Hoàng Báu – luôn mắc nợ chính mình
VNTN - Những ngày đầu xuân, mưa bụi, trời xám xịt. Phòng khách nhà Hoàng Báu liền với gian cửa hàng bán thảm của vợ anh, khách vào ra nườm nượp. Phía trong ngay sát bàn uống nước là gian bếp, mẹ anh đang xì xèo xào nấu thức ăn. Những sự ồn tạp ấy không át được câu chuyện về hội họa, về văn học nghệ thuật (VHNT) của Hoàng Báu. Hoàng Báu bảo, anh bị cuộc sống cơm áo “vùi dập” những đam mê hội họa, lúc nào anh cũng day dứt vì cảm thấy luôn mắc nợ chính mình.
1. Hết chuyện, anh dẫn khách tham quan phòng tranh. Gọi là phòng tranh, thực chất không biết tự bao giờ nó đã bị vợ anh “chiếm dụng” làm kho chứa hàng. Tuy phòng khá rộng, tranh treo đầy trên tường, nhưng hàng hóa cũng chất cao đến cả ngang ngực. Nhiều bức tranh muốn ngắm lại phải “lăn xả” vào để moi, dọn hàng ra, khá mệt.
Luôn vận đồ công chức, khẩu khí khá hoạt bát, Hoàng Báu là vậy, nếu ai mới gặp lần đầu chẳng ai nghĩ anh là một họa sĩ được đào tạo rất bài bản. Và quả thật đến tận bây giờ nhiều người, kể cả anh em văn nghệ sĩ có lẽ cũng chỉ biết đến anh với vai trò là người cán bộ quản lý văn hóa - Giám đốc Trung tâm văn hóa (TTVH) thành phố, hay một vị Chủ tịch Hội VHNT địa phương năng động trong việc dẫn dắt các hoạt động. “Cơm áo không đùa với khách thơ”, Hoàng Báu là một ví dụ sinh động, con đường nghệ thuật của anh luôn bị đứt đoạn vì phải lo mưu sinh cuộc sống.
Hoàng Báu ảnh hưởng VHNT từ bố anh - cụ Hoàng Quý, nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Việt Bắc, ông cụ vốn yêu VHNT. Hoàng Báu thích hội họa và biết vẽ từ nhỏ, học lớp 3 anh đã vẽ được khá nhiều các tích trong những tác phẩm truyện tranh cổ điển của Trung Quốc. Năm 1975, Hoàng Báu 15 tuổi, bắt đầu theo học họa Khóa 4 tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Đam mê vẽ, lại được thầy Lê Như Hạnh trực tiếp hướng dẫn cơ bản, Hoàng Báu tiến bộ rất nhanh. Trong lớp học anh luôn là học sinh xuất sắc, bài họa thường được thầy Hạnh đưa lên làm mẫu cho cả lớp thậm chí cả khóa học sau.
Khóa học Trung cấp 4 năm, nhưng hết năm thứ 3 anh và các thành viên trong lớp nhận giấy gọi nhập ngũ. Giải ngũ về phải học lại 2 năm nữa mới được tốt nghiệp vì trường không có khóa tiếp theo. Học xong, Hoàng Báu đi làm một năm rồi mới thi tiếp vào Trường Mỹ thuật Việt Nam. 5 năm theo học, rồi ra trường, mấy năm không xin được việc, anh phải tạm khép lại “cánh cửa” nghệ thuật, bươn chải kiếm sống đủ mọi nghề ngoài xã hội để lo cho vợ con.
Năm 1994 Hoàng Báu xin vào làm việc tại Phòng Văn hóa thông tin thành phố. Vừa làm việc Hoàng Báu lại bắt đầu cầm lại cọ vẽ. Những năm này anh vẽ khá nhiều, cũng tham gia đều những cuộc triển lãm trong khu vực và giành một số giải thưởng nhỏ với những tác phẩm anh vẽ theo lối cũ. Thế nhưng Hoàng Báu luôn thôi thúc mình khám phá sáng tạo bởi anh quan niệm: vẽ để chiều lòng công chúng thì rất dễ nhưng nếu làm vậy mình chỉ mãi là “người công nhân khuân vác” chứ không thể thành một nghệ sĩ thực thụ. Anh bắt đầu tìm tòi và vẽ theo lối lập thể và trừu tượng nhưng không được mấy thành công. Một số tranh của anh tham gia các cuộc triển lãm thường bị Hội đồng Nghệ thuật hạ xuống. Bất đồng quan điểm về sáng tác với một vị Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật vì đã nói về tranh lập thể và trừu tượng rằng “Vẽ phải giải thích thì vẽ làm gì...” và một phần cũng vì cuộc sống vì công việc anh đang phải đảm đương (làm Phó Giám đốc TTVH thành phố), nhiều năm nay anh không gửi tranh tham gia các cuộc thi, cuộc triển lãm nữa. Chỉ lặng lẽ vẽ cho mình và tham gia cùng bạn bè. Năm 2006 anh tổ chức triển lãm nhóm với 13 họa sĩ tại Hà Nội; năm 2008 anh làm triển lãm cá nhân.
Tranh của Hoàng Báu thường vẽ theo hai dạng, hai trường phái ấn tượng và lập thể - trừu tượng, nhưng phần lớn là tranh ấn tượng vì vẽ ấn tượng không cần đầu tư nhiều thời gian và cũng dễ bộc lộ tâm tư của mình. Mỗi tranh anh vẽ đều có những nét riêng vì Hoàng Báu luôn muốn làm hơn thế. Với bút pháp nhẹ nhàng, màu sắc hài hòa, bức “Phiên chợ vùng cao” - tác phẩm được giải Khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực miền núi phía Bắc năm 2006, phản ánh lại không gian sinh hoạt của phiên chợ miền núi phía Bắc. Trong tranh thiên nhiên cảnh sắc hòa nhịp cùng với con người miềm núi mộc mạc nhưng lạc quan tạo không khí vui tươi của chợ phiên. Chợ phiên vùng sơn cước là vậy, chợ là một ngày hội. Tác phẩm “Đường lên cao nguyên đá”, là một bức tranh phong cảnh về Hà Giang đầy hùng vĩ và dữ dội. Với chất liệu sơn dầu và acrylic Hoàng Báu đã dùng những mảng màu rất phóng khoáng, hồn nhiên như tự nó rơi vào tranh. Phong cảnh chỉ như một cái cớ, thực chất đây là một tác phẩm diễn màu rất sâu. Trong tranh là những mảng miếng đa màu sắc được hòa trộn vào nhau tạo nên không gian xa gần rất tự nhiên.
Dù đam mê là vậy nhưng Hoàng Báu tâm sự, những sáng tác đó mới chỉ ở bước tìm tòi thử nghiệm, anh chọn nghiệp vẽ nhưng công việc lại chọn anh. Cuộc sống phải đảm nhiệm nhiều “vai” nên chẳng thể cháy hết mình với tình yêu nghệ thuật.
2. Hoàng Báu làm phong trào khá giỏi, điều này rất nhiều người phải công nhận. Năm 2007 khi Hội VHNT thành phố thành lập anh được phân công kiêm thêm vai trò Chủ tịch Hội VHNT. Kinh phí vô cùng hạn hẹp, hội viên chưa đông như bây giờ. Làm thế nào để hoạt động hội được tốt, để tạo một sân chơi đích thực cho anh em văn nghệ sĩ trên địa bàn? Hoàng Báu nghĩ ngay đến việc phải xã hội hóa. Thế là sau phiên họp mở màn anh cùng mấy anh em văn nghệ sĩ đảm đương vai trò lãnh đạo Hội xách cặp đi một số cơ quan, doanh nghiệp thân thiết trên địa bàn để vận động, kêu gọi tài trợ. Các nơi đều hứa ủng hộ nhưng chỉ “hứa suông” vì họ nể chứ chẳng thấy tiền đâu.
Thấy cách này không ổn anh nghĩ phải xoay hướng mới, phải làm từ từ. Đầu tiên cứ phải hoạt động cầm chừng ở phạm vi phong trào, và phải vận động ngay trong chính anh em hội viên. Với cách làm này, điều cốt yếu những người đứng đầu tổ chức Hội phải biết “dân vận, kết nối và chia sẻ”. Vậy là vẫn có những hoạt động như: trại sáng tác, ra sách, tạp chí, triển lãm… được tổ chức nhưng hầu hết kinh phí đều từ tiền đóng góp của anh em trong Hội, vậy nhưng mọi người vẫn vui vẻ chấp nhận vì đã được thống nhất về tư tưởng.
Chuyện thống nhất về tư tưởng nói thì vậy nhưng làm lại cực khó. Ngay từ những ngày đầu, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ có chút danh đã có những quan niệm: “Trong bữa tiệc nghệ thuật chỉ nên có những quý tộc”. Là người đứng đầu Thường trực Hội, Hoàng Báu xác định ngay, VHNT đang trong giai đoạn khó khăn, muốn Hội mạnh phải rộng cửa đón những quần chúng có năng khiếu và yêu VHNT.
Anh chia sẻ: “Mình phải biết khơi gợi nhiệt huyết, tâm huyết của những người đang đam mê. Tôi luôn xác định với anh em trong Hội: Đây chỉ là sân chơi nhỏ, nuôi dưỡng, chắp cánh để mọi người đam mê VHNT có điều kiện tham gia, từ đó vươn tới những sân chơi lớn hơn”.
Hoàng Báu cũng cho biết, với số tiền được cấp vài chục triệu/năm, cố gắng chế biến sao cho đầy đủ các hạng mục, phải tính toán và lựa đủ hướng như: Muốn làm đủ cả Triển lãm Mỹ thuật và Triển lãm Nhiếp ảnh, để giảm bớt chi phí thì phải ghép hai cuộc đó thành một. Muốn có không gian đẹp lại chạy sang Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, đơn vị vốn thân thiết để phối kết hợp. Rồi những sự kiện cần có văn nghệ, âm thanh, loa máy,… Anh “tận dụng” luôn anh chị em trong Trung tâm Văn hóa cùng làm với tinh thần giúp đỡ… Ấy vậy mà những sự kiện tổ chức đều thành công ngoài mong đợi.
Chậm mà chắc, là người cầm trịch một sân chơi, Hoàng Báu đã dẫn dắt phong trào VHNT thành phố có những bước phát triển mới. Các hoạt động của Hội đã đi dần vào chiều sâu, thiết thực, sáng tạo, hiệu quả; trình độ của hội viên ngày càng được nâng cao; tổ chức Hội dần được củng cố, lớn mạnh và thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong đời sống văn hóa của thành phố…
3. Gần đây Hoàng Báu lại tiếp tục cầm cọ vẽ. Anh khẳng định, thời gian tới về nghỉ hưu, sẽ gác lại hết, buông hết mọi lo toan để dành cả cho sáng tác và hoạt động Hội. Những gì tích lũy được sẽ cùng anh em Hội VHNT thành phố tạo một sân chơi ấm cúng, mang tính chuyên nghiệp và nghệ thuật hơn. Anh đã chuẩn bị rất kỹ cho “cuộc trở về ”. Được chiều lòng bản ngã, với khát vọng nghệ thuật của chính mình, nhất định Hoàng Báu sẽ có những tác phẩm hội họa mới, sáng tạo và nghệ thuật để trả nợ đam mê!
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...