Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
14:48 (GMT +7)

Hồi âm bài “Đôi lời về bài viết Đa sắc tranh dân gian châu Á ngày Tết”

LTS: Báo Văn nghệ Thái Nguyên số 12 ra ngày 20/3/2018 có đăng tải ý kiến “Đôi lời về bài viết Đa sắc tranh dân gian châu Á ngày Tết” của bạn đọc Gia Bảy, nêu về một số vấn đề trong bài viết của tác giả Chu Mạnh Cường. Sau khi báo ra, Tòa soạn đã nhận được bài trao đổi lại của ông Chu Mạnh Cường. Để rộng đường trao đổi, VNTN đăng tải bài viết này. Tên bài do Tòa soạn đặt.


Ngày 25/3/2018 tôi nhận được báo VNTN số 12 ngày 20/3/2018 có bài Trao đổi về bài viết Đa sắc tranh dân gian châu Á ngày Tết. Tôi xin được đôi lời hồi âm như sau:

Thú chơi tranh, đặc biệt là tranh Tết là một thú vui và phong tục cổ truyền rất đẹp của dân tộc ta từ lâu. Nó khắc họa những sinh hoạt cùng mơ ước của dân gian trong từng lĩnh vực cuộc sống, và ở đâu người ta cũng thấy ở đó sự giải trí, niềm an ủi, khát khao nên vào những ngày cuối năm và Tết khi công việc đã ổn thỏa, hướng đến những điều tốt đẹp ai nấy đều muốn trang hoàng nhà cửa thật đẹp. Đi tìm ở khắp nơi tranh giấy, tranh kính, tranh gỗ… Nói chung là các loại tranh dân gian, vừa đẹp vừa hợp túi tiền. Mọi người thường bắt đầu tìm chúng từ ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo là ngày các Táo quân về trời báo cáo về một năm đã qua, và để dân gian sửa soạn mọi thứ đón năm mới), đi về các làng nghề thủ công hay các cửa hiệu mua bán tranh. Như đã nói trong bài viết, có khá nhiều nơi bán tranh từ Bắc Ninh, Hà Nội (nhất là Hà Tây cũ), Huế và TP. Hồ Chí Minh… Chỉ cần tới đó, bạn sẽ kiếm được một bức tranh ưng ý. Tuy nhiên, phổ biến nhất ở miền Bắc vẫn là tranh Đông Hồ, miền Trung là tranh làng Sình và miền Nam là tranh kính. Giá cả của chúng khá vừa phải, chẳng hạn tranh Đông Hồ chỉ khoảng 100 nghìn đồng. Sức sống của tranh dân gian rất mãnh liệt, có thể len lỏi bất cứ đâu, thậm chí lên tận vùng sâu, vùng xa - ở đó nhiều đồng bào cũng có hoặc mua được tranh. Vấn đề là phải đi hỏi, đi kiếm. Trong trường hợp không kiếm được thì vẫn có thể đặt hàng trên mạng internet qua khá nhiều hiệu tranh online.

Về từ “mảnh”, tôi xin cáo lỗi cùng độc giả vì đã sơ suất khi đánh máy, chữ g nhầm sang h vì hai ký tự này nằm liền kề nhau trên bàn phím; và do khâu rà soát lại văn bản chưa kỹ lưỡng nên xảy ra sự thể trên.

Một ý nữa mà bạn đọc Gia Bảy đề cập, đề nghị tác giả nên xem lại khái niệm “giấy điệp”, vì theo bạn, giấy làm tranh dân gian là giấy dó chứ không phải như mô tả trong bài viết.

Trong bài viết tôi có nói đến tranh Đông Hồ được in trên giấy điệp. Bởi vì thực tế nó được in trên giấy này và đã từng có bài thơ Bên kia sông Đuống của thi sĩ Hoàng Cầm nhắc đến: “Bên kia sông Đuống/Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Những ai xem tranh Đông Hồ đều thấy trên đó có một lớp bột điệp óng ánh. Điệp ở đây chính là một động vật hai vỏ ở biển như con sò, con trai vậy! Và người ta vẫn thường nói sò điệp. Nhiều người cũng biết giấy làm tranh Đông Hồ là giấy dó làm từ gỗ cây dzo. Giấy này cũng được dùng để in, vẽ một số tranh khác, song tiêu biểu nhất vẫn là tranh Đông Hồ. Điểm đặc biệt của tranh Đông Hồ là nghệ nhân dùng giấy dó và phết thêm một số lớp hồ nếp trộn bột của vỏ điệp lên bề mặt. Để nhấn mạnh đến độ lóng lánh, nên tôi đã rút gọn thuật ngữ "giấy dó quết hồ- điệp" thành giấy điệp. Tôi nghĩ điều ấy cũng không sao, vì như thi sĩ Hoàng Cầm - một người con của Kinh Bắc, xứ sở của dòng tranh này vẫn nói là giấy điệp.

Ý kiến tiếp theo là về thông tin “…Mỗi dòng tranh trên đều đã ra đời từ cách đây hàng trăm năm…”. Theo bạn đọc thì "Tranh dân gian Việt Nam có lịch sử rất lâu đời (từ thời nhà Lý - thế kỷ 12 đã bắt đầu xuất hiện những gia đình hay thậm chí là cả một làng chuyên làm khắc ván, làm tranh)".

Trong bài viết này, tôi cũng có ý nói rằng tranh dân gian của chúng ta đã ra đời rất lâu rồi. Tuy nhiên, tôi chỉ tạm dừng ở chữ hàng trăm năm. Để trả lời cho vấn đề này, tôi xin trích ra một số những bài viết của các tác giả, nhà nghiên cứu đã được đăng tải trên các tờ báo uy tín, nhân đó cũng nhờ các bài viết trả lời lại giúp những vấn đề mà bạn đã đưa ra từ trước tới nay.

Trong tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh mừng xuân Bính Tuất, bài viết Tranh Tết dân gian Việt Nam & Trung Hoa những nét chung và riêng, tác giả Thái Hanh có viết: “Còn tranh Tết dân gian Việt Nam ra đời từ bao giờ và nguồn gốc xuất xứ ra sao? Cho đến nay vẫn chưa có đủ cứ liệu để khẳng định, mà chỉ có một số bài viết căn cứ vào sự tích ông Lương Nhữ Hộc đỗ thám hoa vào thời Lê Thái Tông (TK15) được cử đi sứ ở Trung Hoa, học được nghề khắc ván in, về nước cải tiến kỹ thuật khắc ván in trong nước, rồi dạy cho dân làng, được tôn là Thành Hoàng “Tổ Sư” nghề khắc ván in. Từ đó, các nhà nghiên cứu mỹ thuật ước đoán tranh Tết dân gian Việt Nam ra đời vào khoảng thế kỷ 15, 16 và phát triển trong thế kỷ 17, 18… Vào khoảng thế kỷ 16 thì đã có bài thơ dài “Tứ thời khúc vịnh” của Hoàng Sĩ Khải tả cảnh Tết có tranh Thần Chung Quỳ, tranh Gà và bùa đào làm chứng minh”. Nói như vậy, tranh dân gian Tết của chúng ta được chính thức biết tới từ thế kỷ 15 và phổ biến từ thế kỷ 17.

Tạp chí Xuất bản Việt Nam số 1+2/2008, bài viết "Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế dành trọn đời mình cho nghề làm tranh truyền thống", tác giả Ngô Xuân Lộc có viết: "Làng Mái là tên gọi dân gian xưa kia của làng tranh Đông Hồ bây giờ. Vào thế kỷ XVI tranh Đông Hồ xuất hiện, nhưng đến nay không ai thống kê chính xác có bao nhiêu mẫu tranh mà chỉ biết có 5 loại: Tranh thờ, Tranh lịch sử, Tranh chúc tụng, Tranh sinh hoạt và Truyện tranh. Từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1944 là thời kỳ hưng thịnh của làng tranh”. Mỗi năm, chợ tranh làng Hồ chỉ nhộn nhịp nhất vào tháng Chạp họp 5 phiên, …bà con khách thập phương đổ về mua tranh đông nghịt. Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra…"

Theo Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 320 Tháng 2-2011, bài viết "Làng tranh dân gian ở Huế", tác giả Phạm Thị Minh Tâm có viết: “Truyền nhân nổi tiếng của nghề tranh dân gian làng Sình hiện nay là ông Kỳ Hữu Phước, hậu duệ thứ 9 của cụ tổ làng tranh Kỳ Hữu Hòa. Từ miền Đàng Ngoài vào đất Thuận Hóa định cư, ông Kỳ Hữu Hòa mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản, từ đó có tranh làng Sình và người dân làng Sình xem ông Kỳ Hữu Hòa là ông tổ nghề của mình”. Nói đến Đàng Ngoài, bạn đọc sẽ nhớ đến thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỷ 18 khi nhà Tây Sơn đánh đổ cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Căn cứ vào đây, dòng tranh dân gian làng Sình mới chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17…

Trong tạp chí Toàn cảnh Sự kiện - Dư luận số 225 (04-2009), bài viết Tranh tre Xuân Lai, tác giả T.N có viết: “Nằm khuất sau triền đê, trải rộng với cánh đồng bát ngát, làng Xuân Lai (Gia Bình - Bắc Ninh) được biết đến với nghề làm tranh tre độc đáo… Theo một số người lớn tuổi trong làng kể lại: “Khoảng cuối thế kỷ XVIII, từ làng “róc mấu tre” Xuân Lai, các cụ đã chuyển sang nghề “tre hun khói”, và tự mày mò sáng chế ra các dụng cụ sinh hoạt từ tre như: chõng tre, tràng kỷ, giát giường, nong nia, rổ, rá…”

Qua các bài viết trên, nhiều dòng tranh dân gian được biết tới chính thức từ các thế kỷ 15, 16, 17 và tính tới dòng tranh tre Xuân Lai thì mới có được ba thế kỷ.

Một ý nữa bạn đọc Gia Bảy có nêu: “Tranh dân gian Việt Nam đã có quan niệm coi như là “Quốc họa Việt Nam”, có đặc trưng riêng, thường được sáng tác bởi các họa sĩ khuyết danh; không giống bất cứ dòng tranh nào trong khu vực châu Á. Trước kia (thế kỷ XVII), tại các vùng nông thôn Nhật Bản vào những ngày lễ tết thường bày bán một loại tranh bình dân là Otsu-e, cũng vẽ theo những môtíp dân gian gần gũi với người nông thôn, giống như tranh Đông Hồ của Việt Nam mà thôi”.

Trong bài viết, tôi có đề cập Nhật Bản cũng có một loại tranh dân gian được yêu thích và trưng bày trong dịp lễ Tết, đó là tranh Otsu-e. Tranh cũng có tính hài hước. Nội dung hay nói về bảy vị phúc thần, yêu tinh và con khỉ… Kỹ thuật là in lấy nét trước, rồi tô màu (có tính chất sản xuất hàng loạt). Song theo Gia Bảy thì nó chỉ là tranh bình dân (giá rẻ?) và vẽ lại theo những mô típ dân gian (có tác giả cụ thể?), và thậm chí còn không mang đặc trưng riêng (có sự vay mượn?)…

Nếu ta đã dùng từ bình dân thì hẳn phải hiểu rằng đây là loại tranh rất quen thuộc, ai cũng có thể có trong nhà và gần gũi với người Nhật. Song không chỉ vậy, nó thật sự là tranh dân gian và được chính Nhật Bản khẳng định. Theo tờ thời báo Nhật Bản, bài viết “Những yêu tinh trong tranh dân gian” in ngày 19/01/2005, có đoạn viết: “Để đón chào năm mới của nước Nhật, Bảo tàng dân gian Nhật Bản Mingeikan đã tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Otsu-e: Những bức tranh đại chúng thời Edo, cho thấy dòng tranh truyền thống này của Nhật Bản trong thời Edo (1615-1868). Triển lãm bao gồm hơn 140 họa phẩm Otsu-e. Loại hình dân gian trải dài trong nhiều đề tài từ may mắn tới hạnh phúc và thịnh vượng… Vì thế, chúng luôn được sáng tác nhiều, phổ biến trở thành vật phẩm trưng bày trong dịp lễ Tết. Cái tên Otsu-e được xuất phát từ nơi mà những bức tranh được bán ra, trong và quanh thị trấn có bưu điện Otsu, nằm trên đường Tokaido từ Kyoto tới Edo (tên cũ của Tokyo). Dọc đường thấy nhiều cửa hàng bán tranh này làm quà tặng cho du khách. Được sáng tạo bởi những họa sĩ khuyết danh, tranh được bán với số lượng lớn mà chỉ với giá rẻ”.

Cũng theo thời báo trên, trong bài viết Tranh dân gian từ vỉa hè tới bảo tàng (04/12/1999), thì: “Thế giới của minga - tranh dân gian là một trong những vẻ đẹp tinh tế được tạo tác bởi vô số những họa sĩ khuyết danh, người mà vẽ chúng, lấy cảm hứng từ những truyền thống thủ công phong phú. Những thành quả cuối cùng của họ là những tác phẩm mỹ thuật chân thật, đơn giản một cách thú vị…

Bài viết cũng thông tin cuộc triển lãm đặc biệt về minga “Triển lãm giới thiệu 238 bức tranh dân gian từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ, cho một cái nhìn toàn diện hấp dẫn về mỹ thuật châu Á. Trong những họa phẩm dân gian Nhật Bản tại triển lãm lần này có những ví dụ tuyệt diệu về tranh Otsu-e. Những bức tranh này được sản xuất chủ yếu ở quanh thị trấn Otsu, huyện Shiga bắt đầu từ đầu thế kỷ 17, và được sưu tập bởi du khách như là những món quà lưu niệm trong chuyến thăm bưu điện Otsu nằm trên đường Tokaido cổ nối Kyoto và Edo (Tokyo)”.

Như vậy là báo chí Nhật Bản không chỉ đưa tin về dòng tranh Otsu-e độc đáo của họ mà còn nói đến nhiều loại tranh dân gian của các nước trong khu vực và vẻ đẹp đặc sắc của mỹ thuật châu Á. Chúng đều có những nét đặc trưng thuộc về sáng tác dân gian, và thuộc về văn hóa bản địa của từng nước, độc đáo không nước nào giống nước nào.

Trên đây chỉ là mấy lời thân tình, tôi xin chia sẻ, trao đổi lại ý kiến của bạn đọc Gia Bảy.

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy