Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
10:56 (GMT +7)

Hình tượng con chó trong mỹ thuật

VNTN - Năm Tuất nói chuyện con chó không khó nhưng cũng không dễ chút nào, nhất là nói về hình tượng con chó trong nghệ thuật tạo hình (mỹ thuật). Mặc dù, chó là con vật quen thuộc nhưng lại khó đưa thành hình tượng nghệ thuật thị giác. Để tìm hiểu hình tượng con chó trong mỹ thuật, trước hết chúng ta nên tìm hiểu đôi nét về ý nghĩa hình tượng con chó trong đời sống tâm linh và trong các lĩnh vực nghệ thuật khác.

Tranh xuân Mậu Tuất 2018 của họa sĩ Lê Trí Dũng

Chẳng biết tự bao giờ, câu tục ngữ “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” đã như mang ý niệm tâm linh trong ý nghĩ của người Việt. Quan niệm chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang lại thuận lợi và nhiều niềm vui, vì thế con chó được coi như là “người bạn tốt” của con người. Trong dân gian đã có câu “lạc nhà nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu” để nói rằng chó là vật nuôi thân thiện và trung thành.

Trong mỹ thuật, con chó được các họa sĩ khá quan tâm xây dựng thành hình tượng nghệ thuật. Tuy vậy, hình tượng con chó trong mỹ thuật có lẽ hiếm thấy hơn các con vật khác như: rồng, ngựa, hổ... Ở phương Đông, người ta xem thường con chó hơn phương Tây. Cho nên cảm xúc trước hình tượng con vật này của các họa sĩ cũng không thực đặc sắc. Một số họa sĩ có vẽ chó nhưng ít thể hiện đơn lẻ mà thường phối hợp với hình tượng con người trong cuộc sống, chẳng hạn người đi săn, đi biển…, con chó trong tác phẩm lúc này chỉ là cảnh phụ để biểu hiện tình cảm của họ. Ví dụ như hai bức tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Tiếp, bức “Đợi” cận cảnh là người phụ nữ mang bầu đứng bên cửa ngóng chồng, còn con chó thì nằm ngoài sân hướng ra biển chờ đón ông chủ của nó; với bức “Eva trở về” tác giả chỉ diễn tả bộ trang phục của chàng trai, hậu cảnh là con chó đang ngồi nghênh chủ, dường như đang dõi theo từng hành động của ông chủ nơi xa xăm.

“Ba con chó”, tranh giấy dó của Đặng Thị Dương

Trước đây hình ảnh con chó cũng được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện trong nhiều tác phẩm và trong hệ thống mười hai con giáp, ví như bức sơn mài “Con nghé quả thực”, 1957. Sau này họa sĩ Lê Trí Dũng cũng hay vẽ các con vật chủ đề mười hai con giáp. Năm 2005, nữ họa sĩ Đặng Thị Dương đã giới thiệu với công chúng tác phẩm “Ba con chó” bằng chất liệu Acrylic trên giấy dó. Với phong cách rất riêng, nữ họa sĩ đã thể hiện hình tượng ba con chó được cách điệu, bố cục trong hình tròn, mỗi con một dáng vẻ, mang một sắc thái riêng, những mảng màu tràn vào nhau không phân biệt danh giới tạo được sự đồng nhất cân bằng trong bức tranh.

Ở phương Tây có một số tác phẩm hội họa khai thác hình tượng con chó rất tinh tế đã gây được nhiều ấn tượng cho người xem, ví như bức sơn dầu “Cái nhìn của Thánh Eustache” của họa sĩ Pisanello (1395-1455); “Cái chết của Procris” - tranh sơn dầu của họa sĩ Piero di Cosimo (1462-1521); “Người thợ săn” của họa sĩ Jean Wildens, 1624… Với họa sĩ chuyên về chân dung như Valentin Serow (họa sĩ Nga) thì trong tranh ông thường có con chó làm nền cho tác phẩm thêm phần sinh động; chẳng hạn như bức sơn dầu vẽ năm 1903 với tên gọi “Chân dung Felix Sumarokow”; còn đối với Poedor Peshetnikov - họa sĩ Nga thì có kiệt tác “Lại bị điểm hai” gây tiếng vang trong dư luận. Họa sĩ diễn tả cận cảnh cậu bé đi học về bị điểm kém đang đứng tần ngần trước cửa nhà, con chó đang chồm lên người cậu bé, khác thường với nét mặt cậu đang buồn rười rượi, dường như con chó biết được cậu chủ rất buồn nên cái đuôi của nó ngoe nguẩy cũng chậm dãi, mắt theo dõi thái độ của cậu chủ.

Tượng chó và khỉ ở chùa Cầu (Hội An)

Về nghệ thuật điêu khắc thì một trong những pho tượng đất nung có khả năng gây ấn tượng rất mạnh là tác phẩm “Con chó hiếu chiến” của Fabbri Agenore, 1947; bức tượng con chó đứng nhe răng mang tên “Fedo” của nhà điêu khắc Bessie North; tác phẩm “Actaeon” là pho tượng độc đáo của Paul Manship về mặt tạo hình.

Ngoài lịch sử mỹ thuật Việt Nam thì hình tượng con chó cũng đã xuất hiện ở lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Có lẽ sớm nhất vẫn là trong điêu khắc như hình tượng con chó ở Chùa Cầu - Hội An. Nhiều du khách khi đến Chùa Cầu đều không rõ tại sao ở đây lại thờ tượng chó đá và tượng khỉ (?). Có rất nhiều cách lý giải xung quanh câu chuyện này. Từ xa xưa người Việt đã coi chó là con vật có khả năng chống lại tà ma, đem lại may mắn, còn khỉ là con vật thường được trưng tụng tại chùa chiền, người dân gọi là Linh Hầu hay Thần Hầu nhằm trấn giữ xứ đất, chống lại điều xấu xâm hại. Vì vậy, đặt tượng chó đá và khỉ đá ở Chùa Cầu không ngoài ý niệm mong muốn mọi điều may mắn, suôn sẻ và tốt đẹp.

“Cô gái và con chó trắng”, tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Tiếp

Trong văn hóa Á Đông, chó được xếp vào 12 con giáp ở vị trí thứ 11 với chi Tuất thuộc hành Thổ (đất khô, có Hỏa, có Kim, dương tính rất mạnh). Chính vì thế nó mang lại nhiều năng lượng và sinh khí cho gia chủ, giúp gia đình luôn vững chãi trong công việc và đời sống. Có quan niệm cho rằng việc nuôi chó được xem là phong thủy tuyệt vời nhất. Song không phải người ở tuổi nào cũng nuôi được chó. Chó trong địa chi thuộc về chữ “Tuất” địa chi hợp nó là Dần và Ngọ, nhị hợp là Mão, lại tương xung chữ Thìn.

Hiện nay, ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đền, đình hay ở phủ. Với đồng bào dân tộc Dao hình ảnh con chó được biểu hiện trên trang phục. Ngày nay, người Việt một số nơi không chôn chó đá ở trước cửa nữa, nhưng vẫn mua chó bông về để bày trong nhà, vừa xua đuổi tà ma, vừa làm vật trang trí

Gia Khánh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy