Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024
01:47 (GMT +7)

Giáo sư Toán học Lê Thị Thanh Nhàn: Niềm vui từ nghiên cứu khoa học là vô giá

VNTN - Chị chần chừ gặp gỡ chúng tôi qua nhiều lần hẹn với lời chia sẻ thuần hậu, rằng chẳng muốn nói về mình. Tôi thì chỉ nghĩ, nói về bản thân, dù hay dở thế nào mình vẫn là mình… Chừng mực, khiêm tốn nhưng cởi mở, ấy là cốt cách của người nữ giáo sư nổi tiếng trong giới khoa học Việt Nam. 


- Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên.

- Sinh năm 1970. Hiện sống tại phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên.

- Tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc; thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tiến sĩ tại Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

- Chủ nhiệm 3 đề tài khoa học cấp Nhà nước (ở Quỹ Nafosted). Có 32 bài báo thuộc lĩnh vực Đại số giao hoán đã công bố trên các tạp chí toán quốc tế có uy tín như J. Algebra, J. Pure Appl. Algebra, Proc. AMS, Comm. Algebra, J. Math. Soc. Japan.

- Thành tích: Giải thưởng Khoa học Viện Toán học năm 2007; Giải thưởng Kovalevskaia năm 2011.

 

Tôi chờ đợi cuộc gặp này với chị sau hai năm chị trở thành nữ giáo sư toán học thứ 2 ở Việt Nam. Sự tò mò vẫn rất cũ, rằng cảm xúc khi là một nhân vật có tiếng tăm, nó thế nào thưa chị?

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn: Nếu làm ở lĩnh vực nghệ thuật, được nhiều người biết đến rất quan trọng, thì đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học khái niệm của sự nổi tiếng lại rất khác. Nó dường như không tác động gì đến tôi. Nghiên cứu khoa học đôi khi chỉ cần một người trong ngành có tầm công nhận mình mới là quan trọng. Nhưng cũng không phủ nhận những điều có giá trị mà chức danh ấy mang lại, ví như khi cần đề đạt ý kiến về một vấn đề gì đó, lãnh đạo cấp cao biết đến tôi và tôi nhận được sự trân trọng từ họ. Đấy là điều thuận lợi cho tôi khi làm công tác quản lý. Tôi thực sự phải ý thức rằng, làm gì thì làm cũng không được đi lệch phẩm chất của người giáo sư; làm sao để luôn xứng đáng với sự tin cậy của hội đồng chức danh - những người uy tín, đầu ngành đã tin tưởng, bỏ lá phiếu cho mình.

Gánh vác, lo toan nhiều việc chung hơn trước sau khi được phong hàm giáo sư, cuộc sống của chị có gì thay đổi?

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn: Điều may mắn nhất của tôi là được chồng ủng hộ, rất mực yêu thương. Từ thời tôi đi học thạc sĩ cho đến bây giờ, những gì anh lo lắng chu toàn chẳng khác gì người anh, người mẹ, với đàn ông được như thế là hiếm lắm. Trước chỉ lo chuyên môn, tôi có thể thức 2 - 3 giờ sáng để làm toán, ngày sau ngủ bù, bê trễ việc khác…, nhưng bây giờ không thể làm thế nữa. Việc ở trường hiện nay gần như trong kế hoạch, nghiên cứu khoa học giờ là việc riêng, dù là sở thích nhưng phải hạn chế đi.

Tôi nghĩ về câu chuyện “giỏi việc nước đảm việc nhà” của phụ nữ mà bấy lâu nay chúng ta hay nói, cá nhân tôi thấy không làm được. Tại sao chị em phụ nữ lại phải gồng mình đến kiệt quệ để xứng với danh ấy? Nếu tôi đã cố gắng đóng góp ở môi trường xã hội như nam giới, thì tôi không thể có danh hiệu, sự tôn vinh như vậy bởi tôi biết tôi không đủ sức. Con người ai cũng có điểm dở, chẳng ai hoàn mỹ, và tôi cũng không ngoại lệ.

Giỏi một thứ và nỗ lực để nó trở nên hoàn mỹ, tôi nghĩ vậy là đủ cho một hành trình sống rồi. Trở thành người có sức ảnh hưởng, theo chị nó có đồng nghĩa với việc sẽ là người truyền cảm hứng tốt?

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn: Thành thật mà nói, thì tôi không nghĩ về chuyện chức danh giáo sư và việc làm người có sức ảnh hưởng đâu. Cá nhân tôi thích học, thích nghiên cứu cũng là vì những người thầy của tôi, họ mang trong mình cái tài, cái tâm rất lớn, nếu mất đi một trong hai thứ đó thì học trò khó mà thành công. Từ những ngày làm nghiên cứu sinh, tôi may mắn có được thầy hướng dẫn tuyệt vời. Thầy có khả năng kích thích năng lực, sự tự trọng của học trò, khiến bản thân mỗi người đều phải cố gắng. Bản thân tôi cũng có sự hiếu thắng nhất định, vì hiếu thắng mà nỗ lực, nhưng cũng vì sự tin yêu, vì tâm huyết của thầy mà không cho phép mình lùi bước. Vì thế mà tôi hoàn toàn tin rằng, dù là giáo viên hay giáo sư, chắc chắn đều phải là người truyền cảm hứng.

Tôi luôn mong muốn mình có thể làm được những điều như thầy mình trước đây đã từng dành cho học trò. Nhưng khi làm quản lý, tôi nghĩ tố chất nó lại khác. Người ta đánh giá quản lý ở sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội, rằng cán bộ có đủ việc làm, có tâm huyết với nghề không? Trường phát triển ra sao, tiền có đủ trả lương cho cán bộ?… Tôi vẫn chỉ thấy mình đang bắt đầu mày mò trên cương vị mới, tôi hi vọng cảm hứng, sự tin tưởng sẽ có từ cả hai phía, từ tôi và từ cả những đồng nghiệp, học trò…

Chia sẻ về hành trình nỗ lực và thành công với toán học cũng là một cách truyền cảm hứng, chị có nghĩ vậy?

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn: (cười): Có thể nói thành công đạt được ngoài sức mong đợi của tôi. Từ thời cấp 3 tôi đã rất thích học Toán, vì yêu thích cô giáo dạy bộ môn ấy mà giỏi môn toán chứ không hề có đích đến lớn lao nào. Vào Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, tôi bị cuốn hút bởi phần giải tích, môn đại số, rồi môn toán sơ cấp. Và người ảnh hưởng sâu sắc, quyết định sự nghiệp khoa học của tôi như bây giờ là thầy hướng dẫn tiến sĩ của tôi.

Năm 2000, kết quả đầu tiên của tôi được nhận đăng ở một tạp chí uy tín của Hội Toán học Mỹ. Dù ý tưởng và kỹ thuật cơ bản là của thầy, nhưng tôi là người hiểu và diễn giải được. Sau khi bảo vệ xong thì tôi sang Pháp (2001), trong lòng nung nấu giải bài toán đặt ra bởi một giáo sư người Anh về tính đa thức của một hàm. Dù đã cố gắng nhưng ông chỉ giải quyết được trường hợp chiều nhỏ hơn hoặc bằng hai. Nhiều tháng ngày dồn hết tâm sức, tôi đã chứng minh được hàm không là đa thức khi chiều lớn hơn hoặc bằng ba. Kết quả được công bố trên Tạp chí Đại số (tạp chí quốc tế uy tín chuyên ngành đại số). Đây là công bố đầu tiên mà tự tôi trả lời được một câu hỏi mở, khiến bản thân thêm phần tự tin, ngày càng say mê nghiên cứu.

Năm 2005, lúc xét hồ sơ phó giáo sư của tôi, thì tôi đang ở Ý, không thể về để trình bày trước hội đồng, nhưng cuối cùng tôi lại đỗ với số phiếu tối đa. Ở thời điểm đó tôi đã có những công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín như J. Algebra, Proc. AMS, J. Pure Appl. Algebra, Comm. Algebra. Năm đó tôi cũng vinh dự là phó giáo sư trẻ nhất. Sang năm 2007, tôi được trao Giải thưởng Khoa học Viện Toán học. Giải thưởng này do những nhà toán học đầu ngành bỏ phiếu, nên người đạt giải rất vinh dự. Năm 2011, tôi nhận giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng do vợ chồng GS Koblitz sáng lập, dành để vinh danh các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc. Khi tôi đạt giải, GS Neal Koblitz đã viết trong báo cáo thường niên “Trong lịch sử hơn 25 năm giải thưởng Kovalevskaia tại Việt Nam, mặc dù giải thưởng mang tên một nhà toán học nữ, nhưng đến tận năm 2011, thật vui mừng khi lần đầu tiên có một nhà toán học nữ đạt giải”.

Từ nhiệm vụ chuyên môn, chuyên tâm nghiên cứu khoa học đến việc trở thành người quản lý, chị thấy mình thay đổi thế nào?

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn: Có lẽ sự thay đổi đáng kể là về mặt tư duy. Là người ít nhiều thành danh về khoa học, thuận lợi lớn nhất của tôi là những ý kiến đưa ra được đồng nghiệp lắng nghe. Trong nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu mảng tự nhiên thì việc đúng - sai, sự logic, chỉ duy nhất là một chứ không có kết quả khác. Đang từ cái chính xác chuyển sang cực kỳ mềm dẻo, linh hoạt thì rất khó. Hơn một năm qua đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, tôi cũng vừa làm vừa lắng nghe. Có những việc, những quyết sách đưa ra là đúng, song phải có sự điều chỉnh với những cái trước đó. Tôi vốn là người khá đơn thuần về mặt chuyên môn khoa học, khi đã có uy tín nhất định về nghề nghiệp, tôi nhìn nhận sản phẩm, thành quả ở mức độ khắt khe hơn, thế nhưng mặt bằng thì lại không được như thế. Để yêu cầu người khác có cái nhìn giống mình rất khó, và tôi phải thay đổi, phải học cách chấp nhận mềm dẻo những thứ mà trước đây tôi không thể. Thay đổi tư duy để làm thế nào đội ngũ dưới mình có được sự đồng tâm hiệp lực, hết sức vì nhà trường…

Theo chị, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường hiện đã đủ mạnh?

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn: Có thể nói Trường Đại học Khoa học thực sự thành công trong công tác xây dựng đội ngũ. Khi thành lập (2002), trường có 53 cán bộ với 6 tiến sĩ. Các cán bộ đều lớn tuổi, quen với việc dạy khối kiến thức giáo dục đại cương, không mấy ai có nguyện vọng đi học lên nữa. Thế nhưng sau 15 năm, trường hiện có 328 cán bộ viên chức, có 30% tổng số cán bộ giảng dạy là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; đang đào tạo 20 ngành đại học với quy mô 6000 sinh viên các hệ; 7 chuyên ngành thạc sĩ, 3 chuyên ngành tiến sĩ với gần 400 học viên và nghiên cứu sinh. Dự tính trong khoảng 2 - 3 năm nữa, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên sẽ đạt trên 50%, cao hơn so với mặt bằng toàn quốc.

Trong các trường đại học ở Việt Nam, chúng ta coi việc hoàn thiện trình độ là to tát, là nghị lực, cố gắng…, còn ở nước ngoài thì việc trở thành tiến sĩ mới là điểm khởi đầu. Trường tôi từ trước tới nay có hình thức tuyển dụng rất công tâm để thu hút người tài. Sau khi ra thông báo tuyển sinh, lãnh đạo nhà trường nhờ các giáo sư ở Hà Nội ra đề và chấm thi, đảm bảo sự khách quan và tuyệt mật. Làm như vậy thì những người giỏi nhất có cơ hội, bởi họ không cần bất cứ mối quan hệ hay thứ gì đó khác tác động. Con số 30% đạt chuẩn tiến sĩ như hiện nay cũng chưa phải là điều đáng tự hào nhất, quan trọng hơn là họ thực sự có năng lực tốt.

Những người làm nghiên cứu khoa học trong nhà trường có sống được bằng nghề? Bởi có những công trình nghiên cứu chỉ để chứng minh một nguyên lý, một luận đề, giả thuyết nào đó nào đó…

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn: Trước năm 2008, câu trả lời là “khó”. Thế nhưng thời điểm này, nếu tiến sĩ giỏi mà không sống được bằng nghiên cứu khoa học thì cũng phải xem lại. Nghiên cứu khoa học hiện có rất nhiều nguồn hỗ trợ. Ngay cả các địa phương, doanh nghiệp cũng cần trí tuệ của các nhà khoa học, chỉ là chúng ta không đủ khả năng giải quyết bài toán họ đặt ra mà thôi. Bên cạnh đó, Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (thành lập năm 2008) cũng khá rộng mở, nếu nghiên cứu nghiêm túc thì sẽ được tài trợ xứng đáng, có thể lên tới vài trăm triệu đồng cho mỗi công bố quốc tế chất lượng. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, thì hiện nay số người thật giỏi không nhiều, trong khi đó phải thực sự xuất sắc, hoặc phải có bề dày nhất định thì mới tiếp cận được các nguồn tài trợ hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu. Số còn lại thì là bài toán nan giải, đặc biệt là đối với những tiến sĩ trẻ.

Đây không phải là bài toán của một nhà trường hay của Đại học Thái Nguyên, mà là bài toán của cả ngành và đất nước. Rõ ràng là cần tạo động lực để người trẻ xuất ngoại, nhưng vấn đề khác đặt ra là, sau khi trưởng thành rồi họ sợ quay về nhà, không phải sợ khó, sợ khổ mà sợ những gì học được không tiếp tục được nữa, không có nhóm nghiên cứu, không có môi trường, không khí học thuật… Nghiên cứu khoa học đối với giáo viên của trường đại học, cái quan trọng để giữ được lửa cho họ là môi trường. May mắn là đội ngũ trẻ của nhà trường có năng lực, nhiệt huyết, họ muốn thể hiện khả năng và có sức bật…, nên có nhiều người sống tốt từ nghiên cứu khoa học.

Trong khoa học, có thể phải rất nhiều công trình nghiên cứu lí thuyết thì mới ra được một ứng dụng. Có những vấn đề nghiên cứu xong, hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm sau mới phát hiện ra ứng dụng. Nếu là một nhà quản lý khoa học mà chỉ nhìn thấy công trình nào ra sản phẩm cụ thể ngay thì tài trợ, còn công trình nào chỉ góp sức vào kho tàng tri thức nhân loại thì không tài trợ…, hẳn khoa học và giáo dục của đất nước đó không thể nào phát triển được. Khoa học giáo dục phải từ gốc, biết trân trọng cả những cái cơ bản.

Cơm áo gạo tiền là chuyện thường tình dễ khiến con người ta “bội tín” với niềm tin của chính mình. Chuyện “nuôi dưỡng” nhân tài ở nhà trường hẳn là vấn đề chị quan tâm?

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn: Trường Đại học Khoa học vẫn có chế độ cho người đi học tương đối ổn định. Nhưng nếu cứ giữ quan điểm nâng cao trình độ là nhiệm vụ của nhà trường thì không đúng. Hãy xác định trở thành giáo viên đại học là vì muốn có môi trường nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ. Tiến sĩ chỉ là điểm khởi đầu, còn nghiên cứu khoa học là liên tục trên cả chặng đường dài của giảng viên đại học. Nghiên cứu khoa học là để phục vụ cho giảng dạy, để bổ sung vào kho tàng tri thức nhân loại, để cải thiện chất lượng cuộc sống, và bởi niềm vui từ nghiên cứu khoa học đem lại là vô giá. Nếu kết quả nghiên cứu thực sự có chất lượng, thì sẽ được tài trợ từ nhiều nguồn. Tôi chưa thấy ai nghiên cứu khoa học nghiêm túc mà không được hỗ trợ thích đáng. Đối với lực lượng trẻ, nếu chưa có được thành tích nghiên cứu xuất sắc thì đúng là khó khăn, đòi hỏi nhà trường quan tâm, hỗ trợ ít nhiều về vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc…

Ý niệm sống là điều riêng có của mỗi người, tôi hình dung nó như một cái la bàn vậy, luôn khiến người ta tìm ra đúng đường. Ý niệm sống của chị là gì?

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn: Làm gì cũng hết sức, cố gắng trụ được với xu thế chung nhưng không làm trái với suy nghĩ, quan điểm thực sự của mình. Tôi nghiên cứu khoa học và không nghĩ nhiều về cái gọi là cống hiến, đơn thuần đó là sự say mê, niềm vui của cá nhân, cũng là cái nghiệp cuộc đời.

Chân thành cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện cùng VNTN. Chúc chị luôn mạnh khỏe và bình yên trong cuộc sống!

Lê Đình (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy