Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
13:18 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Giọt nắng miền gió xanh

Khi làm việc tại xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, tôi có hỏi về chị Nguyễn Thị Năm, quê ở xóm Trại, thôn Tảo Định, xã Thuận Thành, cựu đội viên TNXP Đại đội 915, mấy bác cao niên nhớ lại: “Hồi ấy con Năm đẹp nhất nhì trong làng. Cũng bởi đẹp người lại đẹp nết, nên vài nhà ngỏ ý chạm ngõ, đặt cơi trầu cho con. Vậy mà, nó và con Nguyên, là chị em con chú con bác rủ nhau đi thanh niên xung phong…”.

Mang theo cái háo hức muốn gặp “người của một thời”, ngay giữa trưa, chúng tôi lên xe tìm đến địa chỉ vừa hỏi được. Con đường từ xã Tân Phú về xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên nơi chị Năm sinh sống đã được đổ bê tông, đi lại khá thuận tiện. Mùa này, lúa đang thì con gái, mưa bụi lay phay làm cánh đồng như khoác lên mình tấm voan mỏng xanh ngát. Căn nhà của vợ chồng chị nép mình khiêm nhường giữa màu xanh cây trái trong con ngõ lô nhô nhiều ngôi nhà tầng ánh lên màu sơn mới. Tôi bất ngờ khi gặp cô thanh niên xung phong từng “đẹp nhất nhì làng” năm xưa. Dường như ở chị nét xuân sắc chưa hề tàn phai. Sự hồn hậu, cởi mở cùng vóc dáng thanh gọn, nhanh nhẹn làm tôi mặc nhiên công nhận lời các bậc cao niên.

Tiếp chuyện chúng tôi, nghe nhắc tới Đại đội 915 Anh hùng với những chàng trai cô gái 17, 18 tuổi góp mặt từ nhiều miền quê, chị Năm thoáng lặng người, đăm chiêu ngược nguồn ký ức:

“Tôi sinh ngày 21/6/1956, đi thanh niên xung phong tháng 6/1972 khi vừa tròn 16 tuổi. Nhà tôi có bảy anh chị em, tôi là thứ năm nên bố mẹ đặt luôn tên là Năm. Bố tôi công tác trên xã, mẹ làm ruộng trong hợp tác xã. Học xong lớp 7/10, tôi ở nhà giúp mẹ công việc đồng áng lấy công điểm và sinh hoạt Đoàn Thanh niên của xóm. Thời đó, phong trào thanh niên rất sôi nổi. Qua sinh hoạt Đoàn, tôi hiểu rõ về tình hình chiến sự và không khí tòng quân đánh giặc của thanh niên cả nước. Xem phim thấy bộ đội mặc quân phục, đội mũ tai bèo dũng cảm chiến đấu, tôi thích lắm. Nhân có dịp tuyển thanh niên xung phong, tôi và chị Nguyên rủ nhau gặp Đoàn xã xin đi. Bố tôi biết tin, ông không ngăn cản. Bởi đã từng vận động nhiều thanh niên lên đường nhập ngũ, ông chỉ phân tích cặn kẽ cho tôi hiểu những khó khăn gian khổ và bom đạn ác liệt mà thanh niên xung phong phải đối mặt. Ngày lên đường, Đoàn xã đưa tôi và 5 anh chị nữa lên giao cho Huyện Đoàn. Huyện Đoàn giao cho bộ phận tuyển quân. Khoảng sáu, hoặc bảy giờ tối hôm đó, chúng tôi lên xe ô tô về đơn vị. Tôi được biên chế về Đại đội 915 - Đội TNXP 91 Bắc Thái”.

Về đến khu vực đóng quân của Đại đội tại xóm Bến Đò, xã Linh Sơn gần cầu phao Bến Oánh, phía bên kia thành phố Thái Nguyên, chúng tôi được cấp phát quần áo, giầy vải, mũ cứng đính phù hiệu Thanh niên xung phong cùng chăn màn và một số vật dụng sinh hoạt khác. Tiểu đội tôi gồm 12 người do chị Nguyễn Thị Nguyên, chị con bác tôi làm tiểu đội trưởng. Sống và làm việc trong môi trường tổ chức, sau những lạ lẫm ban đầu, chúng tôi nhanh chóng làm quen và thấy vui hơn ở nhà rất nhiều. Công việc của Đại đội chủ yếu là làm đường 1B, đường 16A, bốc đá tại Núi Hột và cát sỏi từ khu Linh Nham về để thi công sửa chữa đường, san lấp hố bom. Ngoài ra, có một công việc quan trọng là bốc xếp hàng hóa lên các xe quân sự. Vất vả, gian khổ nhưng chúng tôi động viên nhau: “Cũng chỉ vất hơn đôi chút so với việc đồng áng của người nông dân”. Ngày đó, Linh Sơn là nơi đóng quân của trường lái xe Tiến Bộ, một số cơ quan, đơn vị quân đội, nơi sơ tán của bệnh viện và nhân dân thành phố nên rất đông đúc. Mỗi tiểu đội ở nhờ hai, ba nhà dân và duy trì kỷ luật giờ giấc sinh hoạt rất nghiêm ngặt. Đại đội phần lớn là nữ người dân tộc thiểu số, nhiều người quê mãi tận Bắc Kạn. Chúng tôi sống với nhau thân thiết vui vẻ như chị em ruột. Tôi không thể quên những kỷ niệm về các đội viên nữ người dân tộc. Họ đều ở các làng bản xa, nói tiếng Kinh chưa thạo, ở nhà ít giao tiếp và tham gia hoạt động xã hội, nên nhiều bỡ ngỡ. Chúng tôi được phân công giúp cho các đội viên đó thích nghi với môi trường mới. Ngày ấy, thi thoảng có người được nghỉ một vài ngày về quê giải quyết việc gia đình, khi trở lại đơn vị thường mang theo món quà quê như bánh trái, hoa quả chia nhau cùng ăn, làm tình cảm chị em thêm ấm áp. Chiến tranh ngày một ác liệt. Phát hiện đường 16A là tuyến giao thông huyết mạch, máy bay Mỹ liên tục ném bom bắn phá hòng chặn đứng con đường vận tải hàng hóa chi viện cho chiến trường. Chúng tôi luân phiên nhau làm việc theo ca kíp cả ngày và đêm đảm bảo thông đường. Trong khí thế chung của hậu phương lớn đối với tiền tuyến: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, những đội viên trẻ chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Ngày 13/9/1972, máy bay Mỹ ném bom khu vực Linh Sơn. Nhiều bộ đội trường lái xe Tiến Bộ và người dân thiệt mạng. Đại đội 915 có chị Hoàng Thị Cát hy sinh và nhiều đội viên bị thương. Tiểu đội tôi lúc đó đang làm đường cạnh xóm Núi Hột, cách đó một đoạn nên không có thương vong. Thường xuyên nghe báo động, nghe tiếng máy bay địch gầm rú và tiếng bom đạn nổ, nên chúng tôi không hề có cảm giác sợ hãi. Cũng bởi một lẽ nữa là những lúc báo động, chúng tôi xuống hầm trú ẩn, nhưng các anh bộ đội và lực lượng tự vệ vẫn hiên ngang ngồi trên mâm pháo, bất chấp bom đạn của máy bay Mỹ. Sự dũng cảm của họ là nguồn động viên chúng tôi rất nhiều. Rồi, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ngày ấy đã thực sự tạo nên bầu không khí lúc nào cũng lạc quan. Không chỉ hát trong những buổi sinh hoạt văn hóa của Đại đội, ngay cả đi bốc đá, cát sỏi, khi đẩy xe, chúng tôi leo lên thùng cùng nhau hát vang dọc đường trở về. Nhiều đội viên hát rất hay và hay hát, có chị hát được cả giọng nam và nữ như chị Trần Thị Mai. Thật đau xót. Trận bom B52 đêm 24/12 ném vào nơi Đại đội 915 trú ẩn, đã cướp đi nhiều đội viên thân thiết của chúng tôi, trong đó có chị Nguyễn Thị Nguyên, người chị họ cùng lên đường với tôi hôm ấy”…

Bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sĩ Nguyễn Thị Nguyên
Bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sĩ Nguyễn Thị Nguyên

Chị Năm xúc động, mắt nhòa lệ. Ký ức đau thương chợt ùa về. Tôi nhấp chén trà Thái chị rót mời đã lâu. Để làm vơi bớt cơn xúc động cho chị, tôi đặt câu hỏi:

“Trận bom B52 đêm 24/12/1972 làm nhiều đội viên Đại đội 915 hy sinh, chắc chị còn nhớ những diễn biến cụ thể của sự kiện đó?”

Chị Năm lau nước mắt, trầm tư:

“Tối 23/12 Đại đội nhận lệnh bố trí lực lượng hôm sau đi giải tỏa hàng hóa tại ga Lưu Xá, bên cạnh đó vẫn phải duy trì quân số sửa chữa đường đoạn Đồng Bẩm đi Đình Cả và đoạn Chùa Hang đi Trại Cau. Tôi rất muốn đi, liền to nhỏ với chị Nguyên tiểu đội trưởng. Chị vui vẻ đồng ý, bởi chị em luôn vui buồn có nhau. Nhưng khi nhìn danh sách, Đại đội trưởng Triệu Đức Việt gạt phắt, bắt tôi ở nhà sửa chữa đường, vì người tôi lúc ấy gầy nhỏ, không đủ sức khuân vác hàng. Sáng sớm hôm sau, các đội viên lên chật thùng xe tải xuống ga, một tốp vì xe không chở hết phải hành quân bộ qua cầu phao Bến Oánh. Chập tối 24/12, sau tiếng còi báo động của Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn và một số nơi khác, máy bay Mỹ lao vào ném bom ác liệt. Từ cửa hầm trú ẩn tại Linh Sơn, nhìn chớp lửa sáng rực phía Lưu Xá, ruột gan tôi rối bời… Khi biết tin căn hầm địa đạo Đại đội trú ẩn trúng bom, chúng tôi ôm nhau khóc. Trận ấy 59 cán bộ đội viên của Đại đội hy sinh, trong đó có chị Nguyên. Tiểu đội tôi 8 người đi thì cả 8 hy sinh...

Ngay sau đó, Đội 91 điều động nhiều đội viên từ các đại đội khác bổ sung về 915 để đảm bảo quân số. Với tinh thần “Biến đau thương thành hành động”, tôi và đồng đội tiếp tục thực hiện các công việc với một quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn. Có thể nói năm tháng ấy đã cho tôi cảm nhận sâu sắc về tình yêu đất nước, về sức mạnh dân tộc và tình người, tình đời. Một khi niềm tin và ý chí đã trở thành lẽ sống, con người ta có thể vượt qua bất kỳ trở ngại nào”.

Ngắm cơ ngơi khá khang trang của gia đình, qua trò chuyện, tôi được biết chồng chị Năm là giáo viên trường Trung học cơ sở Tân Phú, hiện đã nghỉ chế độ. Anh chị có 4 người con, 3 trai 1 gái, các cháu đều đã trưởng thành. Từ một cô thanh niên xung phong đầy nhiệt huyết của Đại đội 915, chị trở thành cán bộ của phong trào đoàn xã, cán bộ hợp tác xã và nhiều năm liền phụ trách văn hóa xã hội của xã đến khi về nghỉ. Có lẽ so với nhiều cựu thanh niên trong Đại đội 915, chị Năm là người có đời tư khá may mắn.  

Hình như trong cuộc sống hôm nay, với tốc độ đổi thay, phát triển gấp gáp từng ngày từng giờ, con người ta dễ quên đi quá khứ. Nếu như hôm nay tôi không gặp chị, khơi lại bao nỗi niềm cùng những chiến công hiển hách thì có thể mọi chuyện cũng phôi pha theo năm tháng, khó ai biết người phụ nữ có dáng người nhỏ bé, bình dị kia - người đội viên Đại đội 915 năm xưa - lại có thể thực sự gây được ấn tượng trong lòng tôi đến vậy.

***

Chúng tôi tạm biệt gia đình chị Năm, ra về vào lúc ráng chiều nghiêng bóng trong màu xanh của lúa, của những hàng cây ôm ấp nếp nhà, tạo nên bức tranh quê tuyệt đẹp. Chị Năm tiễn chúng tôi ra tận con ngõ vắt mình bên cánh đồng. Trong làn mưa bụi, dáng nền nã của chị sáng lên như giọt nắng. Không gian man mác ngập tràn gió, gió cũng dịu dàng thật xanh.

Ghi chép. Mỹ Hạnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước