VNTN - Tôi đã hơn một lần mơ được đến nơi này. Vì ánh trăng huyền hoặc rót đẫm vạt áo thiếu nữ Chăm khi nàng “tung gầu nước múc trăng vàng, trăng lấp lánh soi đôi hàng”? Vì đường cong mê mải của nữ thần Apsara? Vì mái tháp như ngón tay búp măng nhọn hoắt? Hay vì cái gì tôi cũng không rõ nữa...
Một trăm năm đèn kia vẫn sáng
Vượt hơn một nghìn cây số theo Quốc lộ 1A, hành tiến từ Thái Nguyên về phương Nam, tôi đi qua Thanh Hóa mộc mạc, xứ Quảng oai hùng, Huế dịu dàng, Nha Trang mơ mộng và dừng lại ở Ninh Thuận - đất lạ mà quen với tôi.
Xe cứ theo mép biển mà đi. Đường phẳng lì lượn mềm như mảnh tơ hờ hững bên sóng nước tung trắng xóa.
Tôi may mắn có “hoa tiêu” là anh Thái Sơn Ngọc - phóng viên Báo Ninh Thuận. Con người sôi nổi mà sâu sắc như biển vậy. Chỗ nào trong tầm mắt của tôi cũng nằm trong tầm hiểu biết của anh. Này đây, đường ven biển, con đường chiến lược Quốc gia dài 106 cây số. Này đây, vùng đất khô khát nhất Ninh Thuận, lại có cừu - con vật lông dày là cứu cánh cho nông dân. Này đây, cồn cát di động, lúc dịch xa lúc ở gần, sự kỳ bí của thiên nhiên chưa ai giải thích nổi.
Trên mặt biển xanh như mực, tôi ngắm không chán mắt làng chài bình yên, mỗi chiếc thuyền như một chiếc lá dập dềnh. Đó là làng Sơn Hải (huyện Thuận Nam) - đơn vị Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Cảm xúc trào dâng khi tôi đứng trước Mũi Dinh - nơi gặp gỡ cuối cùng của núi và biển trên đất Ninh Thuận. Ca dao cổ có câu: Mũi Nậy bảy bị còn ba/ Mũi Dinh chín bị không tha bị nào. Nghĩa là, đi qua Mũi Nậy (Phú Yên), bảy bị gạo vẫn còn ba bị, còn qua Mũi Dinh thì ăn cả chín bị gạo chưa chắc đã qua được vì địa hình hiểm trở, nguy nan của vùng biển này. Độc đáo hơn, trên Mũi Dinh nhọn hoắt, ngọn hải đăng có từ thời Pháp, hơn 100 năm qua vẫn sáng đèn dẫn hướng cho tàu bè ngoài khơi.
Dường như ở đây cái gì cũng sống đến kiệt cùng. Nắng thiêu đốt và nho mọng ngọt, cát khô rang và tôm chắc nịch, gió ràn rạt và thịt gà dai săn, biển mặn mòi và mực tươi ngon. Lạ một điều nữa, ở cái nơi nắng như Phan và gió như Rang (cách gọi khác của Phan Rang, Ninh Thuận) sao nhiều quán nghệ sĩ thế. Uống cà phê chỉ là cái cớ cho họ gặp nhau. Đâu đâu cũng thấy bập bùng tiếng đàn, tiếng hát, tiếng đọc thơ…, những vòm hoa rủ lãng đãng, cây cầu cong cong bên nhành liễu tha thướt.
Thiên nhiên khắc nghiệt sinh ra con người lãng mạn hơn thì phải?
Đất nung qua lửa sắc màu trinh nguyên
Chuyến đi càng khó quên khi tôi dừng chân lâu hơn ở làng Chăm Bàu Trúc với sự đồng hành của nhà báo Sơn Ngọc. Da đỏ au như da gốm, anh Ngọc biết từng ngôi nhà, từng con người, từng đường ăn nết ở của người Chăm nơi này. Anh có nhiều bài thơ về làng nghề, trong đó có hai câu mà khi đến đây rồi, tôi cứ xuýt xoa vì nó đúng thực tế, mà lại hay: Đỏ au bình gốm em trao/ Đất nung qua lửa sắc màu trinh nguyên.
Nói làng nghề này đã bao nhiêu tuổi, đến nay chưa tài liệu nào xác minh, nên ta tạm bằng lòng với cụm từ “cổ xưa nhất Đông Nam Á”. Chỉ chạy xe từ trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chừng chục phút, chúng tôi đã đặt chân vào làng gốm Bàu Trúc (tiếng Chăm gọi là Palay Hamuk) thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Toàn làng có 980 hộ, hơn 60% gắn bó với nghề gốm truyền thống mẹ truyền con nối. Theo truyền thuyết, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng. Đến tận bây giờ, các cô gái đến tuổi plú-mơ-thun (tuổi trăng tròn) đều phải học nghề do mẹ truyền cho. Quyền uy của người phụ nữ ở đây rất lớn. Công to việc trọng là do phụ nữ quyết đáp. Ngày lễ, ngày tết đàn bà ngồi khoanh chân giữa chiếu uống rượu tiếp khách, đàn ông loanh quanh bưng mâm rửa bát chờ vợ sai bảo.
Chúng tôi vào nhà một trong những người giữ lửa làng gốm là bà Đàng Thị Gia. 78 tuổi, 63 năm đi quanh bệ nặn gốm, bà nuôi 10 đứa con, trong đó 3 con gái đang nối nghiệp bà. Mặc áo dài bằng vải tơ tằm màu xanh lam, khăn vấn đầu, chân đi đất, bà Gia vẫn giữ thói quen ăn vận của người Chăm bản địa. Chẳng đợi chúng tôi đề nghị đến câu thứ hai, bà xăm xắn bê ra một tảng đất. Thoăn thoắt xoay, vuốt, nắn. Những ngón tay đen đúa như có mắt, khối đất rùng mình biến thành chiếc bình thắt cổ bồng, miệng loe uốn lượn kiêu kỳ, thanh thoát. Làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng chính nhờ những bàn tay tài hoa ấy, họ khước từ máy móc có thể sản xuất hàng loại, năng suất cao hơn. Hoa tay như con dấu in lên thành phẩm. Khách mua dù lâu đến mấy thì người bán vẫn nhận ra đồ vật đó có phải “con” của mình hay “con” của nhà người khác.
Tôi theo chân hai con gái của bà Gia đến khu sản xuất. Mấy đứa trẻ lẽo đẽo đi theo, tay bám vai, mắt nhìn tay mẹ. Tôi xao lòng trước những đôi mắt to tròn đen láy của người Chăm, hàng mi dài cong vút mơ màng ẩn giấu bao điều chưa nói.
Cầm một nắm đất nhuyễn mịn trên tay, chị Đàng Thị Triều cho tôi biết quy trình làm gốm: Đất mua ở cánh đồng sông Quao cách nhà vài cây số. Chỉ có đất ở đấy là làm được đồ gốm Chăm. Sau khi gặt hái xong, cánh đồng vào mùa nghỉ ngơi cũng là lúc người Bàu Trúc đến mua nguyên liệu. Đất mang về phơi cho nỏ, lại ngâm nước cho mềm, nhào nhuyễn, lọc hết sạn rồi trộn với cát sông Quao, cứ 2 đất/1 cát. Lại nhào, đãi, lọc không còn một gợn sạn nhỏ, đất dẻo quánh và mịn như bột đắp thành khối để dùng dần. Chỉ có mấy cánh đồng thôi mà bao đời nay người Bàu Trúc không lo hết đất làm gốm. Bởi đất sinh ra đất, khoảnh ruộng khoét sâu vài năm lại “nở” đầy như cũ. Thiên nhiên kỳ diệu đã bảo tồn làng gốm Chăm như thế. Mẫu mã thì tự mình nghĩ ra hoặc theo đơn đặt hàng của khách. Các nghệ nhân có thể làm hàng trăm loại sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Từ gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy đến các vật dụng cần thiết cho đời sống thường ngày của cư dân phương Nam như ấm đất, khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, lu đựng nước, nồi đất, lò đun than củi…
Trong nháy mắt, sản phẩm đã hiện ra dưới bàn tay tài hoa của bà Đàng Thị Già
Nâng trên tay chiếc bình nâu bóng màu cổ tích, tôi thắc mắc với chị Triều:
- Sao đất sét nung ra lại có màu này?
- Đó là màu nâu giả cổ mà. Khách hàng thích thì chúng tôi làm màu đó, chứ nguyên bản của gốm là màu đỏ.
Ờ mà phải, tôi chợt nhớ đến câu thơ của anh Ngọc “đỏ au bình gốm em trao”.
Công đoạn “thay da” cho gốm khá cầu kỳ. Khối đất tạo hình thành sản phẩm, qua công đoạn vẽ trang trí, phơi ba, bốn nắng rồi mới đem nung. Lạ nữa, không nhà nào có lò nung, mà chất ngay trên sân, củi quấn vào rơm, lửa quấn vào đất, ba đến bốn tiếng đồng hồ cháy rừng rực, lửa tắt cũng là lúc gốm chín hiện ra đỏ au như mặt trời đang lên. Gốm nóng bỏng tay như vậy, lập tức được “ăn khói” trấu. Khói vừa kịp ngấm vào da đất, thì liền lấy nước ngâm vỏ quả điều xịt vào, một màu đen huyền bí cổ kính xuất hiện. Cũng có khi, màu đất trinh nguyên được giữ đỏ au, thường là các vật trang trí ở ngoài trời như thác nước, trụ đèn, chậu hoa…
Hầu hết các nhà làm gốm ở làng Chăm đều có cửa hàng riêng. Không mời chào, săn đón, họ lặng thinh cho khách ngắm nghía lựa chọn, trả lời tận tình mọi câu hỏi của khách. Trên biển hiệu cửa hàng, có cả số điện thoại và địa chỉ email. Người Chăm sử dụng internet để giao dịch, tham khảo mẫu mã, tìm hiểu sở thích khách hàng, nhưng kiên quyết không để máy móc tham gia một công đoạn nào dù nhỏ nhất để làm ra sản phẩm gốm Chăm. Có lẽ chính điều đó đã làm nên nét độc đáo, thu hút nhiều người đến với làng gốm Bàu Trúc.
Viết đến đây tôi chợt nghĩ đến họa sĩ Chế Kim Trung, nhà ở thành phố Phan Rang. Hôm tôi đến có ghé vào ngắm phòng khách, đồng thời là gallery tranh, đồng thời là cửa hàng của chị. Đây quả thực là không gian văn hóa Chăm đặc sệt. Trên tường treo các tác phẩm hội họa như “Lễ hội cầu mưa”, “Sắc màu lễ hội Ka tê”, “Tục cưới Chăm”…; trong tủ kính là đồ thổ cẩm, trang phục dân tộc Chăm do chính chị thiết kế; nhiều nhất là đồ gốm Bàu Trúc: Tháp Chàm, tượng nữ thần, bình hoa các loại. Bàn tay nghệ nhân tài hoa kết hợp với bàn tay họa sĩ tài tình khiến đồ gốm ở đây không còn là sản phẩm mà trở thành tác phẩm. Chị Trung tâm sự: Tôi là người nhà của làng gốm rồi, vì tôi thường xuyên vào đó vẽ lên đồ gốm khi đất còn mềm và mang đồ đã nung chín về, tiếp tục trang trí nâng giá trị sản phẩm bán cho khách du lịch. Họa sĩ dân tộc Chăm Chế Kim Trung đã góp công đáng kể để gốm Chăm đến nhiều nơi trong nước và theo khách du lịch nước ngoài ra thế giới.
Tác giả tại làng gốm bàu Trúc - Ninh Thuận
Dù muốn còn nấn ná ngắm gốm nhưng chúng tôi đành tạm biệt gia đình nghệ nhân Đàng Thị Gia. Bà cầm tay chúng tôi mời: Giỗ Tổ đến chơi nhé. Nói rồi bà chỉ ra sân vận động chỉ cách nhà con đường nhựa. Trong đó có Bảo tàng gốm làng Chăm. Các hoạt động lễ hội, tâm linh, tái hiện cuộc sống cổ xưa của làng diễn ra ở đó. Cứ vào ngày mùng hai tháng bảy âm lịch (trung tuần tháng 10 dương lịch), đồng bào Chăm làng Bàu Trúc lại tổ chức giỗ Tổ tại đền Pôkong Chanh, sau lễ hội Ka Tê tại tháp Pô Klong Garai. Đây là dịp để bà con tưởng nhớ công ơn của ông tổ dạy dân làng làm gốm cho cuộc sống no ấm. Từ ngày được Nhà nước hỗ trợ xây dựng đền mới khang trang, người đến Giỗ Tổ đông vui hơn, với ước nguyện Tổ nghề phù hộ cho dân làng một năm mới bình an, may mắn, thịnh vượng. Nghe bà Gia tả mà tôi thèm được có mặt trong ngày Giỗ Tổ, để xem bà bóng và ông thủ đền tắm tượng, mặc y phục cho tượng thờ, để nghe thày kò ke vừa đàn Kanhi vừa hát ngợi ca công đức tổ nghề.
Nhưng thôi, đành tạm biệt Ninh Thuận.
Chào nắng, gió, biển, cát và xương rồng. Chào làng gốm quyết giữ bản sắc Chăm.
Tôi khao khát một ngày trở lại
Ký. Minh Hằng
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...