Đời vui khi cất lên tiếng hát
VNTN - Nhìn dáng người thon gọn, màu da tươi sáng, đặc biệt là giọng hát vẫn dễ dàng thăng hoa ở những quãng cao vút…, mấy ai nghĩ bà đã 66 tuổi. Luôn sở hữu nguồn năng lượng dồi dào để vui sống, bà bảo tất cả là nhờ âm nhạc.
Nhiều lần bắt gặp cô giáo Trần Thu Thủy trên các sân khấu nghiệp dư, trong những cuộc giao lưu thơ nhạc và hoạt động của Chi hội Sân khấu (Hội VHNT tỉnh), tôi ấn tượng bởi vẻ ngoài vui tươi có phần nhí nhảnh quên tuổi tác của bà. Thứ nữa là ở giọng hát nội lực và giàu tình cảm. Năng khiếu được trời phú cho, niềm đam mê âm nhạc như chảy từ trong huyết quản, một thời bà được gọi là “chim sơn ca” của miền đất Cao Bằng.
Sinh ra và lớn lên ở thị xã Cao Bằng, ngày học tiểu học Trần Thu Thủy là thành viên đội văn nghệ nhà trường, đã đi hát phục vụ nhiều hoạt động trong trường và của địa phương. Mười tuổi bà đã có chương trình thu âm phát trên sóng Đài truyền thanh tỉnh Cao Bằng. Sau này khi về học trường 10+3, khoa Sinh - hóa - địa, Sư phạm Việt Bắc (từ 1971), giai đoạn Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc, với tinh thần tiếng hát át tiếng bom, bà năng nổ tham gia những hoạt động của khoa, của trường và nhiều hội diễn văn nghệ để cổ vũ, động viên tinh thần sinh viên… Nhờ giọng nói truyền cảm và vẻ ngoài ưa nhìn, mới nhập học được một thời gian, bà được tuyển về làm thuyết minh ở Bảo tàng Việt Bắc.
Tới tận bây giờ Trần Thu Thủy vẫn nhớ rành rọt về cái lần Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị có chuyến biểu diễn và tuyển diễn viên tại tỉnh Bắc Thái năm 1971. Biết tin bà đứng ngồi không yên, bởi khát khao được hát, được đứng trên sân khấu và đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp cứ thôi thúc. Vậy là bà mạnh dạn đăng ký “hát thử” tới tận mười bài liền, nào Xa khơi, Người lái đò trên sông Pô Cô, Hò leo núi, Cô gái vót chông, Câu hò bên bến Hiền Lương, Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên, Bài ca năm tấn,.... Lúc đó hát không biết mệt, hát cốt là để thỏa lòng. Thế rồi, bà là người duy nhất được tuyển ở tỉnh Bắc Thái khi đó. Vui mừng viết thư về báo cho gia đình, bà được bố mẹ ủng hộ vì nghĩ con gái mà theo ngành trong quân đội sẽ ổn định hơn. Vậy nhưng, có lẽ âm nhạc đối với bà chỉ có duyên mà không có “phận”, bởi lúc này bà phải đứng trước một lựa chọn hết sức khó khăn giữa sự nghiệp âm nhạc hay là hạnh phúc riêng tư cả đời người. Cuối cùng bà chọn ở lại, tiếp tục nghiệp sư phạm như vốn dĩ đó là định mệnh của cuộc đời, và trở thành cô giáo cũng là ước mong mà bà hằng đeo đuổi từ thưở bé.
Nhắc về cơ hội hiếm hoi được theo đuổi sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp một thời bị bỏ lỡ, bà tâm sự: đến giờ nhiều lúc nghĩ lại vẫn thấy tiếc đấy, vì đó là niềm đam mê cháy bỏng trong tim mình. Nhưng sau bao nhiêu năm theo nghề đưa đò, tôi vẫn được ca hát, dù chỉ ở những sân khấu nghiệp dư nhưng đã thể hiện hết mình, bằng tất cả tình yêu và say mê.
Những ngày sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, bà được phân công tác tại trường Phổ thông cơ sở Tân Thành, khi trường vừa mới thành lập (nay là trường THCS Tân Thành). Chuyển công tác mấy lần, từng dạy ở trường cấp 1 - 2 Cam Giá (1976); năm 1979 chuyển dạy tại trường cấp 1 - 2 Đội Cấn cho đến khi về hưu (nay là trường THCS Nguyễn Du). Ở môi trường công tác nào bà cũng phát huy tài năng âm nhạc, phục vụ các hoạt động của trường, ngành và của tỉnh. Bà kể: “Năm 1979 khi vừa sinh con được 3 tháng, tôi đã theo chân đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ thức thời chuyển quân, giao quân của thành phố Thái Nguyên kết hợp biểu diễn văn hóa văn nghệ phục vụ biên giới. Tại thị xã Cao Bằng, trước tàn dư trận càn phá của giặc Tàu, tôi đã đứng hát ngay ở vườn hoa thị xã phục vụ đồng bào đi sơ tán về, sau đó thì đi đến các chốt hát cho bộ đội (ngày ấy đa phần là sinh viên) nghe. Phải leo lên núi cao đồi dốc, đói và mệt, nhưng nghĩ về nỗi vất vả của các chiến sĩ, tôi lại có thể “rút ruột” mà hát.”
Sinh ra và lớn lên ở thời đoạn khó khăn trong khói lửa chiến tranh, chứng kiến những nỗi đau mất mát của đồng bào, những khúc hát về quê hương đất nước, về lãnh tụ luôn mang đến cho bà niềm cảm hứng mãnh liệt, nguồn cảm xúc đầy đặn. Sau này, khi quyết định dành tình yêu và gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên, thì khi cất lên những bài ca về xứ sở, con người nơi đây lại luôn cho bà cảm giác an lành, may mắn. Thu Thủy thể hiện khá thành công những ca khúc viết về Bác Hồ, về quê hương Thái Nguyên. Những nhạc phẩm nổi tiếng như: Người đẹp Thái Nguyên; Đôi bờ Sông Công; Huyền thoại Hồ Núi Cốc; Hát dưới trời quê Bác; Bác Hồ, một tình yêu bao la… đã ngấm nhuần trong bà đến từng đường gân thớ thịt. Dù thể hiện đã nhiều lần nhưng rồi vẫn xúc động rơi nước mắt. Tham gia các liên hoan, hội diễn, bà đã đạt nhiều giải thưởng: Huy chương Bạc tại Hội diễn giáo dục toàn quốc (1982); giải Nhất đơn ca tại Hội diễn Ngành điện than (1984); Huy chương Bạc tại Hội diễn Làng Sen (1984); giải Nhất đơn ca tại Hội diễn Quân khu I (1985)…
Trong tổ ấm khang trang ngụ tại tổ 1 phường Đồng Quang, niềm vui sau khi về hưu của cô giáo Thủy là chăm sóc, trông lo cháu nội. Nói về cuộc sống viên mãn tuổi xế chiều của mình, bà bộc bạch: giai đoạn khó khăn chung của đất nước, tôi phải vừa dạy học vừa một tay khai phá đất đai vốn vô cùng hoang vu, rậm rạp để lập nghiệp. Lấy chồng, sinh con, cũng chật vật trăm bề, nhưng may mắn là được chồng và gia đình chồng thương yêu. Sau này chuyển công tác, rồi được ở nhà tập thể, tôi cũng xăng xái đi buôn đủ thứ, từ vải vóc đến các mặt hàng nông sản. Cũng cực nhọc lắm chứ, nhưng có lẽ là cái phận tôi được trời thương, người thương nên mọi thứ mới suôn sẻ, an vui được thế này.
Ở tuổi 66, Trần Thu Thủy có một thể trạng khỏe mạnh, tươi trẻ hơn nhiều so với tuổi. Bà bật mí rằng, chiều nào cũng hoạt động thể thao, đánh bóng bàn, đi bộ… Tham gia Câu lạc bộ bóng bàn Thái Nguyên, bà có nhiều cuộc giao lưu trong và ngoài tỉnh, kết nối bạn bè nên tinh thần khá thoải mái. Nghỉ hưu là sẽ được sống một cuộc đời khác, đâu đó người ta bảo vậy, và với cô giáo Thủy thì đúng là thế thật. Năm 2004, bà được kết nạp vào Hội VHNT Thái Nguyên chuyên ngành Sân khấu. Có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, lại có môi trường hoạt động, bà đã nuôi dưỡng niềm đam mê ca hát bằng những ý tưởng dàn dựng các chương trình nghệ thuật cho học sinh, sinh viên để tham gia các hội diễn không chuyên. Không có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ múa, bà thường căn cứ vào nội dung chủ đề, tìm những tác phẩm phù hợp và nương theo ý tứ của lời hát mà thể hiện trong ngôn ngữ hình thể. Không coi đó là một sự lấn sân hay học đòi nghệ sĩ, với bà việc đó chỉ đơn thuần là tạo ra cơ hội để nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc đã chảy suốt bao năm trong tâm hồn mà thôi.
Hát để được “sống” với những xúc cảm chân thật trong lòng mình, cuộc sống của bà luôn vui vẻ, như “chim sơn ca” cứ nhẩn nha “hót”, có gì mà phải nghĩ ngợi đâu!.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...