Hồn cốt làng Tày
VNTN - Con gái tôi đi họp báo về vội vàng khoe ở trên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đang có dự án lập bảo tồn làng Tày đấy pa ạ. Nhìn vẻ mặt của nó hớn hở như sắp có hội múa lân tung còn trước cửa nhà mình.
Tôi nghĩ và nhớ ngay, đấy cái làng văn hóa du lịch trên Đồng Mô, cách Hà Nội chừng 35 - 40km. Nghe nói nó có từ mấy năm nay rồi, chẳng biết vuông tròn ra sao, nhỏ to nhớn bé như thế nào. Tôi chả bao giờ để ý. Vì nghĩ rằng nó chẳng khác bao nhiêu với mấy hòn non bộ, mấy cái cây người ta bứng từ rừng về đặt trong nhà để làm cảnh. Thực ra đó chỉ là mô hình để giới thiệu cho du khách biết cái này, cái kia. Du khách gật gật, cười cười mấy cái. Rồi họ đi. Bỏ lại sau lưng một dây, một tràng nước hoa công nghiệp nồng nặc. Chỉ khổ người làng tôi hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu.
Nếu bảo tồn làng Tày Khuổi Ky chỉ phục vụ cho du lịch, đấy là một việc làm tốn kém không cần thiết. Ngôi làng mà tôi từ khi sinh ra, lớn lên, đến tận bây giờ chẳng thấy đổi thay. Nhưng người làng tôi không hề xa lạ với văn hóa tinh thần vật chất trên khắp toàn cầu. Người ta có gì người làng tôi có cái đấy. Chỉ có điều, họ tiếp nhận muộn màng hơn so người thành phố mà thôi. Nhưng cái sự sớm muộn kia, chẳng có ảnh hưởng gì đến người làng. Họ vẫn thế. Ung dung tự tại. Họ vẫn thế. Người nhìn người mà lớn lên, như núi nhìn núi xanh thắm.
Tôi coi cái làng Tày như da bọc lấy người tôi. Nó nghi ngút khói lửa vui buồn cay đắng trong hồn. Ngôi làng ấy biến nước lã thành máu, chảy thấm qua và nuôi hàng trăm nghìn vạn tế bào quanh thân xác tôi. Một cái làng Tày ở Đồng Mô, nay thuộc Hà Nội thì có khác gì gia đình chúng tôi đang sinh sống ở thành phố này. Mọi thứ đối với chúng tôi đều xa vời, lạ lẫm. Người ta nói có con bò vào lạc chuồng là nói chúng tôi chứ còn ai. Những con bò vào nhầm chuồng thì cả đời sẽ bị đói cỏ nương, khát khô nước suối nguồn. Vẻ vang nỗi gì mà khoe.
Con tôi nói vì là một cái làng đã có từ vài trăm năm nay ở trên đất Trùng Khánh. Hiện nay người ta muốn bảo tồn nó nguyên trạng. À vậy ra tôi hiểu rồi. Đây là ý tốt của người ta đây. Cái người nào nghĩ ra dự án này chắc yêu người Tày mình lắm. Cái tình cảm ấy không thể bỏ tiền ra mua được.
Văn hóa nói chung, văn hóa Tày nói riêng trong vài thập kỷ qua, hẳn là còn quá nhiều vấn đề đáng bàn. Tôi đã thấy văn hóa các dân tộc ít người đang mai một nhạt nhòa dần. Ra chợ không còn thấy bóng dáng áo chàm thắt lưng bằng the bằng đũi. Chả thấy trai gái nấp sau mô đá lá cây tình tự, hát lượn, hà lều, sli giang. Bờ ruộng khóm rẫy còn dằng dặc buồn nữa là người. Không còn ai trồng bông dệt vải nhuộm chàm. Còn có mấy ai trồng “po” (một loại cây trồng để lấy sợi) se thừng. Ngoài chợ, không thấy người thợ nào hàn chảo gang, vá chậu đồng, đóng móng ngựa. Không thấy ông đồ già nửa ngồi nửa bò mà viết những con chữ to như cái mẹt. Trong nhà, không mấy đứa con đứa cháu thưa vâng dạ với các bậc ông bà cha mẹ. Ra đường không thấy thanh niên mang vác hộ người già… Đi trên đường làng mà ngẩn ngơ như vừa đánh mất một cái gì đó rất thân thuộc rất gần gũi thân thiết.
Nghe con gái nói, tôi đồ rằng, cái làng Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, sẽ được chọn để phục dựng lại toàn bộ bối cảnh sinh hoạt văn hóa của người Tày. Sẽ không có bất cứ đồ dùng, phương tiện hiện đại nào xuất hiện trong ngôi làng này. Điện đóm không. Tivi không. Xe đạp xe máy không. Nồi cơm điện không. Xà phòng tắm giặt không. Thuốc đánh răng không. Quần áo vải vóc dệt may công nghiệp không. Máy điện thoại di động không. Thuốc Tây không. Bao cao su không. Cặp tóc không… Nói tóm lại đây là ngôi làng Tày hoàn toàn xưa. Đúng như nó từng có từ bảy tám chín trăm năm trước. Trước nữa, càng xa hiện đại càng tốt. Càng hoang sơ thô mộc càng ưu việt.
Trước mắt tôi hiện lên làng với những ngôi nhà xây bằng đá hộc, lặng lẽ im lìm trong bóng tre vầu. Thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chó sủa, mèo kêu, gà gáy. Tiếng bà ru cháu nghe chênh vênh như nắng bò dần lên vách. Vách đất thủng lỗ chỗ to như quả trứng gà. Mái ngói âm dương xô lệch, mọc dầy rêu nâu với những bông hoa hình quả chuông. Đường làng thì lồi lõm, nhấp nhô hòn đá to, hòn đá nhỏ. Cuối con đường làng ngập ngụa phân trâu bò. Người người mặc áo chàm. Người người nhuộm răng đen. Người người đầu đội khăn. Người người tóc búi tó. Mùa hè ta đi guốc gốc tre. Mùa thu đi hài xảo. Mùa đông đi giày vải. Tất cả tự tay ta làm lấy, khâu lấy. Khắp làng vang lên tiếng kơ rốk kơ rák. Chỗ nào cũng bốc lên mùi chua của đụn rơm hoai mục. Người ta chỉ còn giặt giũ với nước gio bếp thay cho xà phòng. Tắm táp với quả gai găng. Hái lá khau lồm thay cho dầu gội. Quà bánh cho trẻ chỉ còn bánh sừng bò, bánh thúc théc, bánh láu cáu…và mùa nào quả đấy. Cây cỏ cũ rích trồng tại vườn nhà. Đêm về, trong nhà chỉ thắp đèn dầu ép từ quả mác lại mác chấu. Khói xả ra đen kịt. Tiền bạc làm ra chỉ để mua muối. Muối là thứ hàng hóa duy nhất xuất hiện ở làng Tày này.
Đá gắn với người dân tự nghìn đời
Song, tôi lại nghĩ, đây là bài toán không dễ. Nhận thức của con người ngày nay không thể như thế được. Không phải nói gì người ta cũng nghe, chỉ đâu người ta cũng theo… không có chuyện ngớ ngẩn đó đâu. Hơn nữa, đây lại là công việc thuộc lĩnh vực thuần túy văn hóa. Một lĩnh vực hết sức tinh tế nhạy cảm. Tiền bạc và công sức chỉ là một chuyện. Cả đời tâm huyết với công việc ấy chắc gì đã xong. Nhưng không dám làm thì không bao giờ có một cái làng Tày như vậy. Người dân làng còn muốn làm giàu. Muốn có cuộc sống no đủ. Muốn tích lũy tiền bạc. Muốn hòa nhập với xã hội hiện đại… Không hề đơn giản.
Mong sao dự án văn hóa làng Tày đừng ngủ. Làng Khuổi Ky (tiếng Tày con suối gầy) tuy nhỏ như một con tem. Nhưng nhờ có con tem nhỏ bé này mà thế giới người ta biết đến người Tày.
Y Phương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...