Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
11:34 (GMT +7)

Đời người xin trải cùng thơ

Chị em tôi cùng về “chung nhà” Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh từ hơn 30 năm trước. Đi thực tế sáng tác, tặng thơ, trò chuyện đã nhiều, vậy mà đến tận chiều hôm nay…


Ngoài kia, gió bấc đầu Đông ào ạt thổi, và trong nhà, hai con người cũng tuổi đầu Đông nhâm nhi chén trà ướp hoa hồng, thung dung ngắm lại một chặng đời, một chặng thơ.

Chị bảo, sang năm nay sức khỏe “xuống” hẳn, ít viết, ít đi hơn. Cái giống chữ nghĩa cứ tưởng nhẹ nhàng mà động nghĩ là mất ngủ và ốm. Ờ thì 64 cái “xuân xanh” rồi còn gì.

Nhà thơ Minh Thắng

Rồi chị kể cho tôi nghe quãng thời gian ít ỏi làm “cô” bộ đội ở Trường Đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan Quân khu 4. Chỉ gần 4 năm quân ngũ nhưng đó là tháng ngày tích lũy quý báu vốn chữ nghĩa cho chị viết văn làm thơ sau này.

“Quê chị ở Nghĩa Đàn - Nghệ An, học hết cấp 3 theo bạn bè đi tuyển quân, chỉ mong được vào chiến trường miền Nam. Thế là 18 tuổi chị trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Vào bộ đội thì làm đủ việc: Ban đầu phục vụ hậu cần, nấu cơm, chiều chiều tham gia bóng chuyền (Hì… nói nấu cơm nhưng chỉ nhặt rau, vo gạo, cả mấy tháng mà vẫn không biết thái thịt); rồi trực tổng đài… Chị tham gia nhiều hoạt động văn nghệ của đơn vị như thuyết trình, hát, ngâm thơ. Thích nhất là trường có hẳn một thư viện, hễ thời gian rỗi là chị chìm vào sách báo để đọc, để nghiền ngẫm. Cũng từ môi trường quân đội, chị thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và trở thành công dân Thái Nguyên là thế.

Chị bảo, trước đây không có ý thức làm thơ. Mà chỉ là tiếng than thở từ cuộc sống bí bách bật ra, vừa là giải tỏa, vừa là chỗ nương dựa tinh thần. Ấy là giai đoạn từ năm 1982 đến 1996: Hôn nhân, con cái và đổ vỡ, chia lìa.

Hai ta sống bên nhau như hai bờ vách núi/ Lưng tựa vào nhau mà mặt ngoảnh đôi phương…

Em ngã vào anh/ như người hành khất/ ngã vào manh chiếu rách trải sẵn bên đường…

Những bài thơ hoảng hốt, đau đớn ngay từ cái tên: “Sợ”, “Vá”, “Đơn côi”, “Nhỡ nhàng”, “Bỏ trốn”, “Người con gái ấy đã ra đi”… sau tập hợp thành ấn phẩm đầu tay 44 bài “Người đàn bà có đôi chân trần” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2003).

Tôi đọc lại tập thơ mỏng mảnh mà nặng trĩu nỗi buồn. Ở mỗi bài, tôi như gặp giọt nước mắt của người đàn bà yếu ớt trước bão giông cuộc đời.

“Vậy rồi mọi thứ cũng qua” - chị Thắng mỉm cười nhẹ nhõm đứng dậy pha ấm trà mới - Nhiều lúc phải cảm ơn cuộc đời đã cho mình thử thách để mình trở nên độc lập, cứng cỏi. Hằng có tưởng tượng được không, mảnh đất hơn trăm mét vuông này chị được nhà nước “cắm” với giá một triệu năm trăm ngàn đồng (năm 1994), trừ năm công tác chỉ còn hơn một triệu. Trong lúc không biết xoay xở thế nào thì ông thầy dạy chụp ảnh đưa máy ảnh cho mượn. Mừng quá, chưa kịp học lắp phim và tháo phim, cứ thế mang máy ảnh ra hiệu, nhờ họ lắp phim rồi “vác” ra Trường Đại học Sư phạm chụp. Thật may đang có lớp học ôn thi cấp tốc. 6 ngày chụp ảnh, chị được hẳn 700 nghìn, vay thêm và mua được chỗ này.

Tôi thì lại nhớ những lần gặp chị ở trường Đại học Nông Lâm (nơi chị công tác). Cổ khoác cái máy ảnh Zenit, chị thoăn thoắt chụp ảnh cho sinh viên. Thêm vào đồng lương ít ỏi để nuôi con, đã đành, tôi còn thấy chị vui, trẻ và tự tin hẳn. Chị cũng “rón rén” bước sang ảnh nghệ thuật. Có các sinh viên nữ tươi trẻ làm mẫu, chị thực hiện bộ ảnh “Tuổi xuân” khá thành công.

“Người đàn bà có đôi chân trần” đã không còn sợ đá nhọn và bóng tối, chị tự tin bước, hướng mắt về phía trước: Ta thanh thản nhâm nhi từng vị rét/ Thấy lòng mình ấm lại. Nếu tập “Rét ngọt” (xuất bản 2006) buồn dịu dàng sâu lắng như thế, thì tập “Giữ lửa” (2010) và “Nấc trầm” (2014), thơ chị đã mang tâm thế của người đồng cảm nỗi đau nhân thế. Chiến tranh khốc liệt và thân phận người đàn bà thời hậu chiến là âm hưởng chủ đạo của hai tập thơ này:

Một mình em trong tận cùng nỗi đau/ Một mình em trong đêm đông buốt lạnh/ Một mình em gục vào đêm khóc… khóc/ Rồi tự lau khô nước mắt/ Như loài thú tự liếm lành vết thương/ Tự mình đứng dậy… (Một mình em trong đêm); “Em yêu anh/ Tình yêu người đàn bà sau chiến tranh trở về/ Như cây lúa nghẽn đồng/ Bất chợt/ Mưa (Người đàn bà yêu). Trong tập “Nấc trầm”, tôi biết một cảnh đời là nguyên mẫu của bài “Thiên sứ”. Bà là Nguyễn Thị Man ở xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên). Một cuộc đời kỳ lạ, ở tuổi 24 đã 3 lần kết hôn, 5 đêm làm vợ, 3 lần nhận tin chồng hy sinh. Chị Minh Thắng hóa thân vào nỗi đau tận cùng ấy: Anh ơi! Người ta yêu nhau để mà hôn/ Để ôm ấp/ Để sinh con đẻ cái/ Mình yêu nhau anh phải ra trận?/ Có lý nào không?/ Có không/ Có không hở anh?

Dăm năm gần đây, thơ Minh Thắng có nét trầm lắng, thanh thản của người đã đi qua năm tháng, điềm đạm thong dong chiêm nghiệm cuộc đời. Tập “Trà lặng” (2020) bình thản và chấp nhận. Mỗi sáng, pha cho mình một ấm trà thơm, nhâm nhi thứ nước tĩnh lặng, ngắm con cháu dần trưởng thành, người đàn bà thấy tâm hồn an yên, trầm tư và dịu dàng. Trong “Trà lặng” không còn nỗi đau sửng sốt, nỗi buồn quằn quại vì lòng người thay đen đổi trắng nữa. Một mình trước chén trà, chị nhìn lại lòng mình, thật sâu, để nâng niu từng thời khắc đi qua:

Về học lại ngày xưa/ Học ăn, học nói, học gói, học mở/ Học yêu thương từ mầm lá nhỏ/ Học nâng niu ngọn gió trong lành. (Mảnh đất quê); Chiều thu bên dòng sông xanh/ Tĩnh lặng nhâm nhi chén trà thơm/ Chút ngọt chát/ chút cô tịnh/ chút đắm say (Trà lặng).

Đọc những câu thơ của chị, tôi bất giác nghĩ đến thiền sư Thích Minh Niệm. Ông viết trong “Hiểu về trái tim” thế này: “Khi nhìn những ngọn sóng lăn tăn trên mặt hồ, có thể ta nghĩ cái hồ này đang bị xáo động. Hay khi nhìn thấy một màu trắng xóa bao phủ trên ngọn núi, ta lại tưởng ngọn núi này chắc đã già nua. Nhưng đó là cái nhìn hời hợt. Khi tâm bình yên, quan sát kỹ hơn, ta thấy cái xáo động kia chỉ là phần trên mặt hồ bị gió tác động, chứ phía dưới mặt hồ vẫn yên lắng. Ta cũng phát hiện ra cái trắng xóa kia chỉ do tuyết phủ, chứ ngọn núi vốn rất xanh, rất trẻ. Khi tâm bình yên, ta sẽ thấy rõ đâu là hiện tượng, đâu là bản thể, đâu là giả tạm, đâu là chân thật…”.

Tự ví mình như trà lặng, chị Minh Thắng đã có được tâm bình yên; yêu từng phút hiện tại quý báu, hài lòng với những gì mình đang có, đó cũng chính là hạnh phúc.

Chúng tôi tạm biệt nhau khi bóng tối len lén về trước ngõ.

Hòa vào dòng người trên phố, tôi bỗng thấy yêu tất thảy mọi thứ quanh mình.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 6 tháng trước

Ma Trường Nguyên - một "trái tim không ngủ"

Xem tin nổi bật 11 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước