Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:37 (GMT +7)

Giữ “màu đồng rừng” trên từng trang viết

VNTN - Biết Hoàng Thị Hiền đã hơn 6 năm, ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là một cô gái nói giọng chẳng có gì là “dân tộc”, ấy vậy mà những vần thơ luôn đượm màu của đồng rừng, núi cao: Khèn vang lên cho ngô thêm xanh/ Cho bí thêm to, đôi chân thêm khỏe (Tiếng khèn trên nương); Cánh cửa lệch xệch đón anh về, anh lại đi/ Chẳng buồn kêu kẽo cọt/ Ruộng nương nằm thườn thượt/ Ngáp dài đợi cỏ phủ xanh (Mùa xuân trong tay).

Hoàng Thị Hiền quê ở bản Vò Ấu, xã Hồng Việt, huyện Hòa An (Cao Bằng), bố mẹ đều là người Tày, nhưng từ nhỏ chị đã được mẹ dạy tiếng Kinh, trong gia đình cũng thường hay nói tiếng Kinh, thành thử, giọng của chị phải nghe kĩ lắm mới biết người Hòa An. Biết tiếng và chữ sớm nên chị rất mê đọc sách. Nhà gần trường cấp I, II, cô trông thư viện lại ở ngay cổng trường, thường dễ tính mở cửa cho cô bé “mọt sách” vào đọc miễn phí. Nhưng ở vùng cao sách vốn hiếm, mỗi trường chỉ có một thư viện, đa phần là sách phục vụ học tập, còn những tác phẩm văn học kinh điển trong nước và thế giới muốn đọc phải ra tận thị trấn thuê, mỗi quyển giá 500 đồng. Nhà nghèo, chẳng mấy khi được bố mẹ cho tiền, chị thường phải gom góp, nhặt nhạnh từng đồng lẻ để có tiền thuê sách truyện. Niềm yêu thích môn Văn cứ thế ngấm dần và lớn lên trong chị.

Năm 2005, khi đang học lớp 11, Hoàng Thị Hiền tham gia viết báo tường cho lớp, có góp một bài thơ tự sáng tác. Đọc bài thơ, cô giáo và các bạn cứ bảo: “Bài này đăng báo được đấy!”. Chị thích lắm, nhưng không biết muốn đăng báo phải làm thế nào. Chị đem chuyện thủ thỉ với mẹ, được khuyên “Con thử hỏi thầy Hoàng Triều Ân - thầy giáo cũ của mẹ xem sao”. Thầy của mẹ khi ấy đã hơn 70 tuổi, bị nặng tai, phải đeo trợ thính nhưng vẫn rất tinh anh. Thầy từng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Cao Bằng, là nhà văn, nhà nghiên cứu, thông thạo tới 3 ngoại ngữ: Pháp, Nga, Trung Quốc. Vậy là chị liền viết thư hỏi thầy, gửi kèm cả bài thơ đã sáng tác. Rất nhanh, chị nhận được hồi âm: “Thầy đọc thấy sửa chữa một chút có thể đăng báo được. Em cứ mạnh dạn viết gửi báo đi!”. Nhận được lời động viên cùng hướng dẫn từ thầy, chị đã gửi bài thơ đến tạp chí Non nước Cao Bằng. Thật bất ngờ, bài thơ của chị được chọn đăng đúng số Tết 2006. Đến giờ chị vẫn không quên từng câu thơ thủa ban đầu ấy: Núi ngủ trong tấm chăn bông trắng muốt/ Gió hiu hiu mang cái rét cắt da/ Có em bé trên đường mòn đi học/ Nước suối lạnh ghê người em vẫn qua (Mùa đông trên Cao Bằng).

Chị tâm sự: “Bài thơ được đăng báo, người đầu tiên mình khoe không phải là mẹ, mà là bố”. Mẹ chị - người thị xã Cao Bằng, con nhà gia giáo (bố là kế toán mỏ thiếc, mẹ là kế toán kho lương thực), nên được ăn học đầy đủ. Còn bố chị sống ở bản, chỉ học hết lớp 7, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 15 tuổi, phải bươn bả nhiều nghề. Dù vất vả, khổ cực đến đâu ông cũng đều cố gắng vượt qua, để cùng vợ nuôi ba con ăn học đàng hoàng. Thấu hiểu nỗi vất vả, hy sinh của cha mẹ, nên cả ba chị em Hoàng Thị Hiền đều khát khao đi học để thoát nghèo. Bản thân chị chọn Đại học Sư phạm Thái Nguyên không chỉ vì niềm yêu thích môn Văn, mà còn bởi... được miễn học phí. Cái duyên của chị với Thái Nguyên bắt đầu từ đó. Sống, học tập rồi đến xây dựng gia đình và gắn bó với nơi đây cũng đã ngót hơn thập kỷ.

Từ bài thơ đầu tiên được đăng, chị bắt đầu sáng tác nhiều và thường xuyên cộng tác với các báo, tạp chí: Cao Bằng, Non nước Cao Bằng, Văn hóa các dân tộc... Đến năm 2 Đại học, chị biết đến Báo Văn nghệ Thái Nguyên, rồi từ đó được tham gia CLB Văn học trẻ Thái Nguyên do Báo đỡ đầu, sau đó phát triển lên thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Cùng tham gia CLB Văn học trẻ Thái Nguyên, rồi lại được sinh hoạt chung ở Chi hội Văn xuôi với Hoàng Thị Hiền, tôi rất vui nhưng cũng không khỏi bất ngờ. Từ ngày đầu biết nhau, tôi chỉ thấy chị sáng tác thơ. Thế mà đùng một cái, chị lấn sân sang cả lĩnh vực văn xuôi. Hỏi thì chị thủ thỉ: “Mình thích đọc truyện từ nhỏ nhưng lại chẳng biết tí gì về sáng tác văn xuôi. Nhưng lạ lắm, sau ngày được rủ tham gia học lớp dạy viết văn (cả thơ và văn xuôi) khóa I của thầy Hồ Thủy Giang (năm 2016), mình đâm mê viết truyện”. Vậy là chị sáng tác cả thơ lẫn văn xuôi, tính đến nay đã có trăm bài thơ và hơn 20 truyện ngắn.

Đọc các sáng tác của chị, thấy hằn hiện những câu chuyện, cuộc đời, số phận của những con người vùng dân tộc thiểu số, chúng giản dị, đơn sơ nhưng ẩn chứa nhiều nỗi niềm, đau đáu trăn trở, cả khát khao, nghị lực sống mãnh liệt. Như những câu thơ: Vết sẹo giật từng cơn tháng ngày em làm vợ/ Nỗi buồn bó gối đêm sương/ Rõ ràng càng cời than, ngọn lửa càng cháy đượm/ Và em ước tuổi xuân mình nổi bão (Dựng lại nhà). Hay truyện ngắn Trăng lạc, viết về cô gái Mông mới lớn, hồn nhiên, ngây thơ mắc vào lưới tình của một gã ma cô buôn người qua biên giới. Cái kết ám ảnh khi cô gái cứ đinh ninh rằng “người yêu” đưa mình rời đám hội để “cướp” mình về làm vợ theo phong tục dân tộc, ngồi trên xe cô gái mơ màng trong hạnh phúc mà không hề biết rằng chiếc ô tô đang “xé mây, vượt gió lao về hướng biên giới”.

Phụ nữ quê Hoàng Thị Hiền không chỉ có những chị, những mế người Tày mà còn cả người Kinh, Nùng, Dao, Mông... Từ nhỏ đã được sống chung với họ, chị luôn bị ám ảnh bởi những hủ tục, định kiến áp đặt, kìm kẹp người phụ nữ khiến họ trở nên lệ thuộc, thỏa hiệp với bất hạnh, không dám phản kháng hay tự mình tìm kiếm hạnh phúc. Chị trải lòng: “Mình muốn góp tiếng nói phản kháng, bênh vực người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ dân tộc và khát khao sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của họ”. Hiện chị đang ấp ủ dự định xuất bản tập truyện ngắn đầu tay với tựa đề “Gửi trăng về núi”; và đặc biệt là thử sức với thể loại tiểu thuyết - để có thể khắc họa sâu kĩ hơn về thân phận người phụ nữ dân tộc mà đại diện sẽ là người phụ nữ Mông, về cách họ thay đổi nhận thức, lựa chọn giữa chấp nhận hay chiến đấu để chiến thắng những hủ tục, giải phóng bản thân.

Có một điều thú vị ở Hoàng Thị Hiền, đó là chị còn sáng tác thơ song ngữ Tày - Việt, điều mà không phải người trẻ nào cũng làm được. Có được sự thôi thúc ấy là từ chính người đã khơi nguồn sáng tác, cũng là người chị chịu ảnh hưởng nhiều nhất - thầy Hoàng Triều Ân. Chị bảo: “Mình luôn nhớ lời thầy dặn: “Mình là người Tày thì mình nên viết những gì mình có, về ông bà, cha mẹ, tất cả làng bản mình”. Sáng tác thơ song ngữ không chỉ là cách mình lưu giữ được tiếng mẹ đẻ - tiếng nói của dân tộc, mà bản thân mình xa quê đã hơn chục năm, dường như tình cảm, nỗi nhớ quê, tâm hồn người dân tộc mình có nơi để gửi gắm, giãi bày”.

Cá nhân tôi lại thấy, Hoàng Thị Hiền không chỉ lưu giữ hồn dân tộc qua những sáng tác thơ song ngữ mà còn ở hầu hết những trang viết ngồn ngộn hơi thở của núi rừng, bản làng, với những cuộc đời, số phận tỏa ra nếp nghĩ, cách làm, nếp sống và tình người dân tộc thấm đẫm.

BÍCH HỒNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục