Giặc dốt – thư viện & sách sau 71 năm
VNTN - Ba năm sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", với mục đích: Diệt giặc đói; Diệt giặc dốt; Diệt giặc ngoại xâm… Và hơn 70 năm sau, “giặc dốt” vẫn chưa thể diệt mà biến thể ở nhiều hình dạng khác nhau, trong đó chuyện đọc sách - một kênh thu nạp kiến thức tổng hợp đối với người Việt Nam vẫn là một thứ xa xỉ.
Trong một điều tra của thế giới, trung bình mỗi năm mỗi người Việt Nam chỉ mua 2,5 USD tiền sách, Trung Quốc là 10 USD, còn các nước phát triển châu Âu số tiền này là 300 USD. Và trong một thống kê hàng năm dựa trên báo cáo của các thư viện gửi về Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm, tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn.
Từ năm 2011, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động, sự kiện cho ngày Hội đọc sách 21/4 hằng năm và cũng xây dựng đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030", với số tiền 230 tỷ đồng, nhằm hình thành thói quen và nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào đọc sách trong xã hội. Nhưng có một thực tế ở Việt Nam, sách là một thứ xa xỉ với đại đa số người dân, nên đọc sách cũng trở thành một điều kiện nâng tầm dân trí để “diệt giặc dốt”, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Một thư viện huyện vắng bạn đọc Nguồn: internet
Thư viện Việt Nam chưa là điểm đến để đọc sách
Chỉ 6 ngày sau khi tuyên bố Độc lập, ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 13 chuyển giao các thư viện công trong đó có Thư viện Pierre Pasquier về cho Bộ Quốc gia Giáo dục quản lý. Ngày 20/10/1945 Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ra quyết định đổi tên Thư viện Pierre Pasquier thành Quốc gia Thư viện. Ngày 31/1/1946, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Sắc lệnh 18- SL quy định chế độ lưu chiểu văn hóa phẩm trên toàn cõi Việt Nam...
Điều đó chứng tỏ rằng từ năm 1945, Nhà nước ta đã coi công tác thư viện là sự nghiệp của mình. Và đây cũng như một kênh để làm cơ sở cho việc “Diệt giặc dốt” sau này.
Nhưng 71 năm sau nhìn lại, cho dù có nhiều đổi mới trong công tác thư viện phù hợp với sự phát triển khoa học công nghệ thế giới, nhưng thư viện ta vẫn cứ èo uột, vắng khách, gần như chỉ là nơi dành cho một thiểu số ai làm công tác nghiên cứu, chứ không còn là điểm đến của những người thích đọc sách…
Hiện tại, ở Việt Nam, có rất nhiều mạng lưới thư viện với số lượng không hề nhỏ. Mạng lưới thư viện công cộng bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 64 thư viện cấp tỉnh, 587 thư viện cấp huyện, gần 10.000 thư viện, tủ sách, phòng đọc sách ở cơ sở do ngành Văn hóa - Thông tin (VHTT) xây dựng. Ngoài ra còn có 10.000 tủ sách pháp luật xã, trên 7.000 phòng đọc sách trong các điểm Bưu điện - Văn hoá xã, trên 400 thư viện, tủ sách đồn biên phòng. Mạng lưới thư viện nhà trường (thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo) với gần 250 thư viện trong các trường đại học, cao đẳng; trên 19.000 thư viện trong trường phổ thông các cấp. Mạng lưới thư viện trong các viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước (do các Bộ, ban, ngành thành lập) với hơn 60 thư viện các viện nghiên cứu khoa học, trên 200 trung tâm thông tin - thư viện các Bộ, ngành. Mạng lưới thư viện, phòng đọc sách trong quân đội gồm thư viện Quân đội và hàng nghìn thư viện, phòng đọc sách ở đơn vị cơ sở.
Nhưng theo báo cáo thống kê mới nhất 7/2015, hiện nay trên toàn quốc chỉ có 564.133 người đăng ký sử dụng thư viện công cộng thường xuyên, như vậy, nếu tính với tỷ lệ dân số nước ta hơn 90 triệu người thì chỉ có 0,057% người dân đến đọc sách, mượn sách ở thư viện công cộng. Đây là con số gây sốc được bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đưa ra trong hội thảo xây dựng đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030”.
Ngoài ra, sự phát triển không đồng đều, nhiều khoảng cách chênh lệch giữa các mạng lưới thư viện, giữa các thư viện trong cùng một mạng lưới, giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi. Tính ra, gần 40.000 dân mới có một thư viện công cộng và 4 người dân mới có một bản sách trong thư viện. Là một nước nông nghiệp, nhưng mạng lưới thư viện ở nông thôn còn chưa được chú trọng phát triển đúng mức, chỉ có 30 thư viện cấp huyện trên tổng số 600 thư viện có trụ sở độc lập, còn lại 570 thư viện huyện đang nằm trong các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Theo bà Ngà, sở dĩ có con số đáng buồn và đáng báo động này là do hệ thống thư viện ở cấp huyện, cấp xã hiện nay đang hoạt động rất yếu kém, không được quan tâm đúng mức. Những năm gần đây, việc đọc ít được quan tâm. Tại các thư viện, dù có được xây dựng khang trang cũng thiếu vắng độc giả.
Cùng với số lượng người đọc thưa vắng, vị trí của các thư viện cũng ngày càng mờ nhạt. Có rất nhiều thư viện được biết đến như địa điểm cho thuê các dịch vụ hội nghị, đám cưới, tiệc tùng liên hoan… Có những thư viện trở thành nhà hoang đóng cửa cho mạng nhện giăng, mối xông… và xuống cấp.
Và sách trở thành món quà xa xỉ
Văn hóa đọc đang hồi sinh. Nhưng đó vẫn là câu chuyện của thành thị, nơi tập trung đến 12.000 nhà sách và cửa hàng tư nhân, chưa kể đến thư viện. Còn nông thôn và miền núi thì sao? Thiếu và yếu vẫn là cụm từ mà rất nhiều người nói đến.
Ngay giá sách cũng là một vấn đề không phải ai thích - muốn đọc sách cũng giải quyết được. Sách cho thiếu nhi, một cuốn mỏng dính 20 trang khổ nhỏ như bàn tay giá đã 10.000 đồng (bằng 1kg gạo loại thường), nên bỏ ra vài chục ngàn đồng mua một cuốn sách với người đọc ở nông thôn hay miền núi quả là khó.
Theo dự thảo đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030”, đến năm 2020 phấn đấu 40% các phương tiện truyền thông đại chúng có chuyên mục giới thiệu sách; 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại; 30% xã có thư viện cấp xã; 6 bản sách/người dân.
Kinh phí thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong công đồng giai đoạn 2015-2020”, riêng cho thư viện huyện nông thôn và miền núi (60 tỉ đồng) trong 5 năm và định hướng tới 10 năm nữa mà số tiền chỉ có vậy? Hỗ trợ hay tài trợ được bao nhiêu đầu sách/ thư viện/ năm? Sách với giá thành như hiện tại mà không có một sự hỗ trợ - tài trợ ưu tiên nào của nhà nước hay của các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách… với nông thôn, miền núi không chỉ là ở thư viện mà còn các điểm đọc sách văn hóa huyện - xã - thôn - làng, thì việc sách đến người đọc ở vùng này sẽ là một thứ “quà” xa xỉ, khó mà được đọc một cuốn sách như ý nguyện.
Cuộc chiến “Diệt giặc dốt” cho đến thời điểm kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Việt Nam vẫn đang còn tiếp diễn mà một trong những mặt trận chiến lược quan trọng chính là Sách - Thư viện - Văn hóa đọc ở Việt Nam, không chỉ có ngành Văn hóa - Thông tin mà cần phải có sự chung tay của nhiều ngành phối hợp.
Kinh phí thực hiện đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (giai đoạn 2015 - 2020) từ ngân sách nhà nước khoảng 230 tỉ đồng (vốn sự nghiệp), được chi cho các hoạt động: Thư viện huyện nông thôn và miền núi (60 tỉ đồng); Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc (15 tỉ đồng); Cung cấp tài liệu hướng dẫn phương pháp đọc sách và khai thác thông tin cho giáo viên, cán bộ thư viện (20 tỉ đồng); Trang bị ô tô lưu động cho các thư viện công cộng cấp tỉnh (25 tỉ đồng); Đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thư viện, biên tập, xuất bản, in, phát hành (30 tỉ đồng); Xây dựng bộ sưu tập số quốc gia và sách số cho nông thôn (30 tỉ đồng) và kinh phí quản lý thực hiện đề án là 15 tỉ đồng. |
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...