Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
23:35 (GMT +7)

Giải mã nét độc đáo trong trang phục người Phụ nữ Dao Tiền

VNTN - Tập quán và văn hóa của người Dao được thể hiện tập trung nhất ở những bộ trang phục của người phụ nữ. Bài viết xin giới thiệu đôi nét về bộ trang phục của người phụ nữ Dao Tiền. Qua đó sẽ thấy, nếu làm ra bộ trang phục chỉ có giá trị che thân thể thì chắc chắn người phụ nữ xưa không cần phải cầu kỳ đến thế. Đằng sau bộ trang phục còn chứa những thông điệp văn hóa truyền đến các thế hệ sau.

Bộ trang phục của người phụ nữ Dao Tiền bao gồm: Khăn đội đầu bằng vải bông trắng, thêu hai đầu bằng chỉ đen: Áo tứ thân dài (gần tới đầu gối), hai thân sau ghép lại, hai vạt trước bắt chéo khi mặc; Yếm ngực thắt dây làm bằng vải bông trắng thêu hình quả trám ở trước ngực; Váy in sáp ong; Xà cạp thêu; Thắt lưng dệt.

Ngoài ra, kèm theo bộ trang phục còn có những đồ trang sức bằng bạc trắng: Gồm vòng cổ, vòng tay, hoa tai, xà tích…

Phụ nữ Dao Tiền ở Tuyên Quang (Nguồn:baotintuc.vn)

Để có được bộ trang phục như trên, người ta phải tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, in sáp ong, thêu hoa văn, cắt ghép, khâu. Tất cả các công đoạn làm ra bộ trang phục đều do người phụ nữ Dao Tiền đảm nhiệm. Người đàn ông trong nhà chỉ có thể giúp làm xa quay sợi, đóng khung dệt vải, làm con thoi để cuốn sợi… Trẻ em thì giúp thu hái và phơi bông.

Chiếc khăn đội đầu được làm bằng vải bông trắng khổ rộng 30cm, dài 1,2m. Khăn được thêu hoa văn theo kiểu đường diềm và tạo thành hình vuông ở hai đầu. Phần giữa của khăn được thêu một vài họa tiết nhỏ. Khăn nguyên bản trước kia được thêu bằng chỉ đen, hiện nay có thể cải biên thêu thêm các loại chỉ màu. Khi đội lên đầu, người ta vắt chéo hai đầu khăn trước trán tạo nên hình sừng ở hai bên đầu rồi gấp hai hình thêu lên đỉnh đầu. Tương truyền, khi người Dao Tiền rời quê cũ đi tìm vùng đất mới phải vượt qua biển rộng, người cha vì già yếu không đi theo các con được đành phải ở lại quê cũ. Khi những chiếc bè mảng rời xa bờ thì đoàn người nhận được tin người cha già ở quê đã mất, đau đớn tiếc thương cha, người anh cả bèn lấy tấm vải bông xé ra thành nhiều mảnh nhỏ và đưa cho mỗi người một mảnh đội lên đầu, hướng về quê cũ bái vọng để tang cha. Từ đó mà Người Dao Tiền mới có khăn đội đầu màu trắng. Sau này, cái khăn đội đầu trong bộ trang phục được người ta thêu các họa tiết bằng chỉ đen vào hai đầu khăn để phân biệt với khăn tang.

Nghệ thuật thêu thùa của người phụ nữ Dao Tiền thể hiện tập trung nhất ở chiếc áo. Áo phụ nữ Dao Tiền dài gần đến đầu gối gồm bốn mảnh vải ghép lại. Người ta thêu từ hai vạt trước đến hai mảnh vải thân sau. Hai tay áo được thêu riêng. Hai thân trước gồm những đường thêu nẹp áo, thêu vạt áo, hình con chim, hình con chó, con dê, hình chữ thập ngoặc ở phần sát gấu vạt.

Hai thân sau được thêu nhiều hình con chó, con dê, con chim, cây thông, hình người; phần thắt lưng thêu hình hai quả trám lớn đối xứng. Phía sau gáy thêu hình chữ U vuông hai lớp để hứng chùm tiền xăng căng đính từ phần nẹp cổ áo rủ xuống. Sau khi thêu từng mảnh vải xong, người ta khâu ghép lại thành áo rồi mới thêu phần viền gấu áo thân sau và hai tà áo thân trước với những đường thêu dài bằng chỉ nhiều màu chủ yếu theo kiểu trang trí đường diềm. Sau nhiều đường thêu thì đến phần ghép những miếng vải xanh, trắng đã được cắt, vê nhỏ, khâu lại chỉ bằng que đũa. Gấu áo được ghép càng nhiều sợi vải càng đẹp. Chỗ xẻ tà áo cũng được ghép tương tự như gấu áo thân trước và thân sau. Khi mặc vào, phần vải vê nhỏ ghép vào nhau ở chỗ xẻ tà sẽ dựng lên như kiểu cổ áo, tạo ra dáng vẻ đặc biệt cho phần tà áo.

Hai tay áo được thêu hoa văn nhỏ trên cánh tay, thêu gấu tay và cũng ghép những sợi vải đã vê tròn vào gấu tay áo như phần gấu áo. Sau khi thêu xong thì ghép vào thân áo. Áo có tám chiếc cúc bạc hình nửa vòng tròn và một chiếc hình tròn được đính hai bên nẹp áo. Khi người ta mặc áo, hai hàng cúc nửa vòng tròn đối xứng và chiếc cúc hình tròn ở dưới cùng như khóa hai hàng cúc lại. Cúc bạc màu trắng sáng nổi bật trên nền vải chàm xanh và họa tiết bằng chỉ màu trên phần nẹp áo tạo nên sự hài hòa và sang trọng cho bộ trang phục. Họa tiết trên những chiếc cúc bạc rất giống họa tiết của trống đồng Đông Sơn. Điều này có thể do những người thợ bạc ở miền xuôi lên miền núi chạm khắc bạc cho bà con người Dao tạo ra. Khi mặc áo, người ta mặc chiếc yếm thắt dây bên trong, màu vải bông trắng và hình thêu hình quả trám bằng chỉ nhiều màu lộ ra ở phần cổ áo do hai vạt trước được vắt chéo trước ngực. Vì thế, phần cổ áo ở cả phía trước và sau đều rất kín đáo nhưng nổi bật và sang trọng, gợi cảm.

Trong các họa tiết của chiếc áo, nổi bật là hình ảnh những con chim lớn, những con dê, con chó. Hình ảnh con chó liên quan đến quan niệm về vị vua Bàn Vương của người Dao xưa, đó là con chó thần giúp Bình Vương diệt Cao Vương, được vua Bình Vương gả công chúa và phong vương (tiếng Dao gọi là Piền Huùng tức Bàn Vương). Sau đó Bàn Vương sinh ra mười hai họ người Dao. Trước kia người Dao kiêng ăn thịt chó, người ta nuôi chó như những người bạn trong nhà, không bao giờ mổ thịt hay bán chó nhà. Điều đó thể hiện sự trân trọng đối với nguồn gốc của tộc người và cũng chính là quan niệm về nhân sinh của người Dao.

Nếu nói rằng chiếc áo là sự tập trung nhất của nghệ thuật thêu thùa của người phụ nữ Dao Tiền thì chiếc váy trong bộ trang phục ấy lại là nét đặc trưng nhất. Bởi trong chín ngành Dao ở Việt Nam hiện nay, chỉ duy nhất trong trang phục của ngành Dao Tiền là có áo và váy, còn trang phục của các ngành Dao khác đều gồm áo và quần.

Để chuẩn bị làm ra chiếc váy, người ta chọn sáu hoặc tám mảnh vải bông trắng dài khoảng bẩy mươi đến tám mươi phân để in sáp ong từ khoảng giữa đến gấu. Sau khi in sáp ong, những mảnh vải đó được nhuộm chàm. Đủ thời gian được vớt lên, phơi khô, gỡ bỏ sáp ong. Phần vải được sáp ong bám vào sẽ không ngấm chàm nên giữ nguyên màu bông trắng. Những đường in sáp ong dích dắc nổi bật trên nền màu chàm xanh tạo nên vẻ đẹp nền nã mà quyến rũ vô cùng. Các mảnh vải đó được khâu ghép lại, phần cạp được xếp nếp và bọc bằng miếng vải bông trắng để chiếc váy có độ bồng, phần gấu có một đường viền thêu và khâu ghép bốn sợi vải xanh trắng được vê nhỏ như phần gấu áo. Váy không khâu quây tròn mà để thành một mảnh dài có đính dây buộc ở phần cạp của hai mép cạp váy, khi mặc thì chập hai bên mép cạp váy và buộc dây lại tạo nên sự mềm mại uyển chuyển theo nhịp bước của người phụ nữ. Họa tiết in sáp ong trên váy giống như hình những con sóng nối đuôi nhau dập dềnh trên biển. Có lẽ tộc người tự nhận mình là Kềm miền (có nghĩa là người rừng) đã trải qua nhiều cuộc vượt biển, vượt qua sông nước để tới được những vùng đất mới. Họ không thể quên hành trình khó khăn nguy hiểm nhưng vô cùng dũng cảm nên đã mô tả cảnh sông biển trên bộ trang phục của mình. Cùng với đó là hình cây thông, hình chim phượng hoàng, hình mặt trời… Các họa tiết không nhiều, không rối, rất hài hòa và nổi bật. Điều đó đã thể hiện tâm hồn phóng khoáng, sự rung cảm trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và tài năng nghệ thuật của cả một tộc người. Có thể thấy đây là một phần trong quan niệm về thế giới và ý thức chế ngự thiên nhiên của người Dao.

Trong các phụ kiện đi kèm bộ trang phục phụ nữ Dao Tiền thì đôi xà cạp để quấn chân là phải thêu kỳ công và khó nhất. Vì cần phải thêu kín các hoa văn trên mặt vải bằng chỉ màu và sau khi thêu xong thì mảnh xà cạp không phải là miếng vải phẳng nữa mà có hình khum khum một chút, khi quấn vào bắp chân phải ôm khít, không thể lỏng ra được. Thắt lưng thì được dệt bằng chỉ màu gần giống dây buộc bao dao của người Tày, khổ rộng tám đến mười phân. Người ta cũng có thể dùng cả khăn nhiễu xanh để làm thắt lưng.

Các thiếu nữ Người Dao ở Tuyên Quang (Nguồn: Doingoai.tuyenquang.gov.vn)

Nổi bật trên bộ trang phục của người phụ nữ Dao Tiền là trang sức bằng bạc trắng. Đó là vòng cổ, hoa tai, vòng tay, xà tích. Các cô gái nhà giàu hay các cô dâu mới có thể đeo trên cổ, trên tay cả chục chiếc vòng bạc. Vì lẽ đó mà người Dao Tiền còn có tên là người Đeo Tiền. Những chiếc vòng cổ, vòng tay không phải là những vòng tròn trơn mà là những thỏi bạc hình lục giác hoặc ngũ giác, tam giác và được chạm khắc bằng những họa tiết rất đẹp rồi mới uốn tròn lại thành vòng.

Để giữ được nghệ thuật thêu, in sáp ong và làm ra bộ trang phục, người phụ nữ Dao Tiền đã truyền dạy cho những người con gái, cháu gái từ khi còn nhỏ. Vào dịp tháng giêng, những người mẹ, người bà kiên nhẫn chỉ bảo từng đường kim, mũi chỉ, từng nét in sáp ong. Sự kiên trì đó đều có kết quả, những người con gái Dao Tiền trước khi về nhà chồng đều tự làm trang phục cho mình. Rồi họ sinh ra con gái thì lại tiếp tục truyền dạy. Việc truyền dạy cứ tuần tự, tự nhiên như giữ cho ngọn lửa cháy mãi trong bếp lửa của ngôi nhà. Vì thế, những người phụ nữ Dao Tiền từ đời này qua đời khác là những người giữ gìn, bảo tồn một phần văn hóa dân tộc mình qua bộ trang phục.

Người Dao ở Việt Nam chủ yếu định cư ở các tỉnh biên giới phía Bắc, vùng trung du, miền núi, hiện có khoảng trên 750 nghìn người. Người Dao được chia thành các ngành Dao như: Đại Bản, Áo Dài, Dao Tiền, Cóc Mùn, Cóc Ngáng, Quần Trắng, Quần Chẹt, Thanh Y, Thanh Phán. Cho đến nay, người Dao ở Việt Nam cơ bản vẫn bảo tồn, gìn giữ, phát huy văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc. Và bộ trang phục của người phụ nữ Dao Tiền có thể gọi là bộ “biên niên sử” bằng nghệ thuật của tộc người có lịch sử thiên di. Nó thể hiện quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan; về công, dung, ngôn, hạnh cần phải có của người phụ nữ Dao Tiền.

Bàn Thị Ba

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy