Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
11:17 (GMT +7)

Hát dân ca dân tộc Sán Chay - Nét di sản văn hóa độc đáo

Với người Sán Chay, hát là để giao tiếp, hát là để trình bày tình cảm, hát là cuộc sống của họ. Họ cần hát như thể cần không khí để thở, như ăn cơm, uống nước… Xưa kia tiếng hát của họ là ngôn ngữ hàng ngày, một kiểu giao tiếp lịch sự, đúng chất văn hóa đặc sắc có một không hai của người Sán Chay. Mỗi bài dân ca đều có sức hấp dẫn riêng, hấp dẫn người người hát, người nghe đến mức mê hoặc

Hát dân ca dân tộc Sán Chay - Nét di sản văn hóa độc đáo
Nghệ nhân Trần Thị Án, xóm Khuân U, xã Na Mao, huyện Đại Từ truyền dạy hát dân ca Sán Chay cho thế hệ trẻ

Theo thạc sĩ Trần Văn Ái, Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Sán Chay, trong quá trình nghiên cứu đề tài “Hôn nhân truyền thống của dân tộc Sán Chay” ở xã Na Mao, huyện Đại Từ: “… Khi đã nghe hát dân ca của đồng bào thì mê mẩn lắm! Đã biết hát và biết nghe là không thể dứt ra được…”. Không phải ngẫu nhiên mà ông bộc bạch ra những lời như vậy. Hãy cùng tìm hiểu về các loại hình hát dân ca của đồng bào Sán Chay để hiểu và cảm nhận những nét độc đáo riêng của chúng.

Một số hình thức hát dân ca dân tộc Sán Chay: Hát dân ca Sán Chay thường có 3 hình thức hát cơ bản gồm: Xắng cọ hay Sấng cọ (Hát ban đêm); Chục cọ (Hát ban ngày); Cáng cọ (Hát cho cả ban ngày và ban đêm). Tuy nhiên, người Sán Chay thường gọi chung cho các hình thức hát này là Xắng cọ (hoặc Sình ca, Soọng Cô). Các hình thức hát này thường được phân biệt khác nhau ở âm điệu hát, không gian diễn xướng và nội dung lời hát. Đặc biệt là âm điệu hát Xắng cọ (ban đêm), tiết tấu kéo dài hơi, thoạt nghe không rõ âm tiết, giọng trầm; hát Chục cọ (hát ban ngày) tiết tấu ngắn hơi, rõ âm tiết hơn, giọng cao; hát Cáng cọ, tiết tấu không kéo dài, âm tiết rõ ràng. Cả 3 làn điệu hát không có đạo cụ đệm theo sau. Cách thức cặp nam hát một bài (một trổ), cặp nữ đáp lại một trổ (4 câu, 7 chữ hoặc 5 chữ). Một cuộc hát thường từ hai đến ba cặp nam, cặp nữ hát với nhau.

Hát Xắng cọ (Hát ban đêm): Đây là loại hình hát phong phú có nội dung mang tính chất tổng quát, bao trùm và hấp dẫn trong các loại hình Xắng cọ của dân tộc Sán Chay. Trước kia, mỗi khi diễn ra cuộc hát thường hát bảy đêm liên tục (không kể là trong đám cưới, đôi khi chỉ là hát vui) nhưng dần về sau, chỉ hát năm đêm. Đêm thứ nhất (Tài dắt dì cọ pai); Đêm thứ hai (Tài nhầy dì cọ pai); Đêm thứ ba (Tài slam dì cọ pai); Đêm thứ tư (Tài slấy dì cọ pai); Đêm thứ năm (Tài ngẩu dì cọ pai). Trong những đêm hát này, số lượng các bài hát mỗi đêm giảm dần từ đêm đầu đến đêm cuối. Lý do là luật hát của người Sán Chay đã quy định ở mỗi đêm hát, người hát phải hát một số bài nhất định theo thể thức đêm hôm sau không được hát lại những bài hát mà đêm trước đã hát, đây là một nguyên tắc bất di bất dịch mà cặp hát nhất thiết phải tuân thủ. Lối hát này, người Sán Chay chỉ hát trong nhà hoặc rải chiếu ngoài sân để hát chứ tuyệt đối không được hát ở ngoài đường, ngoài chợ.

 Những bài hát đêm này (hát cuộc) là những bài có sẵn được ghi chép bằng chữ Hán Nôm - do  người Sán Chay lưu giữ. Số người còn biết, chủ yếu là lớp trí thức dân gian đã từng hành nghề Mo, Tào ở địa phương, số còn lại được ghi chép bằng chữ cái phiên âm la tinh Việt - Sán Chay. Các bài hát được quy định bằng số câu, số chữ nhất định, chủ yếu theo thể thất ngôn tứ tuyệt - một bài bốn câu, mỗi câu bảy chữ, tuy nhiên đôi khi cũng xuất hiện câu chỉ có năm chữ. Với thể loại này, nếu người hát chỉ sai một vần hay một chữ thì khó có thể hát tiếp được. Trong thể loại hát ban đêm, thường hát với âm điệu kéo dài nhẹ nhàng, vừa phải khoan thai gần như hát ru và sử dụng lời láy để ngâm đệm.

Hát Cáng cọ (chủ yếu thể hiện trong đám cưới): Hát Cáng Cọ là thể loại hát với tiết tấu nhanh, không ngân dài, âm cao, thanh trong. Trong đám cưới, các bạn của cô dâu, chú rể đến chung vui và hát mừng cho bạn mình gồm:

Hát đón cửa: Khi nhà trai đến nhà gái đón dâu, nhà gái hát trước, nhà trai đáp lại. Nếu nhà trai không đáp được thì sẽ không được vào, bắt buộc người nhà trai phải hát cho đúng, cho hay. Trong quá trình hát, nếu đôi hát của nhà gái thua thì nhà trai cứ việc vào nhà mà không phải đứng chờ ở ngoài cổng đợi nhà gái cho phép. Nếu đôi nam thua, họ sẽ bị phạt rượu rồi mới được vào nhà gái. Nếu cả hai không bên nào chịu thua thì chỉ khi nào nhà gái hát mời, nhà trai mới được vào trong nhà. Ở đây, đôi hát không phải với tư cách cá nhân mà đôi nam là đại diện cho tất cả các bạn trai của chú rể, đôi nữ là đại diện cho các bạn gái của cô dâu. Mỗi khi một bên hát hỏi, bên kia không đáp trả lời được tất cả các bạn chụm nhau lại tìm ra câu hát trả lời. Cuối cùng nếu vẫn không hát trả được, phải chịu thua đối phương thì tất cả các bạn bè của bên thua đều chịu phạt bằng uống rượu.

Hát mời trầu (Cáng láu cọ): Khi đến nhà gái, phù rể hát mời hoặc khi đến nhà trai, phù dâu hát mời. Thứ tự mời từ trên xuống dưới (ông, bà, chú bác, anh em...) như:

Lá trầu căn líu nhi

Hai tay bưng trầu tới mời ai

Hai tay sánh tới mời ai thật

Bài hát hát ra bảo bạn thật

và:

Trầu căn trầu líu nhi

Hôm nay đám cưới được gặp nhau

Trầu xanh xanh mượt ở miệng bát

Chỉ sợ phù phép ở trong lòng

Trên sàng đặt bảy chiếc bát có một miếng trầu cau và một chiếc khăn mặt. Nếu ai không đáp lời hát được sẽ phải bỏ một ít tiền vào sàng để mừng cô dâu, chú rể.

Hát mời rượu (Cáng cháu cọ): Chỉ hát trong những lúc ăn cơm. Cách mời rượu và hát trong đám cưới khá độc đáo, khi tất cả mọi người đang ăn uống vui vẻ, nếu người đi mời hát định hát với bạn ở mâm nào, người ta sẽ mang đến mâm đó một cái ghế đẩu, trên ghế là một cái sàng, trên sàng để bốn chén rượu tức là có ý mời các bạn ở mâm đó hát.

Sàng rượu rượu liễu nhi

Hai tay đưa về xin mời ai

Hai tay đưa vừa mời ai đó

Lời hát nói ra bảo em thật

Ngay sau khi đặt sàng, các cặp hát chuẩn bị tiến đến nơi mình mời và cuộc hát được bắt đầu. Trong quá trình hát, nếu bên nào thua không hát đáp được thì sẽ bị đổ rượu qua sàng xuống đầu:

Cái sàng rượu mời bạn

Cái sàng đựng rượu khéo đẹp thay

Nếu là bạn bè không đáng uống

Nhất thời sàng rượu xuống đầu bạn

Ngoài hát trong đám cưới, hát Cáng cọ còn được thể hiện trong hoàn cảnh các đôi bạn hát không có nhiều thời gian (có thể ban ngày hoặc ban đêm). Lúc đó, cũng vẫn là những bài hát thuộc thể loại Xắng cọ”Chục cọ” nhưng họ hát với tiết tấu nhanh hơn, không kéo dài các âm điệu như bình thường để có thể kết thúc cuộc hát sớm hơn. Hát mời rượu trong đám cưới bạn bè, thanh niên nam nữ có thể hát đến sáng. Chẳng hạn họ hát mời rượu:

Tiếng Sán Chay:

 

Dịch nghĩa:

Sấy cây chau lúc néng

Sấy cây choong chau lèng dau dau

Dặc sỉ păng mảo tạng nhăn

Dắt sây sáy chan lạc pày tau

Mảo tang dau liu nâng

Cheng pang nhăm chau xăn môi vôi

Chéng pang nhăm chau mên tau hong...

 

Cái sòng rượu sóng mênh mông

Nếu là bạn bè mà không uống

Nhất thời sòng rượu đổi xuống đâu?

Không đáng uống

Bạn bè uống rượu không xứng đáng

Gia chủ uống rượu gia chủ vui

Bạn bè uống rượu say đỏ mặt.

 

Hay như:

Mần sú căhn mần sú quáy làng pào mòi chằn

Mần sú quáy làng pào mòi sếch

Phá tui chăn di chực mòi săn…

 

Hỏi thân nhân gia đình

Có phải anh em không

Nếu phải anh em không được hát…

 

Hát dân ca dân tộc Sán Chay thể hiện tình yêu đôi lứa: Có thể nói rằng, hát dân ca trong đám cưới  dân tộc Sán Chay thể hiện tình yêu đôi lứa, đó là những câu hát về tình yêu chiếm một số lượng lớn trong những bài hát “Xắng cọ”. Tình yêu hiện lên đầy đủ các cung bậc, đó là nỗi nhớ, sự khao khát; tình yêu và lời ước hẹn thủy chung hay tình yêu và sự dang dở ngậm ngùi... Người ta hát để khỏa lấp các tâm trạng bối rối, xốn xang khi nhận ra những rung cảm tuyệt vời để vơi đi nỗi nhớ. Trong “Ca thư” (Những câu hát của người Sán Chay) của  tác giả Đỗ Thị Hảo, người Sán Chay thể hiện nỗi nhớ bằng những hình ảnh hết sức thơ mộng:

Nhớ tới em

Như chú ong vàng nhớ tới nhành hoa

Chú ong nhớ hoa đưa về kết nhụy

Nhớ tới em muốn đưa em về nhà.

Tình yêu đến với họ một cách nhẹ nhàng êm ái như một làn gió thoảng qua, một cành hoa cài trên mái tóc, hoặc chỉ là một nụ cười một cái nhìn trìu mến... của tình yêu. Với người Sán Chay, lời hát mời rửa mặt cũng là lúc cô gái thể hiện sự lưu luyến, nhớ nhung:

Thấy chàng đẹp trai lại thông minh,

Hai tay bưng nước mời nàng rửa

Sáng nay lấy nước mời nàng rửa

Đến phút chia tay nhớ suốt đời

Những đêm hát giao duyên trong đám cưới đầy say mê đã khắc sâu trong mỗi chàng trai cô gái Sán Chay. Khi trở về, cái mà các cô nhớ nhất đó là lời hát của chàng trai, là cái duyên của chàng trai. Ước mơ chung tình cũng là ước mơ ngàn đời của những đôi lứa yêu nhau, sự vĩnh cửu của tình yêu là nhu cầu của mọi kẻ yêu đương.

Lòng anh cùng em chung một lòng

Không có một lòng anh cùng dạo

Một lòng anh cùng uống chén nước

Biển khơi nước cạn không lìa anh

Lời ước hẹn, thề nguyền của những chàng trai cô gái Sán Chay cũng được thể hiện ở những hình ảnh hết sức dung dị nhưng không vì thế mà kém phần sâu sắc:

Lá dong một bó thành một bó

Anh là một lòng, là một lòng

Một lòng cùng anh uống chén nước,

Một lòng cùng em cùng đi dạo.

Hát dân ca dân tộc Sán Chay hiện tri thức dân gian: Đó là những bài hát về vòng giáp đời người, do tiếp thu tinh hoa của "Chu dịch". Người Sán Chay đã ghi lại bằng chữ Hán Nôm phiên âm Sán Chay về cách đoán vận mệnh của con người theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cứ hai năm một mệnh (VD: mệnh: Giáp Tý -  Ất Sửu. Hải trung kim - Vàng dưới biển)... Mỗi mệnh được tiên đoán bằng một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt rất hay, mỗi lời thơ đều đẹp lung linh lãng mạn và thường được hát giao duyên trong những lần gặp gỡ. Họ dùng những bài hát này để hát đối đáp với nhau, để hiểu nhau và có thể còn se duyên, kết tóc trăm năm cũng chính từ những câu hát ấy. Khi hát rửa mặt, họ cũng nói đến điều đó:

Chậu nước đẹp

Hai tay bưng đến trước mặt em

Chậu nước trước mặt không dám rửa

Chỉ sợ năm sinh, mệnh không hợp

Họ hát lên đối nhau rồi hiểu mà tự biết đôi lứa có hợp mệnh duyên nhau hay không, họ còn cho rằng những bài hát này có thể thay được việc xem tuổi tác kết hôn nam nữ. Những bài hát đoán vận mệnh được phiên âm bằng tiếng Sán Chay dễ đọc, dễ hiểu, đáp ứng nhu cầu về mặt tâm linh, tín ngưỡng của họ.

Hát dân ca dân tộc Sán Chay sử dụng “điển cố, điển tích”:  Ra đời từ rất sớm được các nghệ nhân Sán Chay sử dụng “điển cố, điển tích” theo thể thơ đường luật, hình ảnh ước lệ. Một trong những điển tích được sử dụng khá nhiều trong hát “Xắng cọ” là các bài hát về Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, đã trở thành một điển cố về tình yêu rất đẹp nhưng có kết thúc bi thảm, đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhạc, họa, thi ca. Người Sán Chay cũng mượn câu chuyện để thể hiện tâm tình của những lứa đôi yêu nhau. Đây là quá trình hai người học cùng nhau:

Hai người cùng đến Lỗ Sơn học

Cùng đến Lỗ Sơn đại học đường

Cùng học ba năm và ba tháng

Ngày cùng đèn sách tối cùng giường

Và đây là kết cục của cuộc tình đẹp nhưng đầy bi thảm ấy:

Chàng Lương mất rồi đến Anh Đài

Hai người cùng chết chôn cùng nơi

Thành đôi uyên ương sau khi chết

Chính là Sơn Bá với Anh Đài

  Chuyện tình giữa Ngưu Lang và Chức Nữ là một câu chuyện tình yêu vô cùng cảm động, yêu nhau tha thiết nhưng phải xa nhau mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào ngày 7/7 hàng năm, những cơn mưa kéo dài hay chính là những giọt nước mắt hạnh phúc của họ trong ngày đoàn tụ. Qua đây, thanh niên nam nữ người Sán Chay muốn thể hiện khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc lứa đôi mãi trường tồn. Việc sử dụng hệ thống những điển tích, điển cố đã góp phần tạo cho lời ca tính chất trang trọng thiêng liêng trong tín ngưỡng tâm linh của người Sán Chay, đã làm cho lời hát súc tích, lý thú, diễn tả những việc khó nói mà lời hát vẫn trang nhã, ý tứ lại rõ ràng.

Hát dân ca dân tộc Sán Chay - Nét di sản văn hóa độc đáo
“Hội hát Xắng cọ Cao Lan - Sán Chí”, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, được thành lập năm 2016 đã duy trì và phát triển cho đến nay

Ngày nay, trong quá trình hội nhập, một số nét văn hóa của người Sán Chay ở ở Thái Nguyên ít nhiều bị thay đổi, song về cơ bản họ vẫn giữ được vốn văn hóa cổ truyền đậm đà bản sắc của mình, thể hiện qua thông qua loại hình hát dân ca.  Đó là một sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hết sức độc đáo riêng biệt, minh chứng cho nền văn hóa của cộng đồng tộc người Sán Chay, cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy cho muôn đời sau. Qua đó, góp phần làm rạng rỡ trong kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nhật Tân

1 đã tặng

1

0

0

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy