Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
17:28 (GMT +7)

Đuổi bắt những “cú chạm” của cảm xúc

VNTN - Công tác ở Hội Văn học nghệ thuật, làm báo Văn nghệ, gặp nhiều văn nghệ sĩ lớn tuổi, không ít lần tôi đã giật mình thảng thốt vì thấy họ quá trẻ trung. Quốc Chính là một trường hợp như vậy. Từ phong cách ăn mặc đến thần thái khỏe khoắn, nhanh nhẹn, khiến người ta cảm nhận Quốc Chính trẻ hơn nhiều so với tuổi 62. Tôi vội vã muốn sửa sai vì bấy nay trót gọi một người lớn tuổi hơn cả bố mình bằng… anh. Quốc Chính xua tay bảo, em nghĩ làm gì nhiều thế, anh em một nhà há chẳng phải vui vẻ, ấm áp hơn sao. Ồ, tôi thực đã ngộ ra, giới nghệ sĩ họ trẻ không chỉ bởi công việc sáng tạo được đắm mình trong cái đẹp, mà còn vì một thế giới tâm hồn rộng mở, vô tư như thế.

Quốc Chính đang ốm, suốt 3 tháng qua anh ra vào viện liên miên vì căn bệnh u tuyến giáp, gout, suy tuyến thượng thận. Các cơn đau đổ dồn vào một lúc khiến người sọp hẳn đi. Bạn bè thương quý vẫn lạc quan, rằng “mấy con vi rút, vi khuẩn thì làm gì được người vốn có thể trạng tốt như gã, chỉ có… gái tơ mới “quật” được”. Dí dỏm đùa vậy thôi, để anh vững vàng mà chiến đấu. Sức khỏe suy giảm, nhưng ánh mắt vẫn hừng lên khi tôi gợi chuyện về đồng nghiệp, tác phẩm, khao khát trong anh lại bừng lên: Lâu không cầm máy nhớ quá, buồn hết cả chân tay rồi. Chỉ mong khỏe nhanh để đi thôi!

Có thể nói Quốc Chính là người biết căn cơ, luôn nghĩ cách làm sao để không phải sống chật vật hay thụ động về kinh tế. Xa quê (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) ra Thái Nguyên khi mới 19 tuổi (1977), anh tự lập chăm chút, vun vén cuộc sống, và chuyện đến với nhiếp ảnh cũng từ một ý nghĩ hết sức thực tế. Đầu những năm 80 thế kỷ trước, khi làm dân buôn đồ điện, anh sắm được một dàn AKai M10 quay băng cối và đôi loa công suất lớn. Không chỉ phục vụ sở thích nghe nhạc cá nhân, anh còn cho thuê đám cưới. Có lần nhìn thấy ông thợ ảnh đeo mỗi cái túi nhẹ tênh, trong khi mình đồ nghề cồng kềnh cả mấy chục ký mà tiền kiếm được có khi ít hơn. Hồi ấy có ông Lâm Ngọc, một thợ ảnh lâu năm mà Quốc Chính quen biết, rất mê bộ dàn AKai này; trong khi anh lại thích cái máy ảnh. Thế là hai người quyết định đổi sang ngang cho nhau. Quả là duyên phận, cái máy ảnh XTRA 1B (Đức) ấy đã mở ra cho Quốc Chính một cái nghề ấm thân.

Điều đặc biệt phải kể, ấy là chuyện Quốc Chính chụp ảnh bằng sự tự “mò mẫm”. Anh bảo: Ban đầu chỉ được ông Ngọc cho mấy cuộn phim và mấy lít thuốc, dặn qua cái nào tráng, cái nào in…, tôi đem về hí hửng chụp. Nhưng lơ ngơ tráng nhầm thuốc, phim tuột mất. Lại phải lóc cóc đem lên hỏi rồi đánh dấu lại. Những ngày mới làm quen, chụp chó mèo, hoa lá, cây cỏ… Tác phẩm lúc thiếu, lúc lại thừa sáng. Cứ chụp rồi rút kinh nghiệm dần, thành “nghiện” lúc nào không hay. Khi thành thạo, tôi tự xuống Hà Nội tìm đổi máy ảnh, mua thuốc và phim về, quây một góc tại nhà tập thể của Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim làm dịch vụ chụp ảnh. Hồi ấy người ta bán phim có kèm vào đó tờ chỉ dẫn. Ví như chụp phong cảnh thì để tốc độ ra sao, trời nắng hay nửa nắng nửa râm thì chế độ thế nào… Cứ mày mò đọc và theo đó làm thôi.

Quốc Chính gặp thời với ảnh dịch vụ. Anh công nhận điều này một cách rất khảng khái. Cái thời chụp 5 kiểu ảnh là được một yến gạo, đã giúp anh gây dựng cơ nghiệp, nuôi con cái ăn học. Những năm giữa thập niên 1980, chụp ảnh là nghề rất thời thượng. Học sinh, sinh viên đông, ngày chụp đã đành, đêm ngồi học trên giường cũng nhờ chụp… Rồi khách từ khắp các xã quanh khu vực Lương Sơn (TP. Thái Nguyên) đến đặt lịch chụp đủ mọi sự kiện nào ăn hỏi, chúc thọ, cưới treo, kỷ niệm…, khiến anh bận bịu ra trò.

Có lẽ vì đi lên từ ảnh dịch vụ, chụp chân dung là chủ yếu, nên khi bước chân vào sân chơi nhiếp ảnh nghệ thuật, Quốc Chính xác định được ngay thế mạnh của mình. Cùng với ảnh chân dung, một chủ đề khác mà anh yêu thích nữa là về cuộc sống đời thường. Sinh ra và lớn lên từ làng, quen thuộc mọi công việc của dân quê, anh thích đưa vào khuôn ngắm những gương mặt, nét sinh hoạt hàng ngày dung dị. Anh thổ lộ rằng, bản thân mê những nét đẹp tự nhiên hiển lộ qua ánh mắt, nụ cười. Để “bắt” được cái hồn của nhân vật tưởng không khó mà khó không tưởng. Nói không ngoa là nhiều khi phải chụp trộm mới có thể thấy được các đường nét một cách tự nhiên nhất. Anh quan niệm, cái gì tự nhiên cũng có sức sống lâu bền hơn. Còn những nụ cười, ánh mắt diễn có chủ đích, chỉ thích được một chốc một lát mà thôi. Có một điều mà Quốc Chính khó khi nào lý giải cho thật đích xác, là cách nhìn ra cái “hồn” nhân vật. Nó rất cảm tính, tác động ngay ở lần đầu chạm mắt. Chỉ cần nhận ra khuôn mặt (không kể già, trẻ, gái, trai) ấy có “nét”, tín hiệu từ đôi mắt sẽ truyền qua sóng não và xoáy thẳng vào tim, tạo sự thôi thúc không thể kìm cưỡng. Theo mạch dẫn của cảm xúc ấy, anh nhất quyết phải săn lùng, theo đuổi cho bằng được. Muốn chụp chân dung đẹp, máy móc tốt là quan trọng. Nhưng với Quốc Chính, thứ quan trọng hơn là sự giao tiếp của người chụp với nhân vật. Anh thường dùng chân máy cố định, ngắm chuẩn khuôn hình, chế độ chụp, tay thì đặt sẵn lên nút bấm rồi vô tư trò chuyện. Và những “cú chớp” được thực hiện khi cảm thấy nhân vật thể hiện được các đường nét thoải mái nhất.

Nếu chỉ nhìn bằng mắt, dễ dàng thấy một Quốc Chính có phần bụi bặm. Phủ trên gương mặt là bộ râu quai nón rậm rì được chăm chút kỹ lưỡng, đeo cặp kính đen vào nữa thì sệt chất tay chơi. Nhìn vậy đố ai dám bắt nạt, hà hiếp được anh. Nhưng trò chuyện thì lại thấy, đó là người ngoài lạnh trong ấm. Hoàn cảnh đã đưa đẩy người đàn ông ấy phải bản lĩnh tự lập từ ngày một mình ra Thái Nguyên học Trung cấp xây dựng 1 (năm 1977), rồi kinh qua nhiều nghề từ thợ xây, bán thịt, làm trong Xí nghiệp vật liệu xây dựng TP Thái Nguyên, công tác ở Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim, từng dạy cho công nhân trong tổ xây dựng của trường đóng gạch men, sau lại nghỉ việc đi buôn và gắn mình với nhiếp ảnh,… quả là cũng bao ngày khổ tận.

Mỗi một chuyến đi, anh luôn tâm niệm là đi để chơi, khám phá đây đó, sau cùng mới là tìm kiếm một cái gì đó. Đi chụp về, xem lại ảnh để nhận ra thiếu khuyết của mình. Xem và ngẫm ngợi nhiều ngày, lại lên kế hoạch cho lần trở lại. Thành tích dẫu cũng có ít nhiều, song anh không muốn kể lể. Điều khiến anh cảm kích, vượt lên trên những danh hiệu, giải thưởng này nọ, chính là món quà tinh thần được đón nhận từ nhiếp ảnh. Hành trình săn tìm khoảnh khắc, đưa được tác phẩm quảng bá đến công chúng, đó là giá trị của việc được sống, được đi, được mở mang tầm mắt và cả trí óc, tâm hồn. Quốc Chính bộc bạch: Đi nhiều, thấy nhiều mảnh đời đói khổ, nghĩ ngược lại mình thấy còn vạn phần may mắn. Lâu nay, hễ đi miền núi là phải mua ít bánh kẹo đem cho trẻ nhỏ, đổi ít tiền lẻ cho những người nghèo khó có thêm miếng đậu, mớ rau… Từ lâu đã thấy tâm can nhẹ nhõm, những bon chen, tị hiềm tự động trôi tuột đi đâu cả…

Quốc Chính khi không đau bệnh vẫn nhúc nhắc chụp ảnh thẻ tại nhà, rồi đi chụp ảnh các sự kiện đổ file (không in ảnh) với mức thu nhập 400-500 nghìn đồng/sự kiện/buổi. Nhưng nếu tính thu nhập bình quân cụ thể hàng tháng thì khó, vì chụp ảnh cũng phụ thuộc tính thời điểm. Nói chung, cùng với khoản lương hưu của vợ, nhiếp ảnh vẫn giúp anh đủ trang trải cuộc sống. Anh bảo, nhìn lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống thì lại hơn khối người, quan trọng nhất là được sống với đam mê, được những người thân yêu luôn ủng hộ. Bây giờ chẳng mưu cầu gì vật chất vinh hoa, chỉ cần sức khỏe mà thôi.

Anh báo tin vui, căn bệnh u tuyến giáp giờ chỉ cần uống thuốc chứ không phải xạ trị. Mừng lây với anh, tin và mong cho anh sẽ toại nguyện mọi điều, để lại có thể đi, lại tiếp tục hành trình đuổi bắt những “cú chạm” đẹp đẽ đến từ cảm xúc.

KIM VIỆT

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục