Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
04:50 (GMT +7)

Đưa văn hóa Việt Bắc vào đời sống thời trang thế giới

VNTN - Nói đến áo dài Việt Phượng, mọi người đều nghĩ ngay đến hình ảnh những tà áo dài truyền thống được chị Hàn Thị Phượng, chủ nhân của Ảnh viện áo cưới Việt Phượng, cách điệu sáng tạo độc đáo trên nền trang phục các dân tộc Việt Bắc. Hàng chục năm qua, các thiết kế áo dài dân tộc đó được biết đến trong các dịp lễ hội, các chương trình thời trang trong và ngoài nước, và gần đây nhất là bộ sưu tập “Hương sắc Việt Bắc”.


Sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên - vùng văn hóa đa dân tộc, chị Hàn Thị Phượng cảm nhận: sẽ thật tuyệt nếu những nét dân tộc vùng miền đa dạng, đặc sắc được kết hợp đưa vào trang phục áo dài - vốn là vẻ đẹp của người con gái Việt. Thế là từ năm 2007, chị bắt đầu thực hiện ý tưởng cách tân những chiếc áo dân tộc truyền thống của những người phụ nữ vùng Việt Bắc dựa trên phom, dáng của những chiếc áo dài truyền thống. Gần mười năm theo đuổi đam mê, từ bàn tay và óc sáng tạo của chị, biết bao bộ áo dài dân tộc cách tân đã ra đời, được khách hàng ở Thái Nguyên và các tỉnh trong cả nước, cũng như nước ngoài đón nhận. Bộ sưu tập áo dài truyền thống “Hương sắc Việt Bắc”, với thiết kế mềm mại, đính kết những họa tiết tinh tế từ thổ cẩm của đồng bào dân tộc vùng Việt Bắc như Tày, Nùng, Mông, Dao, Pà Thẻn… là sự hoàn thiện của ý tưởng đưa văn hóa Việt Bắc vào thời trang.

Bao ấp ủ và tình yêu với nghề được chị Phượng truyền cho con trai - nhà thiết kế trẻ Đặng Việt Tùng, tu nghiệp tại Học viện thời trang London - Hà Nội, nay là Giám đốc sáng tạo Trung tâm Ảnh viện áo cưới Việt Phượng. Và bộ sưu tập “Hương sắc Việt Bắc” chính là tâm huyết của chị đã được Tùng hiện thực hóa. Đêm chung kết “Người đẹp xứ Trà năm 2017”, khán giả đã ngỡ ngàng trước sự xuất hiện đầy ấn tượng của 30 người đẹp trong trang phục dân tộc cách điệu, với những nét đặc sắc trong trang phục của các dân tộc vùng Việt Bắc như Tày, Dao, Nùng, Kinh... thể hiện trên nền áo dài truyền thống.

Hoa hậu Dân tộc 2011 Triệu Thị Hà trong trang phục áo dài Việt Phượng Ảnh: Tony

Với chất liệu chủ đạo là tơ tằm, gấm, thổ cẩm, nhung the… cùng những tông màu chính, những mảng màu thêu tay theo xu hướng hiện đại; trang phục, họa tiết cách điệu nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của các dân tộc. Sự phối hợp các màu nguyên sắc có độ tương phản cao bên nhau khá mạnh bạo, rực rỡ mà vẫn tinh tế. Có những hòa sắc trầm, dịu, hoặc sáng tươi. Các sắc thái khác nhau cho thấy họa tiết trên các trang phục không gò bó, hạn chế trong quy thức hòa màu nào, cho thấy sức sáng tạo mạnh mẽ. Đó cũng là những dấu ấn của sự phát triển trong thiết kế sáng tạo để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng, phong phú về văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam.

Nâng niu từng bộ áo dài dân tộc, chị Phượng giới thiệu tỉ mỉ: Dựa trên những bộ trang phục dân tộc có những phần giữ nguyên, có những phần được cách điệu, làm rực rỡ, tạo vẻ đẹp mới. Kết hợp giữa truyền thống với hiện đại sao cho thật hài hòa, lại không làm mất đi bản sắc dân tộc. Ví như những mảnh thổ cẩm nhỏ hoặc khăn bông đỏ, hạt cườm, hạt nhựa của người Dao… chị vẫn để nguyên như vậy để đưa vào tà áo dài dân tộc. Hoặc như bộ áo dài theo phong cách dân tộc H'Mông, phần tà áo chiếc váy truyền thống của dân tộc H'Mông chỉ dài qua đầu gối một chút thì nay đã được để dài trùm kín chân. Về phần họa tiết, những phần thổ cẩm cũng được chọn lựa và bố trí điểm xuyết ở tà và thân áo, chứ không để nhiều họa tiết như bộ váy H'Mông gốc. Việc bố trí như vậy khiến những bộ váy mang một hơi thở mới, vừa tôn dáng người mặc và người ngắm lại không bị rối mắt.

Ở bộ áo dài dân tộc Tày, vốn tà áo ngắn và rất rộng chị đã cách điệu cho tà áo dài hơn và hẹp đi. Cũng là áo dài Tày nhưng có bộ vải nhung, có bộ vải chàm để tạo thêm màu sắc cho trang phục; cũng là vòng bạc người Tày nhưng được thêm vào các họa tiết cho sinh động, chiếc đàn tính cũng được trang trí đẹp hơn… Trên trang phục người Dao những nét sặc sỡ được biến tấu điểm xuyết để nổi bật trên nền vải chàm sẫm. Màu vải chàm tạo độ thon gọn cho người con gái khi mặc vừa tôn dáng lại tôn da. Chiếc áo kết hợp cùng với họa tiết trên chiếc khăn mấn làm cho khuôn mặt xinh hơn và tôn dáng cao hơn.

Mỗi bộ trang phục của phụ nữ dân tộc thường gắn với những sinh hoạt riêng. Những kiểu dáng, họa tiết hoa văn được lựa chọn đưa vào bộ áo dài Việt Phượng phần lớn là những sinh hoạt đời thường và những ngày lễ vui nhộn như cưới hỏi hoặc lễ hội. Nói về điều này Đặng Việt Tùng chia sẻ: Bộ sưu tập áo dài “Hương sắc Việt Bắc” lấy cảm hứng từ các dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên, nên chú trọng các hoạ tiết truyền thống của các dân tộc đó, kết hợp với kĩ thuật đính cườm, đính hạt, thêu, appique cùng với các hình ảnh cách điệu từ những vật dụng, cách sinh hoạt và những chi tiết trong đời sống như: cảnh họp chợ phiên, các ngày lễ, ngày hội… Qua bộ sưu tập Tùng muốn đưa những hình ảnh đặc sắc của các dân tộc thiểu số dưới góc nhìn thời trang, nghệ thuật đồng thời quảng bá áo dài Việt Nam, quảng bá văn hóa các dân tộc của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc…

Người viết bài vẫn còn nhớ trong lần ra mắt báo giới tỉnh nhà, Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2007 Nguyễn Thị Hoàng Nhung đã xúc động tâm sự: Để được lọt vào top các người đẹp và giành vương miện, Hoàng Nhung không thể quên bộ áo dài dân tộc Tày của Việt Phượng. Mặc bộ áo dài đó làm cho Hoàng Nhung cảm thấy tự tin, tự hào về nguồn gốc và quê hương, điều đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp cô thành công trong cuộc thi.

Áo dài Việt Phượng đã tỏa sáng trên sân khấu các cuộc thi hoa hậu, người đẹp… Nhưng mấy ai hiểu được hết tâm huyết và đam mê của nhà thiết kế trên mỗi sản phẩm họ sáng tạo ra. Chị Phượng kể: Để có những bộ áo dài đẹp, ngoài nung nấu ý tưởng, chị còn phải dụng tâm sưu tầm cả những phụ kiện như những chiếc đàn, chiếc nón, nhiều khi chị phải lặn lội đến những bản vùng sâu vùng xa tìm gặp những nghệ nhân già để đặt làm.

Bộ sưu tập “Hương sắc Việt Bắc” trong đêm chung kết “Người đẹp xứ Trà năm 2017”      Ảnh: A.T

Còn Đặng Việt Tùng lại tâm sự: Thiết kế và cách điệu những nét đặc trưng trong trang phục dân tộc ở Việt Nam không phải dễ dàng vì các dân tộc rất đa dạng. Để kết hợp lại thành một bộ sưu tập người thiết kế cần phải dung hòa nhiều yếu tố như màu sắc, chất liệu, họa tiết. Và làm nên một bộ sưu tập thì bản thân Tùng cũng phải nghiên cứu về văn hóa của từng dân tộc, quá trình này khá lâu cho dù khi bắt tay làm cần phải hoàn thành trong thời gian ngắn. Các giảng viên và cố vấn chuyên môn đào tạo thời trang của Tùng đều là người Anh, Tùng được học quy trình tạo ra những mẫu thiết kế chuyên nghiệp của nước ngoài. Người nước ngoài rất khuyến khích sinh viên tìm hiểu các xu hướng đang thịnh hành trên thế giới nhưng vẫn phải bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc làm sao kết hợp hài hòa với nhau. Và tương lai, Tùng đang cố gắng để làm điều đó vì sử dụng hoa văn thổ cẩm trên các sản phẩm thời trang vừa tạo công ăn việc làm cho người dân và cũng là cách bảo tồn, đưa văn hóa Việt đi vào đời sống thời trang thế giới.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy