Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
02:04 (GMT +7)

Ghép ảnh, nên hay đừng?

VNTN - Rất nhiều năm sau này, người ta đã chứng minh rằng bức ảnh nổi tiếng về vị tướng lừng danh Ulysses S. Grant ngồi trên yên ngựa, xuất hiện oai phong trước quân đội như đang đi thị uy cổ vũ binh sĩ trong cuộc nội chiến nước Mỹ, là được ghép từ ba bức ảnh khác nhau. Trước thế chiến thứ hai - từ một bức ảnh Hitler đứng vung tay diễn thuyết trên diễn đàn, một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng đã ghép thêm những tờ dolla đang trút xuống bàn tay vung lên đó. Báo chí của những quốc gia chống phát xít trên khắp thế giới đăng lại bức ảnh ấy, nhằm cười cợt một nhà độc tài đang đốc thúc nguồn tài chính cho việc chạy đua vũ trang. Rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, những tiếng cười chợt tắt lịm, khi chiến tranh lan khắp châu Âu và nó bùng lên - lôi cả thế giới vào một cuộc đại chiến tàn khốc.

Có thể nói, ghép ảnh đã ra đời và tồn tại song hành với từng giai đoạn trưởng thành của nền nhiếp ảnh. Mục đích của việc ghép ảnh, ban đầu xuất phát từ thực tiễn bối cảnh khi ghi hình vốn không được hoàn thiện. Các tấm phim có đế bằng thủy tinh trong suốt (sau này đế phim một phần được cải tiến làm bằng plastic), được tráng trên bề mặt một lớp nhũ tương bắt sáng. Sau khi chụp và phim được tráng ra, nhà nhiếp ảnh dùng bút lông đắp mực cho dày thêm, hoặc dùng dao mảnh (hoặc mép sắc của mảnh thủy tinh bị đập vỡ) cạo mỏng đi phần nào đó của lớp nhũ tương, công đoạn này nhiều người ở ta quen gọi là retouch (chấm - sửa) mục đích thông thường, làm tăng hay giảm (thậm chí mất đi) một chi tiết nào đó mà nhà nhiếp ảnh cho rằng sẽ không có lợi cho bức ảnh. Vì nhu cầu của kích cỡ, với những bức hình không cần in quá lớn, nên người ta có thể “ghép” trên ảnh rồi chụp lại - để sau đó sao chép ra nhiều ấn phẩm giống nhau mà mắt thường khó nhận ra những lỗi kĩ thuật lồng ghép ở sản phẩm cuối cùng. Bằng phương pháp thủ công, ngày xưa có những người chuyên nghiệp làm công việc này, họ nổi tiếng nhờ khéo léo và sáng tạo… Mặt khác, thể theo yêu cầu sử dụng, các hãng sản xuất phim, giấy còn chế tạo ra một số loại phim mà lớp nhũ tương chỉ có thể thu nhận được một vài gam màu trong dải quang phổ. Các chuyên gia thường dùng những loại phim này cho việc giám định những bức tranh cổ đã được tu sửa, tẩy xóa cả từ trăm năm trước. Để gây ấn tượng cho những bức hình, người ta còn sản xuất ra những tấm filter (kính lọc) màu gắn trước ống kính trong quá trình chụp, âm bản phim sẽ nhận tăng hoặc giảm độ tương phản về một màu sắc nào đó.

Phải khẳng định, bằng việc sử dụng hợp lý các nguyên liệu, phương tiện và thủ pháp khác nhau trong quá trình chụp ảnh, chỉnh sửa phim, bức ảnh người ta nhận được cuối cùng đã thay đổi căn bản hiện thực nguyên gốc. Đến thời đại kĩ thuật số, các công cụ phục vụ cho quá trình căn chỉnh trước và sau khi chụp đã được nâng cấp bằng những phần mềm chuyên nghiệp, tiện lợi và dễ sử dụng hơn rất nhiều. Chúng ta cũng nên phân định rạch ròi, về một sự nhầm lẫn nhiều người vẫn thường hay mắc phải, rằng việc “chỉnh sửa ảnh” với việc “sử dụng Photoshop” là hai vấn đề đồng nghĩa với nhau. Thực tế Photoshop và các phần mềm tương tự hiện nay đã được ứng dụng vào tất cả các thiết bị in ấn hiện đại. Nên nói “không Photoshop”, là đã ngang với việc khước từ sự phục vụ của công nghệ số. Sẽ thấy rất phản cảm khi dự một cuộc chấm ảnh công khai, lại có vị giám khảo chỉ vào một ảnh nào đó, rồi cứ luôn miệng nói: “shop”! “shop”! “shop”!

Một tác phẩm bị nghi ngờ "nhân bản" trong ảnh     Nguồn: Internet

Nếu “Photoshop” được hiểu là danh từ chỉ một phần mềm hay một công nghệ và “shop” được coi là động từ chỉ ra tác giả bức ảnh đã thực hiện các bước chỉnh sửa, chắp ghép - ứng dụng từ công nghệ đó để làm ra bức ảnh, thì lại ra một lẽ. Thực tế để Việt hóa một từ ngoại lai, phải có bề dày sử dụng hàng chục năm, đôi khi là cả một thế hệ. Thiển nghĩ, các nhà tổ chức những cuộc thi ảnh cần chỉ rõ những giới hạn mà một thí sinh được phép làm, và phải giải thích cặn kẽ cho ban giám khảo thực hiện được đúng ý đồ của Ban Tổ chức. Hiện tại vẫn có những người trung thành với công nghệ phim - ảnh cũ. Họ tự tạo ra gu chơi cho mình, ít tham gia thi cử vì đã nhận ra dòng ảnh phim không nhận được sự hưởng ứng của số đông, và bị các Ban Tổ chức gián tiếp loại ra - khi chỉ nhận file ảnh dự thi.

Chung quy lại, theo quan niệm của người Việt Nam hôm nay - một bức ảnh như thế nào sẽ được coi là “ghép”? Ví dụ: Theo thể lệ cuộc thi ảnh quốc tế tại Việt Nam lần thứ 10 có ghi: “Ảnh thuộc các đề tài: Động vật hoang dã; Con người & cuộc sống; Du lịch; Sự chuyển động không được chắp ghép. Khi cần Ban Tổ chức cuộc thi có thể yêu cầu tác giả nộp file gốc để xác minh.” Vậy theo quy định đã đặt ra, giả như có một bức ảnh bị nghi ngờ là “chắp ghép” thì phương tiện duy nhất mà Ban Tổ chức dựa vào để phán đúng, sai là dùng: “file gốc để xác minh”. Nếu gặp một người gửi ảnh dự thi chỉ có một chút cầu toàn, thì anh ta hẳn đã đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người kiểm tra file gốc? Và giả như Ban Tổ chức có đủ thẩm quyền pháp lý để phán xử, thì về chuyên môn, tổ chức đã đủ “trình” để theo kịp, rồi kiểm tra được “độ quái” của các “cao thủ”, những người vẫn thường công khai nói là có thể “lừa” được cả dữ liệu trên mục “File Info” của phần mềm Photoshop?

Cũng theo thể lệ những cuộc thi như trên, Ban Tổ chức cố lắm thì cũng chỉ có thể kiểm tra người gửi ảnh dự thi có ghép bằng hậu kì Photoshop hay không mà thôi. Vậy nếu người ta “ghép” trước và trong khi chụp, thì đương nhiên sẽ được coi là hợp lệ?

Việc chúng ta cả đoàn rồng rắn “vác mẫu” đẹp, hợp thời trang đi theo - để gắn họ sống động vào từng hẻm núi, góc ruộng bậc thang. Thậm chí mặc quần áo xúng xính giương cái vó tôm bước cách đều trên gò cát. Rồi cho “sinh động”, chúng ta dùng thiết bị phun khói nhả mịt mờ khiến những ray sáng lọt qua khe bếp nổi bật lên, hay cả cánh rừng non chợt “rung rinh” ảo diệu dưới nắng sớm. Các thiết bị ánh sáng soi tỏ cảnh xa; tăng thêm chi tiết cho tiền cảnh ở gần lúc bình minh hay buổi chiều tà. Cả những kiểu ảnh chụp chồng; chụp phơi sáng… ,vv và vv - thực chất những động tác đó chỉ làm nhẹ vơi cho công tác hậu kì. Nhưng ta nên gọi đúng nghĩa đen: Ghép trước và trong quá trình ghi hình để “lách luật”. Kiếm file gốc “xịn” để chứng minh tính chất “hợp lệ”, và sự “trong sáng” ấy thực ra chỉ là hình thức - tạo ra sự bất công cho những người đi dự thi, nó còn làm “lầm bụi” môi trường nhiếp ảnh vốn vẫn được coi là bảo thủ ở Việt Nam.

Người viết từng được nghe tâm sự của một số vị đã làm giám khảo nhiếp ảnh. Nếu có tác phẩm nào đó khiến cho vài ba người trong Ban Giám khảo tranh cãi nhau về độ chân thực của nó, cách êm thấm để giải quyết là bơ nó đi, thà cho điểm liệt còn hơn là để nó gây rắc rối về sau! Chuyện “giết nhầm hơn bỏ sót” của thời trận mạc, giờ đang lộ diện ở một lĩnh vực nghệ thuật được coi là trẻ trung và đang phát triển. Hại thay cho những bức ảnh đẹp và hay, lại không có chút can thiệp chắp ghép cả trước, trong và sau khi chụp - vô tình bị đổ đồng với đám ảnh “chắp ghép” vụng về của một số người thực chất cũng là non nghề, mỏng nghiệp.

Một nhà nhiếp ảnh hôm nay được coi là giỏi, khi anh ta thông thạo ở cả khâu ghi hình và làm hậu kì. Nếu có “ý tưởng” thì anh ta sẽ biết rằng “làm giả” trước và trong khi chụp sẽ được coi là có đạo đức và hợp thông lệ. Còn nếu “làm giả” ở thì “hậu kì”, có thể sẽ bị lên án vì phá luật chơi. Chuyện cũng giống như khi ta ăn trứng vịt lộn. Nếu ăn vịt con trước khi nở, thì nó hợp với thói quen, thông lệ của cả xã hội. Nhưng nếu ta thả con vịt non vừa mới chui ra khỏi vỏ quả trứng vào nồi nước sôi để ăn, thì chắc sẽ bị nhốt ngay vào nhà thương điên!!

Nhiếp ảnh là một chuyên ngành nặng tính khoa học. Người ta sử dụng nhiếp ảnh phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Khi dân trí được tăng lên nhờ nhiếp ảnh, thì có nghĩa sản phẩm của các nghệ sĩ đã dần tiệm cận đến giá trị của nghệ thuật. Người xem ảnh thực tế ít quan tâm đến chuyện “bếp núc” của các nhà nhiếp ảnh và những kĩ nghệ mà họ sử dụng. Nhưng để tạo ra công bằng cho những cuộc thi, thì việc Ban Tổ chức tách mảng cho mỗi chủ đề là cần thiết. Nhưng kèm với việc chia tách là sự chọn lựa hội đồng trọng tài, một người cầm còi không thể buổi sáng thổi trên sân bóng đá, buổi chiều lại thấy ông ta xuất hiện trên sân bóng chuyền. Người giỏi nhất hôm nay, ngày mai có thể đã thành lạc hậu. Tại sao nhiều bức ảnh người này thấy đẹp, mà người khác lại nhận ra rằng nó khô cứng?

Một thời người ta đặt ra rằng các nhà thẩm định ảnh thì phải giỏi chuyên môn, đến khi các nhà quản lý nghĩ hễ cứ vắng mình là hỏng việc, thì đâm ra lại là căn cơ gây rối chuyện. Ngày xưa không thấy ai nói ông Hoàng Tư Trai (nguyên Giám đốc Sở Nhiếp ảnh Trung ương, Chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN) đi chấm ảnh bao giờ. Nhưng tại sao thời ấy sau mỗi cuộc thi ảnh, lại luôn tạnh ráo chuyện lùm xùm?

Tác phẩm nhiếp ảnh nào thường làm chính tác giả trân quý nó? Đương nhiên là các bức ảnh đã đoạt giải, bởi nó tạo nên thanh danh, và có thể cả một phần tài chính cho người nghệ sĩ. Nhưng chỉ là những tác phẩm mà người chụp đã dồn hết tâm lực để thực hiện, bền bỉ theo đuổi và cộng với một cơ may mong manh “Trời cho”. Mỗi lần nhìn nó được treo trang trọng trong nhà, là kỉ niệm vui, buồn lại ùa về… Bức ảnh đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời. Nó được bạn bè bình phẩm, ngợi ca vì đã hình thành từ tài năng, phần thưởng của số phận và những ngẫu nhiên chợt tụ hội.

Với những quan điểm khác nhau của người chụp, người sử dụng ảnh và người xem ảnh như hôm nay, chúng ta hiểu rằng những chuyện tranh cãi đã và vẫn sẽ còn nổ ra ở khắp nơi, về nhiều tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng, hay tai tiếng… Rằng “ghép” sau chụp hay “can thiệp” trước khi chụp, thì về bản chất, liệu có gì khác nhau? Hay đó cũng đơn thuần chỉ là sự đánh tráo khái niệm của ngôn từ để biện hộ mà thôi?.

Vũ Kim Khoa

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy