Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
11:29 (GMT +7)

Hoa Núi – những bông hoa nghệ thuật đặc sắc của nghệ sĩ Thái Nguyên

Chương trình biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của văn nghệ sĩ Thái Nguyên với chủ đề “Hoa Núi” quy tụ toàn bộ các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tham gia đã mang đến công chúng một sản phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp, đặc sắc.


Năm 2021 là một năm đầy khó khăn và biến động do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 đối với mọi hoạt động nói chung và lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Với mong muốn muốn hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất đối với các nghệ sĩ trong tỉnh, UBND tỉnh đã giao cho Hội VHNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Hoa Núi” nhằm tôn vinh những kết quả lao động sáng tạo, tạo động lực cho các nghệ sĩ tiếp tục cống hiến.

Chăm chút và nâng niu những sắc màu Việt Bắc

Chương trình bao gồm 10 tác phẩm ca múa nhạc với sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo nội dung của Nhạc sĩ, NGƯT Đỗ Quang Đại; Tổng đạo diễn – NSƯT Trần Thị Thanh.

Mặc dù đây là lần đầu tiên Hội VHNT tỉnh tổ chức, song nhờ vào sự giúp đỡ, hợp tác của các đoàn nghệ thuật, trường nghệ thuật chuyên nghiệp nên chương trình đã quy tụ rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi, gạo cội trong tỉnh. Những cái tên như: Nông Xuân ái, Lê Tú Anh, Vũ Văn Lực... hay biên đạo múa Hoàng Thiện Thực, Mai Thanh, Tú Nam đã rất quen thuộc với những ai dành sự quan tâm đến chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn tại Thái Nguyên. Đi cùng với sự phát triển của nghệ thuật tỉnh nhà, bước qua những thăng trầm, đây đều là những người dành nhiều tâm huyết chăm chút và nâng niu cho mỗi đứa con tinh thần của họ.

Những màn trình diễn đặc sắc mang tính nghệ thuật cao

Thưởng thức trọn vẹn 10 tác phẩm, chắc hẳn không ít người sẽ phải ngạc nhiên trước những màn trình diễn ca – múa – nhạc thu hút. Hoa Núi hấp dẫn người xem bởi nhiều tiết mục hoành tráng, công phu như: hát múa Trăng Phú Đình, Việt Bắc ngàn hoa, múa Bài ca trên nương, Mầm xanh,... cùng với sự tổng hòa của âm thanh, ánh sáng, con người và đạo cụ; Hoa Núi đã mang đến một không gian vùng Đông Bắc với những mảnh ghép tạo nên từ các dân tộc khác nhau; cộng cảm và cộng hưởng.

Từ màn hát múa đầu tiên đến tác phẩm cuối cùng, các nghệ sĩ đã dẫn dụ người xem đi qua rất nhiều những cung bậc cảm xúc. Mỗi tác phẩm là một sự bày tỏ niềm yêu mến, tự hào với mảnh đất Thái Nguyên theo một cách riêng. Trong đó, chúng ta bắt gặp khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trữ tình gắn với những địa điểm di tích, địa danh đi vào lịch sử, thi ca đầy hào hùng như: Phú Đình, Tỉn Keo, Khuôn Tát, Đèo De, Núi Hồng, hay những cảnh sinh hoạt đời thường giản dị của đồng bào dân tộc thiểu số… Tất cả đã được những người nghệ sĩ thổi hồn, nghệ thuật hóa để gửi gắm tới người xem.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất, công phu nhất, có sự tham gia đông đảo quần chúng diễn viên nhất là tiết mục Hoa núi. Không khó để gật đầu, rằng Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc vẫn luôn là nơi đi đầu trong việc thu nạp những nghệ sĩ có độ ổn định về kỹ thuật chuyên môn và khả năng biểu diễn tốt. NSƯT Khánh Toàn – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã không làm đồng nghiệp thất vọng với phần biên đạo của mình. Tiết mục Hoa núi là sự tổng hòa của nghệ thuật múa đương đại và dân gian truyền thống, ở đấy người ta vẫn thấy những nguyên sơ vẹn nguyên trong những bộ trang phục Mông không hề cách điệu, những động tác đặc trưng biểu lộ tính cách con người, văn hóa của dân tộc này nhưng vẫn phảng phất nét chấm phá mới mẻ trong những tạo hình giàu sức gợi. Tất cả những điều ấy được phô diễn trên nền âm nhạc đậm đặc thanh âm miền núi nhưng phức hợp bởi tiết tấu hiện đại, được tạo dựng bởi người nghệ sĩ tài hoa - cố nhạc sĩ Phó Đức Phương - càng khiến cho tác phẩm được nâng tầm, xứng đáng là tiết mục chủ đề của chương trình.

Tác phẩm Múa: Mầm xanh – Biên đạo: Tú Nam

Bên cạnh những phút giây thăng hoa với những màn trình diễn với tiết tấu rộn ràng và âm hưởng núi rừng hân hoan; khán giả có lúc được lắng lại bởi tác phẩm múa đôi: Truyền lại cung Then, biên đạo và chỉ đạo: NSND Lê Khình. Rất ít người biết được ban đầu người nghệ sĩ gạo cội này đã đề xuất một tác phẩm khác có tên “Dệt lanh”, thế nhưng vì khắt khe về một sản phẩm nghệ thuật chất lượng, cũng như thời gian hạn hẹp trong việc làm mới phần âm nhạc nên “Dệt lanh” dành để lại năm sau.

Nhưng cũng không bởi vậy mà Truyền lại cung Then không được tạo dựng chỉn chu. Vốn NSND Lê Khình là người luôn có những đòi hỏi cao trong việc làm nghề, mỗi tác phẩm đến với công chúng đều phải là một tác phẩm Đẹp trong đường nét và Đẹp trong thông điệp truyền tải. Có thể đây chưa phải một tiết mục được đầu tư hoành tráng, nhưng lại là một màn biểu diễn chi tiết đến từng cử chỉ, gương mặt và biểu đạt tư tưởng phổ quát của biên đạo một cách không phô phang mà ý nhị, sâu sắc.

Cây đàn tính là linh vật và Then là linh hồn của tộc người Tày, Nùng. Với Thái Nguyên – tỉnh miền núi có rất đông những cư dân của hai dân tộc này sinh sống, thì văn hóa sli, lượn đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của con người nơi đây. Tỉ mỉ đến mỗi chi tiết, từng nét mặt và cách cầm đàn trên tay, NSND Lê Khình đã sáng tạo nên một tiết mục đậm đặc linh hồn của người Tày Định Hóa: mộc mạc, chân thành và coi Then như một tín ngưỡng tôn thờ không được phép mai một.

Tác phẩm “Hoa núi”, (Biên đạo NSƯT Khánh Toàn) - sự tổng hòa của nghệ thuật múa đương đại và dân gian truyền thống. Ảnh: Q.K

Những lo toan thầm lặng phía sau sàn diễn

Nhớ lại những ngày tháng chuẩn bị, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm – cán bộ Văn phòng Hội VHNT tỉnh, điều phối viên của chương trình, chia sẻ: “Mặc dù nằm trong kế hoạch hoạt động năm, có thời gian bắt đầu từ lúc lên ý tưởng cụ thể cách đây cả 6 tháng nhưng mọi thứ không xuôi chèo ngay từ đầu. Khi dịch chưa bùng phát và Thái Nguyên vẫn kiểm soát tốt, chúng tôi mong muốn và hi vọng về một sân khấu trực tiếp có rất đông khán giả để họ thưởng thức trọn vẹn, nhưng tình hình thay đổi, buộc lòng phải chuyển đổi hình thức sang ghi hình phát sóng”.

Chứng kiến rất nhiều cuộc họp trong nội bộ ekip sản xuất, chúng tôi nhận ra những khó khăn lớn khi tổ chức chương trình này. Chỉ với kinh nghiệm của những người làm công tác phong trào chứ không có chuyên môn sâu, lại thêm điều kiện ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh bên ngoài, nên lãnh đạo Hội VHNT tỉnh đã rất đắn đo. Thế nhưng với sự giúp đỡ của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và với mong muốn ghi nhận thành quả và tôn vinh những nghệ sĩ trong tỉnh đã miệt mài hoạt động trong những năm qua, Hội VHNT tỉnh vẫn quyết tâm thưc hiện chương trình.

Cao điểm là ba tuần “nước rút”. Lo lắng chu toàn cho tất cả mọi khâu, từ kịch bản đến đạo cụ, phục trang, con người, sân khấu. Tỉ mỉ và kỹ lưỡng không chỉ từ lãnh đạo mà cả bộ phận phục vụ. Buổi tối cuối cùng trước khi chương trình được diễn ra, các chị nhân viên Văn phòng Hội VHNT tỉnh vẫn đôn đáo đi tìm từng chậu cây xanh trang trí để tạo cảnh cho sân khấu đẹp hơn trong quá trình ghi hình.

Vất vả nhất phải kể đến các nghệ sĩ diễn viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Tình (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) cho biết: “ Đoàn tham gia 2 tiết mục nhưng 1 tác phẩm dựng lại và 1 tác phẩm dựng mới hoàn toàn nên chúng tôi phải tập luyện ngày đêm mới theo kịp tiến độ. Trước đấy chúng tôi bận với lịch thi của các đoàn chuyên nghiệp toàn quốc nên thời gian hoàn toàn không thể sắp xếp. Chạy nước rút đến ngày hôm nay mới dám thở vì chương trình đã diễn ra suôn sẻ”. Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc cũng rất vướng mắc trong việc tập hợp sinh viên trong những ngày cả nước học online, rất nhiều em đã về quê, thành ra công tác chọn lựa nhân sự mất nhiều thời gian.

Vất vả là thế, nhưng tất cả các diễn viên của cả 3 đơn vị đều đã miệt mài cố gắng để mang đến công chúng những tác phẩm hay nhất, mang tính giá trị cao. Biên đạo múa Mai Thanh (PGĐ Trung tâm nghệ thuật tỉnh), tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: “Tất cả anh chị em nghệ sĩ rất đồng lòng và quyết tâm tập luyện ngày đêm để mang đến những sản phẩm nghệ thuật chất lượng nhất. Không những vậy, đây cũng là dịp chúng tôi được thể hiện mình, bày tỏ sự trân trọng nghề nghiệp nên không có lý do gì mà chúng tôi không nỗ lực hết sức để chuẩn bị tốt nhất”.

Trong điều kiện hạn chế về việc biểu diễn trực tiếp, Hội VHNT đã nhanh chóng thay đổi cách thức tổ chức sang ghi hình phát sóng để hoạt động này vẫn được tiếp tục, khán giả trong tỉnh vẫn được thưởng thức nghệ thuật. Qua sự kiện nghệ thuật lần đầu được tổ chức này, Hội cũng có thêm tự tin để tiếp tục tổ chức vào những năm sau, ấp ủ đây sẽ trở thành hoạt động thường niên nhằm đưa những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của văn nghệ sĩ Thái Nguyên đến với công chúng, và công chúng Thái Nguyên thêm tự hào về những nghệ sĩ tài năng của tỉnh nhà.

Hạnh Quyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy