Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
10:56 (GMT +7)

Hồ Ghềnh Chè “viên ngọc” chưa qua tạo tác

Nằm cách thành phố không xa, đường đi thuận tiện, phong cảnh còn nhiều nét hoang sơ… hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP. Sông Công) giống như một viên ngọc xanh thuần khiết, chưa qua bàn tay tạo tác.


Khám phá lòng hồ

Tôi thích cảm giác được đi thuyền trên mặt hồ xanh mênh mông nước và tận hưởng cảm giác của một thượng khách. Khi ấy, hơi nước từ mặt hồ sẽ phả lên mặt, khiến tôi liên tưởng mình đang ở một spa cao cấp nào đó, cả khuôn mặt đang được chăm sóc bởi làn hơi nước mỏng tang phun ra từ một chiếc máy xông hơi khổng lồ. Nó mới dễ chịu làm sao!

Du khách đi thuyền khám phá lòng hồ

Hướng dẫn viên cho chuyến hành trình trên hồ Ghềnh Chè hôm nay là Bí thư Chi bộ xóm Tiền Tiến - Phan Văn Chính và anh Trần Đại Cương, thành viên của hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè. Với sự thân thiện, mộc mạc, am hiểu, nhiệt huyết của Bí thư Chính và chàng trai trẻ Đại Cương, ngay từ khi bước xuống xuồng, tôi đã có một cuộc trải nghiệm đầy thi vị.

Với đặc điểm là hồ eo góc nên khi đi trên hồ, bất cứ ai cũng có cảm giác càng đi hồ càng rộng. Hồ Ghềnh Chè có 45 đảo và bán đảo. Mỗi đảo, bán đảo ở đây đều có tên gọi khác nhau gắn với một câu chuyện hoặc một giai thoại nào đó.

Anh Cương chỉ cho tôi khu vực có mực nước sâu nhất nằm cách bến thuyền không xa. Đó là vực Vối. Tên gọi này bắt nguồn từ việc, vị trí đó trước đây có một cây vối rất to hàng trăm năm tuổi. Tiếp đến là vực Gỗ, là nơi người ta tìm thấy rất nhiều gỗ chìm dưới lòng hồ. Bên trên vực Gỗ là vực Bò Tót, hình như xưa kia người làng đã bắn gục được một con bò tót tại đó. Tiếp lời anh Cương, Bí thư Chi bộ Phan Văn Chính chỉ cho tôi nơi có tên là vực Thần. Theo lời anh Chính, thì tên gọi vực Thần xuất hiện từ khi các bậc cao niên sống trên đảo truyền tai nhau câu chuyện từng nhìn thấy một con Giải khổng lồ. Từ ấy, người ta tin rằng nơi đó linh thiêng và đặt tên là vực Thần. Nối tiếp vực Thần là các vực Nữ, vực Nam. Đó là nơi tắm của phụ nữ và nam giới trước kia. Vực Lòng Lợn là chỗ người chọn để chuyên ra đó làm lòng khi thịt lợn… Cùng với đó là các đảo: Đồi 8, Đồi 9, Đồi 10… do trước đây HTX Nông nghiệp đã đặt tên.

Xuồng ghé vào thăm Đồi 8, một trong những đảo nằm độc lập, ở vị trí trung tâm của Hồ. Đảo Đồi 8 thường được người đi đánh cá đêm chọn để nghỉ chân. Đảo tuy nhỏ nhưng bề mặt rất bằng phẳng. Nước Hồ tuy lúc nào cũng mấp mé nhưng theo lời của anh Đại Cương thì nước hồ không mấy khi làm ngập bề mặt đảo. Hiếm hoi lắm mới có dịp nước dâng cao, nhưng cũng chỉ chốc lát là tràn đi, trả lại mặt bằng của đảo một cách khô ráo. Chính vì vậy, anh Cương thường chọn Đồi 8 làm địa điểm cho du khách tổ chức cắm trại khi họ có nhu cầu.

Một số hòn đảo khác đang được người dân xây dựng hạ tầng, trồng cây sao đen tạo bóng mát và dần hình thành các đảo hoa. Dù mới trong quá trình đang xây dựng, nhưng chắc không bao lâu nữa những hòn đảo này sẽ mang một hình hài khác.

Vào mùa nước dâng cao, du khách có thể cập bờ thuộc địa phận xóm Cao Sơn để lên thăm HTX Trà Cao Sơn

Người dân Tiền Tiến làm du lịch

Tiếp tục chuyến du ngoạn trên hồ, du khách sẽ bắt gặp những chiếc vó tép đã được thả sẵn. Điều thú vị là thả vó ở hồ không cần có mồi nhử. Tối đến, khu vực thả vó sẽ được người dân thắp đèn để thu hút côn trùng. Côn trùng, gặp ánh sáng sẽ rơi xuống nước trở thành mồi cho tôm, cá. Thông thường, vó sẽ được cất từ 2 đến 3 lần mỗi đêm. Những con cá tép nhỏ xíu mắc vào vó sẽ được dùng làm thức ăn cho đàn cá quả, cá lăng… người dân nuôi trong lồng trên hồ.

Bởi thế mà khi đến với Ghềnh Chè, cho dù du khách có chọn những món ăn được chế biến từ con cá được nuôi vẫn đảm bảo độ thơm ngon hiếm có. Còn các món ăn khác phần lớn đều do người dân ở đây tự tăng gia và chế biến theo các công thức truyền thống và điều đặc biệt là chỉ khi nào có khách đặt chủ nhà mới chế biến thực phẩm để đảm bảo độ tươi, ngon. Vì vậy, khi đến Ghềnh Chè thưởng ngoạn mà có ý định dùng bữa, du khách nên liên hệ đặt trước nếu không muốn phải chờ lâu.

Trên một số đảo và bán đảo đang được người dân xây dựng nhằm đa dạng hóa các dịch vụ

Đang say sưa ngắm cảnh vật trên hồ, tôi giật thót mình khi nhìn thấy 2 đứa trẻ đang tự bơi thuyền ra gần giữa hồ, rồi trèo lên chỗ lồng nuôi cá. Trước thái độ bất ngờ và lo lắng của tôi, anh Chính trấn an: Trẻ con ở đây đứa nào cũng bơi giỏi. Mấy đứa nhỏ này vẫn thường bơi thuyền ra lồng cá chơi như vậy. Thì ra là thế, song tôi vẫn không khỏi lo lắng bởi bọn trẻ quá nhỏ bé trước hồ nước mênh mông này.

Nằm ở sâu trong lòng hồ là nơi hợp nhất con nước của hồ và con nước của suối Cái đổ về từ thượng nguồn, lòng hồ hẹp lại, 2 bên có khá nhiều cây cối mọc tự nhiên, rậm rạp tựa như điểm kết thúc của chuyến hành trình vậy. Nhưng vừa qua góc cua, một đầm hoa sen, hoa súng sẽ trải ra trước mắt của du khách, tùy từng thời điểm.

Nếu đến thăm hồ từ tháng 4 cho đến tháng 7, nơi này trên mặt nước được trải mênh mông là hoa sen. Sen lúc này sẽ vươn cao, len kín mặt hồ. Cũng là vị trí mà thuyền chở khách tham quan buộc phải dừng lại.

Nhưng nếu ai đó không thể đến thăm hồ Ghềnh Chè vào đúng mùa hoa sen nở cũng đừng vội buồn, thay vì hoa sen, người dân ở Tiền Tiến sẽ tặng lại cho chuyến đi của du khách một trải nghiệm khác cũng không kém phần thú vị. Sau mùa sen cũng là thời điểm nước lên, lúc này lá sen sẽ sâm sấp mặt nước, giúp cho thuyền hoặc xuồng máy có thể đi qua một cách dễ dàng để vào sâu trong lòng suối ngắm vô vàn hoa súng. Cứ như một sự luân phiên, nhường nhịn của súng, của sen vậy. Thời điểm nở rộ nhất của hoa súng là những tháng cuối năm.

Thăm Hợp tác xã Trà Cao Sơn

Thỏa sức ngắm nghía thảm hoa súng tím lịm ở góc sâu nhất trong hồ, xuồng của chúng tôi cập bến. Bí thư Chi bộ Phan Văn Chính giới thiệu điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Hợp tác xã (HTX) Trà Cao Sơn thộc xóm Khe Lim. Đây là nơi có sản phẩm trà ngon có tiếng với những đặc điểm mà không phải ở đâu cũng có được. Khoảng cách từ xóm Khe Lim tới xã Tân Cương của thành phố Thái Nguyên chỉ hơn 1km nên có khí hậu không khác là mấy so với vùng chè được mệnh danh “Đệ nhất”. Cái khác là chè ở Khe Lim được trồng trên đồi cao, tách biệt hẳn so với đồng ruộng nên không bị ảnh hưởng của sâu bệnh từ lúa và hoa màu. Với những ưu đãi của thiên nhiên như thế, nên HTX Trà Cao Sơn không có sản phẩm bán dưới giá 300 nghìn đồng/1kg.

Không chỉ được sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, các đồi chè thuộc vùng nguyên liệu của HTX Trà Cao Sơn còn được điểm hoa mẫu đơn đỏ vô cùng đẹp mắt.

Đón chúng tôi là anh Phạm Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Trà Cao Sơn. Nồng hậu và mến khách, anh Tiến đưa chúng tôi đi thăm vùng nguyên liệu rộng 8ha của HTX (HTX hiện có 12 thành viên chính thức và 70 thành viên liên kết). Trong đó, 75% được trồng theo hướng hữu cơ với 100% cơ cấu giống chè lai.

Được thành lập từ năm 2019, HTX hiện đã có 6 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 4 sao và đang phấn đấu cho mục tiêu có sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao trong năm 2022 này. Trong đó, chè Đinh của HTX có giá cao nhất là 5 triệu đồng/1kg.

Sau một vòng đi thăm những đồi chè đang lên mơn mởn, vòng về nhà anh Tiến, chúng tôi được vợ anh - chị Trần Thị Điệp pha ấm trà sen vừa thơm, vừa đượm mời khách. Chị cho biết, đó là bông sen nở ở lòng hồ Ghềnh Chè. Thì ra ở đây vào mùa sen, sáng sớm và chiều muộn hàng chục nhân công của HTX Trà Cao Sơn sẽ dùng thuyền nhỏ bơi ra hồ, thả từng nắm chè vào những bông sen vừa mới nở. Đủ thời gian để hương sen quện hương chè và ngược lại, từng bông sẽ được ngắt mang về bảo quản.

Rời HTX Trà Cao Sơn, chúng tôi xuống xuồng, trời đã gần trưa, song trên một số bán đảo, nhiều người vẫn kiên nhẫn và thư thả bên những chiếc cần câu. Không cần mua vé hay đóng bất cứ loại phí gì cho những buổi đi câu như vậy. Nhiều lắm cũng chỉ cần hỏi qua chủ nhà ở gần khu vực ngồi câu để gửi xe hay đi qua nhờ mà thôi.

Những ngôi nhà sàn ngay bên bờ Hồ dành cho khách lưu trú đang được hoàn thiện để chào đón du khách

Cuộc sống trên đảo Chũm Na

Trên các hòn đảo và bán đảo trên hồ, thi thoảng vẫn còn bóng dáng một vài ngôi nhà đã cũ kỹ theo năm tháng. Đa phần chủ nhân của nó đã dời đi nơi khác sống. Chỉ còn một số ít còn trụ lại. Neo xuồng, Bí thư Chi bộ Phan Văn Chính và anh Trần Đại Cương dẫn chúng tôi lên thăm nhà bà Lê Thanh Chinh sống ở khu Chũm Na của xóm Tiền Tiến. Tên gọi Chũm Na cũng bắt nguồn bởi một cụ già tên Na từng sống trên đảo. 6 năm trước, người dân khai phá, đắp đường, Chũm Na trở thành bán đảo.

Bà Chinh năm nay 65 tuổi, gia đình bà đã sinh sống ở đảo qua 5 thế hệ từ những năm 60. Bà Chinh cho biết, nhiều gia đình sống ở ven hồ như gia đình bà đã chuyển vào trong đất liền hoặc đi nơi khác thuận tiện hơn để sinh sống. Giờ khu Chũm Na chỉ còn 4 gia đình bám trụ nhưng cũng chỉ có gia đình bà và một gia đình nữa có người ở thường xuyên. Tuy thế nhưng bà Chinh lại khá hài lòng với cuộc sống ở ven hồ. Bà chia sẻ: Ở đây tuy đường đi lại có khó khăn nhưng đổi lại không khí lại rất trong lành làm con người luôn thấy khoan khoái, dễ chịu. Bà Chinh cũng như nhiều hộ khác ở đảo đều phải di chuyển hoàn toàn bằng thuyền nếu muốn đi chợ mua bán. Trẻ con trong đó có 2 người con của bà từ lớp 2 đã phải tự chèo thuyền vào đất liền đi học hàng ngày.

Anh Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1990), con trai út của bà Chinh hiện làm thợ sửa chữa cơ khí. Mặc dù người trẻ thường ưa sự ồn ào, náo nhiệt nhưng với Ngọc, dù có nhiều cơ hội để lựa chọn nơi sống và làm việc anh vẫn chọn ở lại Chũm Na. Vì theo Ngọc, ở Chũm Na có những thứ mà nơi khác không có được. Tôi đã khá bất ngờ trước những lý do níu chân Ngọc ở lại nơi này. Với Ngọc, đó là sự yên tĩnh, một sự yên tĩnh lắm khi buồn đến se sắt nhưng lại thân thương đến mức không thể rời bỏ. Ngọc kể, có những buổi tối Chũm Na yên ắng tới mức, ngoài tiếng chó sủa thì không có bất kỳ một tiếng động nào khác. Lắm khi Ngọc cũng muốn phá vỡ cái sự yên ắng ấy. Thế là, anh một mình mang loa ra sân mở thật to hoặc nghêu ngao vài câu hát để giải tỏa. Dẫu thế, nhưng chỉ cần đi đâu xa nhà một vài ngày thì anh lại thấy thèm sự yên ắng ấy đến nao lòng.

Ngay cả việc phải đi đánh tôm, cá vào ban đêm, Ngọc và người dân ở đây cũng không cho đó là vất vả. Ngọc lạc quan: Tối tối đi thả lưới rồi mấy chú cháu nhóm lửa, nướng cá ngay trên đảo. Thế khác nào người thành phố đi trải nghiệm đâu. Nhưng người thành phố muốn có những chuyến đi chơi như thế phải mất chi phí còn chúng em ở đây miễn phí hoàn toàn. Tận dụng nguồn nước hồ, Ngọc còn cải tạo được 2 ao cá với đủ các loại: cá lăng, cá diêu hồng, rô phi, chép coi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Tôi đồng tình với nhận định của Ngọc, bởi suy cho cùng sướng hay khổ cũng phụ thuộc vào cách nhìn nhận sự việc của mỗi người mà thôi! Xuồng quay đầu về bến xuất phát, kết thúc chuyến hành trình khám phá hồ Ghềnh Chè. Trời đã quá trưa, mùi thơm của thức ăn từ khu nhà dịch vụ của HTX tỏa ra ngào ngạt.

Đại Cương chỉ tay về phía những ngôi nhà sàn hướng mặt ra hồ đang dần hoàn thiện hồ hởi: Sắp tới, HTX chúng em sẽ đưa vào vận hành mô hình homestay để du khách có thể lưu lại đây lâu hơn. Chúng em mong muốn giúp du khách đến đây không chỉ được tham quan, khám phá hồ mà còn có thể hòa vào cuộc sống và văn hóa của bà con nơi đây… Hoạt động du lịch đã thực sự quay trở lại sau thời gian dài trầm lắng vì đại dịch COVID-19. Và, hồ Ghềnh Chè chắc chắn sẽ là địa chỉ đáng được ghi chú trong cẩm nang du lịch của mỗi người.

Thái Yên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước