Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
01:21 (GMT +7)

Huy Oánh: họa sĩ hiện thực trữ tình

Phó Giáo sư Trần Huy Oánh - họa sĩ nổi tiếng của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, là một trong những đại diện xuất sắc của mỹ thuật thời chống Mỹ.

Với những tác phẩm, với nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và giáo dục mỹ thuật, thúc đẩy phong trào mỹ thuật cả nước phát triển, họa sĩ Huy Oánh có một vị trí xứng đáng trong sự nghiệp phát triển Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Huy Oánh
Họa sĩ Huy Oánh

70 năm, hoạt động nghệ thuật miệt mài, hứng khởi, sáng tác của ông vạm vỡ và phong phú. Không ngại tìm tòi, thể nghiệm, các tác phẩm hội họa, đồ họa, kí họa được ông thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau…

1. Khác với các họa sĩ lớp trước, ông không nuối tiếc những hình ảnh phồn hoa kiều diễm xưa, không day dứt để thay đổi mình cho hợp thời, hoặc tập trung thời gian nghiên cứu nghệ thuật dân gian chốn làng quê đồng bằng Bắc bộ… Muốn phá vỡ kho màu cũ kỹ một thời, tranh ông không có sự náo nức của “Buổi cày tập đoàn”, nhưng lại bồi hồi với “Đứa con đầu lòng”. Họa sĩ Huy Oánh sâu lắng yêu thương trong “Bà mẹ quê”, “Bà mẹ Sán Dìu”, “Nắng Tây Nguyên”, quân dân gắn bó trong “Chiều biên giới”; tin tưởng vào tương lai của những người Việt Nam mới trong “Em hát anh nghe”, đồng bào ở Ta Lê , Phu La Nhích...

“Cầu Hàm Rồng” - sơn mài, sáng tác năm 1976
“Cầu Hàm Rồng” - sơn mài, sáng tác năm 1976

Ông không miêu tả kể chuyện những cảnh quê cũ với những hàng cây đổ bóng bên con mương, cánh đồng xa tít chân trời, in bóng người nhỏ nhoi trong buổi chiều tà… Ông không vờn tỉa hoặc cố làm đẹp theo kiểu tranh trang trí phòng ốc, thi đua với nhiếp ảnh. Tranh ông không thấy có cảnh đồng hiện, không cắt cúp theo trường phái hiện đại với không gian lớp nọ lớp kia, trừu tượng, kỳ quái, hoặc những hình ảnh vương hậu, quý phi giả hiệu hay những nhân vật như robot, công thức, chủ quan, bắt chước, ngoại lai…!

Từ đời sống hiện thực, Huy Oánh đã thi vị hóa hiện thực trong tác phẩm của mình qua ngôn ngữ tạo hình. Nhân vật của ông cụ thể, rõ đặc điểm, có tên có tuổi, chân thật, lực lưỡng, đầy sức sống - tuy lao động vất vả, đấu tranh gian nan nhưng mật thiết với cuộc đời. Tạng chất Huy Oánh là vẻ đẹp trong không gian trọn vẹn, những con người Việt bình dị, đôi vai in đậm nền trời, không chút kiểu cách, điệu đàng!

Ông phát triển ngôn ngữ hội họa mạnh hơn, rõ hơn - khối hình được xác định từ màu sắc - nét vẽ biểu lộ nhiều trạng thái; không gian được mở rộng từ khái niệm sang ý niệm và những phát kiến sáng tạo.

“Ông cháu” khắc gỗ sáng tác năm 1973
“Ông cháu” - khắc gỗ sáng tác năm 1973

    Những hình ảnh tiêu biểu của xã hội Việt Nam, thời chiến cũng như thời bình, đã thể hiện trên toàn bộ tác phẩm của họa sĩ. Với tài sử dụng chất liệu sơn dầu, sơn mài… Tác giả diễn tả không khí sinh hoạt như thoáng rộng hơn, vượt ra khỏi kích thước bức tranh - rất hiện đại mà vẫn đậm chất dân tộc. Tranh “Ông cháu” - khắc gỗ đen trắng, rất khái quát, tương phản - một già một trẻ, tượng trưng hai thế hệ gần gũi. Không khéo tay, tranh giản dị nhưng mang ý nghĩa lớn.

   Kích thước tranh dù to hay nhỏ, tác giả luôn đặt nhân vật là chủ thể, bản chất của hình khối, đường nét được thể hiện phù hợp với hòa sắc và ánh sáng tạo hình.

   Hoạ sĩ Huy Oánh vượt lên trên sự phản ánh thực tế, hy vọng hướng người xem tranh đến những tình cảm đẹp đẽ, cao thượng! Hiện thực, trữ tình, lãng mạn là khuynh hướng sáng tác của Huy Oánh, đã góp phần làm phong phú cho Mỹ thuật Việt Nam.

Huy Oánh thích dùng màu xanh lam, xanh lá cây, xanh rêu đá, đôi chỗ ửng lên một mảng mầu da cam, trắng sáng trên một nền trung tính mát nhẹ. Sau này ông lại vẽ màu rực rỡ hơn có sắc vàng, nâu đất hồng tươi.

Tranh “Nắng Tây Nguyên”, “Đông Hà giải phóng”, “Nhà cổ ở Nam Hà”… không ồn ào nhưng tâm tình tha thiết. Ngoài ra, những kí họa chân dung văn nghệ sĩ và những người thôn quê dân dã… đã mang lại sức sống trong sáng tác có đẳng cấp của ông.

Chủ nghĩa Ấn tượng ảnh hưởng đến hội họa Việt Nam nhưng họa sĩ có bản lĩnh, vẫn tìm ra con đường riêng cho mình. Họa sĩ Huy Oánh yêu thích những sắc màu quyến rũ của Gauguin, De’gas… nhưng ông không thờ ơ với những hình ảnh và màu sắc mà chỉ ở Việt Nam quê hương ông mới có được.

Màu đen của ông rất có ý nghĩa và nên thơ. Nó gợi nhớ màu lá tre trong tranh dân gian, màu của khăn vuông quần thâm áo vải, con trâu đầm dưới khúc sông chảy bên làng… là màu kỷ niệm thời thơ ấu, là màu của tình yêu, của nỗi nhớ những gì đã qua nhưng vẫn hiện hữu trong tâm hồn họa sĩ!

Tranh đen trắng mà vẫn như có màu sắc phong phú. Ngược lại tranh nhiều màu nhưng kết cấu đậm nhạt chắc nịch, tạo không gian và nhịp điệu hội họa đẹp mắt.

“Ngày vui” - màu nước, sáng tác năm 1973
“Ngày vui” - màu nước, sáng tác năm 1973

Hoài niệm và ước mơ trong cuộc đời đã dần thể hiện trong những tác phẩm mới của ông như “Văn công Trường Sơn”, “Chiều biên giới”, những chân dung “Em bé với chiếc mũ vàng”, “Tĩnh vật”, “Khỏa thân”, “Phong cảnh”, “Người Hà Nội”… Các tác phẩm đó khẳng định phong cách riêng biệt - một giá trị thật của một tâm hồn đôn hậu!

Làm chủ, điều khiển chất liệu,… Huy Oánh có thừa khả năng diễn tả nhiều nhân vật trong một không gian rộng lớn.

2. Ý tưởng chủ quan, sự tôn sùng quá khích của quan niệm bảo thủ cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tư duy sáng tác của họa sĩ Huy Oánh. Nhưng nghệ thuật của ông luôn đằm thắm một tâm hồn dân tộc và tinh thần độc lập trong sáng tác mà các bậc thầy hội họa Việt Nam đã khẳng định.

“Giải phóng quân” - màu nước, sáng tác năm 1973
“Giải phóng quân” - màu nước, sáng tác năm 1973

Huy Oánh đã sớm thành công những bức tranh khi còn là sinh viên như: “Tắm”, “Đọc báo”, “Bà mế Mường”, “Võ Văn Vinh”, “Những người thợ dệt”, “Mẹ đi trực chiến”. Ông vẽ với sự minh triết của tinh thần, với sức mạnh truyền cảm từ ngọn bút rung động trước đối tượng…

 Ông thích những hình dáng cao nhọn, những mái nhà Rông Tây Nguyên, những cây lưỡi hổ, những con thuyền độc mộc hai đầu mũi nhọn trên sông Sêrêpôk, nhà mái tôn ở “Đông Hà giải phóng”, những nhịp “Cầu Hàm Rồng” trên sông Mã, “Trực chiến pháo cao xạ”, “Thông tin”. Ông yêu mến “Lão ngư Hoàng Trường, Thanh Hoá”, “Em bé Quảng Bình”, và những chiến sĩ hiền lành rạng rỡ.

Đời đã thay đổi. Hình sắc vui vẻ dần dần hiện lên tranh ông qua các chất liệu - kí họa thuốc nước, bột màu , sơn dầu… càng làm cho bộ sưu tập sáng tác của ông thêm phong phú: “Biển Quỳnh Long”, “Bác Hồ với các cháu”, “Mùa gặt”, “ Về thăm nhà”, “Phong cảnh thôn quê”, “Chiều biên giới”, “Thời trai trẻ”, “Họa sĩ với người mẫu”, “Khoả thân nằm”, “Thiếu nữ Nhật Bản”, “Quỳnh Anh”…

“Lão Dân quân Hoàng Hóa” - màu nước, sáng tác năm 1973
“Lão dân quân Hoằng Hóa” - màu nước, sáng tác năm 1973

Như trẻ lại hăng hái hơn, vẽ nhiều, vẽ đẹp khi họa sĩ đã ở tuổi cao quả là hiếm.

Hội họa sẽ trở lại nguyên giá trị của nó? Đó là cái đẹp giản dị được tinh lọc từ cuộc sống của một họa sĩ chân chính. Đời còn nhiều khó khăn trong cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, đang tiềm ẩn nỗi đau truyền kiếp của lịch sử… thì hình ảnh về tình mẫu tử, những thiếu nữ, phong cảnh, chiếc lọ cổ thời Lý, những đứa trẻ, những người lính chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc và những cảnh gặp mặt vui đến rơi nước mắt… trong tranh của ông vẫn là những giá trị thẩm mỹ sâu sắc.

Tác phẩm “Chiều biên giới” là tổng hòa những cảm xúc của họa sĩ với những người lính và dân bản đang bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Để diễn đạt những ý tưởng trong những bố cục độc đáo, từ thực tiễn, ông đã sáng tạo cách trình bày đơn giản mà vẫn phát huy được tiếng nói nghệ thuật của các chất liệu. Họa sĩ chủ động biến tấu màu sắc, những hòa sắc đến ấn tượng lạ, hình khối không cường điệu quá mức, tiết tấu đường hướng chuyển động hợp lý, chừng mực. Ánh sáng tập trung tôn được vẻ đẹp của những hình ảnh thân quen, gây xúc động.

Cuộc sống để lại trong tâm thức ông biết bao nhiêu kỷ niệm không thể quên - thực tế là mạch nguồn sáng tác khiến tâm hồn ông phấn chấn, cất lên tiếng nói vang vọng, rung động đến như vậy.

Với cương vị từng là Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của nền mỹ thuật.

Sinh năm 1937, hiện ông vẫn còn sung sức, vẫn cống hiến, phát hiện và sáng tạo ra cái Đẹp. Biết nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ là người có chí lớn, nhưng truyền lửa nhiệt tình và hoài bão của mình cho nhiều thế hệ sau phải là một ý tưởng phi thường!

Ngôi nhà của ông trong khu tập thể Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có khóm cây hoa râm bụt, chuồng chim bồ câu nho nhỏ, nhoi lên một ống khói bếp như hình mái nhà Rông, một mảnh sân chút nắng… Nơi đây, đã ra đời những tác phẩm đáng kể cho Mỹ thuật Việt Nam.

Lê Trọng Lân                                                                          

                                    

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy