Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
02:10 (GMT +7)

Hollywood làm phim phản chiến

VNTN -Chiến tranh Việt Nam- Vietnam War cho đến hôm nay vẫn luôn là vấn đề “nóng” nhiều ám ảnh của lịch sử đương đại Mỹ. Và mỗi khi gần đến ngày 30/4 hàng năm kể từ 1975 đến nay, các kênh truyền hình Mỹ lại phát sóng nhắc lại đề tài này. Đặc biệt là những bộ phim của Hollywood mang nội dung phản ánh trung thực, khách quan cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có cả những phim đã "giải mật" được các hình ảnh dối trá, sắp đặt, cho thấy những "xảo thuật" thông tin từng đánh lừa cả nước Mỹ và công luận thế giới về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.


Thập niên sáu mươi của thế kỷ XX, phong trào phản chiến của lính Mỹ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam (VN) đã dậy lên một cách mạnh mẽ không chỉ ở tại chiến trường miền Nam VN mà còn ngay trong lòng nước Mỹ. Rồi thông tin của các hãng truyền thông lớn trên thế giới từ AP, AFP, UPI, Reuters, Life… luôn đưa những hình ảnh cuộc chiến tranh VN mà nạn nhân là thường dân vô tội, là sự hủy diệt sự sống, là những hành động man rợ của lính Mỹ ở chiến trường…

Những điều ấy đã thôi thúc các nhà làm phim độc lập của Hollywood tìm hiểu sự thật, không theo những gì mà Nhà Trắng và Lầu Năm góc lâu nay tuyên truyền cho người dân Mỹ về một nguy cơ đe dọa nước Mỹ không có thật. Và một số bộ phim tài liệu, phim truyện điện ảnh phản ánh một cách trung thực, có cái nhìn khách quan cuộc chiến tranh Việt Nam đã được làm và công bố cho người dân nước Mỹ biết về “sự lừa dối hào nhoáng” của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh VN. Lúc đó những phim này được gán là những bộ phim “phản chiến”.

Tất cả là sự thật trung thực nhất

Kể từ khi Mỹ tham chiến ở VN, thì cả bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chính phủ Mỹ đã ra sức “bơm” vào đầu người dân Mỹ những nguy cơ đe dọa an ninh nước Mỹ bởi “Việt Cộng”. Họ đã nhào nặn, bóp méo sự thật cuộc chiến ở Việt Nam. Nhưng ngay cả các hãng truyền thông lớn của phương Tây thuộc hàng “thân” với chính phủ Mỹ cũng không thể làm ngơ, quay lưng với những sự thật kinh hoàng, những tội ác của quân đội Mỹ ở VN và sự có mặt một cách vô lý của Mỹ ở VN. Hàng loạt các cuộc phản chiến của binh lính Mỹ ở VN và ngay ở nước Mỹ đã làm xáo trộn, gây nhiều thắc mắc của người dân Mỹ và cả những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới về cuộc chiến ở VN.

Những điều này “gợi ý” cho các nhà làm phim Hollywood nhận ngay ra mình đã bị lừa dối bởi những “xảo thuật” thông tin thiếu chân thực của bộ phận quan hệ công chúng quân đội Mỹ cung cấp, vì mục đích chính trị. Ngay từ cuối thập niên 60, một số nhà làm phim độc lập Hollywood, với quan điểm tiến bộ, đã tự đi thu thập hình ảnh ngay tại chiến trường VN. Và sau đó, đã có hàng chục bộ phim “phản ánh sự thật”, “trả lại sự thật” về chiến tranh VN ra đời. Trong những phim này, các nhà làm phim đã cố gắng đi tìm câu trả lời: Sự có mặt của người Mỹ trong chiến tranh VN là đúng hay sai!?

Mở đầu cho loạt phim “phản chiến” này là phim tài liệu In the year of the Pig (Năm Hợi) của đạo diễn Emile de Antonio ra mắt năm 1969. Với những cuộc phỏng vấn các nhà báo, chính khách, quan chức và cựu chiến binh cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Antonio đã vạch trần sự thật mà trước đó chưa bộ phim nào dám động đến, rằng: Chính sách can thiệp của Mỹ là âm mưu đã được hoạch định trước. Trong bộ phim tài liệu của mình, đạo diễn Emile de Antonio là người đầu tiên cố giải thích lý do sâu xa của cuộc chiến VN. Bằng phương pháp tỉ mỉ như nhà khảo cổ, Antonio nghiên cứu một số lượng lớn hình ảnh tư liệu lưu trữ từ thời thực dân Pháp và chứng minh hai điều: Chính sách can thiệp của Mỹ là âm mưu đã được hoạch định trước và thất bại quân sự là kết quả không thể tránh khỏi của một chính sách như vậy.

Năm Hợi

Đặc biệt là dù bộ phim hoàn thành năm 1968, khi Hội nghị Paris chưa được diễn ra vào năm 1969, và trước rất lâu khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, nhưng nó đã nói về sự thất bại của người Mỹ như là kết quả không thể tránh khỏi của một chính sách can thiệp đầy mưu mô xảo trá và phi lý! Cũng chính thời điểm làm phim này, là khi sự kiện Tết Mậu Thân 1968 ở VN đã làm cả nước Mỹ sửng sốt, rúng động, bàng hoàng, và lần đầu tiên nước Mỹ biết về một cuộc chiến tranh đẫm máu mà con em họ đã bị hy sinh một cách nhục nhã bởi tội danh: Những kẻ xâm lược.

Ngay khi mới xuất hiện, bộ phim Năm Hợi đã gây ra tranh luận dữ dội. Ở Mỹ, một số rạp chiếu phim này bị khán giả phá hoại, rạp chiếu ở Houston còn bị đe dọa đánh bom. Ở Pháp, sau một thời gian chiếu phim và thu hút được khá nhiều lượt khán giả, các rạp phim bị tấn công bằng “bom” chất bẩn. Thế nhưng, không ai ngờ rằng, Hollywood dám dũng cảm đề cao những thước phim dám nhìn thẳng vào sự thật như vậy. Năm 1970, Năm Hợi  trong danh sách đề cử giải Oscar cho Phim tài liệu hay nhất.

Lần lượt các phim tài liệu được công chiếu, như càng cộng thêm minh chứng “sự lừa dối hào nhoáng” của chính phủ Mỹ về cuộc chiến ở VN như: Interview My Lai Veterans - Phỏng vấn các cựu chiến binh Mỹ Lai (1970) của đạo diễn Joseph Shick, đã đưa ra điềm báo trước thất bại của quân đội Mỹ qua thái độ hống hách, hợm hĩnh của trung úy Calley và đồng đội. Accused in basic training course - Khóa huấn luyện căn bản (1971) của nhà làm phim Frederic Wiseman, phản ánh những tên lính biến thành tội phạm chiến tranh tàn ác sau khi trải qua khóa huấn luyện mất nhân tính. Heart and Mind - Trái tim và khối óc (1973) của đạo diễn Peter Davis, đã cố tìm hiểu và lý giải xem làm thế nào các đặc trưng văn hóa Mỹ lại có thể chấp nhận đẩy chiến tranh Việt Nam đến tầm vóc tội ác chống nhân loại được. Qua đó vạch trần những ngụy biện lừa dối được chính phủ Mỹ dùng làm bình phong che đậy ý nghĩa sâu xa của hành động. Và Hollywood chứng minh cho hành động “phản chiến” của mình, đã không do dự trao cho phim Trái tim và khối óc giải Oscar phim tài liệu hay nhất năm 1974.

Đáng chú ý nhất là phim Winter soldier - Lính mùa đông ra mắt năm 1972. So với toàn bộ các phim tài liệu nói về chiến tranh VN, đây là bộ phim có tác động công luận mạnh mẽ nhất. Thái độ phản chiến được thể hiện rõ nét. Phim kể về các cựu chiến binh trẻ tuổi (từ 20 - 27 tuổi) sau khi từ cuộc chiến VN về nước, họ đã nhận thức bản thân vừa tham gia tàn sát những người vô tội mà không bị đưa ra trước tòa án binh. Không chịu đựng nổi kết cục như vậy, họ lên tiếng phản biện chống lại sự dối trá của các phương tiện truyền thông đại chúng. 125 người trong số họ, không thuộc thành phần trốn quân dịch, không phải lính đào ngũ, từng được thưởng huy chương do lập thành tích (bắn giết ở VN), đã tập hợp tại Detroit - Mỹ, tháng 2/1971 để các nhà làm phim độc lập tha hồ khai thác những thông tin sự thật, trong khi các phương tiện thông tin chính thống của chính phủ Mỹ thì ra sức bào chữa và phủ nhận.

Trong phim này, chính các cựu chiến binh Mỹ đã thừa nhận hành vi man rợ mà họ từng làm ở VN nhân danh "văn minh phương Tây" và kể lại quá trình "tẩy não" trong trường huấn luyện, nơi họ được dạy dỗ phải bóp chết đạo đức và buông thả bản năng xâm lược. Những lời sám hối này đã được một nhóm nhà làm phim độc lập thu hình lại và biên tập thành một bộ phim

dài 95 phút. Bộ phim dù sau đó được chiếu ở Liên hoan phim Berlin và Cannes,

được đón nhận nồng nhiệt ở châu Âu, nhưng vẫn bị các kênh truyền hình lớn tại Mỹ từ chối phát sóng.

Tại Mỹ, bộ phim bị nhận xét là “gây nhiều tranh cãi” do trình chiếu trong thời điểm nhạy cảm khi mà cuộc chiến của Mỹ tại VN đang diễn ra ác liệt. Nhưng rồi nó cũng được Hollywood dũng cảm trao giải Oscar phim tài liệu hay nhất.

Phim Sir! No Sir! là câu chuyện người lính bất tuân thượng lệnh. 31 năm sau chiến tranh VN, bộ phim tài liệu Sir! No Sir! đã được giới thiệu vào ngày 17-4-2006 tại New York. Phim cho người xem hiểu về tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc sự phản kháng của quân nhân tại ngũ chống chiến tranh VN. Dài 84 phút, Sir! No Sir! đề cập đến phong trào phản chiến của lính Mỹ tham chiến tại VN, do đạo diễn David Zeiger thực hiện, từng đoạt nhiều giải thưởng như giải phim tài liệu hay nhất Liên hoan phim Los Angeles, giải Phim tài liệu xuất sắc do ban giám khảo LHP Hamptons trao, giải phim hay nhất thể loại chiến tranh và hòa bình tại Liên hoan phim quốc tế Vermont.

Holywood vẫn làm phim “phản chiến”

Thập niên 80, có thể xem như là giai đoạn cao trào của phim đề tài chiến tranh VN ở Hollywood. Nhiều nhà làm phim đã khai thác đề tài này trên quan điểm xét lại lịch sử và tôn trọng sự thật. Trong số đó, thành công nhất phải kể đến đạo diễn Oliver Stone. Ông là một trong những đạo diễn lừng danh Hollywood, người từng đoạt 2 giải Oscar nhờ phim đề tài chiến tranh VN, ông từng xem chiến tranh VN là một bi kịch cho mọi người trong cuộc, ông nói: "Chính phủ Mỹ không hề tốt như cách họ giới thiệu với thế giới khi đưa quân vào VN". Ông là người tiên phong mở đường cho một trào lưu làm phim chiến tranh VN không theo lịch sử mà chính quyền Mỹ lúc đó muốn viết. Nhưng chính điều đó mang lại cho ông những giải Oscar danh giá và hiện ông đang tiếp tục đi tìm giải Oscar thứ tư của mình trong một bộ phim về đề tài chiến tranh VN (về vụ thảm sát ở Mỹ Lai - The Pink ville- Làng Hồng).

Cả 3 bộ phim về chiến tranh VN của Oliver đều dựa trên những câu chuyện có thật, đều thành công về nghệ thuật và đặc biệt thắng lớn về thương mại: Platoon - Trung đội (1986), Born on the Fourth of July - Sinh ngày mùng 4 tháng 7 (1989), Heaven and Earth - Trời và Đất (1993). Trong đó, Trung đội là góc nhìn của một người lính bộ binh đã xung phong sang VN chiến đấu theo lý tưởng của một thanh niên Mỹ yêu nước, nhưng tại đây, anh nhận ra cuộc chiến do người Mỹ thực hiện có rất ít liên hệ với chủ nghĩa yêu nước cao cả mà anh tôn thờ. Anh và những người cùng trung đội cuối cùng đã đưa ra một câu hỏi về động cơ và nguyên do chính trị đằng sau cuộc chiến - những vấn đề từ lâu đã bị người ta cố tình che đậy. Sinh ngày mùng 4/7 (ngày Quốc khánh Mỹ), được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của anh thương binh tàn phế cả hai chân Ron Kovic. Bị xúi giục bởi những chuyện hoang đường của phim ảnh và truyền thông trước đó đã vẽ lên, Kovic tình nguyện đi phục vụ trong quân ngũ để rồi sau đó nhận ra bộ mặt thật của cuộc chiến mà anh tham gia. Còn Trời và Đất là cách nhìn chiến tranh và những ám ảnh day dứt của nó qua lăng kính của một phụ nữ VN kéo dài trong khoảng thời gian gần 40 năm cuộc đời.

Để bảo vệ sự độc lập của nghệ thuật, Hollywood đã đề cao những thước phim trung thực và những cách làm phim nghiêm túc. Thay vì chiều theo những mưu đồ chính trị, Hollywood đã đánh giá cao nỗ lực của các nhà làm phim độc lập khi họ cố gắng cho công chúng Mỹ và cả thế giới thấy sự thật về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở VN và sự vô vọng mà người Mỹ theo đuổi trong suốt 10.000 ngày của cuộc chiến.

Những ghi nhận bằng các giải thưởng danh giá của Hollywood đã khuyến khích và trở thành động lực để ngày càng có thêm nhiều nhà làm phim Mỹ tìm đến đề tài chiến tranh VN theo hướng tôn trọng sự thật, đưa ra ánh sáng những sự thật như thông điệp về chiến tranh, để mọi người trân trọng và giữ gìn những khoảnh khắc hòa bình, khi thế giới vẫn luôn bị đe dọa hàng ngày bởi nhiều cuộc chiến khác nhau đang, sắp xảy ra.

 

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 1 tháng trước