Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
23:16 (GMT +7)

Hồi hương sau “giông bão”

Mỗi người có một lý do khi quyết định ly hương. Nhưng cuộc sống của những lao động tự do nơi phồn hoa đô thị có mấy ai được dễ dàng. Dịch COVID-19 ập tới khiến nhiều người bữa ăn chẳng đủ no, chỗ ngủ không còn đủ ấm. Với họ, được hồi hương là điều tuyệt vời nhất sau những tháng ngày “giông bão” nhất là khi Tết đến, xuân về.


Quê hương ngày trở về

Những ngày cận Tết, một đợt không khí lạnh tràn về như muốn đóng băng vạn vật. Dù đã quá trưa, song người đàn ông vẫn cố đẩy thêm 2 xe đất, rồi tất tả ra bếp nấu cơm. Gọi là bếp vì chỗ ấy là nơi gia đình anh đun nấu, chứ thực ra nó được quây bằng mấy tấm phi bờ rô cũ và chỉ cao ngang ngực người lớn.

Vẫn mặc chiếc áo phông cộc tay, chiếc quần lửng, anh thái miếng thịt, xào lên thơm phức, rồi vớt đĩa rau cải luộc xanh biếc để ra mâm chờ vợ con về. Cả thịt và rau đều của bác hàng xóm mới cho hồi sáng. Bên ngoài, 2 đứa trẻ đang đùa nghịch trên đống gạch vỡ. Lát sau, vợ anh bế một bé trai chừng 2 tuổi về, tay cầm chai thuốc siro ho. Thằng bé chưa quen tiết trời mùa Đông ở miền Bắc nên từ hôm trở về vẫn lai rai ốm.

Đó là vợ chồng anh Trần Xuân Trường và chị Trần Thị Định ở tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ. Họ là những công dân của tỉnh Thái Nguyên làm ăn, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh được tỉnh đón về dịp cuối tháng 11 vừa qua do gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Từ ngày tạm biệt quê hương vào miền Nam mưu sinh, anh Trường những tưởng Thành phố Hồ Chí Minh rộng lớn và tráng lệ kia sẽ “hào phóng” để anh cùng vợ và các con mình nương náu. Chẳng ngờ đại dịch COVID-19 ập tới phá hủy tất cả những dự định của anh cũng như bao người dân xa quê khác. Giấc mộng tương lai bỗng chốc trở thành ác mộng của hiện tại, để rồi người gặp phải nó chỉ còn khắc khoải 3 chữ “được hồi hương”.

Anh Trường là con một trong gia đình, sau khi bố mẹ khuất núi, vợ chồng anh dắt díu nhau vào Nam từ đó đến nay đã 7 năm, chưa lần nào có điều kiện trở về thăm gian nhà cũ. Vậy nên, anh thừa hiểu, ngôi nhà cũ kỹ, vốn đã ọp ẹp không thể nào còn nguyên vẹn sau từng ấy năm vắng chủ nhân. Chưa kể, cỏ dại có khi đã “nuốt chửng” ngôi nhà, rồi lấy đâu ra điện, nước để dùng khi về tới… Biết bao ngổn ngang đè nặng trong tâm trí người đàn ông mỗi đêm khi nhìn sang vợ con đang thiêm thiếp ngủ.

Ngày hết thời hạn cách ly tập trung, đưa vợ, con trở về để tiếp tục theo dõi tại nhà mà lòng anh đầy lo âu. Nhưng khi xe dừng ở cổng, hai mắt anh rưng rưng. Từng mảng cây dại cao ngang đầu người phía trước cửa nhà đã được phát dọn quang đãng. Trong nhà, điện, nước đủ đầy. Gạo, rau, thức ăn, chăn màn và quần áo ấm cho cả nhà đều có sẵn… Ngay cả chiếc giường trải sẵn chăn bông làm nệm cũng được hàng xóm mang tới.

Những ngày thực hiện tự theo dõi tại nhà, hai vợ chồng tranh thủ lợp lại mái căn buồng cho những ngày mưa khỏi dột. Nhà này bố mẹ anh Trường được Công đoàn Công ty Chè Sông Cầu hỗ trợ xây từ năm 2000. Xà nhà đã mối mọt hết, tường nhà động vào đâu là vôi vữa rơi lả tả đến đó. Nền nhà thủng lỗ chỗ, phải lựa mãi, tôi mới đặt được 4 chiếc chân ghế cho cân.

Ngôi nhà mới đang được xây dựng ngay trước cửa ngôi nhà cũ

Hỏi Trường về lý do năm xưa anh quyết định xa quê. Trường trải lòng: Nhà em chỉ có 500m2 đất sản xuất. Em đi làm xây để có thu nhập. Đến khi lấy vợ rồi sinh con, nhiều thứ phải chi tiêu, cuộc sống ngày càng khó khăn. Năm 2014 mấy người bạn trước học cùng em ở trường công nghiệp rủ vào Thành phố Hồ Chí Minh làm điện nước nên em đi. Công việc tạm ổn nên một tháng sau, em đón vợ, con cùng vào.

Thu nhập của vợ chồng anh Trường ở đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam tuy không dư dả nhưng cũng đủ để lo cho gia đình. Với mức thu nhập 12-15 triệu đồng/tháng của cả 2 vợ chồng. Trừ tiền các chi phí, mỗi tháng vợ chồng anh cũng tiết kiệm được một đôi triệu làm lưng vốn.

Năm 2019, vợ chồng Trường sinh bé thứ 3. Nhu cầu chi tiêu nhiều hơn. Con cứng cáp, vợ anh tiếp tục đi làm công nhân may giày da. Dự định làm thêm một vài năm, khi kinh tế tạm vững, cả nhà sẽ trở lại quê sinh sống.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Dịch COVID-19 ập đến, các công trình xây dựng ngày một ít. Công việc lắp điện nước của anh vì thế cũng không còn. Trường học đóng cửa, anh Trường phải ở nhà trông con học online. Chỉ còn mình vợ anh đi làm với mức lương 6 - 7 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền mọn tích cóp được sau mấy năm làm lụng cũng vì thế mà vơi dần.

Sống nhờ cứu trợ

Dịch bệnh mỗi ngày một khủng khiếp hơn. Ngay cả nguồn thu nhập duy nhất của gia đình từ vợ anh cũng không còn khi Thành phố phong tỏa diện rộng. Anh Trường nhớ lại: Từ khoảng đầu năm, tại huyện Củ Chi nơi chúng em sống, xe cứu thương chạy suốt ngày đêm. Trong xe ấy vừa là người bệnh vừa là thi thể người chết vì COVID-19. Một nỗi ám ảnh kinh hoàng với tất cả mọi người. Cuộc sống kể từ đó phụ thuộc hoàn toàn vào các đợt cứu trợ. Ban đầu người dân còn một tuần được đi chợ một lần. Nhưng, các chợ dân sinh chẳng mấy cũng đóng cửa hết, chỉ còn lại siêu thị. Có điều giá thực phẩm ở siêu thị cao ngất ngưởng nên không mua sắm được gì.

3 mẹ con chị Trần Thị Định trong căn nhà của bố mẹ chồng để lại

Chị Trần Thị Định, vợ anh kể thêm: Trước dịch, loại gạo nhà em ăn đang có giá 14 nghìnđồng/1kg, vào siêu thị họ bán 35 nghìn đồng/1kg. Cá rô phi đang 35 nghìn đồng, siêu thị bán 120 rồi lên 180 nghìn đồng/1kg… Suốt cả gần một năm trời, chủ yếu những người ở các khu trọ như gia đình em sống bằng gạo và rau của các đoàn thiện nguyện. Thịt, cá thì lâu lâu mới có. Khổ quá, mấy đứa nhỏ nhà em nó kêu “ăn như này thì sống sao hả mẹ?”. Em lại phải động viên các cháu, ráng ăn để còn sống. Thấy nhiều người như chúng em đi xe máy về quê, lúc đó em cũng đã rất muốn về. Nhưng, vì chỗ em ở là vùng đỏ bị cấm đi lại. Cố tình về thì sợ mang dịch về cho quê nên chúng em cứ nấn ná ở tìm cơ hội. Cho đến khi có thông tin tỉnh mình có chủ trương đón công dân về quê, chúng em mừng đến mức chẳng biết diễn tả thế nào. Nhưng ngay sau giây phút mừng vui ấy em lại lo lắng vì nếu phải tự mua vé máy bay thì nhà em không đủ sức.

Em lần theo số điện thoại liên hệ của chị cán bộ ở huyện Đồng Hỷ gọi hỏi xem tỉnh đón về như thế chúng em có phải nộp tiền vé máy bay không. Vì thú thực, chúng em không còn đủ tiền mua vé. Nhận được câu trả lời, tỉnh mình lo cho hết từ tiền vé đến chỗ ăn, ở khi về cách ly, lúc ấy em còn ngỡ chân mình không chạm đất.

Anh Trường xúc động: Từ hôm về (tháng 11/2021) quần áo, đồ ăn thức uống nhà em chưa phải mua sắm gì cả. Nếu phải mua, em cũng không biết xoay sở sao vì tiền không còn. Xa quê bao năm, nhưng về không có cảm giác bị lạc lõng vì bà con ở đây ai cũng tình cảm. Từ hôm nhà em hết cách ly tại nhà, ngày nào bà con lối xóm cũng chạy sang chơi, lúc cho rau, gạo, lúc cho quà bọn trẻ.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Tổ trưởng Tổ dân phố 5 xởi lởi: Trước hôm nhà cháu Trường về, chúng tôi tạm sửa sang nhà cửa, phát dọn xung quanh nhà, lắp cho các cháu cái bảng điện, ít bóng chiếu sáng, kê thêm cho chiếc giường và ít chăn ấm vì biết trong ấy không có mùa Đông, nên chắc cả nhà sẽ không có đồ ấm để dùng. Nhà tôi gần nên tôi bảo các cháu điện đóm cứ dùng thoải mái. Khi nào ổn định thì kéo điện riêng sau cũng được. Các cháu nó mới về, tôi cũng bảo bà nhà tôi, đi chợ mua thức ăn, thức uống mang sang đỡ đần. Nó không đáng là bao nhưng quan trọng là tìm cảm, để các cháu nó đỡ thấy buồn tủi khi mới trở về. Tôi cũng đang cố gắng bằng mối quan hệ cá nhân vận động thêm các nguồn hỗ trợ khác để giúp các cháu nó ổn định cuộc sống, chứ giờ các cháu nó tay trắng rồi. Thương lắm!

Từ hôm kết thúc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, anh Trường đã xin đi xây theo đội thợ xây ở thị trấn. Vợ anh vì phải trông con nhỏ nên tạm thời chưa thể đi làm ngay. Tuy nhiên, một mình lo cho gia đình 5 người chẳng phải chuyện dễ dàng. Trước hoàn cảnh của gia đình anh Trường, hôm 27/12/2021 vừa qua, UBND thị trấn Sông Cầu, Ủy ban MTTQ, Hội Nông dân, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Đồng Hỷ và Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông đã hỗ trợ gia đình anh 45 triệu đồng để khởi công xây nhà “Mái ấm nông dân”. Số tiền tuy còn hạn hẹp, song với vợ chồng anh Trường lúc này nó là món quà ý nghĩa mà hai người chưa từng dám mơ tới. Anh Trường bảo: Với số tiền ấy, em cứ xây cái móng rồi 4 bức tường lên, lợp mái lấy chỗ chắc chắn cho Tết này vợ con chui ra chui vào, không phải lo mưa gió nhà có thể bay nóc hay sập đổ nữa đã là tốt lắm rồi. Em tạm nghỉ ở nhà làm cùng thợ cho bớt công. Nhà xây xong em sẽ tìm việc làm và bắt đầu lại từ đầu. Cảm ơn quê hương đã che chở và đùm bọc vợ chồng em cùng các cháu.

Anh khẽ cúi xuống để lộ ra những mảng tóc bạc màu trước tuổi, giấu đi sự xúc động đã dâng đầy trong mắt.

Thai phụ 20 tuần tuổi là F0 và phải tự điều trị

Nhớ lại những ngày trước khi được tỉnh đón về, trong ánh mắt của chị Nông Thị Thúy, xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai vẫn còn hiện rõ nỗi sợ hãi. Chị Thúy làm công nhân cho Công ty đệm Ưu Việt trên địa bàn quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Dịch bệnh bủa vây, toàn bộ khu vực chị Thúy sinh sống các xe cứu thương được yêu cầu phải tắt hết còi. Chị Thúy kể lại trong sự bàng hoàng: Xe cứu thương chỗ nào cũng thấy. Nó cứ lù lù chạy, chỉ cần bước chân ra ngõ, không chú ý, sơ sẩy chút là bị xe cứu thương đụng trúng ngay. Công ty và xóm trọ em ở người chết nhiều lắm. Em sợ đến mức không cả dám làm xét nghiệm. Cho đến lúc em mang bầu được 20 tuần, trong người có nhiều dấu hiệu của bệnh. Đúng lúc đó, họ yêu cầu xét nghiệm bắt buộc thì em và con trai 5 tuổi được xác định dương tính. Trừ một vài thanh niên khỏe mạnh ra còn lại cả xóm ai cũng bị hết. Hôm đó, họ xét nghiệm cho 2 hẻm thôi mà phải dùng đến 2 chiếc xe khách và 7 chiếc xe cứu thương mới chở được hết người dương tính đi.

- Lúc ấy, các bệnh viện đều hết chỗ. Thúy kể tiếp. Mẹ con em được đưa đến điều trị tại một trường học. Gọi là điều trị thôi nhưng thực chất tự theo dõi là chính. Cả khu điều trị không có bác sĩ, chỉ có y tá và điều dưỡng. Em và nhiều người khác mang theo bình siêu tốc, muối trắng, củ sả đi tự đun nước xông thôi. Khi hết nguyên liệu thì dùng cả dầu gió. Một tuần sau mẹ con em được ra viện.

- Trong suốt quá trình đi điều trị, em chỉ được làm xét nghiệm đúng một lần. Một tuần sau, họ bảo họ trừ lùi tải lượng vi rút hay cái gì đó đo từ hôm mới vào ấy đi rồi cho về, chứ cũng chẳng ai biết là mình đã âm tính chưa. Về nhà rồi em lại tiếp tục đun các loại nước để xông hàng ngày.

- Ơn giời vì giờ cả ba mẹ con Thúy đều mạnh khỏe! Tôi thốt lên vậy khi nghe Thúy kể.

- Giờ nghĩ lại em vẫn thấy mình dại quá. Lúc trước khi bị xét nghiệm bắt buộc, em ho nhiều và sốt, không ăn uống được. Thế là có đứa em nó mách, nó lên mạng tìm hiểu có loại thuốc bà bầu uống được nên em nhờ nó mua giúp rồi về uống. Thực ra lúc ấy cũng vì “cái khó bó cái khôn nữa”. Mỗi lần đi bệnh viện, test nhanh mất 450 nghìn đồng, làm PCR một người là 1,2 triệu đồng, mẫu gộp 2 người là 2 triệu đồng. Mà bệnh viện họ cũng quá tải, khó tiếp cận lắm. Trong khi tiền đã cạn kiệt. Chúng em sống sót qua thời điểm đó hoàn toàn nhờ vào sự chu cấp của các đoàn thiện nguyện, một phần của chính quyền và các hộ gia đình khá giả xung quanh đó đấy chứ. Chỗ em ở, cuối tháng 7/2021 người ta chăng lưới sắt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Duy chỉ có xe ba gác chở thực phẩm của các đoàn thiện nguyện hoặc bộ đội ra vào được. Cho đến khi trong xóm trọ của em có chị bầu 7 tháng rưỡi nhiễm bệnh rồi chết. Bà chủ nhà trọ bằng tuổi mẹ em cũng chết thì em hoảng sợ thật sự. Tôi nhìn thấy sự run rẩy ở Thúy, vội trấn an: Mọi chuyện qua rồi. Mấy mẹ con đã được an toàn rồi.

Thúy lúc này như mới sực nhớ ra mình đã ở nhà, nét mặt dần giãn ra rồi tiếp tục câu chuyện.

Em đã mua vé tàu định bụng là khi nào hết phong tỏa, mấy mẹ con em sẽ về quê. Nhưng cũng lo lắm vì “bụng mang dạ chửa” đi lại đường dài. Đúng lúc ấy thì được tin tỉnh nhà cho công dân có nhu cầu về quê đăng ký. Chồng em thì lại là người ở Quảng Trị. Chúng em bàn với nhau, anh ấy có sức khỏe ở lại tranh thủ làm thêm một thời gian lấy cái để trang trải, mẹ con em về ngoài này trước. Được tỉnh đón về bằng máy bay, mừng không để đâu hết chị ạ.

Hạnh phúc khi được về nhà

Lúc hay tin con đang có thai mà lại mắc F0 với tôi lúc ấy chẳng khác gì “trứng để đầu gậy” cô ạ. Bà Dương Thị Thạch, mẹ đẻ chị Thúy ẵm cháu từ trong phòng bước ra. Phải rồi, tâm trạng người mẹ làm sao có thể yên được khi ngày ngày thông tin về sự tàn phá của dịch bệnh liên tục được cập nhật. Trong khi biết con gái và cháu mắc bệnh mà không được theo dõi, chăm sóc chu đáo. Bà mất ngủ nhiều đêm, người gầy dộc vì lo lắng, chỉ mong có cách đón được các con cùng các cháu về.

Bà Thạch bộc bạch: Tôi muốn nói lời cảm ơn cả nghìn lần tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và địa phương. Nếu tỉnh không có chính sách đón công dân của mình về thì không biết giờ này con với các cháu của tôi sẽ ra sao. Nói đến đây, mắt bà rưng rưng.

Chị Nông Thị Thúy cùng mẹ và con gái Hạnh Nguyên

Chị Thúy đỡ lời mẹ: Mẹ em sợ lắm. Chỉ sợ em và con gặp chuyện. Em hết cách ly tập trung về nhà hôm trước thì hôm sau trở dạ. May còn ra kịp tới bệnh viện. Cháu đầu em sinh mổ, nhưng cháu này chắc do em lo lắng nhiều lúc mang thai, ăn uống lại không đảm bảo nên thai rất nhỏ, ra đến viện là sinh luôn. Thai lúc ấy cũng mới được có 36 tuần.

Bà Thạch trao cháu lại cho con gái rồi đi xuống bếp. Lúc sau quay lên với cốc sữa nóng hổi giục con uống. Đón cốc sữa từ tay mẹ, khoảng thời gian vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh lại hiện ra, Thúy liền kể:

Trong đó, các công ty cho công nhân nghỉ hết, chồng em làm lái xe cũng thất nghiệp luôn. Thời điểm đó, gạo, rau chúng em được hỗ trợ đủ ăn, còn thịt, cá cái gì cũng đắt như vàng chị ạ, lấy đâu ra sữa mà bồi bổ như này. Nói đoạn, Thúy nhìn xuống cô con gái nhỏ vừa tròn tháng đang nằm ngủ trong lòng. Chắc hẳn người mẹ ấy đang cảm thấy có lỗi vì đã để con gái phải chịu thiếu thốn ngay khi nằm trong bụng mẹ.

Để xoa đi sự xúc động của Thúy tôi giục: Giờ có bà ngoại và các bác chăm sóc, mẹ Thúy phải chịu khó ăn nhiều vào, uống hết cốc sữa kia đi lấy sữa cho em măm bù nhé. Thúy cười rồi đưa cốc sữa lên miệng.

Tết này có con cháu về, nhà bà ngoại chắc sẽ ăn Tết to lắm đây, tôi nói vui với bà Thạch.

Bà cười hiền lành: Chả giấu gì cô, vịt, gà nhà tôi đều nuôi được. Chỉ cần vợ chồng, con cái chúng nó về đông đủ thôi còn bà lo được hết. Mấy hôm nữa, con rể tôi, bố của mấy đứa nhỏ này cũng từ trong ấy về. Tết này, cả gia đình được sum vầy thế là tôi chẳng còn mong gì hơn.

Linh Trà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục