Gốc có khoẻ thì cây mới bền
Đa phần người lớn chúng ta đều bày tỏ sự yêu mến, ngưỡng mộ khi nhìn thấy hình ảnh những học sinh ở đâu đó có tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao. Có bao người trong chúng ta đặt ra câu hỏi, thái độ đó có được là do trẻ sinh ra đã có hay do cách giáo dục mà nên.
Không ít các bậc phụ huynh trong đó có chúng ta cảm thấy ngán ngẩm, không ít lần bày tỏ ý kiến với bạn bè, người quen hoặc trên mạng xã hội về tình trạng gần như cả lớp học của con, cháu mình đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi. Những câu đầy cảm thán như “Lấy đâu ra lắm học sinh giỏi thế không biết”, “Xưa kia lớp có một vài học sinh giỏi, thêm vài học sinh tiên tiến đã là nhiều lắm rồi” hay “cả lớp là học sinh giỏi thế nhưng liệu trong ấy có bao nhiêu cháu biết tự giác pha cho bố mẹ, ông bà cốc nước chanh khi nhìn thấy người lớn mệt”… Nhưng liệu rằng con trẻ muốn như thế hay tất cả đều là do người lớn mà ra.
Việc chạy theo thành tích bị lên án, nhưng trong khi đó lại có không ít phụ huynh chỉ vì muốn “đẹp mặt” hoặc vì một mục đích nào đó khác sẵn sàng tìm mọi cách mua thành tích, mua điểm cho con... Những câu chuyện đó chúng ta có thể bắt gặp nhan nhản từ lâu, không còn là điều gì mới mẻ.
Ngay từ khi học sinh bước vào cấp 1, các em đã được học 5 điều Bác Hồ dạy, trong đó có “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Thế nhưng, liệu người lớn có làm khó các em, khiến tâm hồn non nớt của các em không biết phân định thế nào là “thật thà” khi mà mỗi tiết dự giờ đến, nhiều thầy cô giáo đều cho học sinh tập dượt trước, cả lớp đều phải giơ tay xin phát biểu cho dù có biết đáp án hay không biết đáp án. Và, thầy cô sẽ chỉ gọi những em được chỉ định sẵn. Hay những “đề cương” câu hỏi được mang về nhà làm sẵn cho buổi thi ngày hôm sau, những bài văn mẫu chỉ cần thay tên tuổi của nhân vật,…
Hành vi này liệu có vô hại với các em? Tôi còn nhớ câu chuyện diễn ra cách đây chưa lâu của một người họ hàng. Khi tôi đến, ông đang mặt đỏ tía tai vì giận. Chuyện là, sau Tết Nguyên đán vừa qua, tranh thủ đợt mưa Xuân, ông mua ít cây giống về trồng trong khuôn viên sân vườn của gia đình, cũng là để hưởng ứng Tết trồng cây do địa phương phát động. Nhưng khi ông bảo đứa cháu đang học cấp 2 chuẩn bị để ra trồng cây cùng ông thì nó lại hai tay đút túi quần, không nhúc nhích. Giận quá, ông mắng cháu rằng, sao không biết đi lấy cuốc, xẻng để giúp ông. Ai ngờ thằng cháu lý sự, hôm trước lớp nó được nhà trường chọn đi tham gia chương trình phát động Tết trồng cây của thành phố hẳn hoi mà chúng nó còn chẳng phải làm, hay chuẩn bị gì, nữa là trồng cây ở nhà…
Theo lời kể của cháu, thì hôm ấy, học sinh của mấy lớp trong trường được chọn tham gia Lễ phát động Tết trồng cây. Nhưng, tất cả việc của học sinh cần làm chỉ là đến xếp hàng cho đông người, nghe người lớn đọc các loại diễn văn. Sau mấy lần vỗ tay thì việc của các cháu đã xong, vì cây trồng là cây to và đã trồng sẵn. Người lớn chỉ ra cầm xẻng, xúc vài xẻng đất rồi cầm cái thùng đựng nước sẵn tưới là xong chương trình. Học sinh đi trồng cây nhưng tay còn không cần bỏ ra khỏi túi quần, túi áo.
Nghe cháu kể xong, ông chú tôi chuyển từ tức giận sang buồn bã. Ông phàn nàn: “Hỏng, hỏng hết cả. Thế này thì chỉ dạy hư trẻ con thôi, làm lệch lạc suy nghĩ và cái nhìn của bọn chúng thế nào là tham gia Tết trồng cây. Trồng cây gì mà đến cái cây không được sờ vào, hòn đất không được lấp xuống, chỉ đứng vỗ tay thì trồng cái nỗi gì”…
Trên thực tế, ngày ngày có quá nhiều vụ việc tiêu cực, những suy thoái về đạo đức, những câu chuyện buồn vì hành vi chỉ muốn hưởng thụ mà lười lao động đang diễn ra thì những lo lắng như của ông chú tôi là điều dễ hiểu. Chưa kể, chúng ta đang sống giữa thời đại sự bùng nổ của thông tin, điện thoại di động, Internet, bên cạnh những thông tin tích cực còn vô vàn những thông tin xấu, độc khác. Điều đó đã tác động không nhỏ đến nhận thức, lối sống và cách hành xử của học sinh. Nếu trong môi trường gia đình và nhà trường, xã hội thực các em không được nhận nhiều hơn các bài học về đạo đức, rèn ý thức và xây dựng tính kỷ luật thì những hệ luỵ buồn là điều có thể hình dung trước.
Chúng ta ngưỡng mộ sự giàu có của người Do Thái, ngưỡng mộ người Nhật khi họ xây dựng lại thành phố một cách nhanh chóng sau thảm họa động đất, sóng thần. Chúng ta cảm phục khi nhìn thấy hình ảnh những em bé Nhật Bản biết xếp thành hàng lối ở ga tàu điện, biết giữ yên lặng ở nơi công cộng và vô vàn các em bé nam lịch thiệp biết bấm thang máy, biết mở và giữ cửa cho người già hay phụ nữ bế con nhỏ đi qua… Để có được điều đó, chắc hẳn phương pháp làm gương của người lớn ở những nơi đó rất được coi trọng. Từ đó hình thành ý thức kỷ luật cho trẻ.
Thiết nghĩ, khi đạo đức được bồi dưỡng từ nhỏ, ý thức kỷ luật được rèn giũa qua năm tháng thì trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh của con người sẽ song hành. Khi ấy, hẳn là sẽ bớt được những chuyện nhũng nhiễu, cửa quyền, sợ trách nhiệm,… như những gì đang xảy ra trong xã hội ngày nay.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...