đường đi về với tổ tiên để làm con người tốt ở thế giới bên kia. Thổi khèn và múa khèn thể hiện lòng tiếc thương của con cháu đối với người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về công lao của người đã khuất. Trong cưới hỏi, tiếng khèn thay lời nhắn nhủ của bố mẹ, anh chị em gửi cho con gái khi về nhà chồng.

Múa và thổi khèn trong đám ma cũng như trong lễ hội, sinh hoạt văn hóa vừa thể hiện tính nhân văn, vừa thể hiện tính nghệ thuật, không chỉ cho người Mông niềm tin vào cuộc sống mà còn thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của họ.

Dù việc chế tác hay diễn tấu khèn là việc dành riêng cho nam giới nhưng việc thưởng thức, thụ hưởng nhạc điệu của nó lại dành cho cả cộng đồng, không phân biệt tuổi tác, địa vị. Sự cảm nhận âm nhạc từ nhạc cụ này đã khẳng định trình độ thẩm âm và thẩm mỹ khá cao của người Mông. Chỉ cần nghe tiếng khèn Mông cất lên, cả cộng đồng sẽ hướng tới, hòa mình vào từng giai điệu - dù buồn hay vui - tạo sự cộng cảm đặc biệt.

Đối với người Mông, biết thổi khèn đã khó, nhưng để múa được khèn thì còn khó hơn rất nhiều. Tùy vào môi trường, không gian biểu diễn, diễn xướng, người múa khèn sẽ múa các động tác như “quay đổi chỗ”, “vờn khèn”, “quay tại chỗ”, “lăn ngửa”, “lăn nghiêng”, “múa ngồi xổm”, “múa nhảy đưa chân”… Động tác cơ bản trong múa khèn là “đi tiến, đi lùi” theo bốn hướng, mỗi bước di chuyển, chân này chạm gót chân kia; hoặc khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo những đường tròn đồng tâm, hình xoắn ốc. Muốn trở thành một người thổi khèn giỏi, múa khèn đẹp, người chơi phải luyện tập từ bé để thân hình vừa khỏe khoắn, mềm dẻo và biết cách lấy hơi dài.

Đầu năm 2018, Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Hiện nay, khèn đang dần vắng bóng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Mông. Người biết chế tác khèn, múa khèn giỏi càng ngày càng hiếm nên tri thức sử dụng, lưu truyền di sản âm nhạc cổ truyền của cây khèn đang dần càng mai một... Ý thức được vấn đề này, nhiều năm qua, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đưa Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông vào trong hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ dân gian tại Bảo tàng - đây được coi là một trong những cách thức đổi mới hoạt động của bảo tàng nhằm thu hút khách tham quan, đồng thời góp phần vinh danh di sản, phát huy và quảng bá nhạc cụ độc đáo này tới đông đảo du khách.

Đoàn Thanh Huế

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy