Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
02:14 (GMT +7)

Gánh hàng rau của mẹ

Chiều tà buông xuống, ánh hoàng hôn nhuộm đỏ rực trên cánh đồng làng. Bóng mẹ đổ dài trên mặt ruộng trong chiếc áo nâu sờn, trên tay cầm rổ, liềm. Bỏ những bó lạt buộc bằng tre và lạt bằng bèn lá chuối đã khô vào rổ, mẹ men theo bờ ruộng đầy cỏ xanh tốt để đến ao muống trước nhà. Xắn quần ngang đầu gối, mẹ lội xuống ruộng, tiếng bì bõm của những bước chân, hình bóng mẹ với tiếng ếch nhái tạo nên một bức họa đồng quê đầy màu sắc, yên bình. Mẹ đi tới vạt muống nào xanh mơn mởn mới dừng lại lấy liềm bứt từng khóm.

Cây rau muống nước ở quê tôi sau khi được trồng mọc mậm lớn rất nhanh, lá và ngọn xanh non mơn mởn như hồn quê bình dị. Chúng không cần chăm sóc nhiều, chỉ cần có bùn và nước quá mắt cá chân trở lên là đã vươn lên mạnh mẽ, xanh tốt. Đôi tay thoăn thoắt lướt trên những ngọn rau xanh non, từng ngọn rau muống mập nhất được lựa chọn cẩn thận rồi bỏ vào chiếc rổ tre đã cũ. Mặt trời dần khuất sau rặng tre, bóng tối dần lan tỏa. Mẹ tôi vẫn miệt mài bên ao rau muống, như thể không biết mệt mỏi. Chỉ khi rổ rau đã đầy ắp, mẹ mới đứng dậy, vươn vai cho đỡ mỏi dùng lạt tre, lạt chuối để bó lại thành từng bó rau để ngày mai đi chợ. Mồ hôi lấm tấm trên trán mẹ, thấm ướt cả vành nón. Nhưng đôi mắt mẹ vẫn ánh lên niềm tin, hi vọng. Bởi mẹ biết, những bó rau muống này sẽ giúp mẹ trang trải thêm cho cuộc sống gia đình, sẽ giúp các con có thêm bữa cơm ngon.

Sau bữa cơm tối nhanh, mẹ chuẩn bị thêm cho ngày mai đi chợ nào là những bó hẹ, mồng tơi, bó rau thơm… Dưới ánh điện lờ mờ, mẹ tẩn mẩn, tỉ mỉ nhặt nhạnh từng mớ rau mà cha mới tranh thủ hái chiều nay bó lại thành bó nhỏ cho đầy quang gánh. Sau khi gánh gau đã chuẩn bị gần xong, mẹ lại tất bật muối mùng chua để vài ngày sau mang ra chợ bán. Mùng sau khi cắt lên được mẹ tôi rửa sạch từng bẹ, phơi héo vừa phải, cắt thành khúc, rồi ngâm vào nước muối pha loãng. Những chiếc chum đất nung đã cũ nhưng vẫn vững chãi chứa đầy mùng, nước, muối và một ít tỏi ớt. Mẹ bảo với chúng tôi, mùng muối phải có đủ vị mặn, ngọt và chua thì mới ngon. Mỗi lần mẹ mở nắp chum, mùi thơm chua dịu lan tỏa khắp bếp, kích thích vị giác một cách kỳ lạ. Món mùng chua của mẹ không những được cả nhà yêu thích mà còn được mọi người ở chợ làng này thích thú không chỉ bởi hương vị đậm đà mà còn vì sự chăm chút, tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Nhìn đôi tay gầy guộc thoăn thoắt trong đêm, nhanh nhẹn nhưng cũng đầy vết chai sạn, tôi dụi mắt, hỏi mẹ: Mẹ ơi, sao mẹ không ngủ đi? Mẹ mỉm cười, xoa đầu tôi: Mẹ tranh thủ làm chút việc con ạ. Con ngủ đi, mai còn đi học. Anh em chúng tôi trở mình, thiếp đi lúc nào không hay. Sáng hôm sau thức dậy, mẹ đã đi chợ từ bao giờ. Trên bàn, bát cơm nóng còn nghi ngút khói, bên cạnh là tờ giấy nhỏ mẹ để lại: “Các con ăn sáng rồi đi học nhé. Mẹ đi chợ”. Ngày ấy, anh em tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những nhọc nhằn, vất vả mẹ phải gánh chịu. Tôi chỉ biết, gánh rau của mẹ lúc nào cũng đầy ắp, xanh mướt. Mẹ bán rau nuôi chúng tôi ăn học nên người.

Mỗi buổi sáng sớm, khi ánh mặt trời còn chưa ló dạng, mẹ đã lặng lẽ rời khỏi giường, tranh thủ thời gian khi chúng tôi còn đang ngủ say sưa, mẹ chuẩn bị bữa sáng. Khi những sương còn đọng trên lá, mẹ tôi đã ra vườn sau nhà men men bên giàn mướp đắng. Những quả mướp đắng xanh sẫm, căng mọng như chứa đựng cả vị nắng gió của đất trời. Tay mẹ nhẹ nhàng nâng niu từng quả, tỉ mẩn lau sạch những giọt sương còn sót lại. Rồi mẹ lại cẩn thận hái những quả mướp hương thơm lừng, bầu bí tròn trịa nặng trĩu. Mỗi thứ một ít, xếp gọn gàng cùng rau muống, rau thơm và không thể thiếu những bao mùng chua đầy ắp hương vị của dân dã, đậm đà tình quê, nuôi lớn bao thế hệ, và cũng là niềm tự hào giản dị của gia đình tôi.

Con đường nhỏ dẫn từ căn nhà đơn sơ của chúng tôi đến chợ làng dường như đã quá quen thuộc với mẹ. Những bước chân của mẹ, ngày qua ngày, đã in sâu trên con đường đất, như một bức tranh vẽ lên bằng mồ hôi và công sức. Chiếc đòn gánh cha tôi đã gửi hết tâm tình vào đó, dày công lựa chọn từ những cây tre già, dẻo dai, rồi ngâm vài tháng cho hết sâu bệnh trong thân tre. Sau đó, cha vót nhẵn phẳng phiu để khi cầm, khi gánh không có những mảnh dằm đâm vào bàn tay mẹ, để tăng độ thẩm mỹ và dẻo dai của đòn gánh cha đã hong khô trên bếp lửa hoặc phơi nắng nhiều ngày. Đòn gánh và gióng thật đơn sơ và mộc mạc khi mẹ gánh đầy rau tạo nên âm thanh “kẽo cà, kẽo kẹt” như giai điệu tình yêu của người lao động. Chiếc đòn gánh bằng tre, dù đã nhuốm màu thời gian, vẫn bền bỉ như đôi vai gầy của mẹ, gánh chịu bao nỗi nhọc nhằn của cuộc đời. Mỗi bước chân của mẹ, đòn gánh nhịp nhàng đong đưa theo, nghe như tiếng nhịp đập của cuộc sống nơi thôn quê yên bình. Đòn gánh ấy không chỉ mang theo những sản vật của đồng ruộng mà còn chuyên chở cả tình yêu thương và sự hi sinh thầm lặng.

Chợ làng là nơi mẹ mang gánh rau đến bán mỗi ngày. Mỗi lần tôi được theo mẹ ra chợ, cảm giác ấy luôn mang lại cho tôi niềm vui khó tả. Chợ làng với những tiếng nói cười, tiếng rao hàng, mùi thơm của các loại thức ăn bày bán khắp nơi, chợ làng không ồn ào, náo nhiệt nhưng lại đầy ắp tình người. Mẹ đặt gánh rau xuống, đôi vai thả lỏng sau chặng đường dài. Bà con quanh chợ ai cũng quen với hình ảnh mẹ, dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi. Mẹ không cần phải rao to, bởi ai cũng biết rau của mẹ luôn tươi ngon, đậm đà hương vị quê nhà. Gánh rau của mẹ được đặt cạnh những gánh hàng khác, không quá nổi bật nhưng lại có một sức hút riêng. Những bó rau xanh mướt, tươi non, những bát mùng chua thơm lừng như thể mang cả hương vị của mảnh vườn quê nhà đến với mọi người.

Những người khách quen luôn tìm đến mẹ, không chỉ để mua rau mà còn để nghe những câu chuyện quê mùa. Khi khách ghé đến, mẹ vui vẻ chào hỏi, đôi bàn tay thoăn thoắt chọn rau, cân đo kỹ lưỡng. Mẹ luôn bán đúng giá, không bao giờ nói thách, bởi mẹ hiểu rằng, cái tình người nơi chợ quê này quan trọng hơn mọi thứ. Mẹ thường nói: “Mình làm ra cái gì cũng phải nghĩ đến người khác, con à. Bán đắt quá thì họ khó mua, mà mình cũng không vui.”. Gánh rau của mẹ không chỉ là một nguồn thu nhập mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi. Nhờ gánh rau ấy, tôi được đi học, được mặc quần áo mới thơm phức mỗi dịp lễ Tết. Những năm tháng ấy, tôi chưa từng thấy mẹ than phiền hay mệt mỏi. Mỗi lần nhìn thấy mẹ gánh rau trở về nhà sau một buổi chợ, tôi lại cảm thấy trong lòng dâng lên nỗi niềm thương mến. Chiếc gánh tre già, đôi vai mẹ gầy guộc, nhưng nụ cười mẹ vẫn rạng ngời niềm vui khi thấy chúng tôi chạy ra đón.

Mảnh đất quê tôi nắng đỏ đồng, mưa thâm cả bùn non, để trồng được rau trên mảnh vườn đòi hỏi công sức vun trồng và những giọt mồ hôi của cha và mẹ, cũng chính vì thế mà lưng mẹ ngày một còng vì đôi quang gánh nuôi con khôn lớn từng ngày, làn da sạm đen, đôi vai chai sạn. Những vết chân chim thi nhau đan chằng chịt trên khuôn mặt mẹ, nhưng mẹ không hề phàn nàn và niềm vui luôn hiện hữu từ trong ánh mắt. Trong lòng tôi bỗng ngân nga da diết câu hát “Cho con gánh mẹ một lần/ Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con/ Cho con gánh mẹ đầu non/ Cả lòng mẹ đã gánh con bên trời” trong bài hát “Gánh mẹ”. Bài hát giản dị mà sâu lắng ấy nhưng lại chứa đựng tình cảm sâu sắc, tinh tế không chỉ làm lay động lòng người nghe, cho chúng ta thấy hiện lên cả một bức tranh về tình mẹ bao la, sự hi sinh thầm lặng của mẹ dành cho con cái suốt cả cuộc đời. Chúng tôi như ước muốn “Cho con gánh mẹ một lần”, “Cho con gánh mẹ đầu non”. Mong muốn một lần được thay mẹ gánh vác những nặng nhọc, lo toan của cuộc sống. Đây không chỉ là mong ước bù đắp công ơn sinh thành dưỡng dục, mà còn là lời thỉnh cầu được chia sẻ và thấu hiểu những gian khó mẹ đã trải qua.

Sau những chuyến đi làm ăn xa chúng tôi trở về bên cha mẹ đong đầy những ký ức, kỉ niệm với mảnh vườn đã gắn liền tuổi thơ, sự vất vả, hi sinh của cha mẹ. Trong bát canh rau vặt từ mảnh vườn mẹ hái nấu với hến sông quê đã làm dịu mát đi cái nóng oi ả của ngày hè. Bát mùng chua trộn đều mắm tôm với lá chanh, tỏi, ớt từ bàn tay mẹ làm dậy lên mùi thơm nồng nàn, mỗi miếng mùng chua là một kỷ niệm, là tình yêu thương và sự chăm chút tỉ mỉ của mẹ. Tôi biết, dù ở đâu, làm gì, tôi vẫn luôn mang theo bên mình những bài học quý giá từ mẹ, và gánh rau ấy sẽ mãi mãi là niềm tự hào, là động lực để tôi tiếp tục cố gắng và vươn lên trong cuộc sống.

 

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 20 giờ trước

Mùa thu đa hương

Văn xuôi 1 ngày trước

Mé nhì

Văn xuôi 2 ngày trước

Giếng nguồn

Văn xuôi 2 tuần trước

Ứớc mơ tuyết phủ

Văn xuôi 3 tuần trước

Mía

Văn xuôi 3 tuần trước