Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
05:48 (GMT +7)

Hãy bắt đầu từ ảnh… macro

VNTN - Đừng cho rằng thế giới vi mô là nhỏ mà nên nghĩ rằng thế giới vi mô phong phú hơn sự hiểu biết hạn hẹp của mỗi con người. Trách nhiệm của nhà nhiếp ảnh chân chính là gì, nếu không phải là mở ra cho đồng loại biết những góc khuất kì diệu của sự sống tươi đẹp đang hiện hữu quanh ta!

Hồi còn làm việc bên Đức, trong một buổi cuối tuần tôi đi bộ trên phố và vô tình được ngắm hai bức ảnh treo cạnh nhau trong khung kính (kiểu như bảng tin; bảng thông báo công cộng cho giáo dân) bên ngoài một nhà thờ của thành phố nhỏ Eberswalde (thuộc Frankfurt - Oder). Bức thứ nhất là ảnh màu, chụp trái đất từ vệ tinh, với lời tựa theo đúng nguyên văn câu nói đầu tiên của nhà du hành vũ trụ Gagarin phát về mặt đất: “Ôi, trái đất của chúng ta đẹp quá!”. Bức thứ hai là đen trắng, chụp ngược nắng một bông hoa cỏ đang tung hạt bay theo gió với lời tựa: “Mọi tạo vật Chúa sinh ra đều hoàn mĩ”. Tôi ấn tượng mãi về hai bức ảnh. Sự so sánh tinh tế giữa cái to lớn, trùm khắp và cái nhỏ bị lọt qua tầm con mắt của mọi người. Có lẽ để được ngồi trong con tàu vệ tinh mà bay ra bên ngoài để chụp về trái đất, sẽ vẫn là giấc mơ không bao giờ với tới của mọi nhà nhiếp ảnh. Nhưng thử hỏi bao nhiêu những tay máy của chúng ta, đã “bỏ rơi” một thế giới hiện hữu, đẹp lung linh, đang tồn tại ngay cạnh mình?

Khi tôi được ông thầy người Đức nhận dạy về nhiếp ảnh, bài tập đầu tiên ông giao cho, là một cuộn phim đen trắng ORWO 20 DIN và một cái cốc thủy tinh kèm tờ giấy trắng. Ông yêu cầu cả buổi chiều hôm ấy, phải chụp cái cốc sao cho hết cả cuộn phim và tất cả những kiểu chụp phải được đánh số thứ tự, kèm theo những ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ. Mỗi một nhiệm vụ, dù nhỏ nhất, cũng bắt người ta phải vận dụng từ những gì đã học được và suy tính để giải quyết vấn đề…

Có một cái cốc mà phải chụp gần bốn mươi kiểu ảnh khác nhau về nó, khi đó dường như đã là một thách đố với tôi. Ngày ấy còn chưa có ống kính zoom, nên với những gì có trong tay, tôi phải khai thác cho bằng hết: Khẩu nối, filter màu, chân chống. Rồi tiến gần, lùi xa, chụp cao, chụp thấp. Thay đổi tốc độ, độ mở. Chụp trong nhà, chụp ngoài trời…, cuối cùng cũng kéo hết 36 kiểu ảnh chụp về độc mỗi cái cốc thủy tinh. Khi tráng phim xong, xem kết quả, ông thầy đã đặc biệt thích thú khi thấy tôi đã mạnh dạn đổ nước vào cốc thủy tinh và chụp được ánh mặt trời tỏa sáng lấp lóa từ bụm nước trong đáy cốc. Ông ấy gọi tôi là “thằng quỷ láu cá”. Và cái nhìn ấm áp của ông, đã là nguồn động viên khích lệ khiến tôi dấn sâu vào với nhiếp ảnh.

Chủ đề về thế giới vi mô tưởng như rất vô vị, nhưng khi được người ta đầu tư công sức, trí tuệ vào đó một cách hợp lí, thì ngày nào đó sẽ nhận được niềm vui. Và phần thưởng nhà nhiếp ảnh gặt hái được không phải là tấm huy chương nhờ việc chụp về đề tài ấy, mà thông qua những buổi làm việc cần mẫn, họ đã khám phá ra thế giới của một loài hoa, hay của một loài côn trùng… đang hiện hữu sống động ngay bên cạnh mình. Ngoài ra khi say mê với những vật thể bình thường vẫn lọt dưới tầm con mắt, đã rèn giũa cho nhà nhiếp ảnh thói quen tìm tòi, quan sát và tích lũy kinh nghiệm để xử lý các vấn đề kĩ thuật trong thầm lặng mà không hề bị chi phối bởi người khác tác động vào. Ví dụ như, khi nhìn thấy và muốn chụp một con châu chấu đang gặm lá, người chụp phải xử lý hàng loạt vấn đề trong một khoảng thời gian ngắn ngủi: Trước hết phải nhẹ nhàng để cho con vật không bị xao động và bay mất. Khi chọn được nền, lựa chiều ánh sáng, rồi sau đó mới quyết định việc sử dụng ống kính, thiết bị hỗ trợ, đặt tốc độ chụp, căn trường nét… Mọi chuyện thoạt đầu cứ nghĩ là dễ, nhưng tỷ lệ thất bại luôn chiếm ở tỉ lệ trên 99%. Nếu bạn gặp phải thì cũng đừng vì thế mà buồn, bởi ngay cả với những nhà nhiếp ảnh đầy kinh nghiệm cũng tâm niệm, xác định và tự động viên: “trăm bó đuốc may ra được một con ếch”. Nhưng những nhà nhiếp ảnh thích đề tài về thế giới vi mô luôn tự tin để khẳng định, rằng sản phẩm của mình là độc nhất vô nhị. Đó cũng là bản chất của nghề ảnh, vốn độc lập và thầm lặng trong sáng tạo.

 

Săn mồi. Ảnh: Kim Khoa

Tâm lý con người ta, luôn thích hướng đến cái cao siêu, cái vĩ đại. Nếu làm một người lính, thì thứ mà anh ta nghĩ thoáng qua trong đầu từ buổi mới nhận quân trang, đó là một ngày kia anh sẽ đeo hàm tướng, đứng trước ba quân ra những mệnh lệnh khiến cả quốc gia neo vận mệnh vào kết quả cuối cùng… Nên ngay từ ngày còn trẻ, anh ta đã chấp nhận chịu mọi thứ rèn giũa, để có thể đủ tự tin khi đối diện với một nhiệm vụ được coi là “bất khả thi”. Nếu là một nhà thơ, khi gieo vần mớ từ ngữ để lột tả tâm trạng dâng trào về mùa xuân, thì con người ta khó cưỡng lại cái cảm giác được thiên hạ sánh với thi hào Nguyễn Du. Còn khi làm kinh tế, lúc mới khởi nghiệp không ít người đã nghĩ, rồi có ngày sẽ được thủ tướng trao bằng “Nhân tài đất Việt”… Và một anh nhiếp ảnh thì sao, khi gửi tác phẩm đi dự thi, thứ mà anh ta hướng mắt đến, là tấm huy chương vàng được một quan chức quan trọng nhất đến dự triển lãm trao ở ngày khai mạc. Mọi toan tính của con người về những điều cao đẹp và lương thiện, đều đáng được cổ vũ và được tôn trọng. Vậy nên thay bằng những buổi xa nhà rồng rắn đi chụp ảnh, để rồi mớ thành quả thu lượm về lại bị xếp đống vì trùng lặp…, bạn hãy thử quan sát vẻ đẹp một ngọn nến đang cháy dở, một chú thạch sùng đang lết trên tường để tiệm cận con mồi, hay cái vành mi giả mà người bạn đời mỗi sáng gắn lên mí mắt - thứ đã khiến bạn từng chôn chân đứng trước cửa nhà nàng suốt bao ngày tháng tuổi trẻ…

Và khi mà thú chơi ảnh đã lan đến với mọi thần dân trong thành phố bạn đang sống, thì thứ mà bạn “độc quyền” là những bức ảnh chỉ có bạn mới nhìn ra. Cũng đừng cho rằng thế giới vi mô là nhỏ mà nên nghĩ rằng thế giới vi mô phong phú hơn sự hiểu biết hạn hẹp của mỗi con người. Trách nhiệm của nhà nhiếp ảnh chân chính là gì, nếu không phải là mở ra cho đồng loại biết những góc khuất kì diệu của sự sống tươi đẹp đang hiện hữu quanh ta!

Tân Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy